AMTI “cập Nhật” Quy Mô Nâng Cấp Và Bồi đắp đảo Của Việt Nam ở ...

Trang amti.csis.org của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI, Mỹ) ngày 23/3 cho biết trong 6 tháng qua, Việt Nam đã tiến hành nạo vét và bồi đắp tại ba thực thể ở quần đảo Trường Sa. Trong năm qua, VIệt Nam tiếp tục nâng cấp và xây dựng các tòa nhà mới trên một số căn cứ, đồng thời sửa chữa những thiệt hại đáng kể trên đảo Song Tử Tây, sau khi cơn bão Rai quét qua khu vực này vào tháng 12/2021.

Theo AMTI, cũng như trước đây, phạm vi tổng thể đợt mở rộng đảo lần này của Việt Nam kém xa so với quy mô xây đảo khổng lồ mà Trung Quốc thực hiện từ năm 2013 đến năm 2016. Tuy nhiên, tiến độ lần này của Việt Nam cho thấy một sự tăng tốc nhẹ về xây dựng cơ sở vật chất ở quần đảo Trường Sa. Điều này có thể khiến Hà Nội phải hứng chịu những lời chỉ trích từ Bắc Kinh và các bên khác, dù các báo cáo sắp tới của AMTI sẽ cho thấy Việt Nam không phải là bên tranh chấp duy nhất vẫn đang tiến hành xây dựng mới ở Trường Sa.

Mở rộng đảo

Tháng 10/2021, Việt Nam bắt đầu nạo vét và mở rộng bồi đắp tại 3 thực thể: Đảo Phan Vinh, Đảo Nam Yết và Đảo Sơn Ca.

Cho đến nay, Đảo Phan Vinh và Đảo Nam Yết đã được bồi đắp thêm khoảng 50 mẫu đất mới trong khi Đảo Sơn Ca chỉ được mở rộng thêm 7 mẫu. Việt Nam dường như đang nạo vét một bến cảng nhỏ tại mỗi cơ sở với các kênh tiếp cận cắt qua các rạn san hô ở vùng nước sâu hơn. Đây cũng là kiểu nâng cấp mà Việt Nam từng thực hiện ở tất cả các tiền đồn lớn trong những năm gần đây.

Để thực hiện nạo vét và bồi đắp, Việt Nam sử dụng tàu nạo vét vỏ sò và thiết bị xây dựng để xúc các phần của rạn san hô cạn và lắng đọng trầm tích trên khu vực được xác định sẽ bồi đắp. Quá trình này mất nhiều thời gian và không tùy tiện như việc Trung Quốc sử dụng tàu nạo vét để xây đảo nhân tạo. Quá trình này cũng khiến khó hình dung khu vực bồi đắp sẽ rộng đến mức nào ở giai đoạn mới tiến hành.

Việt Nam thường xây nhiều dải đất tạm thời cho các phương tiện chạy qua để thu thập trầm tích. So sánh bức ảnh chụp tháng 11/2021 ở Đảo Sơn Ca với bức ảnh gần đây, có thể thấy những dải đất tạm phát hiện hồi tháng 11/2021 đã bị bỏ hoang và đang bị rửa trôi. Chúng chỉ được sử dụng để vận chuyển trầm tích đến khu vực chính của bãi chôn lấp ở mũi phía Tây Bắc đảo, với diện tích khiêm tốn hơn so với dự đoán dựa trên bức ảnh trước đó.

Thiệt hại do bão

Đảo Song Tử Tây, nằm ở cực bắc quần đảo Trường sa, hứng chịu thiệt hại đáng kể do cơn bão Rai hồi tháng 12/2021. Bão làm bật gốc 90% cây cối ở Đảo Song Tử Tây và phá hủy các tòa nhà nhỏ cũng như các tấm pin mặt trời. Ảnh vệ tinh chụp ngày 6/1/2022 cho thấy các tòa nhà chính ở phía Nam Đảo về cơ bản không bị tổn hại, song một số tòa nhà ở góc Đông Bắc bị ảnh hưởng.

Một bức ảnh gần đây hơn cho thấy những mái nhà bị hư hỏng đã được sửa chữa, dù các tấm pin mặt trời dường như chưa được thay thế. Một tòa nhà gần đó cũng đã được sơn mới.

Các hoạt động xây dựng khác

Việt Nam tiếp tục nâng cấp các thực thể khác ở Trường Sa.

Trên Đá Tây, một số tòa nhà được khởi công vào tháng 8/2021 sắp được hoàn thành.

Tại Đảo Sinh Tồn, một tòa nhà mới được xây dựng vào mùa Thu năm 2021 và các khu vực được dọn dẹp để xây dựng công sự phòng thủ ven biển vào năm 2020 hiện đã được thảm thực vật lấp đầy.

Việt Nam cũng hoàn thành việc mở rộng một đồn gác ở Đá Núi Le vào tháng 7/2021.

Kể từ năm 2013, Việt Nam đã nâng cấp 9 trong số 10 căn cứ đảo (trừ Đảo An Bang), 10 trong số 24 đồn gác trên các bãi đá ngầm và 12 trong số 14 nhà giàn ở vùng biển sâu hơn về phía Tây Nam.

Nguồn: TKNB – 25/03/2022

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Bồi đắp đảo Trường Sa Lớn