Anh Cả Anh Hai, Cả Hai đều Là Anh Cả. | Trương Thái Du's Blog

Anh Cả anh Hai, cả hai đều là anh Cả.

06/01/2021

Trương Thái Du Uncategorized Anh Cả, Anh Hai, Cự 巨, Đại 大 Leave a comment

Dưới ánh sáng ngữ âm học so sánh, trên cơ sở nhu liệu tiếng Việt và hầu hết phương âm Trung Quốc, các giải thích cũ về từ vựng Đại Việt – bất kể dân dã hay hàn lâm, đều trở nên tùy tiện đến ngớ ngẩn và nực cười. Điển hình nhất, phải kể đến lý giải hàm nghĩa Anh Cả và Anh Hai ở hai miền Nam – Bắc.

Một trong những “giải nghĩa” tùy tiện đầy rẫy trên mạng.

Hai chữ Nho có nghĩa tương cận là Cự 巨 và Đại 大 đều chỉ to, lớn. Từ ghép Cự Đại 巨大 xuất hiện muộn nhất là ở thư tịch Tây Hán, trong sách Đạo giáo của Lưu An và sau đó ở thời Đông Hán, trong triết Nho của Vương Xung. Cự Phách 巨擘 nghĩa đen là ngón tay cái, to nhất trên mỗi bàn tay, nghĩa bóng chỉ người nổi trội, xuất hiện tận thời Chiến Quốc trong sách của Mạnh Tử.

1. Cự 巨 = Cả

Cự 巨 chắc chắn có cổ Hán âm là Cả. Tiếng Mân ở Trừng Hải, Quảng Đông hiện đọc [kə35] (kỡ) gần với Cả nhất, còn hầu hết các chi Mân ngữ đọc là [kɯ35] (kữ) hay [ki/y]. Quan hệ biến âm Ư/A có thể tham khảo Dư 餘 thường được đọc song âm là Dư Dả, Thư 舒 thành Thư Thả, Thứ 恕 thành Tha Thứ. Dả, Thả và Tha đều tồn tại âm tương đồng ở Hoa Nam khi đọc chữ Dư, Thư và Thứ. Ngoài ra Lữ 呂 là họ người, nên không tạo thành song âm Lữ Lã, tiếng Việt đọc cả hai kiểu, Lữ/Lã hậu hay Lữ/Lã Bố, là vậy.

Ngoài nghĩa to, lớn như trong Biển Cả, Sóng Cả, Đũa Cả, Cả vú lấp miệng em, Cả gan – to gan (nói tắt của to gan lớn mật, tức Can đảm 肝膽), Vợ cả – vợ lớn; Cự 巨 mang rất nhiều nghĩa khác, trong đó most (gần với Cực 極 và Tối 最) được ghi chép đầy đủ trong tự điển và thư tịch cổ đại Trung Quốc nhưng không thấy hiện diện ở từ điển Việt Nam. Tuy nhiên không vì thế mà nghĩa most của chữ Cự không có trong tiếng Việt, Tất Cự 悉巨 chính là Tất Cả.

2. Đại 大 = Hai, Đôi/Đối 對 = (số) Hai.

Anh cả, tiếng Trung hiện nay và xưa kia đều gọi là Đại Huynh 大兄 hoặc Đại Ca 大哥. Chữ Đại 大 còn có âm Thái, bạch thoại Việt Nam và Hạ Môn lại tương đồng ở âm To [to22]. Trong dòng chảy biến âm suốt 2000 năm qua của ngôn ngữ Á Đông nói chung, tình cờ Thái đã mất phụ âm đầu [t] để thành thể Hai ở Việt Nam hoặc Hái [hai213/45] trong tiếng Cám phổ biến ở trung và bắc Giang Tây, đông Hồ Nam, đông nam Hồ Bắc, tây nam An Huy và tây bắc Phúc Kiến. Trường hợp mất phụ âm đầu [t] để thành Hái, có thể dẫn chứng thêm chữ Thái 採 nghĩa là hái, ngắt. Đây có thể là hệ quả của biến âm tương đồng nhưng độc lập của âm [thái] cổ, và cũng không thể loại trừ khả năng tiếng nam bộ Việt Nam và tiếng Cám có chung gốc trung đại.

