Người Tu Sĩ đầu Tiên Và Hành Trình Tu đoàn Bác ái Xã Hội
Có thể bạn quan tâm
Cha Giuse Ðặng Văn Tiếp, là một trong hai thành viên nam đầu tiên tiên theo chân Ðức cố Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan đi từ miền Trung nắng gió vào Nam để khởi sự cho việc hình thành tu đoàn Bác ái Xã hội. Sau ngày thành lập tu đoàn, tu sĩ Giuse Ðặng Văn Tiếp trở thành bề trên tiên khởi của tu đoàn.
Chúng tôi đã có dịp trò chuyện về hành trình ơn gọi của cha, cũng như những bước đi của tu đoàn.
Cha Giuse Đặng Văn Tiếp trong ngày được thụ phong linh mục - ảnh: cha cung cấp |
Ðường con theo Chúa
Cánh cửa mở ra, vị linh mục mang kính, dáng người cao, vui vẻ mời chúng tôi vào nhà. Cung cách xởi lởi đó khiến những ai, dù mới lần đầu gặp mặt, dễ cảm nhận được sự thân thiện nơi cha. Trong câu chuyện, ít khi cha đề cập về mình, nhưng dành phần lớn thời gian để nói về tu đoàn, về Ðức cố Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan. Ở vị linh mục này luôn toát lên tinh thần hiệp thông, suy tư cho những việc chung hằng chất chứa, dù ngài còn khá trẻ (cha sinh năm 1976).
Ðức cố Giám mục Phan Thiết Phaolô Nguyễn Thanh Hoan sinh ngày 11.11.1932 tại xứ Phi Lộc, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Từ khi là linh mục cho đến lúc làm Giám mục, ngài luôn chọn việc song hành với người nghèo trong đời mục tử, như câu khẩu hiệu Giám mục: “Tin Mừng cho người nghèo khó”. Ðức cha Phaolô từng đảm nhận Chủ tịch Ủy ban Bác ái Xã hội của HÐGM hai nhiệm kỳ (2001-2006).
Thao thức làm sao Tin Mừng được lan tỏa và để có người tiếp nối lý tưởng bác ái xã hội, năm 1995, cha Hoan đem 8 học sinh nữ và 2 nam (ngoài cha Tiếp, cậu thanh niên còn lại nay là cha Phaolô Hồ Phi Chỉnh - hiện là Tổng phụ trách tu đoàn) từ Nghệ An vào Hàm Tân, Bình Thuận để đào tạo, nhằm cộng tác với ngài trong các chương trình bác ái. Nhưng hơn thế, điều quan trọng là nhằm tiếp tục nuôi dưỡng ơn gọi cho các cô cậu thanh thiếu niên mới lớn đang có ý hướng đi tu, mà ở đó, đường ơn gọi của mỗi người đã được hun đúc từ nhỏ. “Với mình, đời tu được gợi hứng phát xuất chính yếu từ trong gia đình. Chính những lời lẽ của bố mẹ, đến cách dạy dỗ, làm gương cho con đã gieo vào trong tiềm thức một tinh thần và hướng đi. Sau này lớn lên, theo Ðức cha tu học, thấy ngài say mê đi cùng người nghèo, bản thân càng thôi thúc cố gắng trở thành người tu sĩ để dấn thân làm bác ái”, cha Tiếp nói.
Thật ra, lúc vào Nam, Ðức cha Phaolô cũng chỉ mang ý hướng có người nối tiếp lý tưởng phục vụ về sau, chứ ngài chưa từng nghĩ đến việc thành lập một tổ chức hay dòng tu, do đó thời gian đầu đầu là khoảng thời gian “thử lửa” thực sự với các thành viên trẻ tuổi, như dòng tâm sự mà cha Tiếp kể cho chúng tôi nghe: “Vì ngay nơi Ðức cha làm mục vụ (Tân Hà, Hàm Tân, Bình Thuận) đồng bào đều nghèo nên những chương trình bác ái ngài mở ra không đáp ứng đủ nhu cầu, anh em vì thế cũng bận rộn với nhiều dự án triển khai như xây nhà tình thương, trường học, chương trình ‘bò tín dụng’, “heo tín dụng”, xây đập nước, điện, đường... Còn nhớ hồi đó ngài có trồng mía để nhân giống cho bà con, có những vụ mùa vì nắng quá nên mía bị cháy. Lúc đó, anh em phải thức đêm hôm thu hoạch cho kịp, không có cả thời giờ đi lễ. Có năm, đến sáng mùng Một Tết mới được vô nhà thờ, người mệt rã rời nên đầu cứ gục lên gục xuống, vì tối 30 vẫn còn thức ép mía chứ để lâu sẽ bị hư. Cũng vì tuổi trẻ vất vả như vậy, lại không thấy Ðức cha đề cập gì đến chuyện đi tu nên nhiều thành viên thầm cầu nguyện mong Ðức cha giải tán nhóm này để bản thân ra về cho hợp lý, chứ bỏ về giữa chừng thì không nỡ tình nghĩa với ngài. Tuy nhiên, giờ nhìn lại mới nghiệm thấy đó là con đường Chúa vạch ra, dù có cong queo nhưng cuối cùng cũng đến đích bình an. Nhất là việc lao động vất vả đã tôi luyện anh em thành những con người mang tinh thần xả thân cho người nghèo, do đó, lao động chân tay cũng nằm trong số chương trình huấn luyện của tu đoàn”.
