Bài Thuốc Từ Cây Mỏ Quạ - Tuổi Trẻ Online

Bài thuốc từ cây mỏ quạ - Ảnh 1.

Thân và cành có nhiều gai cong quặp xuống trông như mỏ con quạ. Lá mọc so le, cuống lá mảnh, có lông. Cụm hoa mọc ở nách lá, màu vàng nhạt. Mùa ra hoa tháng 4-5, có quả tháng 10 -12.

- Phân bố: Cây mọc hoang ở đồi núi, ven đường và được trồng làm hàng rào. Quả dùng ăn được, lá có thể dùng cho tằm ăn.

- Thu hái: Thường dùng lá tươi, có khi hái cả cành về nhà mới bứt lá riêng. Còn dùng rễ, đào về rửa sạch đất, cắt thành từng mẩu 30-50cm, phơi hay sấy khô. Vỏ ngoài màu vàng đất, vết cắt màu vàng nhạt, vị hơi tê tê.

- Bộ phận dùng: Bộ phận dùng làm thuốc là rễ và lá, thu hái quanh năm, rửa sạch thái phiến, phơi khô dùng dần. Lá bỏ cuống, dùng tươi.

- Công dụng: Chữa vết thương phần mềm.

Bài thuốc thường dùng:

- Chữa vết thương phần mềm (vết thương nhỏ, nông): Lá mỏ quạ gai tươi, lấy về rửa sạch, để ráo nước, bỏ cuống, giã nhỏ đắp vào vết thương. Hàng ngày lấy lá trầu không nấu nước rửa vết thương, rồi đắp thuốc mới, độ 3-5 ngày vết thương đóng vảy thì thôi.

- Hỗ trợ điều trị ho do lao phổi: Rễ mỏ quạ gai 40g, Rung rúc 30g, Bách bộ, Hoàng liên ô rô, mỗi vị 20g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 700ml nước, sắc còn 350ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống lúc còn ấm. 15 ngày 1 liệu trình.

- Hỗ trợ điều trị phong thấp: Mỏ quạ gai 40g, cành Dâu, Quế chi, Thiên niên kiện mỗi vị 20g. Cho tất cả các vị vào ấm đổ 550ml nước sắc nhỏ lửa còn 250ml chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày một liệu trình.

- Phụ nữ bế kinh: Lấy 30g rễ mỏ quạ gai rửa sạch, đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 10 ngày trước chu kỳ kinh.

Lưu ý: Phụ nữ có thai không dùng được.

Từ khóa » Tác Dụng Của Cây Xuyên Phá Thạch