Lịch Sử đồng Tiền Việt Nam Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển

Trong nhiều năm qua, chủ đề tiền Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm không chỉ của các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm mà còn của nhiều tầng lớp nhân dân mong muốn tìm hiểu lịch sử phát triển, giá trị văn hóa và bản sắc của đồng tiền Việt Nam. Đã từng có nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước được công bố với những thành tựu nhất định, song cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nào mang tính hệ thống, bao quát toàn bộ tiền tệ Việt Nam trong lịch sử.

lich su dong tien viet nam qua trinh hinh thanh va phat trien
Nổi bật và xuyên suốt trên các đồng tiền do Nhà nước ta phát hành là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu

Vì vậy, để có cái nhìn toàn cảnh về đồng tiền Việt Nam, NHNN Việt Nam - với vai trò là cơ quan của Chính phủ có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiền tệ đã chủ trì Dự án nghiên cứu khoa học cấp Ngành về “Lịch sử đồng tiền Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển”. Dự án này là đề tài nghiên cứu cấp Bộ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của ngành Ngân hàng, được tiến hành một cách độc lập, khoa học, nghiêm túc, có nguồn tư liệu mang đậm dấu ấn lịch sử, công khai, chính thống, có căn cứ khoa học và độ tin cậy cao.

Căn cứ những thông tin, hiện vật đáng tin cậy, qua nghiên cứu nhóm Dự án cho rằng, điểm xuất phát của lịch sử tiền tệ Việt Nam được bắt đầu với sự xuất hiện của đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo do vua Đinh Tiên Hoàng (968-979) cho đúc và lưu hành, đánh dấu sự lên ngôi trị vì của một nhà nước, quốc gia độc lập, tự chủ. Có thể xem đây là mốc son của việc hình thành lịch sử văn hóa tiền tệ Việt Nam vì đó là những đồng tiền do chính nhà nước phong kiến Việt Nam đúc và lưu hành.

Từ thời điểm mở đầu ấy, qua các thời kỳ lịch sử, các đồng tiền Việt Nam đã trải qua một quá trình hình thành và phát triển dài lâu, hết sức phong phú, đa dạng. Đồng tiền kim loại đầu tiên có hình tròn, lỗ vuông, có minh văn chữ Hán được kéo dài qua các triều đại kế tiếp Tiền Lê, Lý, Trần, Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn; tiến đến loại tiền kim loại hình tròn, không lỗ, tiền thỏi nén, tiền thưởng... với các mỹ tự phong phú, sâu sắc. Đến thời Hồ đã xuất hiện các đồng tiền giấy, các loại tiền giấy với đủ kích thước, màu sắc, hoa văn trang trí và chữ in...

Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Kể từ thời điểm này, lưu thông tiền tệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chuyển từ chế độ tiền tệ quốc khố do Bộ Tài chính phụ trách sang chế độ tiền tệ tín dụng do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đảm nhiệm. Đồng tiền tài chính đã được thay thế bằng giấy bạc ngân hàng với đơn vị tiền tệ là đồng. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là cơ quan nhà nước quản lý phát hành và tổ chức điều hòa lưu thông tiền tệ.

Kể từ đó cho đến nay, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (sau này là NHNN Việt Nam) đã thu đổi tiền cũ và tiến hành 6 lần phát hành tiền mới. Lần phát hành tiền mới gần đây nhất là tháng 12/2003 khi NHNN Việt Nam đưa vào lưu thông hệ thống tiền mới trên chất liệu polymer. Hệ thống tiền mới polymer được tiếp tục lưu thông trên thị trường cả nước từ đó đến nay, với nhiều mệnh giá; trong đó tờ có mệnh giá cao nhất là 500.000 đồng.

Đồng tiền Việt Nam, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, ngoài giá trị tự thân luôn là một vật chứng tin cậy phản ứng trung thực, sinh động tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước qua các thời kỳ lịch sử.

Theo đó, từ khi xuất hiện cho đến 1945, việc tổ chức đúc, phát hành và giá trị của các đồng tiền là bằng chứng về tình hình đất nước nói chung, sự hưng vong của các triều đại, của từng vị vua trị vì các vương triều nói riêng. Đặc biệt, đồng tiền Việt Nam từ năm 1945 đến nay có thể được xem là một nguồn sử liệu quan trọng phản ánh sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng XHCN của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, nổi bật và xuyên suốt trên các đồng tiền do Nhà nước ta phát hành là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Trong thực tiễn đời sống, hình ảnh Bác chính là giá trị thiêng liêng, luôn được nhân dân ta trân trọng là tâm bản vị của đồng tiền cách mạng Việt Nam.

