Bài 3: Xây Dựng Mô Hình Kinh Tế Tập Thể, Hợp Tác Xã Tiên Tiến, đổi Mới ...

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cơ hội, dư địa, không gian, tiềm năng sản xuất, phát triển của kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) còn rất lớn, đặc biệt là HTX nông nghiệp. Do đó, cần xây dựng mô hình quản trị kinh tế tập thể, HTX tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình Việt Nam, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, KTTT mà nòng cốt HTX là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích và phát triển. HTX ở nước ta đã được hình thành và phát triển qua các thời kỳ với những bước thăng trầm của lịch sử, các HTX đã vượt qua khó khăn, thử thách, có những đóng góp to lớn và quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng nhấn mạnh, khu vực KTTT, HTX đã bước đầu có chuyển biến tích cực về chất và lượng, cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài và nhất là ngày càng khẳng định được dư địa, tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc dân.

HTX mây tre đan Bao La, Thừa Thiên Huế (Ảnh: PV)

Đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Mô hình hoạt động có hiệu quả nhất hiện nay là hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân, với 1.181 quỹ hoạt động trên 57/63 tỉnh, thành phố, hơn 1,8 triệu thành viên.

Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực KTTT, HTX vẫn còn hạn chế, bất cập. Nhận thức của người dân, cơ quan quản lý về kinh tế tập thể, nhất là HTX kiểu mới được nâng lên nhưng vẫn còn tâm lý e ngại tham gia HTX và kinh tế hợp tác. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỉ trọng đóng góp vào GDP chưa ngang tầm, đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn nhiều bất cập; thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương, còn nhiều đầu mối các cơ quan có chức năng về quản lý kinh tế hợp tác. Chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể, HTX còn hạn chế, phân tán, chủ yếu là lồng ghép.

Làng nghề và mô hình HTX thủ công mỹ nghệ phát huy hiệu quả trong thực tiễn (Ảnh: PV)

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực KTTT, HTX chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình HTX kiểu cũ.

Sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, vị thế đất nước được nâng lên. Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với các cam kết mở thị trường về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với khu vực KTTT, HTX.

Những sản phẩm mây tre đan truyền thống được đông đảo người tiêu dùng quốc tế ưa chuộng (Ảnh: PV)

Thủ tướng nhấn mạnh, cơ hội, dư địa, không gian, tiềm năng sản xuất, phát triển của KTTT, HTX còn rất lớn, đặc biệt là HTX nông nghiệp. Đội ngũ lao động đông đảo, có kinh nghiệm, cùng với hạ tầng cơ sở đã được đầu tư, đặc biệt là ở khu vực nông thôn sẽ là nền tảng thúc đẩy áp dụng công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại. Việt Nam có thị trường trong nước quy mô lớn với gần 100 triệu dân, thị trường quốc tế tiếp tục mở rộng với 17 FTA đã được ký kết và đàm phán. Đồng thời, nước ta có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới tư duy, cập nhật tri thức mới, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

Điều quan trọng là cần phải suy nghĩ, tìm ra cơ chế, chính sách cho HTX phát triển. Kinh tế HTX phải phát triển tương xứng, ngang tầm với sự phát triển của đất nước. Các tỉnh khi xây dựng mô hình HTX và đầu tư cơ sở hạ tầng phải gắn với chuỗi giá trị, tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ Trung ương đến địa phương và phải nâng cao thu nhập cho người lao động.

Ngày 18/5/2022, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất - 2022 tại Quảng Nam với chủ đề "KTTT, HTX với chuyển đổi số để phục hồi và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch COVID-19". Mục đích chính nhằm thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, tương xứng với vị trí, vai trò nền tảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thích ứng với quá trình chuyển đổi số, công nghệ và phương thức sản xuất, kinh doanh mới; hướng tới chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022) và Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII...

Từ khóa » Bộ Phận Nòng Cốt Của Kinh Tế Tập Thể