Bài 5: Triển Vọng “Du Lịch Xanh” ở Miền Núi Quảng Nam

Dự án Khu du lịch sinh thái "Cổng trời Đông Giang"- Một trong những dự án trọng điểm tại khu vực miền núi phía Tây Quảng Nam dự kiến sẽ được đưa vào khai thác vào ngày 30/4/2022. 

Nền tảng phát triển “Du lịch xanh”

Với định hướng phát triển “Du lịch xanh”, thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp để du lịch địa phương ngày càng thân thiện vói môi trường; đồng thời dựa vào các tiềm năng, lợi thế do thiên nhiên ban tặng cũng như động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái và văn hoá cộng đồng.

Đặc biệt, trên cơ sở sự thống nhất của Chính phủ và Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch (VHTT&DL), Quảng Nam đã đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”. Đây là tiền đề để Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển du lịch xanh trong thời gian tới.

Cùng với việc đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2022, Quảng Nam cũng là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành, triển khai Bộ tiêu chí “Du lịch xanh” và tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa lịch sử, tài nguyên và sản phẩm du lịch; thúc đẩy, phục hồi, phát triển du lịch giai đoạn mở cửa, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh COVID-19.

Triển vọng “Du lịch xanh” ở miền núi

Liên quan vấn đề khai thác, phát triển kinh tế du lịch các huyện miền núi thân thiện với môi trường, dựa vào thiên nhiên và văn hoá cộng đồng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Nguyễn Thanh Hồng đã có những chia sẻ qua cuộc phỏng vấn dưới đây.

 Ông Nguyễn Thanh Hồng- Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam. 

Phóng viên (PV)Thưa ông, với vai trò là người đứng đầu ngành Du lịch của tỉnh, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng “Du lịch xanh” ở các huyện miền núi của tỉnh ?

Ông Nguyễn Thanh Hồng: Quảng Nam là tỉnh có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa, lịch sử để phát triển du lịch, nổi bật với 02 di sản văn hóa thế giới: Đô thị cổ Hội An, khu Đền tháp Mỹ Sơn; Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm; gần 500 di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh, hàng chục làng nghề truyền thống và lễ hội độc đáo cùng nhiều giá trị về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, con người và ẩm thực đã tạo thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Tại các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, hiện đang sở hữu nhiều ưu thế rất đặc biệt bởi những giá trị cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa bản địa độc đáo đa dạng của 04 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu, gồm: Cơ Tu, Cor, Giẻ Triêng và Xơ Đăng với nhiều nét đặc trưng văn hóa về đời sống, phong tục tập quán, ẩm thực. Đây cũng là địa bàn có nhiều cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, đa dạng về hệ thực vật, thảo dược quý mà nổi bật là cây Sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My, làng du lịch cộng đồng tại Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (Đông Giang), làng dệt thổ cẩm Zara (Nam Giang), rừng cây Di sản Pơmu, rừng Đổ Quyên và Làng du lịch cộng đồng Tà Lang (Tây Giang)…

 Nghi thức cúng tạ ơn rừng của đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang.

PV: Với tiềm năng, lợi thế đó, theo ông các huyện miền núi phía Tây của tỉnh cần làm gì để phát triển kinh tế du lịch xanh và bền vững ?

 

Ông Nguyễn Thanh Hồng: Thời gian qua, các cấp lãnh đạo tỉnh và 09 huyện miền núi đã quan tâm phát huy tối đa lợi thế của địa phương để phát triển. Trong đó, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch miền núi, du lịch xanh; cụ thể: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 47/2018/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025.

Cạnh đó, từ năm 2021, Quảng Nam đã có sự chuyển hướng đầu tư phát triển du lịch xanh và xem đây là kim chỉ nam cho sự phục hồi và phát triển ngành du lịch sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Với việc ban hành Kế hoạch số 5177/KH-UBND ngày 10/8/2021 về phát triển du lịch xanh đến năm 2025 và Bộ tiêu chí du lịch xanh theo Quyết định số 3570/QĐ-UBND ngày 4/12/2021, Quảng Nam là tỉnh tiên phong đón đầu xu thế phát triển du lịch xanh trong năm 2022 nên việc phát triển du lịch khu vực miền núi phía Tây của tỉnh càng được quan tâm phát triển theo hướng xanh, bền vững. 

