Quảng Nam Đà Nẵng Qua Các địa Danh (phần 8)

Hà Đông Phủ được thăng từ huyện Hà Đông năm Thành Thái thứ 18 (1906) sau đổi thành phủ Tam Kỳ. Phần đất của phủ Hà Đông lúc ấy tương ứng với thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành và huyện Tiên Phước thuộc Quảng Nam.

Hà Tân Làng thuộc tổng Đức Thượng, huyện Đại Lộc ở đầu thế kỷ XX, nằm ở ngã ba sống (nơi sông Con chảy vào sông Vu Gia). Trong kháng chiến chống Mỹ, địch lập chi khu Thượng Đức, đã biến nơi đây thành cụm cứ điểm kiên cố bảo vệ vòng ngoài khu liên hợp quân sự Đà Nẵng. Hà Tân trong từ Hán Việt có nghĩa là “bến sông”. Nay là thôn thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

Hà Thân Xứ đất nằm hữu ngạn sông Hàn, bao trọn làng An Hải, được khai phá từ thế kỷ 17. Nguyên xưa tiền hiền của làng là Bà Thân, quê gốc Thanh Hóa, khi lập địa bạ khai là Hà Thị Thân, sau đọc gọn là Hà Thân. Đây là nơi đã sinh ra hai danh tướng Nguyễn Văn Thoại và Trần Quang Diệu ở thế kỷ 19.

Hải Châu Làng trong số 5 làng vua Đồng Khánh bị Pháp buộc phải ký đại dụ tách ra khỏi huyện Hòa Vang để lập thành phố nhượng địa mang tên Tourane, nay thuộc quận Hải Châu, Đà Nẵng.

Hải Châu Phường thành lập theo Nghị định số 09/HCĐP/NĐ ngày 6/1/1973 của Việt Nam Cộng hòa, thuộc quận 1, thị xã Đà Nẵng Từ ngày 23/1/1997, phường Hải Châu là một trong 12 phường của quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Hải Châu Quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng, thành lập theo Nghị định số 07/CP của Chính phủ ngày 23/1/1997, gồm 12 phường: Hải Châu 1, Hải Châu 2, Thạch Thang, Thanh Bình, Thuận Phước, Bình Thuận, Hòa Thuận, Nam Dương, Phước Ninh, Hòa Cường, Khuê Trung, Bình Hiên. Năm 2005, quận Hải Châu gồm 13 phường. Phường Hòa Cường chia thành Hòa Cường Bắc và Hòa Cường Nam, phường Hòa Thuận chia thành Hòa Thuận Đông và Hòa Thuận Tây. Phường Khuê Trung được cắt ra để lập quận Cẩm Lệ. Hải Châu trong từ Hán Việt nghĩa là “bãi biển”

Hải Vân Núi thuộc dải Trường Sơn, từ phía Tây đâm ngang ra biển, đỉnh cao nhất 1444m, như bức tường thành vĩ đại làm ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Từ nơi này có thể phân biệt sự biến đổi về nhiều mặt ở hai vùng phía Bắc và phía Nam: địa chất, địa hình, khí hậu, sông ngòi, cỏ cây, động vật.

Hải Vân Đèo cao 470m so với mặt nước biển. Đây là ngọn đèo cao nhất, hùng vĩ và đẹp nhất nước. Có thể chia làm 3 thời kỳ: 1. Thời phong kiến: khi con đường thiên lý được khai thông qua đây, đường qua đèo là một lối đi hẹp. Đến thời Minh Mạng, đường được uốn sửa, mở rộng hơn, bậc cấp được xếp đá. Nhưng đây là con đường nguy hiểm, thường có thú dữ, cướp bóc. Ca dao có câu: Đi bộ thì khiếp Hải Vân. 2. Thời thuộc Pháp: Tháng 1/1886, đường oto được mở qua đèo dài 20km. Năm 1896, người Pháp mở tiếp xe lửa, xuyên qua núi có 7 hầm với tổng chiều dai 3290m, trong đó Hầm Sen dài nhất 562m. Cho đến cuối thế kỷ 20, đường ô tô đã nhiều lần được sửa chữa, mở rộng. 3. Thời độc lập tự chủ: hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân thuộc loại hiện đại và dài nhất Đông Nam Á 6274m, đã được mở thông vào tháng 10/2003.

Hải Vân Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân dài 6274m, gồm đường hầm chính, đường hầm phụ, được khai thông vào lúc 1h10’ ngày 28/10/2003, sau khi quả mìn thứ 1.680.000 được lệnh phát nổ. Đây là con đường hầm lớn nhất, được trang thiết bị hiện đại nhất ở khu vực Đông Nam Á, sau khi hoàn thành thông xe, sẽ rút ngắn đoạn đường qua đèo chỉ còn một phần ba đoạn đường cũ và an toàn hơn.

