Liên Minh Hợp Tác Xã đóng Vai Trò Nòng Cốt Trong Phát Triển Kinh Tế ...

Nghị quyết số 20-NQ-TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ Năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nhấn mạnh: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc  tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”. Đề làm rõ hơn vai trò của kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, TS Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.

TS Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân

Phóng viên: Thưa ông, Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trong Nghị quyết có đề cập về việc nâng cao vai trò của kinh tế tập thể, vậy đâu sẽ là những điểm chính, điểm đột phá để kinh tế tập thể có thể xứng tầm với sứ mệnh của mình?

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo: Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa qua đã tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Trên cơ sở tổng kết đó, Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Qua nghiên cứu, học tập và quán triệt Nghị quyết, chúng tôi thấy rằng Nghị quyết có rất nhiều điểm mới và đột phá, kế thừa quan điểm, phù hợp với thực tiễn của Nghị quyết 13-NQ/TW.

Nếu Nghị quyết 20-NQ/TW được thực hiện kịp thời, đồng bộ, toàn diện và cụ thể thì chúng tôi rất kỳ vọng sẽ tạo được đột phá. Thứ nhất, nhận thức của hệ thống chính trị và xã hội về vai trò của kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Theo đó, số lượng người dân, đại diện hộ gia đình, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hợp tác xã sẽ tăng lên rất lớn và chất lượng hoạt động của HTX sẽ tăng lên.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ với báo chí về Nghị quyết số 20-NQ-TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ Năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Thứ hai, khung khổ pháp luật cho hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã hoạt động sẽ được đổi mới sửa đổi trong thời gian tới. Trong Nghị quyết 20-NQ/TW cũng đã chỉ rõ những bất cập và định hướng những chủ trương lớn trong việc sửa đổi Luật tạo môi trường hoạt động kinh doanh sản xuất cho hợp tác xã được thuận lợi hơn.

Thứ ba, về mặt chính sách hỗ trợ hợp tác xã, trong Nghị quyết 20-NQ/TW đã nêu rõ: Nhà nước sẽ có một chương trình tổng thể, dài hạn để hỗ trợ cho hợp tác xã phát triển, trong đó có những chính sách về đất đai, tài chính, thuế, tín dụng, bảo hiểm, công nghệ, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại.

Một điểm chúng tôi cũng thấy rất quan trọng nữa, đó là việc tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trong Nghị quyết 20-NQ/TW nêu rõ cấp ủy, chính quyền địa phương phải thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đến phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Và cũng chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển. Như vậy, chúng tôi đánh giá và nhận thức rất sâu sắc về nội dung Nghị quyết 20-NQ/TW. Khu vục kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng như hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam rất kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế tập thể trong thời gian tới.

Phóng viên: Như ông vừa nói, Nghị quyết 20 có những thay đổi lớn về mặt chính sách. Vậy hiện giờ những chính sách đang tồn tại và “bó buộc” kinh tế tập thể như thế nào mà chúng ta cần phải sửa đổi?

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo: Nghị quyết số 13-NQ/TW khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cũng đã nêu rõ các chủ trương chính sách mà Đảng, Nhà nước hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể. Tuy nhiên theo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 thì các chính sách này mới được thực hiện bước đầu, còn phân tán, manh mún và chưa có trọng tâm. Trong Nghị quyết 20-NQ/TW có nêu cụ thể hơn. Các chính sách này được ban hành đồng bộ trong một chương trình tổng thể, như vậy tính kịp thời, thống nhất của hệ thống các chính sách được đầy đủ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên hợp tác xã tiếp cận.

Thành viên HTX Mây Tre Đan Bao La (tỉnh Thừa Thiên Huế) xuất khẩu các sản xuất sản phẩm từ mây, tre

Chẳng hạn như chính sách về tín dụng có nêu rõ phải tăng Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi cho các thành viên và hợp tác xã; Chính sách về bảo hiểm mà trong đó có bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm đối với người lao động; Chính sách về tài chính liên quan đến thuế; Chính sách về thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong đó có hỗ trợ cho các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm; Đặc biệt nữa là chính sách về chuyển đổi số, công nghệ cao, cung cấp thông tin thị trường cho các hợp tác xã. Chúng tôi cũng hi vọng rằng khi Chương trình tổng thể được ban hành và được pháp luật hóa các chính sách này, cùng với nguồn lực được Nhà nước bố trí thì sẽ phát huy tác dụng rất lớn.

Nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước sẽ gắn kết được các hợp tác xã với nhau và đem lại hiệu quả cao

Phóng viên: Nếu các chính sách này được khơi thông và triển khai hiệu quả trong thực tế thì nó sẽ tạo ra động lực như thế nào đối với các hợp tác xã?

