Bám Mẹ - Nhõng Nhẽo - Giai đoạn Trên 1 Tuổi - Hà Chũn
Có thể bạn quan tâm
Trẻ con, cứ tầm 10 tháng trở ra là quấn mẹ như keo, mà lật mặt nhanh như lật bánh tráng. Ok biết rồi khổ lắm nói mãi.
Hẳn bạn là một trong số các bà mẹ đang héo hon với tình trạng con cứ nhìn thấy mặt mẹ là nhệch mồm ra khóc, đi làm về là được bonus tập một quả tạ nặng sấp xỉ 1 yến, cứ lủng lẳng bám chân, bám lườn không tha. Và bữa cơm tối bạn chuẩn bị trong vội vã, sự bất lực thậm chí cáu tiết, đính kèm nước mắt và nước dãi của những quả tạ bất đắc dĩ kia.
Thế rồi bạn đọc được ở đâu đó, chị Hà Chũn tào lao bí đao nào đó lại nói là nhẹo nhẹo bám mẹ mới là tình cảm trân quí, là lưới an toàn của con, nên nó mới khóc khi thấy mẹ. Thế là bạn lại tiếp tục nghiến răng lao vào vòng xoáy đầy nước mắt đó, ngày này qua ngày khác, chờ con lớn lên. Ấy ấy, đừng tuyệt vọng bạn ơi. Hôm nay giãn khoảng cách toàn xã hội rồi, hãy cùng chị Hà Chũn tào lao thêm một số giải pháp làm dịu nhẹ độ bám dính, khuyến khích khám phá và giảm nhẹ thời lượng gào thét của các boss, ok !
Từ khóa giải quyết vấn nạn này chính là
Thấu hiểu – Tham gia – Khám phá
Bắt đầu nè!
1. Thấu hiểu tính khí và cảm xúc cá nhân của con
Thông thường, nhưng cũng không có ngoại lệ, thì các đồng chí thuộc nhóm hướng nội sẽ có độ bám dính chắc hơn, vì đơn giản là với em thế giới bên ngoài quá rộng hơn, và tâm tính của bé là cần có thời gian, không gian và tốc độ làm quen rất riêng. Có thể chậm hơn, và có thể bé cần cảm thấy an toàn – tin tưởng mới có thể khám phá môi trường mới. Do đó các mẹ sẽ thấy các bé hướng nội đặc biệt bám dính khi ra đám đông, sân chơi, nhóm trẻ và khi đi thăm họ hàng. Thậm chí với những em bé siêu nhạy cảm, mọi sự thay đổi trạng thái, không gian kể cả khi những môi trường ấy tưởng chừng như con đã quen thuộc hàng ngày rồi, đều cần có thời gian làm quen. Các bé nhạy cảm sẽ thấy hoang mang khi bị thay đổi đột ngột : từ môi trường chơi sang môi trường ngủ, sự xuất hiện bất ngờ khó hiểu của người mẹ, hay đơn giản là sự thay đổi độ cao từ dưới đất lên ngồi trên ghế ăn…..
Hãy QUAN SÁT và lắng nghe, xem bém thuộc nhóm tính khí nào trong từng giai đoạn phát triển để có sự nhấn và lùi phù hợp để bạn vừa là điểm tựa tinh thần cho con tiến ra ngoài thế giới, những cũng luôn là lưới an toàn cho con nếu thực sự con không thấy an tâm. Dù gì đi chăng nữa, dù hướng nội hay hướng ngoại thì lứa tuổi 11 tháng đổ ra các con vừa tò mò hiếu kì với thế giới nhưng cũng cực kì nhạy cảm với sự thay đổi, và bọn chúng _ những dũng sỹ mặc bỉm cực kì ghét những sự thay đổi nhanh chóng và chộp giật, vì vậy hãy dành 1 NÚT CHỜ, thông báo và chuẩn bị tinh thần cho mọi thay đổi hành động sắp xảy ra.
