Bài 2: Những Dòng Sông Không Chở Phù Sa

NƯỚC SÔNG ĐÃ THAY MÀU

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông Hai Tuấn thuộc lòng những quy tắc trên sông Hậu. Dòng sông đã nuôi ông Tuấn và gia đình ông bao năm qua. Sông mang nặng phù sa bồi đắp đê bao, rửa phèn, giúp tẩy bớt sâu bệnh hại lúa cho người nông dân mỗi khi mùa nước lũ về. Nhưng mấy năm nay, nước sông đã đổi khác, nước trong veo.

Ông Tuấn trầm ngâm: "Hằng năm, đến tháng 4 là nước sông Hậu đỏ ngầu màu phù sa. Nước mang theo rong, tảo, trứng nước... bao phủ khắp sông. Nhờ đó, cá, tôm sinh sôi, nảy nở. Cá có thức ăn, đất có phù sa. Ngư dân sống nhờ con nước. Nay thì...". Nói rồi ông Hai kéo cái lưới lên: trống không. Ông lắc đầu ngán ngẩm. Dân sống bằng nghề lưới cá thất thu, xóm Đáy than thở sẽ phải kiếm nghề khác sinh nhai. Hàng chục năm nay, xóm Đáy có gần 200 hộ sống bằng nghề đóng đáy trên sông Hậu để bắt cá, tôm. Giờ xóm chỉ còn vài người làm nghệ này, vì không kiếm đủ tiền mua gạo.

XIN GIÚP ĐỒNG BÀO MIỀN TÂY QUA CƠN HOẠN NẠN

Báo CATP kêu gọi người dân, các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp... mở rộng tấm lòng, chia sẻ cùng đồng bào miền Tây, giúp bà con vượt qua cơn bĩ cực. Báo CATP xin trân trọng ghi nhận mọi đóng góp của quý vị và sẽ triển khai thành chương trình Tiếp sức miền Tây vượt qua hạn mặn.

Mọi sự đóng góp xin gửi về: Báo CATP, số 110 Nguyễn Du, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM, tài khoản: Báo Công an TPHCM (XH-TT), số 0071001983085, Ngân hàng Vietcombank TPHCM. Xin ghi Tiếp sức miền Tây vượt qua hạn mặn.

Trân trọng!

BAN BIÊN TẬP

Bà Tám Nhơn (62, tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) nhớ lại: "Hồi trước, chỉ cần giở đáy là cả rổ cá, tôm. Lúc đó, cá tôm nhiều vô kể. Dưới sông có cá, người dân lấy nước vô làm vườn. Làng bưởi Mỹ Hòa có thương hiệu nhờ tưới bằng nước phù sa của sông Hậu...". Nhiều người dân thừa nhận, họ chưa bao giờ nghĩ rằng dòng sông cũng thay đổi, kéo theo sản lượng trên sông giảm, phù sa không còn.

Nhiều nhà khoa học đã nhìn nhận, nước sông trong do ít phù sa. Ông Marc Goichot (chuyên gia Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên - WWF) cảnh báo, năm 1992, lượng phù sa trên sông Mê Kông ghi nhận được khoảng 160 triệu tấn/ năm, nhưng đến năm 2014, con số này chỉ còn khoảng 75 triệu tấn/năm, tức đã giảm hơn 50% so với hơn 20 năm trước. Ông Marc Goichot còn cho rằng, đập thủy điện là nguyên nhân chính làm giảm đáng kể sự di chuyển phù sa bồi đắp cho Đồng bằng sông Cửu Long. Mất phù sa sẽ dẫn đến giảm độ màu mỡ của đất, giảm năng suất cây trồng, trữ lượng thủy sản ít hơn, đồng thời ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sinh kế của người dân.

Chờ con nước lũ để mưu sinh

NƯỚC NGỌT QUÝ HƠN VÀNG

Từ ngày thành lập đến nay, lần đầu Công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Bến Tre phải thực hiện một việc khá hy hữu: lãnh đạo công ty phải viết thư xin lỗi người dân vì cung cấp nước máy có độ mặn vượt quy định. Theo báo cáo của công ty, mùa khô 2019 - 2020, mặn xâm nhập sâu, bao trùm toàn bộ tỉnh Bến Tre. Nước sông nhiễm mặn làm cho nguồn nước đầu vào của công ty bị nhiễm mặn theo, có lúc trên 6 phần ngàn, gây ảnh hưởng hơn 70.000 khách hàng sử dụng nước máy của công ty.

