Trăn Trở Về Ba Lời Khấn

  1. Ý nghĩa lời tuyên khấn

Đâu là ý nghĩa của lời tuyên khấn ? Phải chăng đó chỉ là hành động cuả những siêu nhân ? Thực ra khi tuyên khấn nào có ai tự nghĩ mình là siêu nhân. Chúng ta không phải là siêu nhân, hay ít nhất chưa phải là siêu nhân, điều ấy đã rõ như hai với hai là bốn. Cũng chẳng phải vì chúng ta tin chắc rằng mình sẽ mạnh mãi, sẽ chẳng hề nao núng, sờn lòng. Trái lại, sỡ dĩ chúng ta tuyên khấn, thề nguyền… chính vì chúng ta biết mình không mạnh, chính vì chúng ta đã nghi ngờ ngay cả bản thân ta. Nếu như chúng ta đã cầm chắc như đinh đóng cột rằng tình yêu và chọn lựa của mình sẽ không bao giờ thay đổi, nếu ta không hề lo âu về một ngày mai đầy bất trắc, thì cần gì phải bày vẽ chuyện khấn hứa với thề nguyền.

Trước khi tuyên khấn thường các tu sĩ cũng ý thức những khó khăn do lời khấn đặt ra và cũng lo ngại những yếu đuối của lòng mình. Nhưng dù vậy họ vẫn mạnh dạn tuyên khấn. Khi can đảm tiến bước như vậy không phải chỉ vì đã ỷ vào sức riêng của mình, hay đã trông chờ nơi một quyền lực trần  gian nào khác, mà hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh tình thương của Thiên Chúa, dìm mình vào cuộc khổ nạn của Đức Kytô để được phục sinh với Ngài.

Hiểu như thế, cho dù trong lời khấn đã giả thiết và bao hàm việc có thể thất trung, phản bội, nhưng không phải vì thế mà lời tuyên khấn không còn ý nghĩa. Trái lại, chính vì những lời đe dọa thất trung, phản bội và bỏ cuộc đó, mà lời tuyên khấn có gía trị luân lý. Nói cách khác, chính nơi ý chí cương quyết muốn vượt thắng những khó khăn, cương quyết muốn vô hiệu hóa những đe dọa nói trên đã đem lại cho lời tuyên khấn một ý nghĩa đặc biệt, một gía trị nhân linh.

Chúng ta tuyên khấn chính vì chúng ta ý thức rõ rệt giòng đời nhiều thăng trầm và bất trắc. Bên cạnh đó tâm lý, xu hướng của chúng ta cũng sẽ biến chuyển với nhịp bước của thời gian, của điều kiện văn hóa và xã hội. Chính vì muốn dự phòng những biến chuyển vô thường đó, để cái nhất thời không tiêu hủy cái trường tồn, “để tiểu” cuộc không làm hỏng “đại cuộc” … Chúng ta tự nguyện bắt ý chí phải xac định lập trường, dứt khoát vạch một hướng đi rõ rệt cho tương lai. Một khi đã chọn lựa, đã quyết định trong sáng suốt và tự do thì không thể dễ dàng đổi hướng hay thối lui chỉ vì những khó khăn hay sở thích nhất thời.

Hơn nữa, cho dù cuộc đời có nhiều thay đổi và biến chứng bất ngờ chẳng ai có thể lường trước được, nhưng giữa những đổi thay vãn có những yếu tố bền vững. Cái tôi khi mới lên năm, hay ăn vụng, thích nhõng nhẽo; cái tôi ở tuổi dậy thì hay mộng mơ và thường có những nỗi buồn vu vơ; cái tôi ngày bước chân vào tập viện, ngơ ngác như chim chích lạc vào rừng … và cái tôi hôm nay đang chuẩn bị khấn trọn đời … vẫn là một.

Trải qua bao cuộc bể dâu, với thật nhiều nguời vui và hoạn nạn đè nặng trên vai tôi vẫn là tôi. Dù bề ngoài thân xác đã thay đổi về chiều cao cũng như sức nặng; dù màu lúp hay kiểu áo đã bao lần thay đổi; dù trí óc có nặng thê mấy bồ sách hay mấy tầng lớp kinh nghiệm… trong tôi vẫn có cái gì còn đó, cho phép nhìn nhận tất cả những tiến trình và thay đổi đó là của chính tôi, chứ không phải của ai khác. Trải qua bao thăng trầm biến đổi, bao thành công hay thất baị, bao vui buồn đắp đổi… tôi vẫn còn khả năng chọn lựa và trách nhiệm về hành vi của mình.