Một nét độc đáo làm nên giá trị văn hóa đặc sắc của đồng tiền Việt Nam trong lịch sử đó là ở bất kỳ giai đoạn nào, các đồng tiền Việt Nam cũng đều in đậm dấu ấn bàn tay tài khéo, năng lực thẩm mỹ cao, hết sức độc đáo của những người thợ chế tác. Cùng đó, những tinh hóa, giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam, những di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước, những nét sinh hoạt đậm đà phong vị Việt Nam... luôn được thể hiện nổi bật, trở thành những điểm nhấn gây ấn tượng mạnh trên các đồng tiền.

Từ góc độ tiếp cận ấy, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu dự án có thể khẳng định, trải qua hàng nghìn năm, ngoài giá trị tự thân, đồng tiền Việt Nam xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo vừa phản ánh, vừa trực tiếp tôn vinh và góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam, tinh thần và con người Việt Nam.

Trên cơ sở kết quả sau 5 năm nghiên cứu vô cùng công phu của nhóm tác giả thực hiện dự án này, NHNN thực hiện biên soạn cuốn sách “Lịch sử đồng tiền Việt Nam”. Tại buổi Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2021 và kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng, đại diện NHNN cho biết, ngày 29/4 tới đây, NHNN Việt Nam sẽ tổ chức Lễ ra mắt Cuốn sách Lịch sử đồng tiền Việt Nam.

Theo chia sẻ của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng là chủ nhiệm Dự án nghiên cứu khoa học cấp Ngành về “Lịch sử đồng tiền Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển”, cuốn lịch sử đồng tiền Việt Nam đã được NHNN ấp ủ từ lâu. Có rất nhiều người ngoài đề nghị NHNN với tư cách cơ quan quản lý đồng tiền của nhà nước nên xuất bản một cuốn sách chính thống về đồng tiền Việt Nam. Hiện cũng có rất nhiều sách xuất bản tư nhân có điều kiện nghiên cứu xuất bản, tuy nhiên cuốn sách đó mỗi người đề cập một khía cạnh một góc độ, một khoảng thời gian. Còn cuốn sách này được đề cập một cách tổng thể từ khi có Nhà nước đầu tiên độc lập năm 938 khi dẹp loạn 12 xứ quân, Đinh Bộ Lĩnh thành lập nước lấy tên Đại Cồ Việt cho đến nay, tức là hơn 1.000 năm.

“Tất cả các giai đoạn đều được khái quát nhưng ở một cách nghiêm túc nghiên cứu, có căn cứ khoa học, mỗi đồng tiền có một hồ sơ riêng, phân tích đánh giá về từng đồng tiền, ý nghĩa chính trị kinh tế - xã hội của mỗi đồng tiền phát hành. Khi xuất bản cuốn sách những ai muốn nghiên cứu sâu hơn có thể đến kho lưu trữ của NHNN khai thác thêm. Đây là sự kết hợp trí tuệ của rất nhiều người ở tất cả các lĩnh vực như lịch sử, khảo cổ, bảo tàng… để có được sản phẩm”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ thêm.

Với 650 trang cùng toàn bộ hồ sơ khoa học của hơn 1.200 mẫu tiền, cuốn sách là một câu chuyện lịch sử hấp dẫn, làm nổi bật giá trị văn hóa đặc sắc của đồng tiền Việt Nam. Không chỉ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn đối với ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, cuốn sách còn là nguồn tài liệu có tính giáo khoa, góp phần giáo dục, quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế của tiền tệ Việt Nam, đồng thời cũng là nguồn tham khảo quý đối với cộng đồng, các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm cũng như mọi người dân quan tâm đến tiền Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đây còn là cơ sở khoa học đặc biệt quan trọng và cần thiết cho việc xây dựng Bảo tàng tiền Việt Nam trong tương lai.

Từ khóa » Sự Ra đời Của Tiền Tệ Việt Nam