Bài Văn đạt Giải Nhất Quốc Gia Bảng A Năm 1997 - Kiến Thức Là Biển Cả
Có thể bạn quan tâm
Đề bài (bảng A – đề 1)
Bàn về thơ, nhà thơ phê bình văn học Nga V.Biêlinxki (1811-1848) đã viết: “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Anh, chị hãy bình luận ý kiến trên.
Bài làm:
Những vần thơ Anđecxen, những vần thơ ngân vang thung lũng Ôđenzơ – nơi có những hẻm núi sương giăng mờ ảo và những vòm hoa thạc thảo tim tím nên thơ- đã từng gieo vào tâm hồn nhà văn Pauxtôpxki niềm xúc cảm mãnh liệt: “Anđecxen đã lượm nhặt những hạt thơ trên luống đất của người dân cày, ấp ủ chúng nơi trái tim ông rồi gieo vào những túp lều, từ đó lớn lên và nảy nở những đóa hoa thơ tuyệt đẹp, chúng an ủi trái tim những người cùng khổ”. Thơ ca hai chữ kì diệu mà muôn đời vẫn chưa tìm ra một định nghĩa vẹn tròn, hoàn chỉnh: Thơ là gì? Thơ bắt nguồn từ đâu? Thơ có những mãnh lực gì khiến cung đàn cảm xúc của triệu triệu con người trên trái đất này không ngừng lay động, thổn thức, xuyến xao? Phải chăng thơ ở đây như trong lời bình của nhà phê bình Nga V.Biêlinxki vào thế kỉ XIX: “thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”?
Từ thuở thơ ca xuất hiện, nó đã mang đến hơi thở ấm áp cho hành tinh xanh xanh những đại dương và điệp trùng những cánh rừng tươi thắm của chúng ta. Có thể nói không bao giờ ta tổng kết hết được những định nghĩa về thơ, có người cho thơ là “lơ tơ mơ”, “thơ là sự tuôn trào bột phát những tình cảm mãnh liệt”, thậm chí “thơ là một cái gì mà người ta không định nghĩa được”. Phải chăng vì thế nhà thơ thuộc về một cõi huyền nhiệm, mông lung, xa vời vợi? Không, theo quan điểm của Biêlinxki, thơ là một khái niệm hết sức gần gũi: “thơ trước hết là cuộc đời”. Trong câu nói của Biêlinxki, chữ cuộc đời như một vì sao được chiếc đòn bẩy “trước hết bật vào từ “thơ”, làm sáng lên một ánh sáng chân lí lung linh, rạng rỡ. Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống.
Cuộc sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông bất tận của những tâm hồn nghệ sĩ. Thơ ca cũng như văn chương và các loại hình nghệ thuật khác, nếu không bén rễ vào cuộc đời, không hút nguồn nhựa sống dạt dào ngầm chảy trong lòng cuộc sống thì nó sẽ mãi mãi là một cây non èo uột, không mang trên mình những cành cây săn chắc, những phiến lá xanh tươi phơi phới dưới ánh nắng mặt trời. là nhà thơ, ngòi bút của anh phải chấm vào nghiên mực cuộc đời thì thơ anh mới tươi màu, neo chặt trong bến tâm hồn người thưởng thức. Danh sĩ Lê Qúy Đôn từng nói: “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi sông kì lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ được”. Có thể nói cuộc đời là mạch sữa ngọt ngào tuôn chảy không ngừng từ thế hệ này sang thế hệ khác để nuôi dưỡng thi ca. đến với Chế Lan Viên – một “triết gia thi sĩ” – ta không thể quên giây phút con người ấy rơi vào hố sâu tuyệt vọng của sự chán chường:
Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh,
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo.