Nếu phân tích đến cùng, vấn đề trung tình với lý tưởng tu trì chẳng qua vấn đề hiện diện. Cái tôi ngày xưa với cái tôi bây giờ vẫ có cái gì đồng nhất của một chủ thể, một nhân vị, nghĩa là vẫn hiện diện. Chính sự hiện diện này, cái ý thức hiện tại lúc này đây là bảo đảm tính duy nhất của một  con người có tên gọi, một quê quán, một hành trình, một lựa chọn riêng biệt … là tôi.

Có tác giả đã ví hiện diện này như một bí tích, nghĩa là một biểu hiện bên ngoài của một thực tại tâm linh vô hình mà còn mất trần gian không thể nhìn thấy. Phải, chỉ huy một thực tại, một dấu bê ngoài  mà tôi biết chắc đó là vẫn tôi hiện diện và trung tình đến giờ phút này để đón nhận các ân huệ của Thiên Chúa. Căn cứ vào đó, tôi có lý và có quyền tin rằng nếu tôi vẫn tiếp tục con đường đã đi, vẫn quảng đại đáp lại tiếng gọi của Ngài, chắc Ngài sẽ tiếp tục dẫn dắt tôi trên con đường tương lai. Chính  Ngài sẽ dạy tôi biết phản ứng, xử trí với những biến cố của cuộc đời, cho dù bất ngờ và bất trắc đến đâu chăng nữa !.

  1. Bước theo Đức Kitô

Công đồng  Vatican II đã định nghĩa tu sĩ như những người tự nguyện bước theo đức Kitô (sequela Christi), cố gắng tiếp nối nếp sống và sứ vụ của Ngài. Trình thuật Tin Mừng thường dùng diển ngữ “hãy theo Thầy” để diễn tả việc Đức Kitô mời gọi các môn đồ. Diễn ngữ này một đàng nói lên sự ưu ái đặc biệt của Đức  Kitô đối với người được mời gọi, mặt khác nói lên tính dứt khoát và quyết liệt của lời mời gọi. Theo Đức Kitô tức là gắn bó, ràng buộc với Ngài, tức là chấp nhận dấn thân với Ngài và sẵn sàng chịu liên  lụy với  Ngài. Cũng không ai có thể nếu không yêu Ngài hơn cha mẹ, vợ con, anh chị em; nếu không sẵn sàng từ chối nhũng dự phóng của đời mình vì Nưóc Trời. Môn đệ càng gần gũi và được Chúa yêu thương nhiều hơn thì yêu sách từ bỏ này càng quyết liệt, dứt khoát và triệt để hơn.

 Theo một truyền thống ngoài Thánh kinh, buổi chiều  cuôi cùng của đời dương thế, trước khi đến vườn cây dầu, Đức Kitô đã nói với các môn đệ câu sau : “Không ai có thể tới đến nước trời mà lại không ngang  qua sự cám dỗ”. Giáo huấn này có ý nói lên rằng không một môn đệ đích thực nào của Đức Kitô được miễn trừ  thử thách, chiến đấu, cám dỗ; và chỉ duy những ai chiến thắng mơí nắm chắc phần thưởng . Lời nguyện kết thúc kinh laỵ Cha : “Xin đừng để sa chước cám dỗ” (Luca) rõ ràng không phải là lơì nguyện xin “miễn trừ cám dỗ“, mà là xin được trợ lực để chiến thắng cám dỗ

   Khi tuyên khấn chính là lúc tu sĩ nói lên ý thức  và ưng thuận “đi theo” Đức Kitô, chấp nhận dấn thân “bước theo Ngài” vì nước Trời  và cho anh em nhân loại. Việc  “bước theo Đức Kitô” này, theo thánh Tôma, đòi hỏi hai điều kiện căn bản. Điều kiện tiêu cực đầu tiên là xa lìa tất cả những gì có thể cám dỗ, xui xiễm ta xa lìa Thiên Chúa. Điều kiện tích cực  là người tu sĩ phải hiến dâng ngay cả những giá trị chính đáng như tiền của, quyền thế, tự do, dự phóng tương lai, tình yêu đôi lứa.