- Mình chơi xong trò này thì mẹ cùng con đi nấu cơm nhé.
- Hết bản nhạc này mình đi tắm nhé.
- Ôm nhau thêm một chút rồi 2 mẹ con mình cùng đi nấu cơm nhé
- Hôm nay mình sẽ đi dạo/đi chợ/đi siêu thị/đi playgroup/đi gym nhé.
Hãy chuyện trò, tỉ tê như những người bạn. Có thể con không hiểu, nhưng chính sự giao tiếp nhẹ nhàng này tạo nên sự an tâm là mẹ ở bên cạnh khi có sự thay đổi về môi trường và trạng thái xảy ra.
Đây là những em bé CỰC KÌ CẦN CÓ TRÌNH TỰ SINH HOẠT NHẤT QUÁN, vì với các bé đã theo các routine nhuần nhuyễn, thì mẹ có thể thực hành những giao tiếp và trình tự sinh hoạt này như một cỗ máy và con (vì đã học thuộc bài) nên cường độ và thời gian rên rỉ vì thế mà có thể ngắn hơn.
Hay mỗi khi mẹ tái hiện sau mỗi buổi đi làm về, đừng quên ôm con thật chặt trong vòng vài phút. Một vài phút có chất lượng để con cảm nhận sự hiện diện của mẹ, trước khi mẹ lao vào nấu nướng và cơm nước cho bữa tối. Khoảng thời gian ngắn này giúp bé cảm thấy « có mẹ đủ và có chất lượng » sẽ giúp bé cảm thấy an tâm thả mẹ ra cho đi làm việc nhà.
Những bước chuẩn bị tâm lí này nghe thật nhiêu khê, nhưng đó là những bước đầu tiên, để tạm biệt thời kì bám mẹ như keo 502 !
2. THAM GIA : Cùng chơi có chất lượng và học giãn dần khoảng cách…
Phần lớn các bé ở giai đoạn bám mẹ, nhèo nhẹo khóc ở giai đoạn 11-18m đều là những em bé sở hữu những bà mẹ vắng nhà. Tuy nhiên, các bà mẹ ở nhà với con cả ngày cũng khốn đốn không kém, vì sự nhèo nhẹo bám dính có thể yếu hơn nhưng lại kéo dài nguyên cả ngày. Đây là lúc chúng ta đỏ tai – rụng tóc suy nghĩ những tương tác để giảm thiểu những phản ứng phụ rất khó chịu này của các boss tí hon.
Giảm cường độ bám mẹ qua các trò chơi.
- Chi chi chành chành là một trò cực đơn giản của nắm – nhả và đưa đẩy. Ban đầu khi con nhỏ mẹ có thể để con ngồi lòng, nhưng khi có tín hiệu bám dính thời keo 502, sau đôi ba hiệp ngồi lòng, mẹ có thể giả vờ tê chân, ngồi dịch dần ra, vẫn tiếp tục chi chi chành chành nhưng mẹ không còn là chiếc sofa bất đắc dĩ nữa!
- Kéo cưa lừa xẻ, kéo co. Đây là những trò mang tính chất đưa đẩy cực hay, và giúp con cai được việc dính chặt vào hông mẹ.
- Cuộc đua bò : ai bò nhanh về đích trước. Trò này rõ rằng chúng không thể bám dính ta…và là cơ hội cho ta bò ra bếp vo gạo chóng vánh trong 5s hihi. Đùa đấy, khi chơi với con, hãy chơi hết mình toàn tâm toàn ý, chỉ sau 5-7 hiệp boss chán ngấy mặt mẹ thì hẵng bò đi cắm cơm, mẹ nhé.
