Công Bố Quyết định Công Nhận Bảo Vật Quốc Gia ở đền, Chùa Bà Tấm

Dự buổi lễ có Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga; Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh.

Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh trình bày diễn văn tại buổi lễ
Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh trình bày diễn văn tại buổi lễ

Trình bày diễn văn tại buổi lễ, ông Tô Hữu Vịnh - Chủ tịch UBND xã Dương Xá cho biết, Ỷ Lan Linh nhân Hoàng thái hậu (còn gọi là Bà Tấm) là một trong những danh nhân có tài trị nước xuất chúng của dân tộc, tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày 7/3 năm Giáp Thân 1044, quê ở làng Thổ Lỗi, sau đổi thành Siêu Loại, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Năm nay là kỷ niệm 959 năm ngày Nguyên phi Ỷ Lan đăng quang (20/2 năm Quý Mão 1063 – 20/2 năm Nhâm Dần 2022).

Trở về lịch sử, năm 1063, vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi nhưng chưa có con trai kế vị ngai vàng nên về chùa Dâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cầu tự. Tại đây, vua gặp người con gái hái dâu đang đứng tựa gốc lan mà hát, liền vời xuống hỏi sự tình. Thấy Lê Thị Yến - cô gái hái dâu bội phần xinh đẹp, lại đối đáp lưu loát, thông minh, vua cảm mến đưa về triều phong làm cung phi.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trao Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với tượng đôi sư tử đá thời Lý và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thời Mạc ở di tích chùa – đền Bà Tấm
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trao Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với tượng đôi sư tử đá thời Lý và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thời Mạc ở di tích chùa – đền Bà Tấm

Khác với các hậu phi, Ỷ Lan không lấy việc trau chuốt nhan sắc để lấy lòng vua mà lại dày công học hỏi, miệt mài đọc sách, quan tâm đến công việc triều chính. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông cầm quân đi dẹp giặc phương Nam đã giao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan ở nhà. Cũng trong năm ấy, nước Đại Việt không may bị lụt lớn, mùa màng mất trắng, nhiều nơi dân đói nổi loạn. Song nhờ có Ỷ Lan lo việc nước, biết đề ra các kế sách đúng đắn, quyết đoán táo bạo nên loạn lạc đã được dẹp yên. Để bày tỏ long biết ơn, Nhân dân Đại Việt đã tôn bà là Quan Âm nữ.

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, triều Lý không tránh khỏi rối ren, Ỷ Lan trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính ở tuổi đời 29, khi đó con trai là Lý Nhân Tông lên ngôi vua mới 7 tuổi. Năm 1077, khi quân Tống sang xâm lược, Ỷ Lan đã huy động được cả dân tộc vào trận, tạo cho thế nước ở đỉnh cao muôn trượng đè bẹp quân thù. Vua Lý Nhân Tông (con trai bà) sau đó trở thành một vị vua uy vũ, văn trị ở ngôi lâu nhất trong lịch sử Việt Nam (56 năm).

Một tiết mục múa lân chào mừng Lễ kỷ niệm
Một tiết mục múa lân chào mừng Lễ kỷ niệm

Không chỉ 2 lần tham gia nhiếp chính, bà còn giúp Nhân dân chăm lo sản xuất trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ dệt lụa, đắp đê phòng lụt, cấm giết trâu bò cày kéo… Với công lao và đức độ của bà, với sự trường cửu 215 năm của vương triều Lý, bà đã được tôn phong Mẫu nghi thiên hạ, Thượng đẳng Tối linh thần, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề nghị UNESCO công nhận người phụ nữ huyền thoại thế giới.

Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, di tích chùa - đền Bà Tấm (Linh nhân Tư Phúc Tự) do chính Linh nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng và khánh thành vào tháng 3 năm Ất Mùi (1115). Cụm di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1996.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, tượng đôi sư tử đá thời Lý và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thời Mạc ở di tích đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 1/2020.

Các đại biểu tham gia cắt băng khánh thành công trình hạ tầng kỹ thuật chùa Bà Tấm
Các đại biểu tham gia cắt băng khánh thành công trình hạ tầng kỹ thuật chùa Bà Tấm

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm đã không ngừng quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo khu di tích, trong đó có việc dựng tượng đồng Hoàng thái hậu Ỷ Lan với kinh phí 22 tỷ đồng; tu bổ tôn tạo ngôi chùa với tổng kinh phí 2 giai đoạn trên 37 tỷ đồng; tu bổ nhà Mẫu kinh phí trên 12 tỷ đồng… Các công trình được xây dựng khang trang, bề thế, xứng tầm với công lao, đức độ của Ỷ Lan Linh nhân Hoàng thái hậu; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu ở Gia Lâm.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã công bố và trao Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với tượng đôi sư tử đá thời Lý và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thời Mạc ở di tích chùa – đền Bà Tấm. Các đại biểu Trung ương và TP cũng đã tham gia cắt băng khánh thành công trình hạ tầng kỹ thuật chùa Bà Tấm, được hoàn thành từ tháng 7/2021.

Từ khóa » đền Thờ Bà Tấm ở Thuận Thành Bắc Ninh