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo: Trên thực tế cũng như các quan điểm về hỗ trợ thì các hợp tác xã và thành viên hợp tác xã khai thác các nguồn lực tự có và nghiên cứu thị trường để tổ chức sản xuất là chính. Còn các chính sách của Nhà nước chỉ mang tính định hướng và hỗ trợ. Tuy nhiên, các nguồn lực của Nhà nước, chẳng hạn như nguồn lực về đào tạo, đất đai, thuế, tín dụng cũng rất quan trọng. Vì phần lớn các hợp tác xã hiện nay đều nhỏ lẻ cho nên năng lực để liên kết chuỗi giá trị rất hạn chế. Có được nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước sẽ gắn kết được các hợp tác xã với nhau và đem lại hiệu quả cao hơn.

Phóng viên: Hiện giờ, các hợp tác xã vẫn chủ yếu chỉ tiếp cận được các Quỹ tín dụng nhân dân. Theo Ông, sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW các hệ thống tín dụng cũng như ngân hàng có thay đổi phương thức hoạt động hay đối tượng vay vốn để các hợp tác xã dễ dàng tiếp cận hơn không?

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo: Hiện nay các thành viên, hợp tác xã đang được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng qua một số kênh. Thứ nhất, là kênh tín dụng thương mại. Đây là kênh tương đối khó khăn, vì điều kiện để tiếp cận tín dụng thương mại và lòng tin của các tổ chức tín dụng đối với các hợp tác xã còn hạn chế. Thứ hai là tiếp cận qua Ngân hàng Hợp tác xã. Đây là thành viên của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

Quỹ tín dụng nhân dân Dương Nội ( TP. Hà Nội)

Trên thực tế Ngân hàng Hợp tác xã đang chủ yếu làm đầu mối để điều tiết, hỗ trợ cho các Quỹ tín dụng nhân dân. Còn lại thị phần tín dụng và các dịch vụ hỗ trợ hợp tác xã còn ít. Thêm nữa thì có các Quỹ tín dụng nội bộ của các hợp tác xã thì phụ thuộc vào cơ chế do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định về tín dụng đối với nông dân, nông thôn, trong đó có điều khoản quy định cho phép các tổ chức tín dụng cho vay không bảo đảm tài sản đối với hợp tác xã hoặc thành viên hợp tác xã ở một mức độ hợp lý. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, họ đều có một kênh tín dụng riêng cho các hợp tác xã.

Hiện nay, Đảng, Chính phủ, Quốc hội cũng đã có những quyết sách để cụ thể hỗ trợ vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Quỹ này có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2021/NĐ-CP về khuôn khổ pháp luật cho Quỹ hoạt động. Đến nay đã có khoảng 60 Quỹ địa phương đã thành lập và hoạt động. Chúng tôi đang chờ thông tư của các bộ, ngành chức năng ban hành để đồng bộ hơn. Đây cũng là một kênh tín dụng dành riêng cho hợp tác xã.

Tuy nhiên, số lượng vốn còn thấp so với nhu cầu của thành viên. Trên thực tế, chúng tôi đã và đang kiến nghị với Chính phủ tăng số vốn cho vay tín chấp đối với lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn. Cùng với đó, chúng tôi cũng tăng cường làm việc, đề xuất với Chính phủ làm sao để tỷ trọng cung cấp dịch vụ tín dụng của Ngân hàng Hợp tác xã cho các thành viên hợp tác xã ngày càng nhiều hơn. Cũng như kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn về tín dụng nội bộ hợp tác xã để tạo điều kiện cho thành viên hợp tác xã tiếp cận được vốn nhàn rỗi. Theo kinh nghiệm của quốc tế thì điều này tương đối hiệu quả.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo thăm HTX sản xuất chế biến chè Đá Hen (tỉnh Phú Thọ)

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã và đang đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Phóng viên: Thưa Ông, trong thời gian tới đây, vai trò của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khi Nghị quyết 20-NQ/TW được triển khai trong thực tế như thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo: Trong những năm gần đây, trong những Kết luận, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức Chính phủ đều đánh giá hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã và đang đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và thực sự là cơ quan đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên hợp tác xã.

Trong Nghị quyết 20-NQ/TW tiếp tục khẳng định yêu cầu này và đặt ra những nhiệm vụ cần thiết hơn đối với vai trò của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Chúng tôi phải tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Thực hiện có hiệu quả hơn nữa vai trò nòng cốt trong vận động, tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho thành viên, cung ứng các dịch vụ công, các nguồn lực tự khai thác để hỗ trợ cho thành viên như việc xúc tiến thương mại và đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi số. Chúng tôi cũng đang thực hiện các dự án về hiện đại hóa công nghệ thông tin để nắm bắt tình hình hoạt động, cũng như tư vấn về pháp luật cho các hợp tác xã.

Cùng với đó, chúng tôi cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế để quảng bá hình ảnh, sức phát triển khu vực kinh tế tập thể, của đất nước đối với bạn bè thế giới.  Qua đó, huy động các nguồn lực quốc tế hỗ trợ các thành viên phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Phóng viên: Cảm ơn ông.

Lê Huy (ghi)

Từ khóa » Bộ Phận Nòng Cốt Của Kinh Tế Tập Thể