Bác ái Xã Hội – Con đường Của Tình Yêu

Nói đến cụm từ “bác ái – xã hội”, người ta thường nghĩ ngay đến những hoạt động từ thiện mang tính xã hội của một cá nhân hay tập thể nào đó, thể hiện sự quan tâm đến người khác như một nghĩa cử yêu thương mà con người dành cho nhau. Trong Kitô giáo, bác ái không chỉ xuất phát từ lòng nhân ái nhằm mang đến cho người khác những trợ giúp vật chất, nhưng còn nhắm đến những giá trị tinh thần cho tha nhân. Bác ái cũng được coi là một trong những hình thức loan báo Tin Mừng mang lại nhiều kết quả tốt đẹp mà trải qua bao thời đại cho đến nay, Giáo hội vẫn luôn đề cao và hướng đến trong mọi hoàn cảnh.

Trong cái nhìn đức tin, bác ái chính là một hoạt động xuất phát từ Thiên Chúa, thể hiện tình yêu với tha nhân một cách cụ thể, nhưng không và vô vị lợi. Qua hành động bác ái, chúng ta có thể nhìn thấy Đức Kitô đang hiện diện sống động nơi rất nhiều người. Vì thế, có thể nói rằng hoạt động bác ái – xã hội chính là con đường của tình yêu, con đường của người môn đệ Đức Kitô. Con đường ấy hiện nay đang được họa lại dưới nhiều hình thức và cách thế khác nhau, nhưng chung quy lại thì nó luôn được phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa và khởi đi từ chỗ ra khỏi bản thân để sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Bác ái cũng chính là hành động đáp lại lời mời gọi “ra đi” của người môn đệ Chúa Kitô trong mọi nền văn hóa xã hội.

1. Ra khỏi chính mình để sống cho Thiên Chúa và tha nhân

Ra khỏi chính mình, theo một khía cạnh nào đó, chính là một cuộc ra đi được hiểu theo nghĩa là giã từ những gì vốn quen thuộc với bản thân để đi vào tương quan liên đới với người khác. Đối với nhiều người, cuộc ra đi này được thực hiện với ước mong để lại những dấu ấn cho cuộc đời và trong lòng người khác, như một bài thơ đã diễn tả:

“Con thuyền đi qua để lại sóng. Đoàn tàu đi qua để lại tiếng. Đoàn người đi qua để lại bóng. Tôi không đi qua tôi, để lại gì?” (Không đề – Văn Cao)

“Tôi không đi qua tôi, tôi để lại gì?” Nếu hiểu cụm từ “đi qua tôi” như là sự ra khỏi chính mình thì có lẽ đây không phải là một lời tự vấn bâng quơ, mà là một triết lý sống với khát khao được để lại điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời. Ra khỏi chính mình được bắt đầu với những triết lý sống và những ước mơ rất ý nghĩa như thế, nhờ đó mà cuộc đời mới lưu lại được rất nhiều nghĩa cử cao đẹp mà người ta dành cho nhau và chúng ta mới có thể gặp được những tâm hồn quảng đại hy sinh cho tha nhân và sống vì người khác.

Đối với người Kitô hữu, ra khỏi chính mình là một hành trình từ giã con người cũ, chia tay với những đam mê và ích kỷ của bản thân để hướng đến con người mới trong ân sủng và tình yêu. Nói khác đi, đó chính là hành trình đáp trả yêu thương mà người môn đệ của Chúa Kitô luôn được mời gọi thể hiện bằng hành động trong cuộc sống chứng tá của mình. Thật vậy, nếu cuộc sống của chúng ta chỉ tẻ nhạt trôi qua trong sự khư khư giữ cho riêng mình, thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta gặp được Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng nếu biết ra khỏi chính mình và trao ban chính mình, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời nơi Thiên Chúa và con người, để từ đó dám sống cho Chúa và cho tha nhân một cách quảng đại.

Chúng ta đã từng biết đến khuôn mặt của một vị thánh nổi tiếng về lòng nhân ái trong thời đại chúng ta với tên gọi rất gần gũi thân thương. Đó là Mẹ Têrêsa Calcutta, người đã cởi bỏ chiếc áo dòng của một nữ tu, để khoác lên mình chiếc áo sari cổ truyền của Ấn Độ, trở thành một người nghèo giữa những người nghèo để phục vụ người nghèo và lập ra một Hội dòng chuyên lo việc bác ái – xã hội. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1974, Mẹ đã nói như sau: Tôi thấy Chúa trong mỗi một con người. Khi tôi rửa vết thương cho những người phong cùi tôi nhìn thấy như tôi rửa chân cho Chúa Giêsu. Hình ảnh của Mẹ Têrêsa Calcutta cho chúng ta thấy rằng nếu không có trái tim dành cho người nghèo, không mặc lấy tâm tình yêu thương thực sự, chúng ta không thể nào nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi những người nghèo khổ nhất của xã hội và đến với họ với tất cả tấm lòng của mình được. Như thế, chỉ có yêu thương mới giúp người ta biết ra khỏi chính mình để tìm gặp Chúa nơi người khác và gặp lại bản thân mình mỗi ngày một cách sung mãn hơn. Chỉ có tình yêu thương mới đưa người ta vượt qua được những rào cản của ích kỷ để hy sinh và dấn thân cho những hoạt động nhân ái và bước đi trên con đường của tình yêu, và nói theo ngôn ngữ của tác giả bài thơ “Không đề” ở trên, thì đó cũng là quà tặng tình yêu mà chúng ta để lại cho đời và cho người khác khi “tôi” đã “đi qua tôi”.