Hán Điển ghi nhận Cám ngữ đọc chữ Đại là Hái (thanh dương khứ)

Âm Hai chỉ số 2 trong tiếng Việt có liên đới với chữ Đôi/Đối 對. Đôi/Đối này lại nằm trong nhóm từ lõi tối cổ của cả ngôn ngữ Á Đông và Ấn Âu: Bồ Đào Nha [dois], Tây Ban Nha [dos], Pháp [deux], Italian: [due], Latin [duo], Nga [dva], Hy Lạp [dýo], Malay [dua], Indonesian [dua], Philippine [dalawa], Nepal [du’ī], Hindi [do], Champ Phan Rang [dua], Rhade/Jarai [dua], Bài Loan ngữ (trên đảo Đài Loan) [ɖusa]… Cũng như tiếng Anh dưới ảnh hưởng của biến âm Đ/T để Duo (La Mã) thành Two, Đôi/Đối 對 trong tiếng Quan Thoại Liễu Châu – Quảng Tây hiện đang bảo tồn âm [tɐi24] tương tự như Ôn Châu [tai42], Bình Giang – Hồ Nam [tai5]… cùng rất nhiều biến thể gần gũi như [toi21] trong tiếng Mân Đông – Phúc Châu và Ninh Đức.

Địa chi thứ 12 Hợi 亥 Mân âm và Quảng âm hầu hết đọc như tiếng Hạ Môn là [hai22]. Ngoài ra bát quái thứ hai của Dịch – Đoài 兌 âm Ôn Châu là [tai42], Hỏa 火, số 2 ngũ hành, tức hệ ngũ phân tối cổ âm Hạ Môn là [he53], chữ Nhị 二, tiếng Linh Xuyên – Quế Lâm lại đọc là [tai35]. Sau rốt là chữ Tái 再 mang nghĩa số hai như trong Tái Phạm, Tái Tiếu (đàn bà lấy chồng lần thứ 2), còn sót lại một hai phương âm Khách Gia và Quảng Tây đọc là [tai52].

Những phương âm này tuy nằm rải rác khắp nơi nhưng sự tương đồng đặc biệt về âm trên các khái niệm ít nhiều liên quan đến số 2 đã dẫn, hé lộ dấu vết rõ nét của từ nguyên chỉ số 2 trong tiếng Việt của chúng ta.

Một mắt xích cực kỳ quan trọng chỉ ra tương quan giữa âm chỉ số 2 và âm Đại 大 là các âm Nôm của chữ Hai 𠄩 (chỉ số 2) với 6 cách đọc từ chữ Đài 台 tượng thanh: Hai, Thai, Thay, Thơi, Đài, Đày.

Sự đồng âm tình cờ của Đại 大 trong Đại Huynh, Đại Ca với âm chỉ số 2 của tiếng Việt đã dẫn đến giải pháp dung hòa gọi người con cả là Anh Hai, rồi cứ từ Hai mà đếm tới. Tiếng lóng nam bộ cũng xướng con bài Tây số 2 là con Heo. Đứng về góc độ âm học, Heo chính là Hai do biến âm A/E như Hạ/Hè, Xa/Xe mà thôi.

***

Anh Cả anh Hai, cả hai đều là anh Cả.

Vợ Cả vợ Hai, cả hai đều là vợ cả.

Đến đây thì chúng tôi hy vọng bạn đọc đã hiểu hai câu lắt léo phía trên. Tưởng như đùa vui nhưng đây chắc chắn là giải thích dung dị song đầy đủ hàm ý của tiền nhân, mà ngay cả các từ điển tiếng Việt đồ sộ xưa nay cũng chưa bao giờ làm được.

Chúng tôi tìm ra chữ Cự chính là nhờ đặt câu hỏi tại sao tổ tiên chúng ta gọi là Con Sông chứ ko phải từ gì khác. Cơ bản, Con (Kiển 囝) là lượng từ phổ biến thứ hai trong tiếng Việt, chỉ sau Cái (Cá 個). Con nghĩa gốc là nhỏ, nếu tiếng Bắc Kinh hiện nay gọi con dao nhỏ là Tiểu Đao 小刀 thì tiếng Mân lại diễn đạt như tiếng Việt Nam là Dao Con 刀囝 (đao kiển). Có thể hiểu rằng Con dùng để đặt trước các danh từ đếm được nhưng có kích thước nhỏ như Con Dao, lớn hơn dao là rựa nên chuyển thành Cái Rựa. Tất nhiên cũng tồn tại những ngoại lệ như Con Voi, Con Bò…

Mọi con sông đều rất nhỏ bé so với Biển Cả, nơi tổ tiên người Việt đã phải vượt qua để di cư đến mảnh đất Việt Nam ngày nay. Hành trình ấy đã để lại những dấu vết rất rõ nét và không thể phủ nhận trong ngôn ngữ của chúng ta.

Tóm lại: Để chỉ người con lớn nhất trong gia đình, bạch thoại sông Hồng dùng cổ âm Cả của chữ Cự 巨, bạch thoại trung và nam bộ Việt Nam dùng phương âm [hai] của chữ Đại 大.

Đông Giang 06.01.2021

@T.T.Du

Share this:

  • Facebook
  • X
Like Loading...

Related

Từ khóa » Từ Anh Cả Nghĩa Là Gì