BA LỜI KHẤN DÒNG - Sức Sống Chúa Kitô
Có thể bạn quan tâm
BA LỜI KHẤN DÒNG
I.- LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM KHIẾT TỊNH
1.- Mê Lạc thú gồm có tội tham ăn uống, tội mê dâm và tội lười biếng. Mê ăn uống (tội tham ăn uống), mê dâm dục (tội mê dâm) và mê chơi (tội lười biếng) được biến đổi nhờ lời khấn khiết tịnh. Đức khiết tịnh Phúc Âm giúp các Tu sĩ biến đổi, trong cuộc sống nội tâm của họ, tất cả những gì bắt nguồn từ đam mê của xác thịt (x. Tông Huấn Hồng ân cứu chuộc số 9).
KHIẾT TỊNH ≠ MÊ LẠC THÚ (Tham ăn, Dâm dục, Lười biếng)
Tiết độ ≠ Mê ăn uống (Tham ăn).
Trong sạch ≠ Mê dâm (Dâm dục).
Siêng năng ≠ Mê chơi (Lười biếng).
2.- Lời khuyên Phúc Âm khiết tịnh đảm nhận vì Nước Trời, vốn là dấu chỉ của thế giới sẽ đến và là nguồn sinh lực phong phú hơn trong một con tim không chia sẻ, bao gồm nghĩa vụ tiết dục hoàn toàn trong đời sống độc thân (x. Giáo Luật 599). Sống khiết tịnh là việc các Tu Sĩ tự do hiến thân theo gương hiến thân của Đức Ki-tô cho Giáo Hội, do đó các Tu Sĩ hiến thân hoàn toàn và không đòi lại (x. Tông Huấn Chứng tá Phúc Âm 7).
3.- Đức khiết tịnh “vì Nước Trời” (x. Mt 19,12), mà các Tu sĩ khấn giữ, phải được quí trọng như một ân huệ cao cả của ơn thánh. Thật vậy, ơn ấy giải thoát lòng các Tu sĩ cách đặc biệt, để họ yêu mến Chúa và yêu mọi người hơn (x. Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống Dòng Tu 12).
4.- Sống khiết tịnh trong ơn gọi độc thân, các Tu sĩ muốn được thuộc trọn về Chúa Ki-tô, họ hiến trọn tình yêu không chia sẻ cho một mình Chúa cách dễ dàng hơn (x. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội 42c), để các Tu sĩ chuyên lo việc Chúa và tìm cách làm đẹp lòng Người (x. 1 Cr 7,32).
5.- Chính Thần Khí ban cho các Tu sĩ tình yêu (x. Cl 1,8), để họ đón nhận tình yêu Thiên Chúa kêu mời họ sống thánh ý Chúa, và chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới kêu mời các Tu sĩ dứt khoát giữ đức khiết tịnh tu trì (x. Tông Huấn Chứng tá Phúc Âm 13).
6.- Sống khiết tịnh là làm chủ phái tính, nhờ đó các Tu sĩ thống nhất được đời sống thể lý và tinh thần, lúc đó các Tu sĩ giữ được toàn bộ sức mạnh của sức sống và tình yêu có nơi mình (x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 2337).
7.- Sống khiết tịnh giúp các Tu sĩ sắp đặt lại bản thân: Sống khiết tịnh mang lại cho các Tu sĩ tính thống nhất mà các Tu sĩ đã đánh mất khi để cho tâm trí mình tản mác (x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 2340). Các Tu sĩ học biết kiểm soát và chế ngự những đòi hỏi của tính dục, đồng thời giữ mình khỏi tình cảm ích kỷ, kiêu căng và tự mãn vì đã trung thành giữ đức khiết tịnh (x. Huấn thị Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Hội dòng 13).
8.- Các Tu sĩ hãy yêu thương nâng đỡ nhau chân thành với lòng mến mà Thần Khí ban cho họ (x. Cl 1,8), vì khi đời sống cộng đoàn có tình huynh đệ đích thực giữa các Tu sĩ, đức khiết tịnh của họ được bảo vệ an toàn hơn cả (x. Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống Dòng Tu 12) .