- Ú òa, là tiền thân và trốn tìm là hậu duệ. Ban đầu bạn chỉ ú òa khi có mẹ hiện diện. Sau đó trốn tìm, nhưng mẹ nhớ trốn dễ thôi, ví dụ như trốn sau bàn thì nhớ hở ra cái lưng mà trốn sau rèm nhớ hở ra đôi chân, để mọi trò chơi tương tác đều tăng dần khoảng cách giữa con và mẹ. Tuy xa mặt nhưng ta không cách lòng, vẫn vui dù không được bám đùi và đu theo từng bước chân.
- Trò chơi đóng vai được các bé trên 18m rất thích, như trò bón cho em bé ăn (mẹ đóng vài em bé) thông qua sử dụng bộ đồ hàng. Trò nhân viên sales với một chiếc điện thoại nhựa « alo, viettel xin nghe », trò bác sỹ khám bệnh cho mẹ, dù nghe phổi ở dưới mông và đo nhiệt độ ở ti, hihi… nhưng là những trò chơi đóng vai mà sau khi khám cho mẹ sẽ khám cho bố và mọi người trong gia đình, giảm cường đồ tập trung sự chú ý chỉ vào mẹ.
- Trò đọc sách ánh sáng. Trò này khi đọc mẹ cần tắt đèn, bật đèn pin hoặc có loại đèn hoặc sách chuyên dụng. Đây thực tế là cinema thời tiền sử, hay là những cuộc kể chuyện bằng ánh sáng đầu tiên của con. Trên thị trường có nhiều sách kể truyện bằng ánh sáng như thế này, mẹ dùng giọng nói của mình để xoa dịu, tương tác và trấn an bé, và là bước chuyển giao lí tưởng để đi vào giấc ngủ đêm.
3. THAM GIA: Cùng làm việc nhà
- Bạn cần 1 cái thang
Ai mà không trải qua cảm xúc khó tả khi vừa nấu nướng vừa có 1 bao tạ bất đắc dĩ dưới chân. Và cũng không dưới 1 lần các mẹ vừa đảo thịt vừa phải kéo quần.
Cái bạn cần là một chiếc ghế bậc thật chắc chắn, và ơ kìa, bạn đang có 1 lao động nhàn rỗi trong nhà. Hãy cho con có cơ hội cùng nhặt rau, đập trứng hay ngoáy bột. Có thể chỉ 3 phút là con sẽ chán, nhưng cảm giác được tham gia chứ không bị bỏ rơi nó tuyệt vời lắm các người anh em ạ. Và nhìn mẹ ở một tầm cao mới cũng sẽ sung sướng hơn rất nhiều so với việc ngồi ôm chân và nhìn mẹ trên đỉnh cao muôn trượng kia. Mẹ đừng quên trò truyện và hướng dẫn bé “giúp” khi cùng nấu nướng nhé. Với một số các bé nhỏ hơn (dưới 8 tháng ở giai đoạn khủng hoảng sợ xa cách, nhiều bà mẹ đã thực hiện việc vừa địu con vừa nấu cơm để đảm bảo tính tham gia của những lao động thủ công mà đòi hỏi rất cao này).
- Bạn cần thêm 1 cái chổi
Khi bạn quét nhà, hãy cho con 1 cái chổi nhỏ, khi lau nhà thì cũng đừng quên cho con một chiếc khăn sạch xinh xinh. Điều này không những làm bé bận bụi nên quên nhiệm vụ bám mẹ dai dẳng, mà nó còn giúp bạn có thể làm việc nhà trong sự “hợp tác và hỗ trợ” nữa, tuy đôi khi việc quét nhà sẽ khó và lâu gấp 2 khi có sự đỡ đần của boss kính yêu.
