Bà Bầu Uống Sữa đậu Nành được Không? - Eva

Mang thai là khoảng thời gian cha mẹ có rất nhiều thắc mắc và mối quan tâm hàng đầu của họ thường xoay quanh việc thai nhi có nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển hoàn thiện hay không. Do thai nhi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng của người mẹ nên điều rất quan trọng là mẹ phải tuân theo một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, cân bằng.

Bà bầu uống sữa đậu nành được không? (Ảnh minh họa)

Bà bầu uống sữa đậu nành được không? (Ảnh minh họa)

Bà bầu uống sữa đậu nành được không?

Sữa là thực phẩm tốt trong chế độ ăn uống của mỗi bà bầu. Tuy nhiên, có nhiều phụ nữ không dung nạp lactose và do đó, không thể dung nạp sữa hoặc các sản phẩm từ sữa. Uống sữa đậu nành khi mang thai để thay thế cho các loại thực phẩm chứa đường lactose là một lựa chọn mà hầu hết các bà bầu cân nhắc.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Thúy Hà, Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, tính đến nay, chưa có bất cứ công trình nghiên cứu khoa học nào nói đến việc uống sữa đậu nành ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là vấn đề hình thành giới tính.

Ngoài ra, bác sĩ cũng cho biết, sữa đậu nành là một trong những nguồn thực phẩm rất có lợi đối với sức khỏe của phụ nữ mang thai. Thành phần protein từ đậu nành hỗ trợ cung cấp đầy đủ, cân đối các axit amin cần thiết, giàu sắt, canxi, folate, vitamin A, PP, D, Riboflavin và B12... hỗ trợ thai nhi phát triển tốt, giảm thiểu nguy cơ sinh non, nhẹ cân, còi xương và tình trạng loãng xương của mẹ.

Sữa đậu nành bổ sung nhiều dinh dưỡng dành cho mẹ bầu. (Ảnh minh họa)

Sữa đậu nành bổ sung nhiều dinh dưỡng dành cho mẹ bầu. (Ảnh minh họa)

Lợi ích của việc uống sữa đậu nành khi mang thai

Giàu chất dinh dưỡng

Sữa đậu nành rất giàu protein và chất xơ, cả hai đều phải có mặt trong kế hoạch ăn kiêng của mỗi bà bầu. Axit folic và vitamin B1, A và E cũng được tìm thấy trong sữa đậu nành với số lượng phong phú. Tất cả những điều này đều giúp cho sự phát triển tổng thể của thai nhi, và đặc biệt là cải thiện sự phát triển của các tế bào thần kinh.

Bổ sung năng lượng

Uống sữa đậu nành khi mang thai có thể hoạt động như một chất tăng cường năng lượng. Nuôi con là một công việc khó khăn và nhiều phụ nữ mang thai phàn nàn về tình trạng kiệt sức và cảm thấy cạn kiệt năng lượng. Riboflavin, carbohydrate và chất béo thực vật có trong sữa đậu nành sẽ giúp bổ sung mức năng lượng bị cạn kiệt trong thai kỳ và hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của thai nhi.

Hỗ trợ xương khỏe hơn

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng phụ nữ mang thai nên bổ sung nhiều canxi trong chế độ ăn hàng ngày. Thai nhi cũng cần rất nhiều canxi để phát triển xương và khối lượng cơ. Sữa đậu nành có chứa hàm lượng canxi cao, khiến cho nó trở thành thức uống hoàn hảo trong thai kỳ.

Cân bằng tâm trạng

Do sự thay đổi của hormone nên bà bầu có sự thay đổi tâm trạng là điều khó tránh khỏi khi mang thai. Uống sữa đậu nành khi mang thai sẽ giúp trung hòa tâm trạng thất thường nhờ lượng vitamin B phức hợp và magiê phong phú có trong các thành phần của nó. Magie có trong cơ thể sẽ giúp giải phóng hormone serotonin trong cơ thể mẹ bầu, loại hormone này có tác dụng chống trầm cảm trong thời gian mang thai và sau sinh.

