Mỹ Nghi Trung Quốc Hoàn Tất Quân Sự Hóa Ba đảo Nhân Tạo ở Biển ...

Hoạt động xây dựng kho tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác của Trung Quốc trên đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập dường như đã hoàn tất, song chưa rõ họ có xây thêm hạ tầng quân sự ở các thực thể khác hay không, tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) John Aquilino ngày 20/3 nói với AP khi đang ở trên trinh sát cơ P-8A Poseidon để tuần tra Biển Đông.

"Các thực thể đó có chức năng mở rộng khả năng tấn công của Trung Quốc ra ngoài bờ biển của họ", đô đốc Aquilino nói. "Họ có thể cho tiêm kích và oanh tạc cơ xuất kích, cộng thêm khả năng tấn công bằng tên lửa".

Đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ thập là ba trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Các thực thể còn lại là đá Gaven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma và đá Châu Viên.

Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 20/3. Ảnh: AP.

Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 20/3. Ảnh: AP.

Ông Aquilino cảnh báo bất cứ máy bay quân sự hay dân sự nào bay qua khu vực Biển Đông "có thể dễ dàng lọt vào tầm bắn của các hệ thống tên lửa Trung Quốc" triển khai trên những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa.

"Đó là mối đe dọa hiện hữu và lý do khiến mọi người quan tâm tới hoạt động quân sự hóa các thực thể này", đô đốc Aquilino cho biết. "Chúng đe dọa tất cả quốc gia hoạt động trong vùng lân cận, cũng như toàn bộ vùng biển và vùng trời quốc tế".

Đô đốc Aquilino nhận định hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo do Trung Quốc thực hiện trái ngược với tuyên bố trước đây của nước này. Ông đánh giá đây là một phần trong quá trình Trung Quốc củng cố sức mạnh quân sự của mình.

"Tôi cho rằng trong 20 năm qua, chúng ta chứng kiến đợt xây dựng lực lượng quân đội lớn nhất của Trung Quốc kể từ Thế chiến II", đô đốc Aquilino nói. "Họ nâng cao tất cả năng lực của mình và hành động quân sự hóa đang gây bất ổn trong khu vực".

Trung Quốc đơn phương vẽ ra cái gọi là "đường chín đoạn", đòi chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Mỹ hồi tháng một công bố tài liệu 47 trang bác bỏ cơ sở địa lý và lịch sử liên quan đến "đường chín đoạn".

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 20/3. Ảnh: AP.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 20/3. Ảnh: AP.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế.

"Các hành vi dưới mọi hình thức vi phạm chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối", bà Hằng cho hay.

Người phát ngộn Bộ Ngoại giao đã đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

7 bãi đá thuộc Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Đồ họa: NY Times.

7 bãi đá thuộc Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Đồ họa: NY Times.

Nguyễn Tiến (Theo AP)

Từ khóa » Bồi đắp đảo Trường Sa Lớn