Bài Thuyết Trình "Bác ái Xã Hội, Nghề Hay Sứ Mạng"

Trong những năm qua, mặc dù anh chị em Caritas trong Tổng Giáo Phận Hà Nội chúng ta rất tích cực hoạt động và đã đạt những được những thành quả nhất định nhằm giúp đỡ những bệnh nhân trong đại dịch covid, bão lũ miền trung, giúp xây nhà tình thương, phát gạo cho người nghèo tại các giáo xứ, giáo họ, chương trình mổ mắt từ thiện…nhưng nay, nhân năm Công Nghị của TGP , nhằm “học hỏi để sống diễn tả đức tin trong một xã hội có nhiều biến động và đang thay đổi từng ngày với những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực.. qua các buổi hội thảo chuyên đề nhằm đưa ra những định hướng mục vụ phù hợp giúp dân Chúa sống đức tin trong bối cảnh mới hầu hướng tới tương lai, thúc đẩy những hoạt động loan báo Tin Mừng, bồi đắp nên văn mình tình thương tại quê hương Việt Nam[1]”, Uỷ Ban Bác ái Xã hội (Caritas) thuộc TGP Hà Nội muốn chúng ta cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn về Sứ mạng của người làm công tác Bác Ái với chủ đề: Bác Ái Xã Hội, Nghề hay Sứ mạng. Vì thế, chúng ta sẽ cùng lược qua ở đây ba điểm chính:

– Bác ái Xã hội, Nghề hay Sứ mạng

– Giáo Hội sống Sứ mạng Bác ái qua dòng lịch sử

– Người tín hữu sống Sứ mạng Bác ái

1. Nghề hay Sứ Mạng

Trước hết, Nghề là gì? Thông thường nghề được hiểu như là một việc làm có tính ổn định, đem lại thu nhập để duy trì và phát triển cuộc sống cho mỗi người. Nó cũng là con đường để thể hiện và khẳng định giá trị của bản thân. Vì thế, Nghề nghiệp được hình thành và phát triển theo thời đại và nhu cầu của con người. Đặc điểm của nó là sòng phẳng-công bằng, được lượng định theo thoả thuận giữa chủ và người làm.

Còn Sứ mạng, theo nguyên nghĩa: Sứ[2]: người nhận mệnh lệnh làm một công việc; Mạng (mệnh): sai khiến. Sứ mạng là nhận lãnh một việc gì đó do cấp trên giao phó. Như vậy, có thể nói rằng khi sinh ra, mỗi người chúng ta đều nhận lãnh một sứ mạng đối với thế giới, xã hội, và nơi cộng đồng chúng ta sinh sống…[3]. Đặc biệt, đối với người Công giáo chúng ta, khi chịu phép Rửa tội, được chính thức gia nhập vào Cộng Đoàn Hội Thánh, chính là lúc chúng ta nhận lãnh một sứ mạng từ Chúa Giê-su: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Mục đích để làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng được thánh tông đồ Gioan định nghĩa ngắn gọn và đầy đủ nhất “Thiên Chúa là tình yêu”. “Deus Caritas Est (1Ga 4,6).

Hơn nữa, trong thông điệp Deus caritas est, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI còn nhấn mạnh thêm “bác ái là sứ mạng của mỗi tín hữu, đồng thời cũng là sứ mạng của cộng đồng Hội thánh[4]”.

Như vậy, chúng ta có thể thấy Nghề và Sứ mạng khác nhau ở một số điểm:

1. Chọn lựa: Nghề nghiệp do con người lựa chọn, để kiếm sống và đóng góp cho phúc lợi trần thế của cộng đồng nhân loại. Còn Sứ mạng là một sáng kiến, một tiếng gọi đến từ Thiên Chúa mời gọi ta trao tặng chính mình qua một lối sống.