II.- LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM THANH BẦN
1.- Mê Lợi lộc gồm có tội ghen tị và tội hà tiện tham lam. Mê của cải người (tội ghen tị) và mê của cải mình (tội hà tiện tham lam) được biến đổi nhờ lời khấn khó nghèo. Đức thanh bần Phúc Âm giúp con người biến đổi tất cả những gì bắt nguồn từ đam mê của con mắt (Tông Huấn Hồng ân cứu chuộc, số 9).
KHÓ NGHÈO ≠ MÊ LỢI LỘC (Ghen tị, Hà tiện)
Yêu người ≠ Mê của cải người (Ghen tị).
Thanh thoát ≠ Mê của cải mình (Hà tiện, tham lam).
2.- Lời khuyên Phúc Âm thanh bần nhằm noi gương Đức Ki-tô, Đấng vốn giàu có đã trở nên nghèo khó vì chúng ta (x. Giáo Luật 600). Lời khuyên thanh bần đòi hỏi các Tu sĩ một cuộc sống nghèo trong thực tế và trong tinh thần, chịu khó lao động, thanh đạm và thanh thoát đối với của cải vật chất (x. Huấn thị Những yếu tố cốt yếu về đời tu 20) .
3.- Lời khuyên thanh bần còn bao hàm sự lệ thuộc và sự hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản : Các Tu sĩ từ bỏ quyền sử dụng cũng như quyền tự do định đoạt tài sản của mình, tuỳ thuộc vào Bề Trên chính thức trong Hội Dòng để có những của cải vật chất mình cần, các Tu sĩ để các tặng vật và thu nhập làm tài sản chung của cả cộng đoàn, chấp nhận một nếp sống giản dị và tham dự vào nếp sống đó (x. Huấn thị Những yếu tố cốt yếu về đời tu 16).
4.- “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Các Tu sĩ sống nghèo khó trong tinh thần khi họ sống khiêm nhường trong tâm hồn, và sống từ bỏ mình (x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 2546). Đức Ki-tô, Đấng nghèo khó nhất trong cái chết của Người trên thập giá, đồng thời cũng là Đấng làm cho chúng ta được nên giàu sang vô tận nhờ sự sung mãn của cuộc sống mới, qua sự phục sinh (x. Tông Huấn Hồng ân cứu chuộc 12).
5.- Chúng ta biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta trở nên giàu có (x. 2 Cr 8,9). Người là Thầy và là người phát ngôn về sự khó nghèo làm cho các Tu sĩ nên giàu sang. Sự giầu sang vô tận này, khi được ban tặng cho linh hồn họ ngang qua mầu nhiệm ân sủng, thì tạo nên trong chính các Tu sĩ, chính nhờ sự nghèo khó, một nguồn mạch làm cho người khác được nên giàu sang, không thể sánh ví được với những gì do của cải vật chất sinh ra (x. Tông Huấn Hồng ân cứu chuộc 12).
6.- Các Tu sĩ hãy lưu ý điều khiển tâm tình của mình cho đúng đắn, để việc sử dụng các của cải trần gian và lòng quyến luyến sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, không cản trở các Tu sĩ theo đuổi đức ái trọn hảo (x. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội 42). Các Tu sĩ cũng cần biết rằng phải sống khó nghèo theo gương Đức Ki-tô trong việc sử dụng những của cải đời này vốn cần thiết cho nếp sống hằng ngày. Trong đời sống hằng ngày, cả đời sống bên ngoài nữa, các Tu sĩ phải nêu lên những bằng chứng của sự khó nghèo đích thực (x. Tông Huấn Chứng tá Phúc Âm 16).
7.- Sống lời khấn thanh bần trong việc tuân phục tuyệt đối thánh ý Chúa là biết dùng của cải đúng ý Chúa muốn, và tín thác vào tình yêu Thiên Chúa quan phòng khi sống giây phút hiện tại với tất cả niềm vui trong việc “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những điều khác, Người sẽ thêm cho. Vậy, các Tu sĩ đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,33-34).