Hải Vân quan Cửa ải được thiết lập ở đỉnh đèo vào năm Minh Mạng thứ 17, gồm 5 công trình chính (hai cửa vòm, nhà trú sở của quan trấn thủ, võ khố và hệ thống thành lũy). Trên cửa trông sang địa phận Thừa Thiên có khắc ba chữ Hải Vân Quan trên tấm hoành phi bằng đá. Trên cửa trông về phía Đà Nẵng có khắc 6 chữ Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Cả hai tấm hoành phi đều có ghi hàng chữ đứng một bên là Minh Mạng thất niên cát nhật tạo (xây vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ 7).

Hàn Cửa biển, nơi con sông Hàn hợp lưu của sông Vĩnh Điện và sông Cẩm Lệ đổ nước ra vũng Đà Nẵng. Ca dao cũ:

Từ ngày Tây lại cửa Hàn Đào sông Câu nhí đắp đàng Bồng Miêu

Hàn Sông, đoạn từ ngã ba Cổ Mân (nơi gặp nhau giữa sông Vĩnh Điện và sông Cẩm Lệ, chảy qua giữa thành phố ra vũng Đà Nẵng, dài khoảng 8km.

Hiên Huyện thành lập theo quyết định của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở các xã miền núi phía Tây Bắc tách ra từ huyện Đại Lộc. Huyện Hiên được chia thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang.

Hiệp Đức Quận thành lập theo Nghị định số 74/NV của chính phủ Việt Nam Cộng hòa ngày 2/3/1959, trên cơ sở quận Phước Sơn cũ.

Hiệp Đức Huyện được thành lập theo Quyết định số 298/HĐBT ngày 31/12/1985, trên cơ sở một phần đất của huyện Thăng Bình, huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Huyện gồm thị trấn Tân An và 10 xã.

Hòa Vang Huyện cuối thế kỷ 18 theo Phủ biên tạp lục, gồm 3 tổng và 51 làng. Thời Gia Long theo địa bạ 1814 – 1815, gồm 5 tổng, 114 làng. Đầu thế kỷ 20, gồm 7 tổng, 158 xã. Huyện Hòa Vang khi sáp nhập vào thành phố theo Nghị định số 07/Cp gồm 14 xã: Hòa Tiến, Hòa Sơn, Hòa Phát, Hòa Thọ, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Liên, Hòa Xuân, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Ninh, Hòa Phú. Ngày 5/8/2005, các xã Hòa Xuân, Hòa Thọ, Hòa Phát và phường Khuê Trung của quận Hải Châu được tách ra để lập quận Cẩm Lệ theo Nghị định số 102/2005/NĐ-CP.

Hòa Vinh Huyện trong số 5 huyện của phủ Điện Bàn (1604), sau khi tách khỏi Thuận Hóa để nhập vào Quảng Nam. Đó là các huyện: Hòa Vinh (sau đổi thành Hòa Vang), An Nông, Diên Khánh, Tân Phúc và Phú Châu.

Hỏa Sơn Núi ở phía Nam cụm Ngũ Hành Sơn gồm hai ngọn, có một đường đá nhô lên cao nối liền nhau giữa Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn. Dương Hỏa Sơn có nhiều loại đá cẩm thạch đủ các màu sắc. Năm 1976, đã phát hiện một số mộ chum bị phá vỡ. Có thể Hỏa Sơn là di chỉ văn hóa Sa Huỳnh nằm ở phía cực bắc của Quảng Nam Đà Nẵng. Hoàng Sa Quần đảo gồm 30 đảo đá, cồn, bãi cạn, san hô nằm trên vùng biển Đông, khoảng từ 15độ 45’ đến 17 độ 15’ vĩ độ Bắc và từ 111 độ đén 113 độ kinh Đông, rộng khoảng 16000km2, cách cửa biển Đà Nẵng 350km. Diện tích toàn khu vực đảo, bãi là 10km2 trong vùng biển 15000km2, trong đó đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất. Dưới triều Nguyễn, Hoàng Sa thuộc phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Từ thời thuộc Pháp, ngày 30/3/1938, một dụ của vua Bảo Đại sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Ngày 24/4/1960, chính quyền Sài Gòn sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam, thành lập tại quần đảo này xã Định Hải, quận Hòa Vang. Ngày 19/1/1974, quân Trung Quốc tấn công quân đội Sài Gòn, chiếm giữ Hoàng Sa từ đó. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước sau khẳng định Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Hoàng Sa Huyện thành lập theo Quyết định số 144/HĐBT của Hội đồng Bộ Trưởng ngày 9/12/1982, trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Ngày 1/1/1997, thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng. Hiện cơ quan thường trú của Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa đặt tại số 132 Yên Bái, Đà Nẵng.

Hòn Bà Núi cao 1357m, nằm ở phía nam huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, nơi phát nguyên của sông Trường. Sách Đại Nam nhất thống chí gọi là Chủ Sơn (núi Chúa): “Cao cổng từng trời, tròn như cây lọng, khi trời âm u thường có mây trắng bao phủ ba mặt, núi non trùng điệp” dân gian quen gọi là Hòn Bà. Theo quan niệm dân gian, vật gì cao nhất, to nhất thì được gọi là Bà hay Chúa.

