9 Loại Mắm Ngon Nổi Tiếng Của Việt Nam 3 Miền

Dãy đất hình chữ S luôn nổi tiếng với nhiều món ăn và ẩm thực đặc sắc níu kéo du khách thập phương và du khách quốc tế mối khi nếm trải qua những hương vị mà từng vùng mang mỗi cách chế biến riêng. Du Lịch Nắng Mới xin mời quý đọc giả cùng tìm hiểu và khám phá thêm những món mắm ngon nổi tiếng 3 miền đất nước bên dưới để có dịp thưởng thưởng khi ghé qua.

 

1. Mắm tép (Ninh Bình)

Mắm tép Ninh Bình

Ảnh: Internet

 

Mắm tép ở Ninh Bình nổi tiếng đã lâu, nhưng không ai xác định được món ăn này xuất hiện từ bao giờ. Thành phần chính để làm nên mắm tép là những loại tép riu còn tươi, già, thân tròn nhỏ và có màu xanh lam. Để đánh bắt được tép, người ta phải đi từ sáng sớm tinh mơ, khi thời tiết mát mẻ, đánh bắt ở chỗ nào có nhiều rong rẻ, rong trơn thì tép mới ngon. Với những người có kinh nghiệm riu tép, hàng năm vào khoảng tháng 11 và tháng 12 âm lịch, khi nước hơi đục một chút thì sẽ có nhiều tép hơn. Mắm tép là một thứ thực phẩm dân dã mà hầu như nhà nào cũng có, tuy nhiên để có thể làm mắm ngon thì phải có đôi bàn tay khéo léo. Người làm phải thực hiện một quy trình nghiêm ngặt, cẩn thận từ khâu đãi tép, sơ chế tép, rang thính, ủ mắm... Sau khi qua sơ chế, người ta phải bịt kín để từ một tháng trở lên mới đem nấu chín. Lúc này mắm mới ngon ngọt, đậm đà, rất hấp dẫn.

 

2. Mắm cáy (Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng)

Mắm cáy (Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng)

Ảnh: Internet

 

Với người dân miền Bắc thì không còn ai xa lạ với mắm cáy nữa. Đây là loại mắm làm từ con cáy - một loại cua sống nhiều ở vùng duyên hải, có màu xanh nâu, vị dịu, mùi hơi gắt. Sau khi bắt được cáy người ta đem làm sạch, để ráo, bóc yếm và giã nhuyễn, được trộn muối theo đúng tỷ lệ rồi cho vào chum vại ủ nơi thoáng mát khoảng 7-10 ngày. Tiếp đó, họ đem mắm ra phơi nắng, phơi sương chừng một tuần cho ngấm. Cuối cùng là trộn thêm thính, men rượu để khử mùi hôi và tạo mùi thơm.

 

3. Mắm tôm (Thanh Hóa)

Mắm tôm (Thanh Hóa)

Ảnh: Internet

 

Mắm tôm ngon nhất phải kể đến là mắm tôm Thanh Hóa với màu tím đặc trưng, hương nồng, mịn, không bị lẫn muối hạt và đặc biệt vị rất ngon. Mắm tôm có lẽ là loại mắm khó ăn nhất, nhưng nếu đã thưởng thức được thì lại rất mê, nhất là ăn với món “bún đậu – mắm tôm”, hay thêm vị vào món bún riêu cua, thịt giả cầy... Không phải làm từ tôm, tép như nhiều nơi khác mà mắm tôm xứ Thanh được làm từ con moi biển đánh bắt ở vùng biển Hậu Lộc. Nghề chế biến mắm tôm có từ lâu đời, xuất hiện vào thế kỷ thứ 12, chính vì vậy người dân nơi đây có kinh nghiệm chọn nguyên liệu và chế biến kỹ từng công đoạn đã tạo ra món mắm đặc trưng riêng.

 

4. Mắm nêm (Đà Nẵng)

Mắm nêm (Đà Nẵng)

Ảnh: Internet

 

Khi đi du lịch miền Trung nếu như du khách đã từng nếm món bánh tráng cuốn thịt heo nổi tiếng ở Đà Nẵng thì không thể không có ấn tượng với món mắm nêm ngon tuyệt. Để làm món mắm này, cá được ướp muối, sau đó ủ khoảng 3 tháng rồi múc ra chén, thêm đường, chanh, tỏi bằm nhuyễn và ớt nguyên trái dằm vào, trộn đều lên với thính, đường là được. Mắm có vị ngon, ngọt, mặn vừa phải nên du khách rất dễ kết hợp với nhiều móm ăn khác nhau như bún, bánh ướt...và nhất là mua về làm quà cho mọi người cũng rất là ý nghĩa.

 

5. Mắm còng (Long An, Bến Tre,Tiền Giang)

Mắm còng (Long An, Bến Tre,Tiền Giang)

Ảnh: Internet

 

Đến với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là trong những chuyến du lịch miền Tây, du khách hãy thử thưởng thức món mắm còng - là một đặc sản nổi tiếng của Long An, Bến Tre, Tiền Giang. Ở mỗi vùng khác nhau thì cách thức làm ra món mắm này cũng có sự khác biệt nhưng nhìn chung những con còng (một loại thuộc họ cua và nhỏ) sau khi được tách yếm, có thể phơi nắng rồi cho vào hũ ủ cùng các loại gia vị trong khoảng 45 ngày. Mắm còng không chỉ được dùng chung với cơm, hay cuốn chấm với thịt luộc, rau sống, bánh tráng, người ta còn dùng mắm còng nguyên chất để tăng vị cho bún riêu để tăng thêm vị ngon.

