Ăn Uống Chung đụng, Coi Chừng Lây Nhiễm Vi Khuẩn HP - VnExpress

Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, con đường lây nhiễm vi khuẩn HP vẫn chưa được biết rõ nhưng các nghiên cứu quan sát cho thấy rất có thể lây nhiễm HP từ người sang người qua phân - miệng hoặc miệng - miệng. Vi khuẩn HP thường lây truyền từ người sang người qua đường nước bọt. Các vi khuẩn đã được xác định trong mảng bám trên răng nhưng tỷ lệ phổ biến có thể thấp nên không biết liệu vị trí này có thể là nguồn lây hay ổ chứa hay không. Mặt khác, dịch tiết trong dạ dày bị nhiễm khuẩn có thể là nguồn lây truyền vi khuẩn.

Bác sĩ Hùng chia sẻ thêm, quá trình ăn uống, dùng chung bát đũa, chung bàn chải đánh răng, hôn trực tiếp hoặc nhai mớm cơm có thể sẽ dễ làm lây nhiễm vi khuẩn HP từ người này qua người khác. Nếu gia đình có người nhiễm HP thì khả năng nhiễm của các thành viên còn lại rất cao.

Vi khuẩn cũng có thể lây lan khi thực phẩm hoặc nước bị nhiễm phân. Ở các nước đang phát triển, sự kết hợp của nguồn nước không được xử lý, điều kiện đông đúc và vệ sinh kém góp phần làm cho tỷ lệ nhiễm HP cao hơn. Hầu hết mọi người bị nhiễm bệnh khi còn nhỏ và cha mẹ, anh chị em dường như đóng vai trò chính trong việc lây truyền.

Bên cạnh đó, nội soi dạ dày tại các cơ sở y tế mà dụng cụ không được khử trùng, vệ sinh sạch sẽ cũng có thể làm lây bệnh từ người này sang người khác.

Dùng chung đồ ăn, chén dĩa hoặc chấm chung có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn HP. Ảnh Freepik

Dùng chung đồ ăn, chén dĩa hoặc chấm chung có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn HP. Ảnh: Freepik.

Người nhiễm vi khuẩn HP không có triệu chứng rõ ràng

Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng cho biết, khi mới nhiễm vi khuẩn HP người bệnh thường không có các triệu chứng cụ thể. Chỉ đến khi vi khuẩn HP gây ra tình trạng viêm, loét mới xuất hiện các dấu hiệu có thể bao gồm đau bụng, đặc biệt là khi dạ dày đang trống vào ban đêm hoặc vài giờ sau bữa ăn. Cơn đau thường được mô tả như cồn cào trong bụng và đau từng cơn. Ăn hoặc uống thuốc kháng axit có thể làm giảm cơn đau này.

Tuy nhiên, muốn biết chính xác mình có bị nhiễm khuẩn HP hay không, bạn cần đến bệnh viện để làm các xét nghiệm chẩn đoán. Có nhiều phương pháp có thể giúp phát hiện sự hiện diện của khuẩn HP trong đường tiêu hóa, trong đó, nội soi dạ dày là phương pháp có độ chính xác cao, thường được sử dụng để chẩn đoán HP. Kiểm tra hơi thở C13 hoặc C14 hay còn gọi là thổi bóng HP được sử dụng để kiểm tra tình trạng vi khuẩn HP sau điều trị hoặc dành cho trẻ em. Ngoài ra, xét nghiệm máu và xét nghiệm phân cũng có thể tìm ra vi khuẩn HP, nhưng thường ít được sử dụng.

Về việc điều trị nhiễm khuẩn HP, bác sĩ Hùng cho biết, nhiễm HP là bệnh phổ biến và người bệnh không cần quá lo lắng. Nếu nhiễm HP không gây ra triệu chứng hoặc bạn không thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày thì không cần phải điều trị.

Nội soi dạ dày là phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán vi khuẩn HP. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Nội soi dạ dày là phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán vi khuẩn HP. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn HP và tái nhiễm sau điều trị

Bác sĩ Đỗ Minh Hùng khuyên, người bệnh nên giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ; bỏ các thói quen gắp, mớm thức ăn cho người khác, dùng chung ly uống, bát đũa hoặc chấm chung chén gia vị khi ăn.

Đồng thời, nếu bệnh nhân có những triệu chứng lâm sàng về dạ dày như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói... thì nên đến thăm khám tại các bệnh viện để được chẩn đoán, làm xét nghiệm tìm ra vi khuẩn HP cũng như có chỉ định làm giảm tác hại do vi khuẩn HP gây nên.

Hà Thanh

Từ khóa » Khuẩn Hp Có Lây Ko