8.- Các Tu sĩ sống đức thanh bần là chấp nhận đời sống lao nhọc cần cù, bằng những hành động cụ thể và khiêm tốn, khước từ tư hữu và sẵn sàng từ bỏ để được tự do hơn trong sứ vụ của họ. Các Tu sĩ hãy biết thán phục và trân trọng những công trình sáng tạo cũng như đồ dùng họ đang sử dụng: hòa mình với Cộng đoàn trong mức sống ; thành thực muốn để mọi sự làm của chung và lãnh nhận tùy theo mức cần thiết (x. Huấn thị Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Hội dòng 14). Các Tu sĩ làm việc để mưu sinh cho chính mình, mưu sinh cho anh chị em của mình, và để giúp đỡ những người nghèo, đó là bổn phận của họ. Nhưng những hoạt động của các Tu sĩ không được trái với ơn kêu gọi của Hội Dòng của họ, cũng không thể cho phép họ thường xuyên làm những công việc thay thế nhiệm vụ riêng biệt của Hội Dòng (x. Tông Huấn Chứng tá Phúc Âm 20).
III.- LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM TUÂN PHỤC
1.- Mê Danh vọng gồm có tội kiêu ngạo và tội nóng giận. Mê trí mình (tội kiêu ngạo) và mê ý mình (tội nóng giận) được biến đổi triệt để nhờ lời khấn vâng phục. Đức Tuân phục Phúc Âm giúp biến đổi triệt để những gì, trong lòng con người, phát xuất từ sự kiêu hãnh về cuộc sống (x. Tông Huấn Hồng ân cứu chuộc số 9).
VÂNG PHỤC ≠ MÊ DANH (kiêu ngạo và nóng giận)
Khiêm nhường ≠ Mê trí mình (kiêu ngạo)
Hiền lành ≠ Mê ý mình (nóng giận)
2.- Lời khuyên Phúc Âm tuân phục được đảm nhận với tinh thần đức tin và đức mến, theo gương Đức Kitô tuân phục cho đến chết (x. Giáo Luật 601). Chính vì muốn trung thành với ơn kêu gọi mà các Tu sĩ tuyên khấn tuân phục trong ánh sáng đức tin và trong chính sức mạnh của lòng mến Đức Kitô. Tuyên khấn như vậy, các Tu sĩ đã hiến dâng tất cả ý chí và bước vào kế hoạch cứu độ của Đức Kitô một cách vững mạnh hơn, quyết liệt hơn (x. Tông Huấn Chứng tá Phúc Âm 23).
3.- Đức tuân phục Kitô giáo là một sự tùng phục thánh ý Thiên Chúa vô điều kiện . Đức tuân phục của các Tu sĩ là một tác động hoàn toàn tự do đã làm cho họ trở nên tu sĩ hiện nay: nhiệm vụ của họ là làm cho tác động ấy luôn luôn trở nên sống động hơn bằng những sáng kiến riêng, hoặc bằng cách các Tu sĩ sẵn lòng hưởng ứng những mệnh lệnh của các Bề Trên của họ. Đức tuân phục ấy thay vì giảm bớt phẩm giá con người, lại làm cho con người trở nên trưởng thành bằng cách làm lớn mạnh quyền tự do làm con Thiên Chúa (x. Tông Huấn Chứng tá Phúc Âm 27).
4.- Các Tu sĩ được Thiên Chúa yêu thương mời gọi sống tuân phục noi gương Đức Kitô và tham gia vào sứ vụ của Người. Dù họ thi hành quyền bính hay tuân phục, các Tu sĩ không thể ra lệnh hay tuân phục mà không quy chiếu về sứ vụ. Khi tuân phục các Tu sĩ nối liền sự tuân phục của mình vào sự tuân phục của Đức Giê-su để cứu độ thế giới (x. Huấn thị Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Hội dòng 15).
5.- Lời khuyên Phúc Âm về đức vâng phục là lời mời gọi rút ra từ sự vâng phục “cho đến chết ” của Đức Ki-tô, và chính bởi lời khấn tuân phục, các Tu sĩ quyết tâm biến đổi để được nên giống Đức Kitô, Đấng vì sự vâng phục của mình đã cứu chuộc loài người và thánh hoá họ. Khi tuân giữ lời khuyên tuân phục, họ tìm thấy vai trò đặc biệt của mình trong công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô và trong con đường nên thánh của họ (x. Tông Huấn Hồng ân cứu chuộc 13).