Phóng viên: Thực tế hiện nay, mặc dù có tiềm năng, lợi thế, song để du lịch các huyện miền núi của tỉnh phát triển là điều rất khó khăn, bởi có nhiều yếu tố tác động đến. Theo ông, những khó khăn cần phải giải quyết trước mắt thế nào (vốn đầu tư, hạ tầng giao thông, nhân lực, năng lực quản lý và khai thác ….) ?.

Ông Nguyễn Thanh Hồng: Những vấn đề nêu trên đều là những vấn đề cấp thiết, quan trọng cần được đầu tư làm bệ đỡ cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Trong giai đoạn 2019-2021, thực hiện Nghị quyết 47/2018/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến 2025, các ngành, địa phương liên quan bước đầu đã thực hiện một số nhiệm vụ như phối hợp tham mưu UBND tỉnh  cấp kinh phí hỗ trợ hạng mục đầu tư hạ tầng tại các điểm du lịch đã được phê duyệt theo Nghị quyết cho các điểm du lịch tại các huyện: Đông Giang, Tiên Phước, Phước Sơn, Nam Trà My, Nông Sơn, Tây Giang và Bắc Trà My. Riêng đối với Làng du lịch cộng đồng Cao Sơn (huyện Bắc Trà My) đã được cấp vốn hỗ trợ cho Làng du lịch cộng đồng này sớm hơn theo lộ trình (với tổng kinh phí 21.287.000.000 đồng, trong đó ngân sách tỉnh: 16.398.486.000 đồng).

Đối với các nội dung hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp của từng điểm du lịch được hỗ trợ theo lộ trình trong năm 2019 - 2020 gồm có: hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đến nay chưa có địa phương nào lập hồ sơ và dự toán kinh phí nên các nội dung hỗ trợ nêu trên chưa bố trí kinh phí thực hiện.

Phóng viên: Sắp tới, định hướng phát triển đối với Du lịch miền núi của tỉnh, trong đó có Du lịch xanh sẽ được Quảng Nam triển khai như thế nào? Mối liên kết giữa các địa phương trong khu vực miền núi của tỉnh sẽ được quan tâm thực hiện ra sao hay mạnh nơi nào nơi ấy làm, xin ông cho bạn đọc biết thêm?

Ông Nguyễn Thanh Hồng: Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh uỷ Quảng Nam, xác định những nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch phía Tây tỉnh Quảng Nam như: Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của các làng nghề truyền thống…để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng, chữa bệnh…cùng với những văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về quan điểm, định hướng phát triển du lịch xanh thì định hướng phát triển đối với khu vực  miền núi của tỉnh cũng sẽ nằm trong quỹ đạo chung của tỉnh. 

Về mối liên kết giữa các địa phương thì chắc chắn sẽ là vấn đề được tỉnh rất quan tâm bởi Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có chất liên vùng, liên ngành cao nên việc liên kết giữa các địa phương đã được thực hiện nhiều năm nay và sẽ tiếp tục được quan tâm khi xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm  theo tiềm năng lợi thế của từng địa phương để tạo ra chuỗi sản phẩm liên hoàn thì mới giữ chân được du khách. Theo kế hoạch số 5177/KH-UBND ngày 10/8/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025, mục tiêu hàng năm sẽ xây dựng ít nhất 01 mô hình kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí du lịch xanh; đến năm 2025 xây dựng khoảng 10 - 20 mô hình du lịch xanh nên chắc chắn vài năm tới tại vùng miền núi phía Tây của tỉnh sẽ có vài mô hình du lịch xanh ra đời phục vụ du khách./.

Từ khóa » Các Tỉnh Miền Núi Quảng Nam