  1. Đau xót của tuyên khấn

Trước tiên,  khấn tuân phục là hiến dâng quyền tự do, tự quyết. Suốt dọc lịch sử đời tu, đã có rất nhiều quan điểm về gía trị và cách thế thực hành  lời khấn này. Sự khác biệt này vừa tùy theo điều kiện văn hóa xã hội và linh đạo riêng của mỗi Hội Dòng, vừa do người  ta đã đánh gía sự “vâng lời” trong tương quan đối với Thiên  Chúa, với đặc sủng của hội dòng, với bề trên, với tu luật,  với cộng đoàn…

 Linh đạo Đa Minh đề cao chiều kích hiệp thông và vai trò của sứ vụ, phù hợp với điều kiện văn hóa và xã hội  của thời đại các công xã ở Châu Au. Thánh Đa Minh coi trọng tương quan huynh đệ và gọi tu sĩ là “Anh em” Bề trên được coi như người phụ trách (prius inter  pares), do anh em  tuyển chọn để đảm trách công tác chung. Các tu sĩ Đa Minh chỉ khấn vâng lời Bề Trên Tổng Quyền chiếu theo hiến pháp. Tuy nhiên Bề trên Tổng quyền của Đa Minh không nắm trong tay tất cả quyền hành. Thể theo nguyên tắc phân quyền bính khác nhau và ở mỗi mức độ, các Bề trên phải tham khảo cộng đoàn trong những quyết định quan trọng.

Theo ý nghĩa đó, lời khấn tuân phục không có nghĩa là vâng phục ý muốn của một cá nhân hay một quyền bính nào, mà được lồng trong nhiệm vụ kiếm tìm thực ý Thiên Chúa và công ích. Cha Timothy Radeliffe, Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh, giải thích : “Tuân phục chủ yếu không phãi là việc một anh em hoặc một chị em tuân theo ý muốn của bề trên. Bởi vì tuân phục là cách diễn tả tình huynh đệ của chúng ta đối với nhau, biểu lộ cuộc sống chia sẻ chúng ta trong Dòng, cho nên nó phải xây dựng trên nền tảng đối thoại và thảo luận. Người ta thường đặt nổi ý nghĩa nói trên bằng chiếu tự obedire, một từ xuất phát từ động từ ob- audire, nghĩa là nghe“.

Như vậy tuân phục trước tiên là biết lắng nghe anh em, lắng nghe Hội Dòng, lắng nghe Giáo hội, lắng nghe những thách đố của thời đại và nhất là lắng nghe lời mời gọi của Thánh Linh.

Bước sang giai đoạn quân chủ chuyên chế tại Au châu và trung ương tập quyền trong Giáo hội Roma, thánh Ignatio đã quan niệm vâng phục một cách khác hẳn : người tu sĩ không những phải tuân hành điều bề trên truyền, mà còn phải hòa hợp ý chí của mình với ý chí của bề trên. Linh đạo I-nhã đặt nặng tính hiệu năng : Hội Dòng được nhìn như một đạo quân, được tổ chức quy củ dưới sự chỉ đạo của tướng lãnh. Chính trong viễn tượng đó mà Dòng Tên tập trung quyền bính vào trung ương : tất cả chức vụ điều do Bề trên Tổng quyền bổ nhiệm, chứ không do anh em chọn lựa.

Trong thời đại dân chủ và nhân quyền hôm nay, quan niệm về tuân phục cũng thay đổi. Công đồng Vatican II đã kêu mời “các bề trên hãy đối sử với bề dưới như con cái Thiên Chúa trong sự tôn trọng nhân vị của họ và hướng dẫn họ tới mức vâng phục tình nguyện” (PC. 14). Bộ giáo luật hiện hành đòi hỏi các Hội Dòng phải cải tổ cơ chế, ngõ hầu các phần tử được tham gia vào việc quản trị (đ. 632- 633), đồng thời nhắc nhở các bề trên phải thi hành quyền bính với tinh thần phục vụ và cố gắng xây dựng trong Đức Kitô một cộng đoàn huynh đệ, trong đó mọi người tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết vạn sự (đ. 618- 619).