2. Thời gian: Nghề nghiệp có tính tạm thời. Chẳng hạn: một thợ mỏ than và thợ cắt tóc có thể bỏ nghề của họ bất cứ khi nào họ muốn, một người có thể nghỉ hưu trước, chứ không phải sau thời hạn. Trong khi đó, Sứ mạng thì vĩnh viễn. Dù sống ở đâu và làm nghề gì, và bao lâu còn sống, người tín hữu đều phải làm chứng nhân cho kế hoạch yêu thương Thiên Chúa, vì Bác ái (Caritas) là một phần quan trọng làm nên bản chất và sứ vụ của Giáo hội[5]. Thậm chí, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô còn nhấn mạnh thêm:“Bác ái là một phần thiết yếu của Giáo hội. Nếu không có bác ái thì không có Giáo hội. Bác ái thể hiện tình yêu của Giáo hội, và Giáo hội tự thể hiện qua bác ái[6]”

2. Giáo Hội sống Sứ mạng bác ái qua dòng lịch sử

Ý thức rằng ai muốn trở nên giống Chúa thì phải noi gương yêu thương của Ngài và yêu hết mọi người không loại trừ ai, nhất là những người nghèo khổ, nên “Ở chương sáu của sách Công vụ, chúng ta thấy các tông đồ đã đặt ra một nhóm bảy người để phục vụ việc phân phát lương thực cho các bà góa. Những người này được chọn lựa không chỉ nguyên nhờ hoạt động đắc lực, nhưng còn là những người “đầy thần khí và khôn ngoan” (Cv 6,1-6) công cuộc từ thiện được nhìn như một công tác của Hội thánh.

Tân ước còn thuật lại những cuộc lạc quyên tại Antiôkia (Cv 11.27-30) và Côrintô (2Cr ch.8-9) nhằm giúp đỡ giáo đoàn Giêrusalem, mở đường cho tập tục trong Hội thánh về việc chia sẻ tài sản giữa các tín hữu[7].

Theo dòng thời gian, nhờ sức mạnh của Tin mừng, các tổ chức bác ái được mở rộng. Thánh Ba-si-li-ô (329-379) đã mở các nhà trọ tiếp đón lữ khách và người vô gia cư (thư số 94), cung cấp cho họ nơi ở, lương thực, và quần áo cho người nghèo.

Các tu sĩ nam nữ đã thiết lập các bệnh viện và trạm xá tiếp đón người nghèo, bệnh viện của thánh Ephrem (306-373) tại Eđêsa gồm 300 giường cho người bị bệnh dịch hạch…

Sang thế kỷ 12, các dòng bệnh viện được thành lập như dòng thánh Gio-an ở Giêrusalem (1090), dòng Teutonicô (1190) giúp các khách hành hương bên thánh địa. Đến thế kỷ 15, ta thấy các Nhà Dòng như Dòng Bệnh viện thánh Gio-an Thiên Chúa (1495-1550), Dòng phục vụ các bệnh nhân của thánh Camillo de Lelis (1550-1614) vẫn còn hoạt động đến ngày nay.

Ngoài ra, còn có các Dòng chuyên lo việc giải phóng những người bị Hồi giáo bắt làm nô lệ như dòng Chúa Ba Ngôi (thánh Gio-an de Mata 1160-1213; và Felix de Valois 1127-1212), Dòng Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi (thánh Phê-rô Nolasco 1256).

Thế kỷ 17, tu hội Nữ tử Bác ái (1633) do thánh Vinh Sơn Phao-lô (1581-1660) với thánh Louise de Mariallac (1591-1660) thành lập với mục đích thăm viếng người nghèo, giúp trẻ mồ côi, mở lớp cho thiếu nhi thất học, huấn nghệ..

Cuối thế kỷ thứ 19, thánh Gioan Bos-co thành lập Dòng Salêdiêng Don Bosco (SDB) với nền tảng ban đầu là công tác từ thiện, chăm sóc trẻ em và người nghèo trong cuộc cách mạng công nghiệp.

Tóm lại, ngay từ những thế kỷ đầu, các hiệp hội giáo dân nam nữ trong Giáo Hội Công giáo thuộc mọi tầng lớp đã dấn thân giúp đỡ những người túng quẫn vì tất cả đều thâm tín rằng những lời của Chúa Giêsu đã dạy: “những gì các con làm cho một người em nhỏ của Thầy là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40) không thể chỉ là tư tưởng lành thánh nhưng cần diễn đạt cụ thể ra cuộc sống[8].

