AN BÌNH VỚI DI TÍCH DANH NHÂN - Huyện Thuận Thành

Theo Gia phả và bia đá ở đền thờ Phổ quận công, thì tiên tổ Vương Khuê vốn người xã Đại Lã (huyện Thanh Lâm, Hải Dương), sau về định cư ở Bình Ngô. Thời Lê Trung hưng, cụ Vương Châu được cử làm tướng tiên phong trong trận đánh mang tính quyết định ở Phấn Thượng. Cụ Vương Châu đã chém được Khuông quận công và bắt sống Tân quận công góp phần đánh bại đại quân nhà Mạc. Từ đây nhà Mạc diệt vong, nhà Lê trung hưng. Tướng Vương Châu được triều đình ban phong là Kiệt tiết tuyên lực công thần, Thượng tướng quân Kim Ngô Phó tướng tả đô đốc, Thiếu bảo, Phổ quận công, ăn lộc 500 mẫu ruộng tốt, cai quản từ thượng Bồ Đề đến hạ Lục Đầu Giang (phủ Thuận An cũ). Dân địa phương tôn gọi là “Cụ già khai quốc”. Sinh thời, Phổ quận công Vương Châu đã ban phúc cho dân như cấp 300 mẫu ruộng cho 5 huyện quản hạt, riêng dân xã Bình Ngô được cấp 100 mẫu ruộng và miễn thuế khóa. Cụ còn đứng chủ quyên góp tiền của xây dựng chùa Thiên Khánh Di hàng xã. Cụ mất ngày 3/Chín/1622, thọ 72 tuổi, mộ ở Bãi Miễu cùng xã. Sau khi cụ mất được vua Lê Thần Tông phong là Sùng đại vương, cho dân Bình Ngô thờ làm Hậu thần.

Phổ quận công Vương Châu có 9 người con trai đều là tướng tài và đều được phong tước hầu.

Nhớ ơn tiền nhân có công với dân với nước, tục thờ Hậu thần ở An Bình luôn được duy trì từ xưa đến nay. Vào ngày giỗ Hậu, các làng sắm sửa lễ vật cùng về đền thờ cụ để tế công đồng. Theo phân công, người làng Thường Vũ tả văn và đọc văn. Năm 1872 cử nhân Nguyễn Bá Thịnh, người làng Ngô Nội, đang giữ chức Tri phủ Kinh Môn đứng ra tổ chức tôn tạo lại nhà thờ cụ. Ngôi nhà thờ được tôn tạo lần này vẫn còn nguyên đến ngày nay. Nhà ba gian gỗ lim, mái ngói, có sân gạch, hoành phi, câu đối, bia đá “Ngũ hội bi kí” và nhiều đồ thờ tự trang nghiêm khác. Đôi câu đối ca ngợi “Cụ già khai quốc” như sau:

Bách chiến tảo vân mai, nhật nguyệt hữu minh, công ích hiển

Thiên thu lưu hưởng tự, sơn hà bất cải, đức trường tồn.

Tạm dịch là:

Trăm trận sạch mây mờ, nhật nguyệt ngời sáng, công càng tỏ

Nghìn năm được thờ cúng, sơn hà bền vững, đức mãi ghi.

Di tích đền thờ Phổ quận công là di tích tiêu biểu, được ghi chép trong sách “Bắc Ninh địa dư chí” từ cuối thế kỉ 19.

Ngày giỗ 3/9/2010 nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, xã An Bình đã tổ chức lễ tế quy mô lớn tại đình Năm Thôn. Buổi chiều hôm trước Ban khánh tiết rước bài vị ngài ra đình. Sáng hôm sau các thôn rước lễ vật đến tựu vị, xã làm lễ khai mạc, đọc tiểu sử gia phả ngài. Sau đó quan viên năm thôn hợp tế. Cụ Vương Văn Tuế ở thôn Thường Vũ độc văn (theo quy định từ xưa thôn Thường Vũ độc văn). Lần này có đội dâng hương cụ bà ở năm thôn tham gia, lần lượt từ Yên Ngô đến Thường Vũ, Bình Ngô Chợ, Bình Ngô Đường và thôn sở tại. Tế và dâng hương xong làm lễ tất rồi mới hạ lễ rước về từng thôn. Buổi chiều quan viên năm thôn lại tề tựu rước bài vị ngài về nhà thờ gia đình. Xã cấp kinh phí tương đương một tạ thóc cho các thôn biện lễ. Quan viên từng thôn lại đóng thêm tiền và thôn hỗ trợ kinh phí để tổ chức tiệc nhẹ ở đình làng sau khi hoàn tất nghi thức tế lễ. Đây là buổi đại lễ giỗ xưa nay chưa từng có để tưởng nhớ “Cụ già khai quốc”.

Những năm gần đây, dân địa phương đã công đức tiền của xây dựng lăng mộ “Cụ già khai quốc” khang trang. Hiện nay, địa phương lại xây dựng Nhà lưu niệm danh nhân Phổ quận công Vương Châu ra vị trí mới rộng rãi, phong quang, đủ điều kiện tế lễ công đồng toàn xã ở khu vực đình Năm Thôn. Nhiều tập thể, gia đình, cá nhân tiếp tục công đức hiện vật vào Nhà lưu niệm danh nhân góp phần tô điểm nội thất thờ tự ngày một phong phú và trang nghiêm hơn.

Bên cạnh các nghi thức thờ cúng, dân địa phương còn lưu truyền nhiều giai thoại về cuộc đời “Cụ già khai quốc”. Đó là giai thoại “Khai đao” liên quan đến cái chết của quận muội, nay được thờ ở “Miếu Bà Cô”. Đó là giai thoại “Trụ đao”, xem ai có tài đứng trên mình ngựa múa đao như khi cụ lâm trận Phấn Thượng năm xưa. Đó là những lời bình phẩm thời sau này có vị tướng nào đủ tư cách ngồi cùng chiếu với cụ như phải văn võ toàn tài, khai quốc công thần… Tấm lòng người dân An Bình với danh nhân Phổ quận công Vương Châu luôn trân trọng như lời câu đối đã ghi: “Thiên thu lưu hưởng tự, sơn hà bất cải, đức trường tồn”. Tục thờ Hậu thần này còn là cách để khuyến khích con cháu gắng học hành, gắng lập công tích với dân với nước như bậc tiền nhân đã làm được.

Từ khóa » đền Thờ Bà Tấm ở Thuận Thành Bắc Ninh