6.- Do lời khấn vâng phục, các Tu sĩ cam kết buộc phải quyết chí tuân phục các Bề Trên hợp pháp là đại diện cho Thiên Chúa, khi các Ngài truyền lệnh theo Hiến Chương (x. Giáo Luật 601). Chỉ có Bề Trên cấp cao mới có thể ban lệnh tryền với hiệu lực của lời khấn vâng phục vì những lý do thực sự, nghiêm trọng, và phải làm trong tinh thần bác ái và thận trọng. Một lệnh truyền như vậy phải được ban trước hai nhân chứng hoặc bằng văn bản. Các Tu sĩ buộc phải vâng phục Đức Giáo Hoàng như Bề Trên tối cao của mình, và cũng phải vâng phục Người do dây ràng buộc thánh của đức vâng phục (x. Giáo Luật 590 § 2).
7.- Theo gương Chúa Kitô, Đấng đã đến để làm theo ý Chúa Cha tự nhận làm thân phận tôi tớ, và đã học tập đức vâng lời từ những đau khổ phải chịu, các Tu sĩ, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, hãy lấy đức tin tùng phục các Bề Trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các Ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh chị em trong Chúa Kitô, như chính Chúa vì tuân phục Chúa Cha đã phục vụ anh chị em, và hiến dâng mạng sống để cứu chuộc mọi người. Các Tu sĩ hãy khiêm tốn tuân phục các Bề Trên của mình theo tiêu chuẩn quy luật và Hiến Chương, trong tinh thần tin kính và yêu mến đối với thánh ý Chúa, dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn cũng như năng khiếu và ơn Chúa ban để thi hành các giới lệnh và chu toàn những phận vụ đã được ủy thác cho mình, vì biết mình đang góp công xây dựng Thân Thể Chúa Ki-tô theo như ý định Thiên Chúa (x. Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống Dòng Tu 14).
8.- Trong đời sống huynh đệ được Thánh Thần linh hoạt, mỗi Tu sĩ trân trọng đối thoại với những người khác để tìm ra ý Chúa Cha, đồng thời tất cả mọi người đều nhận ra nơi Bề Trên hiện thân tình phụ tử của Thiên Chúa, và quyền bính Thiên Chúa trao ban là để dùng vào việc biện phân và hiệp thông (x. Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến 92).
Tu viện Philip Phan Văn Minh, ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Tu sĩ Giuse Maria Trương Văn Trung, XV.
Người Sáng Lập
Hội Dòng Sức Sống Chúa Kitô
Từ khóa » Cảm Nghiệm Về Ba Lời Khấn
-
Trăn Trở Về Ba Lời Khấn
-
Đời Tu Và Ba Lời Khấn. - Giáo Phận Vĩnh Long
-
Nên Thánh Trong Đời Tu: Sống Khiết Tịnh, Khó Nghèo Và Vâng Phục
-
Ba Lời Khấn Của Người Tu Sĩ - Dòng Tên
-
CẢM NGHIỆM SAU KHI LẶP LẠI LỜI KHẤN | FMM Việt Nam, Fmmvn
-
Đời Sống Thánh Hiến Với Lời Khấn - Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp
-
VITA CONSECRATA | ĐỜI TU VÀ BA LỜI KHẤN - Facebook
-
Lời Khấn Là Gì? Suy Niệm Về Các Lời Khấn Dòng
-
Bản Xét Mình Với Ba Lời Khấn - DÒNG MÂN CÔI CHÍ HOÀ
-
Tâm Tình Ngày Tuyên Lại Lời Khấn Dòng - MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
-
Đi Tìm Một Nền Tảng: Hồng ân đời Sống Thánh Hiến
-
[PDF] 1. Các Linh Mục Và Nam Nữ Tu Sĩ Làm Gì Trong Thời đại Này? 2. Có Phải ...
-
Chút Cảm Nghiệm Sau Thánh Lễ Khấn Dòng Của Các Sơ Dòng Nữ ...
-
Như Thế Nào Gọi Là đời Sống Thánh Hiến?