Hòn Bằng Núi thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, đỉnh bằng phẳng nên dân gọi Hòn Bằng. Lợi dụng thế núi, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân địch lập đồn trên đỉnh, đặt trọng pháo để bảo vệ con đường giao thông 610 và khống chế vùng đồng bằng Duy Xuyên.

Hòn Hành Núi nhỏ, có hình dáng trông tựa củ hành, đứng nhô ra biển che khuất một vũng nước cạn nơi chân đèo Hải Vân, tên chữ là Thông Sơn. Thời Minh Mạng, một pháo đài phòng thủ được xây dựng trên đỉnh hòn Hành. Ca dao xưa: Hải Vân bát ngát ngàn trùng Hòn Hành ở đó là trong vũng Hàn.

Hòn Kẽm Núi cao sừng sững soi bóng xuống dòng sông Thu Bồn chảy ngang qua bên dưới chân hai vách núi, ở phía tây huyện Nông Sơn, tạo nên một cảnh quan kỳ thú đối với khách đi thuyền xuôi, ngược qua lại nơi đây. Kẽm là từ cổ chỉ dòng nước giữa hai bên là núi, như Kẽm Trống trên sông Đáy ở miền Bắc. Tên Hòn Kẽm đi vào ca dao xứ Quảng:

Ngó lên hòn Kẽm đá Dừng Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi! Thương cha nhớ mẹ thì về Nhược bằng thương cảnh nhớ quê thì đừng!

Ở phía hạ nguồn Hòn Kẽm có làng Đá Nganh, tên chữ là Thạch Bích, chứ không có địa danh Đá Dừng.

Hòn Nghê Núi nẳm ở phía đông nam bán đảo Sơn Trà, nhô lên cao từ xa trông giống hình con nghê chờm ra biển nên gọi là Hòn Nghề.

Hòn Tàu Núi cao 930m, làm ranh giới tự nhiên giữa huyện Quế Sơn và Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Từ xa, núi giống như đầu chiếc tàu thủy khổng lồ quay mũi về phía Tây, nên dân gian gọi là Hòn Tàu. Sách Đại Nam nhất thống chí gọi là “Tào Sơn, có liệt vào từ điển”. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hòn Tàu là căn cứ của Tỉnh ủy Quảng Nam, Đặc khu Quảng Đà, Quân khu 5 và Mặt trận 4.

Hội An Làng được nhắc tên đến ba lần ở tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật tại chùa Non Nước (1640), ghi tên những người cúng tiền để xây chùa. Hội An mang ý nghĩa ước mong đông vui và yên lành.

Hội An Tỉnh lỵ Quảng Nam thời thuộc Pháp theo một nghị định của Toàn quyền Đông Dương năm 1898 với tên gọi bằng tiếng Pháp là Faifo.

Hội An Thị xã, tỉnh lỵ Quảng Nam theo một nghị định của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tháng 9/1946, gồm 18 xã. Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999. Năm 2006, Hội An được nâng cấp thành phố trực thuộc tỉnh.

Hội khách Chợ phiên của dân tộc Cơ tu, mỗi tháng hai phiên, trên một bãi đất phù sa bên bờ sông Vu Gia mang tên Hội khách (Hội có nghĩa là họp, Khách chỉ người dân tộc), nay thuộc thôn 1, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Theo quy ước dựa vào tuần trăng, người Cơ tu mang lâm thổ sản đến trao đổi hàng với thương lái từ dưới xuôi chở lên ở nơi bãi đất trống ven sông, không có lều quán. Đến thập niên 30 của thế kỷ XX, do việc kiểm soát thu thuế của chính quyền gây nhiều phiền hà, chợ phiên chấm dứt, chỉ còn lưu laih địa danh Hội Khách.

Hương An Chợ nằm nơi ngã ba quốc lộ 1A với tỉnh lộ 611 (Hương An – Trung Phước), thuộc loại lâu đời, được ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí với hàng hóa đa dạng, phong phú vì nằm trong vùng trồng lúa, hoa màu và cây mía trọng điểm của huyện Quế Sơn, Quảng Nam.

Hương An Ngã ba nơi tỉnh lộ 611 (Hương An – Trung Phước) nối với quốc lộ 1A tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam.

Hương An Cầu bắc qua sông Ly Ly (cũng gọi là sông Rù Rì, sông Hương An) trên quốc lộ 1A, dài 122,7m, bên cạnh ngã ba tỉnh lộ 611 (Hương An – Trung Phước)

Hy Giang Huyện trong số 3 huyện của phủ Thăng Hoa, năm Hồng Đức thứ 21 (1490), gồm 8 tổng, 58 xã.

Cổng TTĐT thành phố

Từ khóa » Các Tỉnh Miền Núi Quảng Nam