Tuy nhiên dù ở thời đại nào đi chăng nữa, đã gọi là vâng phục thì bao giờ cũng phải dành cho bề trên “quyền quyết định tối hậu và truyền đạt những gì phải thi hành” . Thánh Basilio có lý để gọi Bề trên là “con mắt của cộng đoàn“. Hành động vâng phục của người tu sĩ được nhìn trong viễn tượng đức tin, cậy, mến, nghĩa là với động lực siêu nhiên, chứ không theo tiêu chuẩn nhân loại hay thị hiếu tình cảm. Chính vì vậy, lời khấn tuân phục luôn luôn đòi hỏi người tu sĩ hành động từ bỏ, một khả năng vượt khỏi cái tôi bé nhỏ của mình, một thái độ sẵn sàng để nghe theo lời mời gọi của Thiên Chúa, hành động theo nhu cầu của cộng đoàn và của tha nhân.

Qua lời khấn thanh bần, tu sĩ từ khước quyến chiến hữu và định đoạt về tài sản vật chất. Mặc dù biết rằng của cải vật chất không những cần thiết cho cuộc sống mà còn bù đắp những khiếm khuyết tự nhiên nơi bản thân, tạo cơ hội phát triển tài năng, để hưởng hạnh phúc trần thế, nhưng chúng ta vẫn nhất quyết từ bỏ chúng vì giá trị của Tin Mừng. Người tu sĩ tự nguyện sống nghèo hầu gặp gỡ và đón nhận phong phú vô biên của Thiên Chúa, đồng thời để chia sẻ, tiếp cận và đồng hành nhiều hơn với thành phần nghèo khổ trong xã hội.

Ngay từ thời cổ đại của Kitô giáo, đã có nhiều quan điểm về lời khấn khó nghèo. Các đan viện tiên khởi quan niệm khó nghèo như điều kiện khắc khổ cần thiết ngõ hầu tinh thần được thanh thản kiếm tìm giá trị siêu việt. Đến khi hình thức tu hành cộng đoàn xuất hiện, thì tính liên đới huynh đệ và cộng đoàn tài sản được đặt nổi hơn nếp sống khắc khổ cá nhân. Điểm gặp gỡ chung của hai quan điển này là tinh thần liên đới với người nghèo.

Ở thời Trung cổ, để trả lời cho thách đố rao giảng Đức Kitô khó nghèo trong một Giáo hội giàu sang và trần tục hóa, thánh Đa Minh quan niệm khó nghèo như một phương tiện cần thiết ngõ hầu việc giảng thuyết được hiệu nghiệm hơn. Để có thể rao giảng tin Mừng của Đức Kitô nghèo cho những người nghèo, nhà giảng thuyết phải sống nghèo thực sự.

Về phương diện tu đức, Thánh Tôma cũng căn dặn ta đừng đồng hóa khó nghèo với sự hoàn thiện : Đừng nghĩ rằng sống nghèo đương nhiên là thánh nhân. Khó nghèo chỉ là phương tiện để thanh luyện tâm hồn, bao lâu gắn liền với đức ái và tình yêu liên đới.

Cha Timothy Racdeliffe rất có lý khi nhấn mạnh đến vai trò “phương tiện” của đức thanh bần theo tinh thần của Đa Minh : “Đức thanh bần tự nguyện mà chúng ta tuyên khấn có giá trị không phải vì – theo một nghĩa nào đó – sống nghèo là một điều tốt. Nghèo khó tự nó là điều đáng ghê tởm. Nghèo khó chỉ có ý nghĩa khi nó giúp ta vượt qua những ranh giới phân tách giữa người với nhau, khi nó giúp ta hiện diện bên cạnh anh chị em chúng ta (…). làm sao chúng ta có thể rao giảng về một Thiên Chúa nhân từ và đại lượng, Đấng ban cho ta sự sống của Ngài, nếu chúng ta bị giam hãm trong nền văn minh chiếm hữu như thế này ? Một trong những đòi hỏi căn bản nhất của lời khấn thanh bần chắc chắn là chúng ta phải sống đơn giản để có thể nhìn đời với gặp mắt khác và nắm bắt được đôi nét về một Thiên Chúa tuyệt đối yêu thương. Cuộc sộng trong các cộng đoàn chúng ta phải đơn giản để giúp chúng thoát khỏi những hứa hẹn hão huyền của nền văn minh tiêu thụ và “ sự thống trị của tiền của” .