Sang thế kỷ 20, vấn đề “giầu-nghèo” mở rộng đến tương quan giữa các quốc gia, thế giới thứ nhất/ thứ ba; Bắc bán cầu/Nam bán cầu nên dựa vào các thông điệp xã hội đề cập đến sự phát triển các dân tộc, nhiều cơ quan bác ái hoặc tương trợ được thành lập mang tầm cỡ liên lục địa. Trong đó có tổ chức Caritas mà chúng ta là những thành viên, đang hoạt động trên khắp các giáo xứ, giáo họ của Tổng Giáo phận Hà Nội qui tụ lại trong buổi hội thảo Tiền Công Nghị này.

Tổ chức Bác Ái Quốc Tế (Caritas)

Hình thành

Bắt nguồn từ những cơ quan Bác Ái quốc gia (Đức năm 1897; Thuỵ Sĩ năm 1901, Mỹ năm 1910), tháng 12/1951, với sự hỗ trợ của Toà thánh, dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô XII, Liên đoàn (Confederatio) Caritas được thành lập, đặt trụ sở tại Roma và mang tên là Caritas Internationalis (Bác Ái Quốc Tế). Tổ chức này lúc đó gồm 13 thành viên sáng lập là Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ. Hiện nay, Tổ chức này gồm 165 thành viên gồm cả Trung Hoa (1955-1958). RiêngViệt Nam, tổ chức Caritas được thành lập tại miền Nam VN năm 1965, và được tái lập vào năm 2008.

Công tác quốc tế[9]

Ngoài những công việc Bác ái quen thuộc từ trước tới nay, tổ chức Caritas quốc tế này bắt đầu hoạt động rất tích cực cho các công tác quốc tế như:

Tham gia cầu không vận dân sự năm 1968, trong cuộc nội chiến tại Biafra nhằm cung cấp hàng cứu trợ cho các nạn nhân nội chiến.

Năm 1970, sau trận lốc xoáy làm thiệt mạng hàng trăm nghìn người tại Bangladesh và khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, Caritas nhận thấy cần đầu tư vào các công trình giúp người dân tránh thiên tai như các khu neo đậu cho tàu bè tránh bão… Đây là kinh nghiệm phòng chống thiên tai, không chỉ khắc phục hậu quả mà còn nỗ lực giải quyết những nguyên nhân hoặc ít là tránh những hậu quả đáng tiếc.

Năm 1984, Caritas tham gia cứu trợ nạn đói tại Etiopia khiến một triệu người chết đói và ảnh hưởng đến 8 triệu người khác.

Năm 1994, trong khi giúp đỡ những nạn nhân của các cuộc chiến tranh diệt chủng tại Ruwanda, Caritas ý thức rõ hơn vài trò cổ võ hòa bình và được coi như cách thức tốt nhất để xóa bỏ những nguyên nhân của các thảm trạng đối với người dân nghèo.

Năm 1997, trong một nỗ lực quốc tế nhằm chống biến đổi khí hậu, nghị định thư Kyoto được thông qua. Caritas tổ chức các chiến dịch vận động chăm sóc thiên nhiên, vì việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Các Đức Giáo Hoàng và tổ chức Caritas

Tóm lại, Bác ái là sứ mạng của mọi tín hữu, đã được chú trọng ngay từ thời Giáo Hội sơ khai và vẫn tiếp tục từ đó đến nay. Nhưng vì những nhu cầu nhân đạo phát sinh trong xã hội nên cách đây 71 năm Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thành lập tổ chức Caritas và lần lượt được các Đức Giáo Hoàng nhìn nhận và trao cho những sứ mạng quan trọng trong Giáo Hội.

Năm 1967, Đức Phaolô VI, trong thông điệp Populorum Progressium, đã nhìn nhận và giới thiệu tổ chức Caritas quốc tế là của Giáo hội và đang hoạt động khắp nơi. (Số 46).

Đức Gioan Phaolô II (2004) thì công nhận tư cách pháp nhân theo giáo luật của Caritas Quốc tế.

Năm 2007, trong thông điệp đầu tiên tựa đề “Deus Caritas est” Đức Bênêđíctô XVI đã công nhận vai trò hàng đầu của Caritas trong công tác bác ái của Giáo hội (số 31). Năm 2012 Bản Quy chế và Quy tắc mới của Liên đoàn Caritas được Tòa thánh phê chuẩn. Caritas Quốc tế được xác nhận thay mặt Tòa thánh điều phối các hoạt động nhân đạo của các Caritas địa phương.