- Bạn cần thêm 3 cái nồi và 2 cái thìa gỗ
Khi bạn nấu ăn những món mà con có thể khó tham gia, hãy cho con 2 cái nồi và một chút nước, hoặc vài hạt đỗ, đôi chiếc thìa gỗ để con có thể đứng trên ghế cao và cùng đảo khuấy cùng mẹ. Mẹ lưu ý khoảng cách an toàn để không bắn mỡ/nước có thể làm bỏng bé, cũng như độ chắc của chiếc bục mà bé đang đứng lên. Nhiều bé thích thú khua gõ xoong nồi quanh quẩn trong bếp khi mẹ đứng thao tác và chế biến đồ ăn ở phía trên. Đương nhiên nấu ăn cùng bé sẽ hơi nhức đầu hơn một chút với bản hòa tấu xoong nồi, nhưng thế còn hơn phải nghe bản opera âm vực rên rì kèm hút hét, phải không nào?
- Bạn cần thêm một cánh tay hỗ trợ: Hãy cùng bé cho đồ vào máy giặt (nếu máy cửa ngang), cho bé bấm nút hay nhặt bít tất thành đôi mỗi lần gập quần áo cùng nhau. Cách này mẹ vừa làm được việc nhà và con cũng cảm thấy mình có ích, được tham gia công tác gia đình chứ không phải là cục thịt thừa bên hông mẹ nữa.
4. TĂNG KHÁM PHÁ: Đi dạo, thay đổi không khí
Đi dạo, đi du lịch chính là cách mở rộng thế giới quan của bé khi có mẹ ở bên. Như các mẹ đã biết, bám mẹ và mè nheo đôi khi bởi con cảm thấy sợ hãi – bất an và phải làm khác với cả thế giới còn lại. Và mẹ là nơi trú ẩn an toàn với con. Vậy tại sao không cùng ôm cả cái nôi trú ẩn đấy đi khắp mọi nơi, để dần làm quen. Như một chú rùa đi bộ, mẹ có thể địu/dung xe đẩy đưa con đi ra thế giới bên ngoài. Lúc hứng thú và vui vẻ, con khám phá và lĩnh hội, dần làm quen với bên ngoài rộng lớn. Khi thấy bất an, không vấn đề, mẹ ở ngay bên cạnh đây. Thông thường đi dạo cũng mẹ/bố con sẽ cảm giác an tâm hơn, vì nếu có gì thì con luôn có thể quay đầu về nơi an toàn để dựa dẫm. Và cha mẹ hãy nhớ, nếu con sợ dù chỉ là sợ cọng cỏ hay hạt cát, toàn những cái sợ đâu đâu mà theo người lớn là rất tào lao bí đao. Với trẻ, mọi điều trên thế giới khi mở mắt tỉnh dậy đều là mới, có những điều tuần trước chơi bình thường mà tuần này đã sợ rúm ró vào rồi. Mọi thứ đều có nguyên nhân của nó đấy. Hãy tôn trọng cảm xúc và cảm giác của bé, cũng như kiên nhẫn chờ con làm quen lại và dần an tâm.
5. TĂNG KHÁM PHÁ thông qua Hội họp – chơi theo nhóm
Ở phương tây hình thức playgroup, các mẹ ôm con đến nhà nhau chơi theo nhóm, là rất phát triển. Đây là cách mà bé làm quen với môi trường rộng lớn, nhiều người khác, nhiều đồng đội mặc bỉm một cách rất từ từ, tạo nền tảng cho thích nghi xã hội và tương tác trong cộng đồng.
Ở Việt Nam mô hình này cũng càng ngày càng được nhân rộng với các lớp gym cùng mẹ, và các cuộc gặp mặt nhóm của các mẹ EASY, thậm chí đội EASYONE gắn bó đã rủ nhau vào đến tận Đà Nẵng Hội An để giúp các cháu cùng đi xa và cùng giao lưu hihi.
Sau bài này mình sẽ viết một bài các nguyên tắc mẹ cần nhớ khi đưa con đi giao tiếp xã hội, để con tự hòa đồng theo tốc độ và tính cách của bản thân mình. Không có đứa trẻ HÈN NHÁT, chỉ có những em bé NHẠY CẢM và những người mẹ hơi ít cảm thông một chút thôi. Sẽ có cách đề cùng khắc phục, ok!
