Bản án 01/2018/DS-PT Ngày 02/01/2018 Về Tranh Chấp đòi Tài Sản
Có thể bạn quan tâm
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
BẢN ÁN 01/2018/DS-PT NGÀY 02/01/2018 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TÀI SẢN
Từ ngày 25 tháng 12 năm 2018 đến ngày 02 tháng 01 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 107/2018/TLPT-DS ngày 09 tháng 7 năm 2018 về việc “Tranh chấp đòi tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 108/2018/DS-ST ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện P, tỉnh An Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 182/2018/QĐ-PT ngày 26 tháng 7 năm 2018 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Lê Thị Tuyết H , sinh năm 1969 (có mặt)
Địa chỉ: ấp T , thị trấn P , huyện P , tỉnh An Giang
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Lương Tống T – VPLS Lương Tống T , thuộc Đoàn Luật sư tỉnh An Giang (có mặt)
2. Bị đơn: Ông Võ Văn T (P ), sinh năm 1967 và bà Đỗ Thị Hồng L , sinh năm 1974
Cùng địa chỉ: Ấp T , xã H , huyện P , tỉnh An Giang
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Bạch X , sinh năm 1960 (có mặt)
Địa chỉ: phường M , thành phố L , tỉnh An Giang (Theo Giấy ủy quyền số công chứng 772, quyển số 01TP/CC-SCC/HĐGD ngày 20/11/2017 của Văn phòng Công chứng N )
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Vũ Anh T – VPLS Đ thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)
Địa chỉ: phường 3, quận G , thành phố Hồ Chí Minh.
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ông Phạm Cao T1 , sinh năm 1964 (có mặt)
Địa chỉ: ấp T , thị trấn P , huyện P , tỉnh An Giang
4. Người kháng cáo: Bà Lê Thị Tuyết H – Nguyên đơn
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện đề ngày 17/10/2017 và tại phiên tòa nguyên đơn là bà Lê Thị Tuyết H trình bày:Giữa bà và vợ chồng ông Võ Văn T, bà Đỗ Thị Hồng L có mối quan hệ bà con và có làm ăn qua lại nhiều năm nên trong khoảng thời gian năm 2014 - 2015 bà có cho ông T , bà L mượn tiền 13 lần. Cụ thể:
- Ngày 13/10âl/2014 tức ngày 04/12/2014, mượn 100.000.000 đồng;
- Ngày 27/10âl/2014 tức ngày 18/12/2014, mượn 500.000.000 đồng;
- Ngày 28/10âl/2014 tức ngày 19/12/2014, mượn 500.000.000 đồng;
- Ngày 15/01âl/2015 tức ngày 05/3/2015, mượn 500.000.000 đồng;
- Ngày 16/01âl/2015 tức ngày 06/3/2015, mượn hai lần 300.000.000 đồng và 850.000.000 đồng;
- Ngày 20/01âl/2015 tức ngày 10/3/2015, mượn 1.400.000.000 đồng;
- Ngày 22/01âl/2015 tức ngày 12/3/2015, mượn 350.000.000 đồng;
- Ngày 26/01âl/2015 tức ngày 16/3/2015, mượn 500.000.000 đồng;
- Ngày 13/02âl/2015 tức ngày 01/4/2015, mượn 300.000.000 đồng;
- Ngày 14/02âl/2015 tức ngày 02/4/2015, mượn 500.000.000 đồng;
- Ngày 20/02âl/2015 tức ngày 08/4/2015, mượn 200.000.000 đồng;
- Ngày 22/02âl/2015 tức ngày 10/4/2015, mượn 500.000.000 đồng;
Tổng cộng 6.500.000.000 đồng. Tất cả các lần mượn trên ông T hoặc bà L đều có ghi vô sổ nợ của bà là có nhận tiền. Bà đã nhiều lần yêu cầu thanh toán nợ nhưng đến nay ông T , bà L vẫn chưa thanh toán cho bà.
Ngày 04/10/2017, bà có cùng chồng bà là ông Phạm Cao T1 đến nhà của ông T , bà L đòi nợ. Ông T , bà L đề nghị giao 02 căn nhà tại xã P với giá 1.500.000.000 đồng để trừ vào số nợ 6.500.000.000 đồng, hai bên có làm giấy bán nhà và đất cùng ngày do ông T1 với ông T lập, cùng ký và ghi họ tên.
Ngày 17/01/2018, để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, bà có cung cấp 01 đĩa DVD chứa đựng file ghi âm và có đơn yêu cầu giám định file ghi âm này vì cho rằng đây là cuộc nói chuyện giữa bà với bà L do bà ghi được bằng điện thoại di động vào ngày 15/10/2017 với nội dung bà L thừa nhận còn nợ vốn của bà là 6.500.000.000 đồng và đồng ý giao tài sản cho bà để trừ nợ.
Bà thừa nhận có nhận số tiền 5.400.000.000 đồng theo 05 biên nhận không đề ngày mà ông T , bà Lo cung cấp và các biên nhận này do bà viết. Tuy nhiên, bà không nhớ viết vào thời gian nào vì số tiền này ông T, bà L trả cho số tiền đã mượn của bà trước đó, nhưng cụ thể là số tiền nào thì bà không nhớ.