Thế mà cuộc sống mới chan hoà hơi thở nồng ấm của cách mạng đã làm tan mọi giá băng trong trái tim thi sĩ. Người sà vào lòng nhân dân, sung sướng đón nhận nguồn cảm hứng thi ca từ cuộc đời:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
(Tiếng hát con tàu)
Cuộc sống mênh mông và kì diệu làm sao! Cuộc sống là nơi cung cấp chất liệu cho thơ. Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống, nên thơ bao giờ cũng chứa đựng bóng hình cuộc sống, bóng hình con người. Thơ ca là nơi con người gửi gắm tâm tình, mơ ước, khát vọng, những băn khoăn, rạo rực, ưu tư. Thơ không thể tách khỏi cuộc đời. Cuộc đời ban nguồn nhựa sống mãnh liệt cho thơ và thơ nở hoa làm đẹp cuộc đời, cống hiến cho con người những phút giây tuyệt vời lắng đọng nhiều nỗi suy tư. Đến với thơ, người đọc trước hết sẽ gặp tâm tư, nỗi lòng của người cầm bút, sau đó sẽ gặp chính tâm tư của mình bởi thơ là “tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình”. Cùng với văn chương, thơ ca tạo nên những nhịp càu vô hình dẫn dắt những tâm hồn đến với tâm hồn, những trái tim đến với trái tim để con người cùng chia sẽ niềm vui, nỗi buồn, ước mơ, hi vọng.
Cuộc đời vốn bao la, vô tận như một bức tranh với ba chiều không gian trải rộng đến vô cùng. Nhà thơ cũng như những con ong cần mẫn bay lượn trong những khu rừng cuộc đời ấy.
Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt
Một mật ngọt thành đời vạn chuyến ong bay
(Chế Lan Viên)
Thơ ca “là cuộc đời”, nhưng thơ ca không phải là những trang giấy in nguyên vẹn hình bóng của cuộc đời rộng lớn. Người nghệ sĩ phải tìm đến cuộc đời, hút lấy chất mật tinh tuý nhất, ngọt ngào nhất để tạo nên những vần thơ thật sự có giá trị. Nhà thơ phải biết chắt lọc chất liệu mà cuộc đời cung cấp, từ đó mới tạo nên những vần thơ hay, làm rung động lòng người. Thơ ca gắn liền với cảm xúc. Nhà thơ không thể hiện cuộc đời qua những cảnh ngộ, tình huống, qua những sự kiện như các nhà văn. Nhà thơ giãi bày bằng xúc cảm, bằng ngôn ngữ thi ca, bằng cả “những khoảng trắng giữa các từ”. Thơ ca có giá trị không chấp nhận sự thoát li, tác rời cuộc sống cũng như sự “phôtôcoppy” cuộc sống một cách cứng nhắc, khuôn mẫu. Đọc thơ mà chẳng tìm thấy nỗi lòng nhà thơ, đấy chẳng phải là thơ ca đích thực!Nếu không có một thiên tài Nguyễn Du uyên bác, a không thể có Truyện kiều, nhưng nếu không có những lầm than, cơ cực, cay đắng, tủi nhục cùng những ước mơ cháy bỏng của nhân dân trong xã hội phong kiến, trong buổi suy vong đầy ngột ngạt,ta cũng không thể có những trang Kiều thấm đượm dòng lệ, đầy chất nhân bản sâu xa.
Nếu không có một miền quê Kinh Bắc yên ả, bình dị với những con người chăm chỉ, hiền hào, mãi mãi ta sẽ không thể nào có được nỗi nhớ rạo rực, thiết tha của thi sĩ Hoàng Cầm trong bài thơ Bên kia sông Đuống:
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
….Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biên biếc
Đứng bên này sồn sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay.
Thơ bao giờ cũng in đậm chữ “đời” trước hết. Cuộc đời không chỉ ban cho nhà thơ nguồn cảm hứng mà cuộc đời còn là nơi nhà thơ khai thác “chất quặng” nguồn từ để tạo nên thơ:
Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi
Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang.
(Chế Lan Viên)
Thơ ca là hoa thơm của cuộc đời. Nếu chỉ tạo được từ trí tưởng tượng và cái tôi nhỏ bé của người nghệ sĩ thì thơ ca chỉ là những bông hoa làm bằng vỏ bào (Pauxtôpxki). Nhà thơ phải nhặt những hạt bụi quý trong cuộc đời mênh mông vô tận để làm nên những bông hồng vàng quý giá, đem lại niềm vui và cái đẹp cho tâm hồn người đọc, theo cách diễn đạt của Pauxtôpki.
