Nên Thánh Trong Đời Tu: Sống Khiết Tịnh, Khó Nghèo Và Vâng Phục
Có thể bạn quan tâm
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong bài chia sẻ của ngài tại đại hội giới trẻ thế giới lần thứ mười ba, ngày 02/02/2009 đã khẳng định rằng: đời sống thánh hiến là gì nếu không phải là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô? Bản chất của đời sống thánh hiến là sống và thực hành ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục. Lời nói và gương lành của Chúa Giêsu là nền tảng của các lời khuyên Phúc Âm. “Các lời khuyên ấy là ân huệ thần linh mà Giáo Hội đã nhận lãnh bởi Chúa mình và trung thành gìn giữ nhờ ơn Người” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, 43). Theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu, người tu sĩ sống tốt các lời khuyên ấy là một cách thức hữu hiệu nhất để giúp họ nên thánh trong đời tu và thể hiện dấu chỉ huy hoàng của Nước Trời mai hậu. Như Giáo Hội là hiền thê của Chúa Giêsu, người tu sĩ qua việc tự nguyện sống ba lời khuyên Phúc Âm đã hiến dâng hoàn toàn bản thân mình như một của lễ hy sinh liên lỉ dâng lên Thiên Chúa.
Nguồn Gốc Sống Ba Lời Khuyên Phúc Âm:
Truyền thống sống ba lời khuyên Phúc Âm có nguồn gốc từ thời Giáo Hội sơ khai thể hiện qua đời sống khó nghèo, góp của cải làm của chung của giáo đoàn Jerusalem (Cv 4, 32-35). Tiếp đến là các nhà ẩn tu, mà điển hình là thánh Antôn người Ai Cập. Tuy vị thánh không tuyên khấn một cách chính thức sống ba lời khuyên Phúc Âm nhưng đã sống noi gương Chúa Giêsu bằng lối sống nhiệm nhặt trong rừng vì tình yêu Thiên Chúa. Cộng đoàn tu trì đầu tiên của Giáo Hội được thành lập bởi thánh Pachomius (năm 364). Với lối sống khổ tu, các tu sĩ sống theo các điều luật được lấy ra từ Kinh Thánh. Luật của thánh Basilô (329-379) và thánh Bênêdictô (480-543) dần dần hình thành nên căn tính của đới sống tu trì dựa trên nền tảng của ba lời khuyên Phúc Âm.
Tuy nhiên, mãi đến thời thánh Toma Aquinô (thế kỷ thứ XIII), ba lời khuyên Phúc Âm mới chính thức là phương thế sống trọn lành của các tu sĩ. Ba lời khuyên bổ túc cho nhau và không thể tách rời nhau, giúp người tu sĩ dâng hiến trọn tình yêu của mình cho Thiên Chúa và tha nhân: lời khấn Khó Nghèo giúp người tu sĩ từ bỏ những dính bén của vật chất bên ngoài; lời khấn Khiết Tịnh giúp từ bỏ những dính bén của nhục dục; và lời khấn Vâng Lời hướng trái tim và tâm hồn người tu sĩ làm theo thánh ý của Thiên Chúa thay vì làm theo ý mình.
Giáo Hội ngày nay mời gọi mọi Kitô hữu không phân biệt tu sĩ hay giáo dân nên trọn lành bằng việc sống ba lời khuyên Phúc Âm. Tuy nhiên, Giáo Hội kêu gọi người tu sĩ sống triệt để hơn ba lời khuyên ấy bằng chính đời sống thánh hiến của họ. Qua việc sống ba lời khuyên Phúc Âm, người tu sĩ lớn mạnh hơn trong đức Tin, đức Cậy và đức Mến mà họ đã khấn hứa từ ngày chịu phép Rửa Tội. Là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, người tu sĩ dâng hiến trọn vẹn của cải vật chất, tình yêu gia đình và tự do cá nhân như một hy lễ thờ phượng dâng lên Thiên Chúa. Họ chọn Thiên Chúa là gia nghiệp của đời mình, yêu Thiên Chúa bằng một tình yêu tinh tuyền, không bị chia sẻ và lan toả tình yêu ấy cho tha nhân bằng đời sống phục vụ và hy sinh của mình.