6. TĂNG KHÁM PHÁ: qua Nuôi dưỡng sự tự tin và tính tự lập
Nếu đã theo chương trình này từ đâu, hẳn các bạn phát ngán đến tận cộ với lời nhắc nhở của Chũn và đồng bọn về duy trì chơi tự lập, rằng phải chà đạp lên dư luận, lên những cái nhìn ái ngại của ông bà và những cái chẹp miệng đầy khó chịu của bà cô hàng xóm ĐỂ CHO CON ĐƯỢC CHƠI TỰ LẬP TRONG CŨI MỖI MỘT CHU KÌ EASY, và thực hiện chơi tự lập từ đỏ hỏn sơ sinh đến tận lúc xanh lè đít nhái hihi.
Tại sao ư, thôi mình không tua lại đoạn biết rồi khổ lắm nói mãi từ thời easy3, rằng tại sao phải chơi tự lập và duy trì nó đâu nhỉ. Kẻo đọc xong bài dài như song này có khi các cháu đi học tiểu học xừ nó mấtttttttt!!!!!!! Nhưng tóm lại là, dù đỏ hỏn cho đến tận 1 tuổi, thời gian chơi tự lập trong cũi là phải luôn luôn có, như một thói quen. Bao lâu? Lâu nhất có thể, ok!
Chơi tự lập chính là chìa khóa đầu tiên đến với cảm giác thoải mái với chính bản than mình, và đó chính là sự tự tin đó các mẹ ạ. Chơi tự lập ở các lứa tuổi nhỏ dạy con vượt qua những khó khăn trong cảm xúc và những trở ngại trong thể chất, để lật – để lẫy – để chống đẩy kéo người mình đứng lên…. Ơ kìa, thế thì liên quan mẹ gì đến chữa BÁM MẸ???
Liên quan quá đi chứ, đầu tiên đó là cái thói quen không cần sự chú ý liên tục và sự chăm sóc theo từng phút từng giây. Các boss cũng sớm nhận ra rằng có mẹ kè kè bên cạnh đôi khi cũng khó chịu bỏ xừ ra. Các anh chỉ lại cũng hiểu thêm rằng, chơi một mình – cách li xã hội nó cũng có cái thú của nó, dù chỉ dài 5 phút. Nhưng 5 phút đó cũng đủ cho mẹ thực hiện một chuyến đi vào toilet trong yên bình, thư thái và trọn vẹn, phải không nào?
Các em bé có thói quen chơi tự lập thường có sự kiên nhẫn lớn hơn, biết “bài” nút chờ và thường cũng có thói quen từ mày mò, do đó chỉ một vài phút bám trên sườn mẹ là các boss có thể chán, và có nhu cầu đi xuống đi vi hành khám phá bếp ăn. Do đó, cường độ và thời gian bám có đôi phần giảm sút, chứ nói thật, tầm này đứa nào cũng bám hết – tránh làm sao được. Các mẹ cứ xác định vậy đi, cho thanh thản. OK!
Đương nhiên, khi các boss tự tin vào sức công phá của bản thân, hãy cho con thêm chút động lực để hợp tác cùng làm việc nhà, ví dụ chuyển giờ chơi tự lập trong cũi thành đưa con cái giẻ và mời con thực hiện việc lau sàn chẳng hản. Vui mà, phải không?
MỘT ĐIỂM CUỐI CÙNG NHẮC NHỞ CÁC MẸ, KHI CON ĐANG CHƠI TỰ LẬP TỐT, VUI LÒNG ĐỂ CON YÊN. ĐỪNG XUẤT HIỆN TRÊU NGƯƠI GIÂY LÁT RỒI LẠI BIẾN MẤT, VÌ CHÍNH CÁCH NÀY MỚI LÀM CÁC BOSS CÁU CHÓ LÊN GẤP 1 VẠN LẦN. Khi hết giờ chơi tự lập, mẹ hãy hiện diện và dành cho con 100% sự chú ý, dành 10 phút có chất lượng để chơi cùng con trước khi chuyển sang hoạt động khác, mẹ nhé!