Còn Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong sứ điệp gửi Ban quản trị Caritas năm 2013, đã viết: “Caritas là tổ chức được Giáo hội giao vai trò đại diện Giáo hội trong lãnh vực này” nhưng trong Giáo hội, mọi thành phần đều có trách nhiệm thực thi bác ái (Đức GH Phanxicô, thư gửi Ban Điều hành tổ chức tháng 5 năm 2013)[10].

Nếu Bác ái là sứ mạng của mọi thành phần trong Giáo Hội như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói, thì sứ mạng ấy có những đặc điểm gì và chúng ta phải sống sứ mạng ấy thế nào?

3. Người tín hữu sống sứ mạng Bác ái

a. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí[11]

Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2022, dựa vào thư Galata 6,9-10a, Đức Phanxicô nhắc nhở mỗi người: “Thiên Chúa là đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo và bánh làm của ăn nuôi dưỡng (2Cr 9,10), nên Người cũng cấp cho mỗi chúng ta không chỉ để chúng ta được nuôi dưỡng, nhưng còn để cho chúng ta có thể làm điều thiện cho kẻ khác. Vì thế, khi làm điều thiện, chúng ta đừng sờn lòng, mà hãy cầu xin Chúa cho chúng ta lòng kiên trì, bền bỉ. (số 2) Bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là đừng mệt mỏi khi làm việc bác ái cho người lân cận (số 2).

Chúng ta hãy theo Gương Mẹ thánh Tê-rê-xa, người đã khám phá ra bí quyết thực hành đơn sơ và hiệu quả của câu chuyện “Cuộc phán xét chung” trong Tin mừng theo thánh Mát-thêu và tóm tắt thành 5 từ mà Mẹ cho là quan trọng nhất đã được Chúa khắc ghi trên 5 đầu ngón tay mỗi người là: “Con đã làm cho Cha” (You did it for me). “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

  • Nhằm phần thưởng đích thực

Cũng trong sứ điệp này, Đức Thánh Cha nói tiếp: Chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng nếu không sờn lòng, đến mùa chúng ta sẽ gặt và với kiên trì, chúng ta sẽ được hưởng điều Người đã hứa (x.Dt 10,36) cho ơn cứu độ chính mình và những người khác (x.1Tm 4,16)[12].

Người ta thường nói động cơ được thưởng không có chỗ đứng trong đời sống Ki-tô hữu vì cho rằng chúng ta tốt vì phải tốt, đức hạnh tự nó đã là phần thưởng và mọi quan niệm về phần thưởng phải được loại bỏ khỏi đời sống. Quan điểm ấy rất tinh tế và cao thượng nhưng không phải là quan điểm của Chúa Giêsu. Thật vậy, Chúa Giêsu đã nhiều lần dậy về phần thưởng.

  • “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hạ và vu không đủ điều xấu xa, anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12),
  • “Ai đón tiếp 1 Ngôn sứ, 1 người Công chính… ai cho 1 trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ 1 chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ Thầy, thì thầy bào thật anh em, người đó không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,41-42).
  • Dụ ngôn về các nén bạc dạy rằng ai trung tín phục vụ sẽ nhận được phần thưởng (Mt 25,14-30).
  • Dụ ngôn về phán xét sau cùng là có thưởng và phạt tùy phản ứng của chúng ta đối với những nhu cầu của đồng loại (Mt 25,31-46).

Như vậy, Chúa Giêsu đã không ngần ngại nói đến phần thưởng và hứa ban phần thưởng cho người sống sứ mạng bác ái. Tuy nhiên, Chúa Giêsu xác định rõ là Ngài không nghĩ đến phương diện vật chất như trong Cựu Ước. Thậtvậy,Cựu Ước liên kếtý niệm thiện hảo và thịnh vượng đi đôi với nhau. Nếu một người thiện hảo thì ruộng đất, mùa màng phong phú, con cái đầy đàn và cơ nghiệp lớn lao (vấn đề của sách Ông Gióp (G 4,7p 8,6; 11,4).