Bản Chất Ba Lời Khấn:
Lời khấn là một hành vi thờ phượng cao trọng nhất, là một hy lễ sống động của người tu sĩ dâng lên Thiên Chúa theo gương Đức Kitô – “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hang với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế …” (Pl 2, 6-11). Khi tuyên khấn, người tu sĩ liên lỉ dâng lên Thiên Chúa chính mình làm của lễ toàn thiêu. Họ từ bỏ tất cả những gì thuộc về mình, lấy Đức Kitô là trung tâm điểm của đời sống phục vụ, dâng hiến và để tình yêu Đức Kitô thúc bách, biến đổi suy nghĩ, hành động trong từng khoảnh khắc cuộc đời mình để rồi họ có thể can đảm tuyên xưng rằng: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Người tu sĩ đóng vai trò như là chiếc cầu nối liên kết các phần tử trong Giáo Hội và để xây dựng Giáo Hội mỗi ngày một lớn mạnh trong đức Tin – Cậy – Mến và hiệp nhất trong Đức Kitô. Do đó, Giáo Hội đã đặt những người sống đời thánh hiến giữa đời ngang hàng với các thánh tử đạo. Họ tự nguyện sống và trung thành với Giáo Hội, cho Giáo Hội và vì Giáo Hội.
Chúa Giêsu mời gọi mỗi người được thánh hiến bắt chước nếp sống của chính Ngài khi Ngài hạ sinh xuống thế làm người. Sống đức Khiết Tịnh, người tu sĩ trao trọn tình yêu tinh tuyền của mình cho Đức Kitô, đón nhận tình yêu trinh khiết của Đức Kitô làm của mình. Sống đức Khó Nghèo, người tu sĩ tuyên xưng với thế giới rằng: Đức Kitô là Con Một của Thiên Chúa và đồng nhất với Thiên Chúa Cha. Chúa Con đã đón nhận mọi sự từ Chúa Cha và cũng đã dâng lại mọi sự cho Chúa Cha vì yêu thương. Do đó, người tu sĩ sống thấm nhuần tinh thần: “Mọi sự Chúa Cha có là của Chúa Con”(Ga 16, 15). Sống đức Vâng Phục, người tu sĩ noi gương Chúa Giêsu bằng hiến lễ hy sinh tự nguyện của đời mình cho Chúa và tha nhân, tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa giàu lòng thương xót, là Đấng chỉ vui thoả khi thực thi ý muốn của Chúa Cha vì Người hoàn toàn kết hợp với Chúa Cha và tuỳ thuộc vào Chúa Cha trong mọi sự (Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, 16).
Lời Khấn Khiết Tịnh:
Với lời khấn Khiết Tịnh, người tu sĩ đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa bằng một tình yêu không bị chia sẻ. Họ tự nguyện sống khiết tịnh cả thể xác lẫn tâm hồn để dành trọn tình yêu cá vị của mình cho Đức Kitô, cho các anh chị em trong dòng và tha nhân. Họ không chỉ từ bỏ đời sống gia đình mà còn tránh tất cả những gì gây cản trở đến việc giữ lời khấn Khiết Tịnh. Ngoài ra, người tu sĩ được mời gọi thể hiện cho thế giới gương mặt sáng láng, thánh thiện và đầy tình yêu thương của Đức Kitô đối với Thiên Chúa Cha và nhân loại để đền bù những tội lỗi mà loài người đã phạm trong thế giới hôm nay. Người tu sĩ được mời gọi sống trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng đóng vai trò trung gian chuyển cầu giữa Thiên Chúa và nhân loại. Họ tự nguyện khước từ thiên chức làm cha, làm mẹ tự nhiên để trở thành người cha, người mẹ thiêng liêng cho mọi người, và trở thành hiền thê của Chúa Giêsu. Thay vì làm cha, làm mẹ của ba hay bốn đứa trẻ và dành trọn tình yêu cho một người khác phái, lời khấn Khiết Tịnh giải thoát họ khỏi những ràng buộc trần thế để có thể yêu và phục vụ mọi người trong Đức Kitô một cách vô vị lợi. Khi tuyên khấn, người tu sĩ từ bỏ quyền trao ban tình yêu cho bất kể loài thụ tạo nào khác mà chỉ đặt trọn con tim mình vào tình yêu Thiên Chúa. Khi người tu sĩ xao nhãng công việc bổn phận hay tìm vinh danh mình thay vì vinh danh Thiên Chúa trong việc phục vụ tha nhân là lúc họ làm tổn thương lời khấn Khiết Tịnh. Chỉ khi người tu sĩ đặt trọn trái tim, bàn tay mình trong Đức Kitô và cùng đi với Ngài thì họ mới có thể sống trung thành với lời khấn Khiết Tịnh.
