'Ăn Trộm' Cũng Phải Biết Cách - YBOX

'Ăn trộm' cũng phải biết cách!

Tại một ngôi làng nhỏ, có hai anh em nhà kia vì quá đói kém sinh ra bần cùng. Một ngày nọ họ rủ nhau đi ăn trộm cừu của nông dân trong vùng. Không may cả 2 anh em đều bị bắt. Dân trong làng trừng phạt bằng cách thích lên trán họ 2 chữ “ST” (Viết tắt của Sheep Thief – Tên trộm cừu).

Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống. Tuy nhiên, anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi có ai hỏi về 2 chữ “ST” đáng nguyền rủa này.

Còn người em thì vô cùng ân hận. Anh ở lại làng và cố gắng bù đắp lỗi lầm của mình. Dĩ nhiên ban đầu mọi người rất e dè và chẳng ai muốn dính líu với anh ta, nhưng điều đó không làm người em nhụt chí.

Nhiều năm về sau, người qua đường nhìn thấy trên trán ông lão có khắc dấu lạ bèn hỏi.

“Tôi cũng không rõ nữa, chuyện xảy ra cách đây lâu lắm rồi.”

Tuy nhiên khi nhìn thấy ai cũng kính cẩn chào hỏi, trẻ con hết đứa này đến đứa khác sà vào lòng cụ, người qua đường buột miệng.

Theo tôi nó có nghĩa là “Saint” – Thánh nhân.

— Một đoạn trích ngắn trong sách Hạt giống tâm hồn —

Gần đây tôi nhận thông tin rằng blog của mình bị ăn cắp bài viết rất nhiều. Thậm chí, cho dù có tích hợp chức năng “chống copy” thì điều đó vẫn trở nên vô dụng.

Hiện tượng ăn trộm ý tưởng không còn trở nên quá xa lạ ở Việt Nam. Nếu theo dõi Youtube, bạn sẽ biết rằng nạn re-up video đã đến đỉnh điểm. Đa số Youtuber ở Việt Nam đều đang “gặp hạn” vì chuyện này. Hàng loạt tài khoản Adsense nghìn USD bị khoá, hàng loạt kênh Youtube vi phạm bản quyền bị khoá. Ngay cả ăn trộm công khai như VTV cũng không ngoại lệ.

Thực tế thì…

Tôi gọi họ là những người không biết ăn cắp. Cách ăn trộm đó không khác gì thằng trộm ngoài lề đường. Khi bị công an bắt, dĩ nhiên nó bị đánh đập và ngồi tù.

Để tôi nói cho bạn biết:

Nếu bạn ăn trộm tiền, một ngày nào đó bạn sẽ hết tiền.

Nếu bạn ăn trộm công sức, một ngày nào đó công sức ăn trộm của bạn sẽ trở nên vô nghĩa .

Nếu bạn ăn trộm danh tiếng, một ngày nào đó bạn sẽ mờ nhạt.

Nếu bạn ăn trộm nhân sự, một ngày nào đó nhân sự sẽ bị đánh cắp.

Nhưng nếu bạn ăn trộm hiểu biết, nó sẽ mãi cạnh bạn đến hơi thở cuối cùng.

Mỗi người ăn trộm kiến thức theo một cách khác nhau

Người Việt và người Tàu giống nhau ở chỗ thích sử dụng những mẹo “kín”, hiểu biết ngầm để phục vụ cho lợi ích của riêng mình. Trong khi người phương Tây thì trân trọng những hiểu biết đó, và họ thường đóng lại thành sách hoặc chương trình để bán cho người khác.

Còn tôi thì thích chia sẻ nó miễn phí.

Tại sao tôi lại muốn làm như vậy?

Bởi vì thực tế ra thì TÔI KHÔNG THỂ. Tôi không thể chia sẻ tất cả kiến thức hay hiểu biết của mình dù muốn hay không. Nó có thể chỉ là một góc, hoặc bề nổi của câu chuyện mà thôi.

Bạn nghĩ sao khi một bài viết 2000 từ có thể bao quát và chi tiết tất cả, trong khi còn rất nhiều việc khác phải làm để bài viết có người đọc? Điều đó là không tưởng, bạn không thể nào ăn trộm được toàn bộ kiến thức của tôi hay tất cả những người khác mà chỉ dựa vào việc đó.

Nhưng não bộ của bạn rất thông minh. Nó sẽ cóp nhặt kiến thức một cách từ từ và tổ chức. Nó sẽ đóng hộp kiến thức thành ngăn, khi ngăn đầy rồi thì nó sẽ chuyển tiếp sang ngăn khác.

Vậy nên mới có tình trạng cùng đọc, cùng hiểu. Nhưng khổ nỗi mỗi người lại hiểu và cảm nhận theo một cách khác nhau.

Ví dụ như khi ca sỹ Trần Lập qua đời, tôi học hỏi được tấm gương của một real man. Luôn lạc quan và chống chọi với ung thư đến giây phút cuối cùng. Bởi biết đâu sau này tôi sẽ phải đối mặt với căn bệnh đó thì sao, ai biết được?

Nhưng với bạn có thể đó sẽ là một cảm nhận khác. Khác xa hoàn toàn so với tôi. Ai biết được?