7. VÀ CUỐI CÙNG, đừng quên: Để tâm đến thời lượng giấc ngủ trong ngày.
Các mẹ nuôi con đên tầm này chắc cũng hiểu, một khi đã mệt mỏi và buồn ngủ thì không có một giao tiếp xã hội nào có thể có chất lượng, và mọi sự giáo dục đều như nước đổ lá khoai. Bởi não đã quá tải phải đảm đương nhiệm vụ thức dài dằng dặc, với đủ thứ thông tin và màu sắc thu nhận và bởi những cảm giác ngứa ngáy khó chịu của những cái rang mới lên và những cái bụng gằn réo….
Ở độ tuổi 11m trở ra, hầu hết các bé đang ở lịch 2 giấc ngày nhưng có một số ít bé đã chuyển chỉ còn 1 giấc. Tổng nhu cầu ngủ của bé trong mỗi chu kì 24h là khoảng 12-14h, trong đó đêm của bé dài khoảng 11-13h/đêm, tùy bé, tùy thời tiết. Bạn cứ nhẩm tính trong đầu xem con có ngủ đủ không, nếu không, khả năng con gào khóc là do căng thẳng thần kinh từ thiếu ngủ đó.
Nên nhớ, một khi mà đã buồn ngủ, thì gắt ngủ là đương nhiên, dù mẹ hay bất cứ một ai con cũng khóc. Đương nhiên, mẹ là lưới an toàn nên gắt ngủ boss sẽ gào to và mạnh hơn, tin mình đi!
Điều này không có nghĩa là mẹ đi trốn mỗi khi con mệt và gắt ngủ. Ngược lại, mẹ hãy hiện diện nhưng chăm lo những giấc ngủ tốt và có chất lượng cho con, bởi khi đó, thỏa mãn ăn no bụng, ngủ no mắt và được yêu thương ngập tràn thì con sẽ là em bé hạnh phúc nhất của gia đình và của thể giới này, dù vẫn nhệch mồm mỗi khi có sự xuất hiện của mẹ yêu thương.
Từ khóa » Khi Nào Trẻ Hết Bám Mẹ
-
Giai đoạn Bám Mẹ: Dấu Hiệu, Nguyên Nhân Và Cách đối Phó
-
Đối Phó Với Tình Trạng Trẻ Bám Mẹ | Vinmec
-
Làm Thế Nào để Con Nhỏ Bớt Bám Mẹ? - Hello Bacsi
-
Tập Bé Bớt Bám Mẹ - Mẹ Rảnh Bé Lại Ngoan! - Cẩm Nang Bibomart
-
Khoa Học Chứng Minh: Trẻ Bám Mẹ Nhằng Nhẵng Không Phải Là ...
-
Trẻ Sơ Sinh Quen Hơi Mẹ Phải Làm Sao để Con Bớt Bám? - Mẹ Bé AZ
-
Bé Bám Mẹ Không Rời - Mẹ Có Cần Lo Lắng?
-
Hãy Tự Hào Khi Có Một đứa Con Bám Mẹ! - Mindfully T.
-
Đối Phó Với Tình Trạng Trẻ Bám Mẹ - Mới Nhất 2022
-
Cách đáp ứng Hành Vi Bám Mẹ Của Trẻ Nhỏ.
-
Trẻ Sơ Sinh Bám Mẹ Và Cách Giải Hóa 'vi Diệu' Cho Các Chị Em
-
Khám Phá Tâm Lý Bé 6-12 Tháng Tuổi - VnExpress Đời Sống
-
Trẻ Bám Mẹ - Huggies
-
Phát Rồ Vì Bé Quá Bám Mẹ - Webtretho