Tuy nhiên, dù đã tuyên khấn, người tu sĩ vẫn mang trong mình bản chất yếu đuối của con người. Họ vẫn là con người với trái tim thịt chứ không phải trái tim đá. Tuy họ sống giữa thế gian và không thuộc về thế gian nhưng họ vẫn là chính họ chứ không phải là một thiên thần hay một ai khác. Để có thể sống an vui với lựa chọn sống đời tận hiến, một lối sống xem ra đi ngược với quy luật tự nhiên, người tu sĩ phải lội ngược dòng, phải hy sinh và không ngừng chiến đấu để thắng vượt bản thân.
Có nhiều các phương thế tự nhiên và siêu nhiên để giúp người tu sĩ trưởng thành trong việc sống lời khấn Khiết Tịnh. Về mặt tự nhiên, người tu sĩ nên hiểu rõ cơ chế sinh lý tự nhiên của bản thân, luôn luôn tự nhận thức rằng đã là con người thì vẫn luôn khao khát yêu và được yêu. Tuy nhiên, khi biết được giới hạn của mình, họ sẽ biết cách đặt tình cảm của mình một cách hợp lý để có một lối sống quân bình, hợp với ơn gọi. Về mặt siêu nhiên, người tu sĩ nuôi dưỡng đời sống thánh hiến của mình bằng cách kết hợp hài hoà giữa đời sống cầu nguyện, năng chịu các phép bí tích, nghỉ ngơi, vui chơi, mục vụ, yêu mến Đức Mẹ và có đời sống nội tâm. Có thế, người tu sĩ sẽ mang trong mình một lối sống tự lập lành mạnh, rộng lượng, khoan dung, khiêm nhường, tha thứ, yêu tất cả mọi người mà không bị lệ thuộc vào một mối quan hệ cá biệt nào đó. Ngoài ra, sống bác ái yêu thương, hoà đồng với mọi người và năng tìm gặp Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể để cảm nghiệm được tình yêu và sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Và tha nhân cũng là nguồn trợ lực quan trọng giúp người tu sĩ sống tốt lời khấn Khiết Tịnh.
Lời Khấn Khó Nghèo:
Với lời khấn Khó Nghèo, được thôi thúc bởi tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, người tu sĩ cam kết sống tiết độ, từ bỏ chính mình để làm nhân chứng cho đời. Sống khó nghèo mời gọi người tu sĩ từ bỏ mọi sự vì chính Chúa, khước từ mọi sự để chọn chính Đức Kitô làm tất cả cho mình. Lời khấn Khó Nghèo giúp người tu sĩ khiêm nhường nhận ra mình là người tội lỗi, bất lực và nhỏ bé để họ có thể đặt hy vọng hoàn toàn vào Đức Kitô và sẵn sàng mở rộng lòng đón nhận mọi sự như là món quà từ Ngài.
Sự khó nghèo của người tu sĩ phải thực sự là sự khó nghèo của Tin Mừng – Khó nghèo xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa và tha nhân một cách vô vị lợi. Nhờ đó, họ có thể bao dung và nhạy cảm trước nhu cầu của người khác, có thể sẵn sàng trao tặng món quà tình yêu của mình cho mọi người không phân biệt giới tính, tuổi tác, tôn giáo, và sắc tộc. Ngoài ra, lời khấn Khó Nghèo giúp người tu sĩ sống hoà đồng với mọi người, dễ dàng chấp nhận mọi sự trong cộng đoàn là của chung và cũng dễ dàng chia sẻ với anh chị em cùng cộng đoàn những gì mình sở hữu như kiến thức, nghề nghiệp, tài năng, và của cải vật chất. Đức Kitô qua mầu nhiệm Nhập Thể đã khởi đầu đời sống khó nghèo bằng việc tự huỷ mình vì nhân loại. Khi người tu sĩ tuyên khấn lời khấn Khó Nghèo là lúc họ tuyên xưng với thế giới rằng: Họ không có gì cả! Đặc biệt, Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá là biểu hiện cao điểm của lời khấn Khó Nghèo. Ngài tự nguyện huỷ mình, trở nên nghèo khó để cho nhân loại được trở nên giàu có. Đó là được trở thành con Thiên Chúa và được sống dồi dào, viên mãn trong gia đình Thiên Chúa.