Với lời khấn trinh khiết, tu sĩ muốn hiến dâng trọn vẹn, hiến dâng mọi giá trị ấp ủ, những tình yêu nhân loại chính đáng và mọi người mình yêu thương nhất đời. Biết rằng Thiên Chúa cần trái tim của mình để tiếp tục yêu thương, cho nên tình yêu của người tu hành không thể chỉ dàng cho riêng ai, cũng như không được lấy ai làm của riêng mình. Chính mình không nuôi mộng chiếm hữu một ai  khác, mà cũng chẳng để tâm trí người khác bị ám ảnh, vướng víu bởi bản thân mình.

Hiểu theo ý nghĩa đó, việc tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc âm là tình nguyện từ bỏ một số giá trị nhân loại. Dĩ nhiên “việc từ bỏ này chỉ có giá trị tâm linh và đạo đức nếu những giá trị chúng ta tự nguyện từ bỏ không bị hạ giá một cách sai lầm và chúng cũng không bao giờ miệt thị những gì mình từ bỏ. Chỉ có ai yêu đời mới có thể hiểu được ý nghĩa từ bỏ của cái lời khuyên phúc âm ; chỉ có những ai ý thức trách nhiệm và có thể “yêu” thực sự mới có thể hiểu được giá trị của hành động từ bỏ. Vì nếu không , sự từ bỏ chỉ là thái độ hèn nhát, tránh né cuộc đời” (Karl Rahner). Càng ý thức đúng đắn giá trị chúng ta từ bỏ, càng cảm thấy tuyên khấn là mốt hành động dấn thân thực sự, là can đảm bước theo Chúa Kitô.

Sẽ có những lúc việc từ bỏ làm ta đau xót và nối tiếc. Cảm thấy thấm thía cảnh cô đơn của kiếp tu hành thật là bi đát, khi đã dâng trọn thân xác và tình yêu cho Thiên Chúa, nhưng cũng muốn dành nó lại cho ai khác. Đâu phải lúc nào cũng dễ dàng và đơn giản khi yêu mọi người mà không được giữ lại riêng ai, khi vừa nhen nhúm được một tình yêu đã phải vội vàng xác định ngay giới hạn và vị thế của mình! Đối diện với tình yêu, với hạnh phúc nhân loại, với những “trái cấm” chín mọng hai bên đường, nhiều lúc ta như chợt nhận ra rằng đời mình còn thiếu thốn một cái gì, vắng bóng một người nào ! Thập giá và đau khổ dù có được “thánh hóa” hay phong thần chăng nữa, vẫn là thập giá  và đau khổ!

Như vậy, giữa những thử thách, khắc khoải, trăn trở, khổ đau… chúng ta vẫn có thể giữ vững niền an vui nội tâm, nếu biết tín nhiệm vô điều kiện nơi Thiên Chúa, nếu có sự can đảm của Apraham. Ngoài ra sống độc thân vì Nước Trời không nghĩa là bướng bỉnh đoạn tuyệt với mọi tình cảm nhân loại, nhưng là một lời mời gọi biến đổi, thăng hoa và mở rộng nó. Càng đụng chạm với thực tế, tiếp xúc với người đời chúng ta sẽ nhận thấy những đòi hỏi muôn mặt của tình yêu. Cần ý thức rằng những khuynh hướng đó tự thân vốn tốt đẹp. Chúng ta đoan hứa bước theo Chúa Kitô vì giá trị Nước Trời không phải để cố chấp phớt lờ hay thẳng tay đàn áp, tiêu diệt mọi tình yêu nhân loại chính đáng, mà để hiến dâng Ngaì một tình yêu quảng đại, rộng lớn và thanh khiết hơn, nhờ đã được tẩy luyện qua những thử thách trong cuộc đời.

  1. Tự do và trách nhiệm.

“Tự do và trách nhiệm theo tinh thần Đa Minh” là nội dung lá thư mà Bề trên Tổng quyền đã gởi cho anh chị  em Đa Minh để hướng tới một linh đạo về quản trị.