Uống sữa đậu nành giúp mẹ bầu cân bằng tâm trạng. (Ảnh minh họa)

Uống sữa đậu nành giúp mẹ bầu cân bằng tâm trạng. (Ảnh minh họa)

Giúp da sáng hơn

Điều này có thể nhận thấy rõ nhất trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Nhiều phụ nữ mang thai được biết đến là người bị tăng sắc tố, sạm da, cũng như mụn trứng cá. Uống sữa đậu nành là một phương thuốc tự nhiên tốt để chống lại những vấn đề khó chịu này khi bạn vượt cạn vào cuối thai kỳ.

Hỗ trợ cho mái tóc khỏe mạnh

Một số phụ nữ thường bị rụng tóc cấp tính khi mang thai hoặc trong thời kỳ sau khi sinh. Sữa đậu nành có lợi trong việc thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của tóc, đảm bảo mái tóc suôn mượt và sáng bóng dù trong thời gian mang bầu hay sau khi sinh nở.

Bà bầu nên uống sữa đậu nành khi nào?

Đậu nành được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ bầu nên uống trong khoảng 3 tháng đầu để bổ sung khoáng chất và vitamin tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, mẹ bầu nên uống tối đa khoảng 500ml/ ngày, mỗi lần 250ml và có thể uống vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:

- Mẹ bầu không nên uống sữa đậu nành lúc đang đói vì những chất dinh dưỡng có thể sẽ bị chuyển thành nhiệt và bị thất thoát, cơ thể không hấp thụ được.

- Không nên dùng sữa đậu nành để thay thế nước lọc vì thành phần trong sữa có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Sau khi uống sữa đậu nành khoảng 30 phút thì mẹ bầu mới nên uống thuốc.

Mẹ bầu không nên dùng sữa đậu nành để thay thế nước lọc. (Ảnh minh họa)

Mẹ bầu không nên dùng sữa đậu nành để thay thế nước lọc. (Ảnh minh họa)

- Khi uống sữa đậu nành, mẹ bầu nên tránh sử dụng cùng trứng, đường đỏ, các thực phẩm chứa nhiều acid như các loại quả giàu vitamin C (cam, bưởi, quýt, dứa...). Do trong đậu nành có thành phần protein kỵ với các loại acid trong nhóm thực phẩm này, gây ra tình trạng đầy hơi, chướng bụng cho mẹ bầu.

- Những mẹ bầu có tiền sử viêm thận, viêm dạ dày, sỏi thận, hen suyễn, viêm mũi dị ứng không nên uống sữa đậu nành.

Tác dụng phụ của sữa đậu nành

Mặc dù có lợi cho sức khỏe, nhưng có một số tác dụng phụ có thể xảy ra nếu uống sữa đậu nành thường xuyên:

- Thành phần Isoflavone có trong sữa đậu nành đôi khi có thể làm tăng nội tiết tố nữ estrogen. Điều này có thể gây ra các biến chứng trong thai kỳ của mẹ bầu nếu số lượng vượt quá một giới hạn nhất định.

- Một số mẹ bị dị ứng có thể gặp phải các triệu chứng như khó thở, phát ban, sưng tấy và nôn sau khi uống sữa đậu nành. Vì vậy, ngay cả khi mẹ không bị dị ứng với sữa đậu nành cũng chỉ nên uống với liều lượng nhất định.

- Trong một số trường hợp hiếm hoi, sữa đậu nành cũng có thể gây nên tình trạng sốc phản vệ ở người.

Gợi ý 7 món canh cho bà bầu, tốt cho cả mẹ và thai nhi Gợi ý 7 món canh cho bà bầu, tốt cho cả mẹ và thai nhi Thực hiện chế độ ăn khoa học và giàu dinh dưỡng cùng những món canh tốt cho bà bầu, không chỉ tốt cho mẹ mà còn giúp thai nhi phát triển toàn diện. Bấm xem >>

Món ngon cho bà bầu

Từ khóa » đậu Nành Có Tác Dụng Gì Cho Bà Bầu