 

6. Mắm nhum (Bình Định)

Mắm nhum (Bình Định)

Ảnh: Internet

 

Con nhum hay còn gọi là nhím biển được người dân Bình Định đánh bắt để làm nên món mắm nhum nổi tiếng. Nguyên liệu chính để làm nên món mắm này là những con nhum biển. Nhum sau khi được làm sạch người ra sẽ rắc thêm muối rồi cất trong chum, phơi ngoài nắng chừng 20 ngày sẽ chín. Mắm mang màu đỏ rất đặc trưng, hương vị mằn mặn, béo bùi của nhím biển sẽ dễ dàng được du khách cảm nhận chỉ ngay lần nếm thử đầu tiên. Mắm nhum là một trong những đặc sản thú vị của Bình Định, tuy nhiên do độ khó của nguyên liệu cùng cách chế biến, chỉ những người sành ăn hay dân địa phương mới biết tên hay có dịp thưởng thức món ăn này. Chính vì vậy, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức mắm nhum khi ghé qua địa danh này nhé.

 

7. Mắm thái (An Giang)

Mắm thái (An Giang)

Ảnh: Internet

 

Đến với vùng sông nước miền Tây hoặc có thể là trong một chuyến du lịch Châu Đốc - An Giang, du khách hãy ghé thăm An Giang để thưởng thức “vương quốc mắm” ở vùng Châu Đốc. Được mệnh danh như vậy bởi Châu Đốc có một vị trí rất ngư ông đắc lợi - nằm ngay ngã ba sông Hậu, một trong hai nhánh của sông Mekong nổi tiếng với trữ lượng cá trong tự nhiên vô cùng phong phú. Đến đây, du khách sẽ bắt gặp các loại hấp dẫn và đa dạng như mắm cá linh, cá lóc, cá trèn, ba khía, cá sặc... hay nổi tiếng nhất là mắm Thái được bày bán khắp nơi. Mắm thái khác với các loại mắm khác bởi thành phần chính là cá lóc và đu đủ xanh (cả hai đều được xắt nhuyễn, có nhiều giả thuyết cho rằng vì lý do đó mà loại mắm này có tên như thế). Du khách có thể có nhiều cách thưởng thức mắm thái khác nhau, nhưng ngon nhất là ăn kèm với một mâm đầy đủ gồm bún, rau xanh, thịt luộc, bánh tráng. Không những vậy, du khách còn có thể mua về làm quà đặc sản trứ danh.

 

8. Mắm rươi (Trà Vinh)

Mắm rươi (Trà Vinh)

Ảnh: Internet

 

Nếu du khách đã từng nghe đến món chả rươi ngon tuyệt của miền Bắc thì hãy đến Trà Vinh thưởng thức món mắm rươi hấp dẫn không kém. Rươi sau khi vớt lên sẽ được đem rửa sạch rồi ủ trong lu cùng nước và muối hột, cuối cùng đem phơi nắng khoảng 10-15 ngày. Nước mắm rươi sẽ có màu màu vàng óng của mật ong và có một mùi thơm rất đặc trưng. Với loại mắm này, người ta sẽ vắt thêm chanh, ớt là có thể chấm cùng thịt luộc, rau xanh có mùi hăng nồng hay hương thơm mạnh như cải cúc, lá cần, hành hoa cắt khúc, hay húng để có thể dễ ăn hơn cho một số du khách.

 

9. Mắm ba khía (Cà Mau)

Mắm ba khía (Cà Mau)

Ảnh: Internet

 

Mắm ba khía là loại mắm đặc trưng của vùng Nam Bộ (du khách cũng có thể thưởng thức món ăn này qua tour du lịch Cà Mau 2 ngày đang có tại Du Lịch Nắng Mới). Mắm được làm từ con ba khía, một loài thuộc họ cua có càng to, sống tập trung ở vùng nước lợ, mặn, trải từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, nhiều nhất ở U Minh (Cà Mau). Do chúng có ba gạch ở trên lưng nên được đặt tên ba khía, và đặc biệt mỗi năm ba khía chỉ tập trung một lần vào 3 - 4 đêm của tháng 10. Cứ vào mùa nước lên, khi những hang của chúng dưới gốc đước, gốc mắm bị chìm trong nước, ba khía phải leo lên những rễ cây để trú ẩn và giao phối. Để làm mắm ba khía người ta thường chọn con nhỏ, gạch nhiều (gạch son màu đỏ, gạch bùn màu xám), thịt chắc (ngắt càng ra thịt không dính lại ngoe, càng). Ngon nhất là loại đang ôm trứng và không nên chọn con to.

 

Ba khía sau khi bắt về sẽ được rửa sạch bùn đất rồi cho vào nồi hoặc lu có chứa sẵn nước muối. Chất lượng của ba khía sau này phụ thuộc độ mặn của nước muối, công đoạn này đòi hỏi nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm. Sau đó lấy lá dừa nước phủ lên. Ba khía làm “tới” có thể để cả năm không hư hỏng. Phần nước muối còn lại trong khạp sau khi bảo quản ba khía có thể dùng nấu nước mắm rất ngon.

Từ khóa » Các Loại Mắm ở Việt Nam Gồm