Đúng vậy, mỗi người ăn trộm kiến thức theo một cách khác nhau.

Với bản thân mình, tôi thường xuyên ăn trộm kiến thức của người khác từ việc đọc và xem. Sau khi ăn trộm tôi sẽ chắt lọc đâu là những thông tin mà mình cần, hoặc còn thiếu. Sau đó tôi sẽ bắt tay vào thực hành và chắt lọc một lần nữa để sau cùng, nó trở thành kiến thức của chính mình.

Mặt khác, nhiều độc giả lại cố gắng đọc thuộc những bài viết của tôi, copy những mẩu nói chuyện của tôi, và hy vọng có thể áp dụng hệt như vậy. Quả thực, họ chỉ đang copy sai phương pháp và lãng phí thời gian của mình mà thôi. Nó lãng phí hệt như cách giáo dục của đa số các bậc học của Việt Nam.

Theo nghiên cứu chứng minh, việc học tốt nhất phải theo quy trình: Học —> Quên —> Học. Ngay cả khi học ngoại ngữ, các chuyên gia cũng nói rằng: “Để học từ mới một cách hiệu quả, bạn nên học lại nó sau khi gần lãng quên.”

Làm thế nào để ăn trộm kiến thức một cách hiệu quả?

Theo số liệu gần đây cho biết thì có tới hơn 80% startup của Việt Nam thành công bằng việc copy startup đã thành công của nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc họ không sáng tạo từ số 0, mà sáng tạo dựa trên những nền tảng có sẵn.

Mô hình blog như Chính Em, nơi bạn đang theo dõi hàng ngày thực tế cũng copy từ những mô hình blog đã thành công trên thế giới. Và thực tế là nó thành công, bạn có thể nghĩ đó là một thương vụ ăn trộm kiến thức hiệu quả.

Vậy tôi đã ăn trộm nó và đem vào Chính Em như thế nào? Lúc này có lẽ bạn đang tự hỏi.

Thay vì đâm đầu vào xây dựng blog một cách mơ hồ, tôi đặt ra mục tiêu và các giai đoạn để phát triển nó một cách tối ưu nhất.

Tôi nhớ khi mình mới xây dựng Chính Em, những blog khác như ThachPham.com, ChiaSeCoupon.com vốn đã là những cái tên lớn. Tôi so sánh những blog này với những blog nổi tiếng khác trên thế giới, và nhận ra có một điểm chung. Đó là họ rất chịu khó chia sẻ kiến thức mà mình biết. Họ thân thiện với người đọc, và coi người đọc như bạn thân của mình vậy.

Bước 1: Thay vì ghen tỵ hay tìm cách phá hoại, tôi học hỏi từ họ.

Khi viết blog được đâu đó nửa năm, tôi nhận thấy rằng nếu cứ nói mãi về bản thân mình thì thật nhàm chán. Chẳng nhẽ cứ bịa đặt cuộc sống mình tuyệt vời trong khi nó nhàm chán? Chẳng nhẽ cứ mãi “tự sướng” mình tài giỏi trong khi bên ngoài kia còn đầy người khác tài giỏi hơn mình. Vậy là tôi chuyển hướng viết về thành công và cuộc sống của người khác. Cũng vì lý do đó mà bạn không nhìn thấy chia sẻ về đời sống cá nhân của tôi nhiều lắm trên blog này.

Bước 2: Thay vì chỉ viết về mình, tôi viết cả về cuộc sống và thành công của người khác nữa.

Không chỉ viết về những gì mắt thấy tai nghe (tôi không phải phóng viên), tôi bắt đầu đọc nhiều hơn. Tôi nhận thấy rằng không chỉ những câu chuyện đầu làng ngõ xóm mà những câu chuyện đâu đó xa tít tắp trên thế giới cũng đem lại ý nghĩa cho người đọc. Vậy là từ đó tôi dành thời gian cho việc đọc nhiều hơn.

Bước 3: Tôi sẽ tự mình tìm kiếm thay vì chờ đợi. Tôi đọc để có thể viết được nhiều hơn.

Và sau cùng, kiến thức của bạn sẽ lên một tầm cao mới khi quyết định chia sẻ những gì mà mình biết thành các bài viết, 500 từ, 1000 từ, 2000 từ. Bởi như đã nói phía trên, sau khi học và quên, viết là thời gian bạn học lại. Lúc này mới là thời điểm bạn học được nhiều nhất.

Bước 4: Đừng quên quy tắc: Học —> Quên —> Học.

Khỏi phải nói, khi tạo ra blog này, TÔI HỌC ĐƯỢC RẤT NHIỀU.

Giờ bạn đã hiểu tại sao tôi nói họ không biết cách ăn trộm chưa? Cách ăn trộm đó có thể giúp ích cho họ 1 tháng, 1 tuần, 1 ngày, 1 giờ, 1 phút, hay 1 giây. Còn cách mà tôi ăn trộm, nó sẽ theo tôi đến hơi thở cuối cùng.

Hãy học cách mà ăn trộm!

Theo chinhem.com

Nguồn ảnh: Bart Browne

Từ khóa » đi ăn Trộm