2. Bác ái – xã hội và hành trình của người môn đệ Đức Kitô

Trong Hội thánh, có rất nhiều Đấng sáng lập đã chọn bác ái – xã hội là linh đạo cho dòng mình. Nhìn vào thực tế của các dòng tu hôm nay, chúng ta cũng rất dễ dàng nhận thấy những tu sĩ trẻ của những hội dòng khác nhau đang hòa mình vào dòng chảy của cuộc sống với những hoạt động mang tính bác ái – xã hội, dù họ không thuộc về những hội dòng chuyên làm việc bái ái. Điều này cho thấy bác ái chính là một trong những phương tiện hữu hiệu để chuyển tải tình yêu của Thiên Chúa đến cuộc sống và con người một cách rõ nét và cụ thể nhất. Trong Thông điệp Deus Caritas Est, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đã nhấn mạnh đến vai trò của hoạt động bác ái như là một trong ba mặt quan trọng thuộc về bản chất của Hội thánh: “rao giảng Lời Chúa, cử hành các Bí tích và phục vụ bác ái” (x. số 25). Như thế, trong Hội thánh, bác ái xã hội như một sợi dây hiệp thông liên kết chúng ta với Thiên Chúa và với nhau.

Một trong những câu chuyện về thánh Têrêsa Calcutta được kể lại như sau:

“Có những phụ nữ làm việc cho các cơ quan xã hội, lại thường muốn giúp đỡ Mẹ Têrêsa. Một bà nói:

– Thưa Mẹ, chúng tôi cũng làm việc xã hội như Mẹ, nhưng chúng tôi muốn giúp Mẹ. Mẹ Têrêsa muốn họ giúp, nhưng cũng muốn họ hiểu bản chất công việc phục vụ của Mẹ. Mẹ nói:

– Một tâm hồn trong sạch sẽ thấy Thiên Chúa. Chúng ta phải thấy Thiên Chúa trong mỗi người. Điều này chính Chúa Giêsu đã dạy: Hãy thương mến nhau, là thương mến Ta, điều nhỏ mọn đó, con đã làm cho Ta.

Chúng tôi không phải là những nhân viên xã hội, chúng tôi đã làm những công việc xã hội dưới mắt của một số người, nhưng chúng tôi làm việc đó cho Chúa Giêsu”.

Cả cuộc đời của Mẹ Têrêsa Calcutta được dành trọn để phục vụ những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Họ không chỉ là những người nghèo, những người đói khát vật chất mà còn là những người không được yêu thương, đói khát tinh thần trong xã hội. Mẹ đã nhìn thấy nơi những con người nghèo khổ ấy khuôn mặt của Chúa Giêsu và luôn xác tín rằng: “Chúng ta được dựng nên để yêu và để được yêu”, và “tình yêu tự nó không thể giữ lại được cho chính mình – nếu khác đi thì nó không có ý nghĩa. Tình yêu phải biến thành hành động, và hành động đó là phục vụ”. Nguồn động lực duy nhất khiến cho người phụ nữ với vóc dáng rất nhỏ bé này có thể làm được những việc vĩ đại trong cuộc sống chính là tình yêu và sự gắn bó với Chúa trong đời sống cầu nguyện. Mẹ đã khẳng định: “Không có cầu nguyện, không có bác ái đích thực, mà không có bác ái đích thực thì cũng không thể dẫn đến việc loan báo Tin Mừng”. Thật vậy, hoạt động bác ái luôn được khơi nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế, chỉ khi nào chúng ta có một đời sống gắn bó với Chúa trong cầu nguyện thực sự, thì những hoạt động bác ái – xã hội chúng ta làm mới trổ sinh những hoa trái của tình yêu và làm cho Nước Chúa được mở rộng nơi trần gian này….

Như thế, bác ái là một hoạt động luôn gắn liền với hành trình sống của người Kitô hữu, đặc biệt là người môn đệ theo sát Chúa Kitô. Hành trình ấy đòi chúng ta phải kết hiệp sâu xa với tình yêu của Thiên Chúa và sống trọn vẹn tình liên đới với tha nhân. Vì thế, theo chân Đấng đã đến “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28), người môn đệ của Chúa cũng được mời gọi mặc lấy tâm tình của Ngài để có được trái tim biết mở ra với tha nhân, nhất là với những người nghèo khổ trong xã hội và nhìn thấy nơi họ khuôn mặt của Đức Kitô hầu phục vụ họ bằng tất cả sự yêu thương và chân thành, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho cuộc đời dâng hiến, hy sinh phục vụ của chúng ta.

Nữ tu Maria Lại Thị Thúy Vân (HVDK)

Từ khóa » Dòng Bác ái Xã Hội