Việt Nam Tăng Cường Phòng Thủ Tại Quần đảo Trường Sa, Qua đó ...

Các nhà phân tích cho biết bằng cách cải thiện các cơ sở phòng thủ của mình trên Quần đảo Trường Sa và tiến hành một cuộc tập trận hải quân gần đó, Việt Nam đang gửi một tín hiệu đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) rằng sẽ có cái giá phải trả nếu xảy ra đụng độ vũ trang giữa hai bên do các tuyên bố chủ quyền xung đột đối với quần đảo này.

Trung Quốc từ lâu đã bồi đắp các đảo nhân tạo trong chuỗi đảo Trường Sa mà được xếp là “bãi nổi trên biển” trước khi Bắc Kinh ra lệnh cho các kỹ sư quân đội nâng chúng cao hơn mực nước biển thông qua việc xây dựng cải tạo.

Theo tờ báo trực tuyến VnExpress đưa tin, lực lượng Hải quân Việt Nam đã tiến hành các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu ở vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa với tàu khu trục Quang Trung nặng 1.500 tấn vào đầu tháng 4 năm 2021. Các máy bay trực thăng chống tàu ngầm Ka-28 cũng tham gia cuộc tập trận cùng tàu Quang Trung. Con tàu này được trang bị tên lửa chống hạm và chống máy bay.

Những cơ sở hạ tầng được tăng cường của Hà Nội trong chuỗi đảo ở Biển Đông trong những tháng gần đây bao gồm việc lắp đặt những hệ thống phòng thủ ven biển, các miếng đệm và hầm bê tông, các tòa nhà hành chính và một tòa tháp lớn rõ ràng là để phục vụ thông tin liên lạc hoặc công tác tình báo về tín hiệu, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative -AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) đã đưa tin, trong đó đa phần những hoạt động mở rộng xảy ra trên đảo Sinh Tồn và Đá Tây, trong ảnh. Những cơ sở hạ tầng tương tự đã xuất hiện trên các phần khác của quần đảo Trường Sa mà Việt Nam kiểm soát, chẳng hạn như Đảo Sơn Ca, Trường Sa Đông và Đảo Trường Sa.

Trong năm 2012, cơ quan lập pháp quốc gia của Việt Nam tuyên bố rằng họ có đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Vào năm 2016, một tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan, đã phán quyết rằng các tuyên bố của Trung Quốc đối với một vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các bãi nhân tạo của nước này trong một cuộc tranh chấp với Philippines là bất hợp pháp. Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với một số phần của quần đảo Trường Sa.

Giám đốc của AMTI, ông Greg Poling, nói với DIỄN ĐÀN rằng Việt Nam đã có mặt ở quần đảo Trường Sa trước Trung Quốc nhiều năm, và Việt Nam đã xây dựng những công sự trên các đảo tự nhiên và khai khẩn phần đất trải dài từ các đảo. Những công sự của Trung Quốc, tuy lớn hơn, nhưng nằm trên vùng đất hoàn toàn là từ hoạt động bồi đắp của con người. Vùng đất này tạo thành các bãi nhân tạo.

“Việt Nam tập trung chủ yếu vào việc làm cho các hòn đảo của mình trở nên kiên cố hơn, có thể là nơi sinh sống cho con người và đảm bảo rằng mình có thể ăn miếng trả miếng với Trung Quốc nếu rơi vào tình thế bắt buộc phải làm vậy”, ông Poling nói. Việc duy trì nguồn cung cho các căn cứ của mình là một nhiệm vụ quan trọng, do đó các bến cảng sâu hơn và các kênh cho các tàu lớn hơn đã được thêm vào, cùng với các bãi đáp trực thăng trên tất cả các đảo để có thể tiếp liệu trên không nhằm ngăn chặn phía Trung Quốc cắt đường tiếp tế trong trường hợp xảy ra xung đột. Việt Nam đã xây dựng bốn nhà chứa máy bay trên đảo Trường Sa và mở rộng đường băng cho các máy bay lớn hơn.

Các cuộc tập trận hải quân và việc củng cố cơ sở hạ tầng của Hà Nội báo hiệu cho Bắc Kinh rằng Việt Nam đã sẵn sàng bảo vệ những tuyên bố của mình, Poling giải thích.

Ông nói: “Sự nguy hiểm là tôi thực sự không biết thông điệp đó được tiếp nhận như thế nào”. “Đáng ngạc nhiên là Bắc Kinh đã tảng lờ những tín hiệu được gửi đi bởi các nước láng giềng Đông Nam Á và, kết quả là, thỉnh thoảng ta lại thấy Trung Quốc hành xử theo lối cưỡng ép và hung hăng ở Biển Đông. Điều này làm suy yếu chiến lược lớn hơn của nước này nhằm gây ảnh hưởng trong khu vực”.

Tom Abke là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Singapore.

HÌNH ẢNH: SÁNG KIẾN MINH BẠCH HÀNG HẢI CHÂU Á/CÔNG NGHỆ MAXAR

Từ khóa » Bồi đắp đảo Trường Sa Lớn