Trở lại câu nói của nhà phê bình Biêlinxki, ta thấy đó không phải là một cách nhìn phiến diện. “Thơ, trước hết là cuộc đời” nhưng cuộc đời chưa phải là tất cả. Biêlinxki nói tới “nghệ thuật”: “…sau đó mới là nghệ thuật”. Như vậy ông đã không phủ nhận vai trò hết sức quan trọng của yếu tố nghệ thuật. Thiếu nghệ thuật thơ là hòn ngọc thô không mài, không giũa, không thể khơi dậy trong trái tim con người những rung động sâu xa. Thơ có thể ví như cánh diều, cuộc đời tạo cho cánh diều hình hài sức vóc, còn nghệ thuật là làn gió nâng cánh diều bay bổng trên bầu trời cao rộng, nâng cảm xúc đến mức thăng hoa. Ta yêu Truyện Kiều đâu chỉ vì “đoạn trường tân thanh” xé ruột cất lên từ quãng đời mười lăm năm lưu lạc truân chuyên của cánh hoa Thúy Kiều tài sắc. Người Việt Nam yêu Truyện Kiều còn vì những “ngôn từ gấm hoa” giàu sức biểu cảm, vì âm hưởng ca dao dịu dàng , man mác trong những câu lục bát thân thương:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
Cảnh mùa thu longlanh mĩ lệ đầy chất thơ ấy có lẽ còn sống mãi trong lòng người dân Việt đến nhiều thế kỉ sau.
Thơ ca cất cánh từ biển cuộc đời và bay cao từ nguồn gió nghệ thuật. Nghệ thuật làm cho thơ trở nên đẹp đẽ, gieo vào lòng người đọc những cảm xúc thẩm mĩ tuyệt vời. Một nhà thơ tài năng phải là người thợ lành nghề lặn sâu vào đại dương cuộc sống, không phải để nhặt nhạnh mảnh san hô tầm thường mà để tìm cho được những viên ngọc trai lấp lánh, những khối tình còn kết nên từ máu huyết của loài trai nhân nại, cần cù (ý của Nguyễn Tuân trong tác phẩm Sông Đà). Nhà thơ chỉ cần rung động trước lớp sóng cuộc đời thôi ư? Chưa đủ, như thế anh chỉ mới có cái tâm mà chưa có cái tài để xứng đáng mang danh hiệu “thi nhân”.
Để viết nên những vần thơ có sức lay động thật sự, có khả năng vượt qua mọi định luật băng hoại của thời gian, không thừa nhận cái chết (Săntưkôp Sêđrin), nhà thơ phải vừa có tài năng và tâm huyết vừa đắm mình vào cuộc đời, vừa không ngừng tìm tòi khám phá, “khơi những nguồn chưa ai khơi”. Một nhà thơ nước ngoài từng thấm thía giá trị cao quý của lao động thi ca:
Phải phí tổn ngàn cân quặng chữ
Để thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài.
Nhà thơ phải “trả cái giá cắt cổ” cho ngôn ngữ thơ ca nếu muốn những vần thơ ấy trở nên bất tử. lao động nghệ thuật là hình thức lao động của trí óc và trái tim. Phải có những rung động mãnh liệt trước cuộc đời và những khám phá, sáng tạo độc đáo, ta mới có thơ ca chân chính
Viết về mùa thu, thi sĩ từ cổ chí kim đã dùng bao hình ảnh tuyệt đẹp, từ ngô đồng nhất diệp lạc đến cúc vàng lưng giậu, từ non phơi bóng vàng đến trăng sáng như gương, …Thế mà cậu bé Trần Đăng Khoa lại cảm nhận mùa thu theo một cách riêng qua hình ảnh hoa cau giản dị:
Nửa đêm nghe ếch học bài,
Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây.
Nghe trời trở gió heo may,
Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau.
(Hoa cau)
Những cánh hoa cau trắng muốt mong manh rụng đầy vại nước làng quê phải chăng là “hoa cau cuộc đời” hoá thân thành “hoa cau nghệ thuật” trong thế giới thơ phong phú, giàu tưởng tượng bay bổng của nhà thơ tí hon dễ yêu, dễ mến? “Hoa cau” thoang thoảng thơm mãi con đường thi ca trải rộng, quấn quýt êm đềm trong trái tim những người yêu thơ.
“Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Ý kiến của V.Biêlinxki thật xúc động và đầy giá trị! Đến với thơ nghĩa là ta đến với cuộc đời qua “lăng kính nghệ thuật” của nhà thơ. Thơ ca khơi dậy trong lòng ta lớp lớp những đợt sóng cuộn trào của muôn vàn cung bậc tình cảm: yêu thương, căm giận, xót xa, nghẹn ngào, xao xuyến, bâng khuâng,…bởi thơ là đời, thơ là hoa nảy nở từ mảnh đất cuộc đời dạt dào nhựa sống. Thơ không phải là một thứ tôn giáo cao siêu huyền bí, cũng không phải là những ghi chép tủn mủn, vặt vãnh, vô giá trị về cuộc đời, về con người quanh ta. Thi sĩ không thể làm nên thơ nếu cửa lòng khép kín, nếu không “mở hồn ra đón lấy những vang động của đời” (Nam Cao). Cuộc sống cuộn xoay không một giây dừng lại, thơ ca cũng không ngừng nảy nở sinh sôi, cống hiến cho đời những đoá hoa đẹp nhất.
Thi sĩ ơi, anh hãy sáng tác bằng tất cả nhiệt huyết và tình yêu cháy bỏng của trái tim mình.
Cuộc sống đánh vào thơ trăm ngàn lớp sóng
Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi!
(Chế Lan Viên)
Bắt nguồn từ cuộc sống, qua lăng kính cảm nhận của thi nhân, thơ ca lại trở về với đời, tạo dòng chảy trong trái tim người thưởng thức. Thơ ca mang đến cho con người những gì? Thơ ca phải chăng chỉ để giết thời gian hoặc làm cho người ta bị mê hoặc? Thơ ca chân chính không phải là một loại hình nghệ thuật mang tính giải trí đơn thuần. Song hành cùng người bạn chí cốt văn chương, thơ ca mở ra những ngã đường hướng triệu triệu con người tới cõi chân, thiện, mĩ. Thơ ca đích thực phải là thơ ca khơi dậy những rung động sâu sắc trong tâm hồn con người, khiến con người hướng tới ước mơ sống tốt đẹp hơn. Nhà thơ Thanh Hải đến phút cuối đời trên dường bệnh vẫn khao khát cống hiến cho đời những giọt xuân trong trẻo:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trần xao xuyến.
(Mùa xuân nho nhỏ)
Làm sao lòng ta không rạo rức trước sức sống mãnh liệt, dạt dào của một nhà thơ yêu đời, yêu người tha thiết đến nhường ấy! Nhà thơ đã vượt qua chính mình để làm một nốt trầm lặng lẽ. Mình có ích giữa muôn vàng âm thanh sôi động của cuộc đời muôn màu, muôn vẻ này chưa?
Thơ ca khơi dậy trong con người những cảm xúc thẩm mĩ tuyệt đẹp, “thanh lọc” tâm hồn con người, chắp cánh cho con người bay tới những ước mơ, khát vọng. Trên cõi hành trình dài đăng đẳng đầy chông gai của đời người, có những lúc dừng chân nghỉ ngơi ta không thể không nghĩ về cuộc đời, về những điều tốt đẹp. Bao giờ ta còn đồng cảm với tấm lòng thi nhân, khi ấy thơ ca vẫn tồn tại sức sống bất diệt vĩnh cửu.
Anđecxen không chỉ là một bậc thần tiên tạo nên những trang cổ tích làm say mê biết bao thế hệ con người mà còn là nhà thơ chân chính mà “thơ ca ông làm no nê trái tim người dân chẳng khác gì triệu triệu những hạt bụi nước li ti làm bão hào không khí trên đất đai Đan Mạch. Người ta nói vì thế mà không ở đâu có những cầu vồng rộng lớn và rạo rực như ở nơi này” (Pauxtôpxki).
Thơ ca thật diệu kì và đáng quý! Đã là thi sĩ, một khi cầm bút, anh không được phép phân biệt giữa mình và người, mà phải “viết hết mình chi người” (Tố Hữu). Có như thế thơ ca của anh mới sống mãi mãi với cõi đời này.