Trong Mt 6,1-16, Chúa Giê-su cảnh giác rằng khi thực thi sứ mạng bác ái, chúng ta có thể không thực tâm giúp đỡ mà chỉ chứng tỏ lòng rộng rãi của mình để được tiếng cám ơn cùng ngợi khen của mọi người, nghĩa là, chúng ta làm việc lành chỉ vì muốn được người đời khen ngợi, muốn gây thêm uy tín và khoe cái tốt của mình cho thế gian.

Theo Chúa Giêsu thì tất cả những loại sự việc trên đã đem lại phần thưởng cho chúng ta rồi. Trong Tin mừng Mát-thêu khi nói về việc bố thí, ăn chay, cầu nguyện, ba lần Chúa Giêsu dùng câu “Họ đã được phần thưởng rồi” (Mt 6,2.5.16). Câu này có thể dịch rõ hơn là: “Họ đã nhận đủ số tiền phải trả rồi”. Nghĩa là theo Chúa Giêsu, “Nếu chúng ta bố thí cốt để chứng tỏ lòng rộng rãi, chúng ta sẽ được mọi người khâm phục nhưng như vậy là xong. Chúng ta đã được trả đủ. Chúa Giêsu dạy: “Nếu mục đích của ngươi là được phần thưởng thế gian – thì chắc chắn ngươi sẽ được – nhưng ngươi phải tìm kiếm phần thưởng của Chúa”, là Đấng đã hứa sẽ ban thưởng cho ta “gấp trăm” ở đời này (Mc 10,30). Nhưng Chúa Giêsu không chỉ có mỗi cõi đời này để thưởng cho chúng ta đâu. Ngài còn ban cho chúng ta hơn thế nữa. Thật vậy, trong Tin mừng theo thánh Lc 10, 17-24, Khi 72 môn đệ được sai đi truyền giáo trở về, các ông “vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.

Tóm lại, Bác ái là một sứ mạng chứ không phải một nghề. Cùng với Lời Chúa, việc cử hành các Bí Tích, Bác ái làm nên bản chất và sứ vụ của Giáo hội[13]. Nhưng việc bác ái chỉ thực sự có ý nghĩa khi xuất phát từ tình yêu, yêu Chúa trong người anh em cùng khổ và yêu thương họ như chính mình (Mt 22,39). Vì thế, mỗi người chúng ta hãy thi hành sứ mạng ấy bằng việc thực thi lòng Bác ái chân thật với tha nhân để “họ thấy những công việc tốt lành anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt5,16)

[1]X. Vũ Văn Thiên, Thư mục vụ: Triệu tập công nghị Tổng Giáo phận kỷ niệm 110 năm công đồng Kẻ Sở, 18/11/2021

[2] Bửu Kế, Từ điển Hán Việt từ nguyê, Thuận Hoá, 2003, tr. 1629

[3]X. Phan-xi-cô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 273, ngày 24 tháng 11 năm 201)

[4] X. Biển Đức XVI, Thông điệp Deus Ca-ri-tas Est, số 20, Rô-ma 25 tháng 12 năm 2005. Từ Ca-ri-tas ở đây được dịch từ nguyên ngữ Hi Lạp: Agape, tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa được Chúa Giê-su mô tả trong Mt 5, 45: “Đấng cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa xuống trên người công chính cũng như bất chính”

[5] X. Biển Đức XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, số 25

[6] X. Phan-xi-cô, Sứ điệp gởi Ban điều hành Caritas tháng 05/2013.

[7] Antoni Esteve I Sera. “Hoạt động bác ái của Hội thánh qua các thời đại”, Thời sự thần học, số 56, tháng 5/2012

[8] Antoni Esteve I Sera. “Hoạt động bác ái của Hội thánh qua các thời đại”, Thời sự thần học, số 56, tháng 5/2012

[9]Ngô Sỹ Đình OP, Sứ vụ Ca-ri-tas trong Giáo Hội, Thời sự Thần học – Số 92, tháng 05/2021, tr. 212-223, tại tsthdm.blogspot.com

[10] Sđd

[11] Phan-xi-cô, Sứ điệp mùa chay 2022, số 2

[12] Sdd số 3

[13] X. Biển Đức XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, số 25

Post Views: 444 Facebook Twitter Email Print

Từ khóa » Dòng Bác ái Xã Hội