Theo Bề trên Tổng quyền, tự do là một trong những nét độc đáo của linh đạo Đa Minh : “Thánh Đa Minh mê hoặc  chúng ta bằng sự tự do của người. Đó là sự tự do của nhà giảng thuyết lữ hành, nghèo khó, sự tự do đã sáng lập nên một Dòng tu không giống một Dòng tu nào đã có trước đó.  Người tự do khi tung gieo cộng đoàn mong manh nhỏ bé người đã qui tụ quanh mình và phái họ đi tới các Đại học. Và người tự do chấp nhận những điều anh em đã nghị quyết trong Tổng hội, cả khi người thậm chí không đồng quan điểm với anh em. Đó là sự tự do của con người có lòng thương cảm, dám đối diện và dám trả lời“.

Tinh thần tự do này đang gặp khủng hoảng và bị tê liệt vì cá nhân chủ nghĩa. Sự tự do tông đồ của Tháng Đa Minh, thứ tự do hào hùng hiến dâng trọn vẹn bản thân mình cho sứ vụ, nhiều khi đã ngụy trang thành một thứ chiêu bài để biện minh cho tính ích kỷ nhỏ nhoi.

Nhưng mặt khác tinh thần tự do hào hùng này cũng bị tê liệt bởi thái độ bảo thủ, giáo điều im lìm, bất động, chết đứng một chỗ. Vấn đề căn bản là làm thế nào chúng ta có thể canh tân sự tự do đúng đắn và sâu sắc của người Đa Minh ? Sự tự do ấy mang nhiều chiều kích : đơn giản trong nếp sống, lữ hành, cầu nguyện.

Đặc biệt đối với vấn đề đào tạo, phương pháp huấn luyện của chúng ta đã dự phóng như thế nào để giúp các huấn sinh hiểu và sống thực sự ý nghĩa “tự do và trách nhiệm” ? Đã hành động và hướng dần ngưòi thụ huấn biết sử dụng đúng đắn sự tự do hào hùng của con cái Chúa, hay chỉ chu chu chắm chắm tìm mọi cách kiểm soát và canh chừng ? Ba lời khấn được trình bày như một lời mời gọi của Tin Mừng còn luôn chờ đợi sự trả lời tự do của một nhân vị ỳ thức hay một chiếc giường procuste ?

Cha Timothy Radeliffe có lý khi thẳng thắn chất vấn chúng ta : “Chúng ta có dám nhận vào Dòng những người trẻ dám mạnh dạn đương đầu với những thách đố mới kể trên với lòng can đảm và sáng tạo, dầu biết mình rất có thể đặt lại vấn đề nhiều đối với những gì  đã quen, đã là của mình, và những gì mình đã làm ? Chúng ta có hân hoan khi nhận vào tỉnh Dòng chúng ta một con người như Thánh Tôma, ngưòi đã du nhập một triết lý mới đang bị ngờ vực, người đã đặt những vấn đề khó khăn nhưng lại căn bản ? Liệu chúng ta có thể nhận một anh em như Batolomé de Las Casas, với nỗi đam mê hoạt động cho công lý xã hội ? Liệu chúng ta có vui vì có một Fra Angelico, người đã kinh nghiệm về những cách thức mới mẻ để loan báo Tin Mừng ? Liệu chúng ta có nhận chị Catharine tuyên khấn, với tất cả tính tình bộc trực của chị không ? Chúng ta có đón nhận Martin de Poret, người đã làm xáo trộn sự bình an của cộng đoàn khi đưa đủ mọi thứ người nghèo vào đó không ? Liệu chúng ta có thể chấp nhận  Thánh Đa Minh ? Chúng ta không thích những ứng sinh biết để cho chúng ta “hai chữ bằng yên” đó sao ? Và kết quả chương trình đào tạo khai tâm của chúng ta là gì ? Phải chăng chương trình đào tạo ấy phải sản sinh ra những anh chị em đã lớn lên trong đức tin và lòng can đảm, dám chấp nhận thử thách và liều lĩnh hơn khi họ đến lới chúng ta lúc đầu ? Chúng ta có thuần  hóa họ và làm cho họ được an toàn không?”.

Nguồn: daminhrosalima.net

Từ khóa » Cảm Nghiệm Về Ba Lời Khấn