Thơ là cuộc đời nên thơ không chỉ khơi dậy những cảm xúc êm đềm, dịu dàng, êm ái; không chỉ làm lòng ta quặn đau trước những nỗi “đoạn trường”. Thơ ca đồng thời phải mang chức năng “thức tỉnh lương tri đang ngủ”(Eptusencô), phải khiến con người biết căm giận và biết ước mơ. Có những lúc thơ ca biến thành một vũ khí độc đáo giúp con người đấu tranh với cái ác để bảo vệ chính nghĩa và cái đẹp của cuộc đời. Đấy là phút giây Hồ Chí Minh gửi gắm niềm tin mãnh liệt vào những vần thơ mà xích xiềng không khoá nổi:
Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
Ngược dòng thời gian, ta còn thấy đó là phút giây Lí Thường Kiệt cất tiếng sang sảng đọc bản tuyên ngôn Nam quốc sơn hà khẳng định chủ quyền độc lập của non sông. Giá trị của thơ ca mới cao cả đến nhường nào!
Trở về với hiện tại thơ ca hôm nay, ta bắt gặp những dáng hình thi sĩ trên những ngả đường thơ trải rộng, đang từng bước khám phá, tìm tòi và sáng tạo, đem lại nguồn mới cho thi ca. Phải chăng họ đang đặt chân lên hành trình đến với “mảnh đất nở hoa dâng tặng cho người muốn hái”?
Thi sĩ ơi, dù phải đi theo ngả nào, có lẽ anh cũng nên tâm niệm: “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Ý kiến về thơ của nhà phê bình văn học Nga V.Biêlinxki quả thật đáng cho ta suy nghĩ và nghiền ngẫm. Thơ đâu phải là quả bóng xa vời vợi nằm ngoài tầm bắt. Thơ ca luôn nồng nàn, ấm áp hơi thở cuộc đời và mang dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút. Thơ là dòng sông soi bóng cuộc đời, len vào tâm hồn con người những mạch ngầm cảm xúc dào dạt chảy mãi không thôi. Nhà thơ phải yêu “cuộc đời” và trân trọng “nghệ thuật” mới vun đúc đắp những vần thơ nở ra cánh hoa thơm ngát tô điểm cho cuộc đời và con người.
Ngày xưa, tôi yêu văn thơ Anđecxen bởi nơi ấy bao giờ cũng rung rinh đoá hồng bạch toả hương ngạt ngào bên những nàng công chúa xinh tươi. Nay tôi lại càng say mê những dòng văn đầy nhân ái kia bởi tôi còn cảm nhận được hương vị của cuộc đời, “chất người” ủ kín bên trong.
--------------------
Đinh Thị Mỹ Quỳnh
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – Tp. Hồ Chí Minh
Nhắn tin cho tác giả Lương Sỹ Hiệp @ 21:22 22/06/2013 Số lượt xem: 11727 Số lượt thích: 0 ngườiTừ khóa » Giải Thích Vạt áo Của Triệu Nhà Thơ
-
Giải Thích Và Bình Luận Lời Phát Biểu Của Nhà Văn Nguyễn Minh Châu ...
-
Vạt áo Của Triệu Nhà Thơ Không Bọc Hết Vàng Mà đời Rơi Vãi
-
Đề Thi Học Sinh Giỏi : Chứng Minh Hai Nhận định Về Thơ
-
CÁCH LÀM MỘT MỞ BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XUẤT PHÁT TỪ LÍ ...
-
Làm Sáng Tỏ Nhận định: Mỗi Câu Thơ Là Một Lần Lặn Vào Trang Giấy ...
-
215 Cách Nhận định Văn - Tài Liệu Text - 123doc
-
Nghị Luận Về Câu Nói Thơ Trước Hết Là Cuộc đời, Sau đó Mới Là Nghệ ...
-
Văn Học Và đời Sống Là Những Vòng Tròn đồng Tâm Mà Tâm điểm Là ...
-
Nghị Luận Thơ Trước Hết Là Cuộc đời, Sau đó Mới Là Nghệ Thuật
-
[ Văn Mẫu Lớp 12] - Thế Giới được Tạo Lập Không Phải Một Lần, Mà ...
-
[HOT] Những Bài Văn đoạt Giải Nhất Quốc Gia Và điểm 10 đại Học
-
Văn 9 - Những Câu Nhận định Văn Học Cần Nhớ - HOCMAI Forum
-
Nhận định Văn Học Tâm đắc - Sưu Tầm