Lời Khấn Vâng Phục:
Lời khấn Vâng Phục bắt nguồn từ Đức Kitô. Ngài vốn là Con Thiên Chúa mà đã vâng phục thánh ý Chúa Cha, tự hạ mình xuống thế làm người, bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá (Pl 2,5-8). Đức Kitô học sự vâng phục qua sự hy sinh và đau khổ của mình. Sự vâng phục đích thực là một dấu chỉ của tình yêu. Sống vâng phục giúp người tu sĩ thực hành tốt các nhân đức khác và gia tăng đời sống tâm linh. Sống vâng phục còn giúp người tu sĩ an vui và kết hợp ngày càng mật thiết với Chúa hơn.
Người tu sĩ học biết sống vâng phục từ những việc nhỏ mọn trong đời sống thường ngày. Chẳng hạn như người tu sĩ khi vâng lời bề trên đi học ngoại quốc hay đi mục vụ truyền giáo ở vùng miền núi xa xôi. Cuộc sống xa gia đình, cộng đoàn và giáo phận là lúc họ trao trọn tự do ý chí của mình cho Thiên Chúa qua ý bề trên. Mẹ Thánh Têrêsa thành Calculta nói: Bề trên có thể sai lầm trong quyết định của mình nhưng bề dưới không thể sai lầm khi vâng lời bề trên. Có thể nói, lời khấn Vâng Phục khó giữ hơn lời khấn Khó Nghèo bởi vì với lời khấn Khó Nghèo, không có gì thuộc về chúng ta. Tuy nhiên, với lời khấn Vâng Phục, chúng ta vẫn còn ý riêng – điều mà chính Thiên Chúa không thể lấy đi được. Khi người tu sĩ không sống tốt lời khấn Vâng Phục thì các lời khấn Khó Nghèo và Khiết Tịnh cũng sẽ mỗi ngày một sa sút. Đức Vâng Phục là thước đo tình yêu và sự trung thành của người tu sĩ với Thiên Chúa vì Ngài yêu mến con người của họ chứ không phải những công việc họ làm.
Lời Kết:
Cả ba lời khấn: Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục đều mời gọi người tu sĩ đáp trả tiếng mời gọi yêu thương của Thiên Chúa với một cách trọn vẹn, từ bỏ tất cả và vâng lời cho đến chết theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu. Sống đời thánh hiến, người tu sĩ dâng lên Thiên Chúa hiến lễ hy sinh là chính cuộc đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu cầu của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse luôn chúc phúc lành và ban ơn bình an xuống trên mỗi người tu sĩ để chúng ta có thể can đảm và trung thành sống ba lời khuyên Phúc Âm và làm sáng danh Chúa trên bước đường dâng hiến.
Nt. Maria Lê Kim Yến, MTG Hà Nội
Post Views: 4.556 Facebook Twitter Email PrintTừ khóa » Cảm Nghiệm Về Ba Lời Khấn
-
Trăn Trở Về Ba Lời Khấn
-
Đời Tu Và Ba Lời Khấn. - Giáo Phận Vĩnh Long
-
Ba Lời Khấn Của Người Tu Sĩ - Dòng Tên
-
CẢM NGHIỆM SAU KHI LẶP LẠI LỜI KHẤN | FMM Việt Nam, Fmmvn
-
Đời Sống Thánh Hiến Với Lời Khấn - Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp
-
VITA CONSECRATA | ĐỜI TU VÀ BA LỜI KHẤN - Facebook
-
Lời Khấn Là Gì? Suy Niệm Về Các Lời Khấn Dòng
-
Bản Xét Mình Với Ba Lời Khấn - DÒNG MÂN CÔI CHÍ HOÀ
-
BA LỜI KHẤN DÒNG - Sức Sống Chúa Kitô
-
Tâm Tình Ngày Tuyên Lại Lời Khấn Dòng - MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
-
Đi Tìm Một Nền Tảng: Hồng ân đời Sống Thánh Hiến
-
[PDF] 1. Các Linh Mục Và Nam Nữ Tu Sĩ Làm Gì Trong Thời đại Này? 2. Có Phải ...
-
Chút Cảm Nghiệm Sau Thánh Lễ Khấn Dòng Của Các Sơ Dòng Nữ ...
-
Như Thế Nào Gọi Là đời Sống Thánh Hiến?