Đến thăm một gia đình được tu đoàn hỗ trợ thông qua chương trình "bò tín dụng" cho mượn bò mẹ đẻ sẽ cho bò con |
Và những niềm thao thức
Sau 9 năm huấn luyện và đào tạo nhân sự, ngày 10.12.2004, tu đoàn Bác ái Xã hội giáo phận Phan Thiết chính thức được thành lập do Ðức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi ấn ký, với hai nhánh nam và nữ. Lúc này, cả hai vẫn được điều hành chung bởi Ðức cha Phaolô. Ðến hè năm 2011, khi cha Tiếp và cha Chỉnh đã tốt nghiệp xong Thần học thì diễn ra khóa bầu bề trên đầu tiên cho cả hai nhánh nam và nữ, và tu sĩ Giuse Ðặng Văn Tiếp đã được anh em tin tưởng giao giữ nhiệm vụ Tổng phụ trách bên nam.
Khi đã có bề trên thì tu đoàn nam chính thức tách rời độc lập và bề trên chịu trách nhiệm điều hành cộng đoàn, thay thế Ðức cha Phaolô đã cao tuổi. Trong thời gian này, cùng với Ban cố vấn, cha bề trên phải hoạch định các hướng đi, cả về đời sống lẫn cơ sở vật chất. Nên dù không nói ra nhưng ai cũng thầm hiểu, trách nhiệm đặt trên vai người đứng đầu là cực kỳ nặng nề với một dòng tu mới thành hình.
Dù bước đầu còn gặp nhiều chông gai như thế nhưng theo linh đạo, tu đoàn không bao giờ bỏ lại người nghèo phía sau. Nhiều thành viên mà chúng tôi có dịp được trò chuyện đã chia sẻ: “Người nghèo là đối tượng chính của dòng, họ giống như anh em ruột thịt, dù làm gì nhưng trong các hoạt động không bao giờ được lơ là việc bác ái. Ngày nào còn sống đúng linh đạo thì mới còn nhà dòng”. Nhiều chương trình đã có từ thời Ðức cha Phaolô như bò tín dụng, heo tín dụng, xây nhà tình thương… tiếp tục được thực thi; ngoài ra tu đoàn còn mở rộng thêm nhiều lãnh vực phục vụ khác như chăm sóc các cha hưu, phục vụ trong các mái ấm…
Sau lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng cơ sở của tu đoàn tháng 8.2015, cha Tiếp xin nghỉ nhiệm vụ bề trên và cha Phaolô Hồ Phi Chỉnh được bầu thay thế. Cha Tiếp, sau khi thôi nhiệm vụ điều hành chung thì chuyển qua phụ trách việc đào tạo. Dù bước qua một môi trường ít vất vả hơn, nhưng trong trách nhiệm này, gánh nặng đặt trên vai cũng hết sức quan trọng, vì phải làm sao định hướng cho các thế hệ trẻ sau này trưởng thành hơn trong ơn gọi, và luôn sống đúng tinh thần mà đấng sáng lập mong muốn.
Cha Tiếp tâm sự với chúng tôi nhiều điều, như một sự “tổng kết” đời mình, đồng thời cũng để trải lòng với những người trẻ đang muốn đi tu: “Khi tuổi mình chập chững bước vào đời thì giống như đứng giữa ngã ba đường, với nhiều ngã rẽ, do đó phải hằng cầu nguyện để thấy dấu chỉ và thánh ý Chúa ngay trên bản thân mình. Ðời sống nào cũng có những cám dỗ, nhưng Chúa đã khơi lên trong mình ý tưởng dấn thân thì cứ tìm đường đi chứ đừng tính toán, cuối cùng sau một thời gian nghiệm lại sẽ thấy được Chúa dẫn dắt. Khi nào bản thân cứ mải mê chạy theo những toan tính thì nguy cơ mình sẽ đi con đường khác hơn là theo đường ơn gọi”.
Cha Giuse Ðặng Văn Tiếp chịu chức linh mục ngày 25.4.2013, và là thành viên đầu tiên của tu đoàn được lãnh tác vụ này. Ngoài cha, tu đoàn có thêm hai linh mục khác là cha Phaolô Hồ Phi Chỉnh và cha Antôn Nguyễn Văn Thành. Chính vì còn thiếu thốn nhân sự nên mỗi người thường đảm trách nhiều công việc, vậy nên các thành viên vẫn hằng cầu nguyện để cộng đoàn sớm có thêm những mục tử. |
ÐÌNH QUÝ
Từ khóa » Dòng Bác ái Xã Hội
-
Linh Đạo Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội
-
BÁC ÁI XÃ HỘI - Dòng Mân Côi Bùi Chu
-
[Giới Thiệu Dòng Tu] Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội
-
Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội
-
Tu Đoàn Chị Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ- Gp.Phan Thiết - Trang Chủ
-
UỶ BAN BÁC ÁI XÃ HỘI - CARITAS VIỆT NAM
-
Bác Ái Xã Hội
-
Bac Ai Xa Hoi , Bác Ái Xã Hội
-
Bài Thuyết Trình "Bác ái Xã Hội, Nghề Hay Sứ Mạng"
-
Hoạt Động Bác Ái Archives | Tổng Giáo Phận Hà Nội
-
UB Bác ái Xã Hội - HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
-
Bác ái Xã Hội – Con đường Của Tình Yêu
-
Bác ái Xã Hội - Giáo Phận Thái Bình
-
BÁC ÁI - XÃ HỘI - Giáo Xứ Khiết Tâm