Công ty Cấp thoát nước tỉnh Bến Tre phải thực hiện phương án tiếp nhận nguồn nước ngọt từ các đơn vị cấp nước tại Tiền Giang (400m3/ngày) và Vĩnh Long (hơn 1.000m3/ngày), chở bằng sà lan, trung chuyển để cung cấp cho những đơn vị có yêu cầu nghiêm ngặt về nước ngọt, như: bệnh viện, trung tâm y tế, chế biến thực phẩm... và phân bổ đến điểm cấp nước miễn phí tại UBND các xã, phường trên địa bàn TP.Bến Tre.

Dự báo trung tuần tháng 4-2020, trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây qua địa bàn tỉnh Long An, nước mặn sẽ xâm nhập sâu khoảng 100 - 110km. Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây. Song hồ này đã bị nhiễm mặn. Lãnh đạo huyện Ba Tri cho biết, ngành chức năng đã tiến hành rửa mặn, nhưng chỉ có thể rửa được lớp nước mặt bên trên, nước mặn ở dưới đáy vẫn còn khoảng 1,45%0.

Ngoài khó khăn về sử dụng nước sinh hoạt, hàng chục ngàn hộ dân còn thiếu nước sản xuất. Những ngày này, đến "vương quốc trái cây" ở phía bắc sông Tiền thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long..., nhiều xe ba gác nối đuôi nhau chở nước ngọt đến bán cho người dân cứu vườn sầu riêng. Mỗi xe chở khoảng 2m3 nước, giá từ 160 - 200 ngàn đồng. Theo các nhà vườn, hiện độ mặn của nước vượt mức 5%0, không thể tưới cho vườn sầu riêng, măng cụt. Trung bình chỉ cần tưới nước có độ mặn 0,2%0 cho cây trồng thì cây sẽ bị cháy lá, rụng hoa, ảnh hưởng đến năng suất. Đối với người dân ở đây, giờ "nước quý hơn vàng".

Tương tự, nhiều nhà vườn ở Bến Tre bỏ ra tiền triệu mua nước ngọt về tưới cây. Những ghe, sà lan trước đây chở cát, giờ chuyển sang chở nước ngọt. Ông Đặng Văn Oanh (50 tuổi, ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) có hơn chục năm chuyên trồng cây giống, hiện có hơn 20.000 cây giống. Ông nói: "Hồi đó tới giờ, xứ Chợ Lách này nước ngọt có quanh năm. Người trồng cây ăn trái, hoa kiểng... đều không lo chuyện thiếu nước để tưới. Vậy mà năm nay hạn, mặn khủng khiếp, nước ngọt khan hiếm. Ước tính qua đợt hạn, mặn này, tôi tốn hơn 200 triệu tiền mua nước ngọt. Mình phải chấp nhận thôi. Giá trị vườn cây giống hơn 2 tỷ, nên thà hy sinh cái nhỏ để cứu cái lớn hơn".

PHÁ SẢN DỰ ÁN NGỌT HÓA

Trong khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi còn phát hiện nhiều bất cập khác. Từ nhiều năm trước, một số địa phương thực hiện dự án ngọt hóa tốn ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, nhưng tại những nơi thực hiện dự án này lại... nhiễm mặn nhiều nhất.

Là tỉnh nắm trước thông tin sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn năm 2020, Bến Tre lên kế hoạch ứng phó. Trước Tết Nguyên đán 2020, tỉnh chi hàng chục tỷ đồng đắp đập tạm chặn dòng Ba Lai, kết hợp cống đập hiện có trên sông này để tạo "túi nước ngọt" khoảng một tỷ mét khối. Công trình khẩn cấp này được kỳ vọng giúp người dân có được nguồn nước ngọt sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đồng thời đảm bảo đầu vào cho các nhà máy nước xử lý.

Đập tạm hoàn thành, đưa vào sử dụng giữa tháng 2 vừa qua, nhưng nước bên trong vẫn mặn nhiều. Để có nước ngọt cho người dân sử dụng, lãnh đạo tỉnh chọn phương án chở nước ngọt thô từ nơi khác về các nhà máy, pha loãng rồi xử lý, cung cấp cho dân. Đối với các bệnh viện, công ty cấp nước cho xe bồn sang Tiền Giang chở nước ngọt về phục vụ.

Theo ông Lê Văn Sử (Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau), nhiều năm trước, tỉnh thực hiện Dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau. Đến nay, dự án chưa hoàn thành, dù nhiều công trình, hạng mục đã thực hiện. Mục tiêu của dự án chưa đạt được. Hệ thống hạ tầng thủy lợi chậm được đầu tư theo quy hoạch, xâm mặn tiếp tục lấn dần. Thực tế nước mặn ngày càng lấn sâu, phân ranh mặn ngọt...

Tài nguyên nước vẫn còn hàng loạt bất cập trước sự bỏ ngỏ của cơ quan chuyên môn, trong khi người dân tiếp tục gặp vô vàn khó khăn.

(Còn tiếp...)

Giọt nước nghĩa tình

Bà Dậu cùng BBT Báo CATP trong lễ khánh thành một cây cầu ở vùng sâu tỉnh Trà Vinh

Chưa bao giờ thấy người dân miền Tây lâm cảnh khó khăn như lúc này. Đã hai tháng qua, người đồng bằng cầu trời cho một cơn mưa, khắc khoải chờ dòng Mê kông chở về cho con nước ngọt. Nhưng vô vọng. Cả vùng châu thổ phì nhiêu mát rượi phù sa mới ngày nào giờ trơ khô mặt đất, cây lá xác xơ, vườn ruộng tiêu điều. Tình trạng này theo các chuyên gia về khí tượng thủy văn sẽ còn kéo dài trong hai tháng tới. Đồng bằng giẫy giụa trong cơn khát.

Mưa, trời chưa cho. Nước ngọt, sông chưa kịp mang về. Nhưng có một điều luôn đầy ắp. Đó là tình người.

Những ngày này trên những tuyến đường xuôi về miền Tây, người ta thường thấy những chuyến xe mang nước ngọt từ thành phố về tận những vùng quê hạn mặn giúp cho người dân. Giọt nước nghĩa tình bỗng trở nên mầu nhiệm, giải cơn khát cho người dân của đồng bằng.

Và khi bước chân của phóng viên Báo CATP đi qua những miền đất "chết" để nghe tiếng thì thầm thở than của miền châu thổ, thì ngay tại Tòa soạn 110 Nguyễn Du, quận 1 TPHCM, chúng tôi nhận được gói tài trợ 215 triệu của một nhà hảo tâm vốn luôn nặng lòng với những phận đời bất hạnh, những vùng quê nghèo khốn khó.

"Alô, mày qua lấy tiền mua gạo với mấy ngàn bình nước ngọt cho bà con miền Tây. Sẵn mang mấy trăm bộ đồ chống dịch cho bác sĩ". Đó là cuộc điện thoại tôi nghe lúc hơn 12 giờ đêm hôm trước. Giờ đó bà vẫn còn làm việc. Bà làm mãi tận 2 giờ sáng hôm sau. Đủ thấy đồng tiền ấy chứa đầy công sức lao động. Nhưng khi cần cứu giúp ai đó thì với bà nó nhẹ tênh, gọn gàng và mau lẹ như vậy. Cũng như khi cần cứu một ông thầy thuốc mù lòa lấy lại ánh sáng ở miền Trung xa xôi, bà quyết cho ngay để cứu kịp. Và trời không phụ lòng người, đôi mắt ấy đã sáng lại. Người thầy thuốc ấy giờ tiếp tục công việc chữa bệnh cứu người. Ở miền Tây không nhớ hết bao nhiêu cây cầu bà đã xây, giúp cho người dân và cháu nhỏ đi học thoát cảnh lụy đò.

Tôi chợt hiểu, phép màu không cầu ở đâu xa, ở ngay trong tấm lòng bao dung và quảng đại của mỗi người. Và bà, người phụ nữ dù ngoài 70 nhưng vẫn miệt mài và bền bỉ trong từng công việc. Giản dị, quyết đoán mà bao dung hết mực. Bà là Nguyễn Thị Dậu, mà người dân triều mến vẫn gọi Bà Dậu Sài Gòn.

D.LUÂN

Bài 1: Đi qua vùng đất

Bài 1: Đi qua vùng đất "chết"

(CATP) Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất cả nước, không chỉ góp phần đảm bảo lương thực cho người dân trong nước mà còn cung ứng lượng lớn gạo xuất khẩu. Vùng đất "Chín Rồng" xanh tươi với nhiều gạo ngon, trái ngọt này đang phải đối mặt với cảnh nhiều cánh đồng khô cằn, nứt nẻ. Ngoài đồng, những bụi lúa đang độ trổ đòng khô héo, còn trong vườn, trái bí, cây cam… ngả màu vàng vì thiếu nước ngọt. Đi dọc tâm điểm hạn, mặn ở ĐBSCL, chúng tôi đau lòng khi chứng kiến vùng đất phì nhiêu ngày nào đang trở thành vùng đất… "chết".  Thiện Thảo - Duy Luân

Từ khóa » Bồi đắp Phù Sa