Đến nay các bên vẫn chưa tiến hành làm thủ tục sang tên 02 căn nhà trị giá 1.500.000.000 đồng như thỏa thuận để trừ nợ vì hiện ông T , bà L còn đang thế chấp tại Ngân hàng VietinBank chi nhánh P . Vì vậy, xem như các bên không thỏa thuận về việc giao nhà để cấn trừ nợ, bà cũng không có yêu cầu gì đối với 02 căn nhà này. Do đó, bà yêu cầu ông Tu , bà L cùng liên đới chịu trách nhiệm trả cho bà và ông T1 số tiền còn nợ là 6.500.000.000 đồng, yêu cầu trả một lần, không yêu cầu tính lãi.
Đại diện hợp pháp của bị đơn bà Nguyễn Thị Bạch X trình bày: Ông T , bà L thừa nhận có mượn tiền của bà H 13 lần với tổng số tiền là 6.500.000.000 đồng như bà H trình bày. Sau khi mượn tiền, bà H trực tiếp đến nhà và điện thoại nhiều lần để đòi. Phía ông T , bà L có đề nghị trực tiếp hoặc thông qua điện thoại sẽ giao tài sản gồm các căn nhà, các nền đất và các lò sấy của ông bà cho bà H để trừ số nợ 6.500.000.000 đồng. Sau nhiều lần thỏa thuận giao tài sản nhưng tất cả đều không thành do phía bà H không đồng ý nhận tài sản để trừ nợ. Vì vậy, ông T , bà L buộc phải trả bằng tiền mặt và có trả được 05 lần với tổng số tiền là 5.400.000.000 đồng theo như bà H đã thừa nhận. Bà H là người trực tiếp nhận tiền, viết và ký tên trong các biên nhận, bà H không ghi thời gian thanh toán nợ nên ông T , bà L cũng không nhớ rõ thời gian trả.
Sau đó, bà H nhiều lần yêu cầu thanh toán tiếp số nợ còn lại 1.100.000.000 đồng nhưng ông T , bà L không còn khả năng trả. Ngày 04/10/2017, bà H cùng chồng là ông T1 tiếp tục đến nhà của ông T , bà L đòi nợ nên ông T , bà L đề nghị giao 02 căn nhà tại xã P với giá 1.500.000.000 đồng. Ông T , bà L chuyển nhượng 02 căn nhà để trừ dứt số nợ 1.100.000.000 đồng, số còn lại 400.000.000 đồng trả cho Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh P để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà thực hiện thủ tục sang tên cho bà H , ông T1.
Theo như thỏa thuận thì ông T , bà L đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với bà H . Nay bà H và ông T1 không đồng ý nhận 02 căn nhà để trừ nợ thì ông T , bà L đồng ý trả số tiền còn nợ là 1.100.000.000 đồng nhưng yêu cầu được trả dần trong thời hạn 12 tháng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên qua ông Phạm Cao T1 trình bày: Ông là chồng của bà H , ông hoàn toàn thống nhất theo mọi trình bày và yêu cầu của bà H , không bổ sung gì thêm.
Tại bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện P tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lê Thị Tuyết H đối với các bị đơn ông Võ Văn T, bà Đỗ Thị Hồng L. Buộc ông T , bà L phải liên đới thực hiện nghĩa vụ trả cho bà H , ông T1 số tiền là 1.100.000.000 đồng (một tỷ một trăm triệu đồng).
Không chấp nhận yêu cầu của bà H buộc ông T, bà L phải liên đới thanh toán số tiền 5.400.000.000 đồng (năm tỷ bốn trăm triệu đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 14/5/2018 nguyên đơn bà Lê Thị Tuyết H có đơn kháng cáo yêu cầu sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện vì Tòa án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện là không đúng.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bà H và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tranh luận: Đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà H , buộc bị đơn trả 6,5tỷ đồng còn nợ theo 13 biên nhận vì tại phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải đầu tiên bị đơn không thừa nhận có nợ bà H và cho rằng số tiền theo 5 biên nhận 5,4 tỷ đồng là số tiền mà nguyên đơn nợ bị đơn. Nhưng sau đó lại cho rằng số tiền này là số tiền bị đơn trả cho nguyên đơn trong số nợ 6,5 tỷ đồng, chỉ còn nợ lại 1,1 tỷ đồng. Lời khai không thống nhất về số tiền 5,4 tỷ đồng. Nguyên đơn có 2 người làm chứng là bà Tr và bà L1 có lời khai có nghe và chứng kiến việc bà L , ông T có trao đổi về việc thiếu 6,5 tỷ đồng của bà H và đồng ý dùng bất động sản để cấn trừ. Nguyên đơn cung cấp được băng ghi âm thể hiện nội dung bị đơn còn nợ 6,5 tỷ đồng, bà L không thừa nhận giọng nói của mình nhưng lại không cung cấp giọng nói ghi âm để giám định âm thanh. Cấp sơ thẩm không xem xét việc bị đơn không chứng minh mà chỉ căn cứ vào tờ biên nhận không còn nguyên gốc mà chỉ là những mẫu giấy nhỏ được cắt ra chỉ chừa phần chữ của nguyên đơn, còn những phần khác thi bỏ đi. File ghi âm được ghi từ ngày 15/10/2017, đến ngày 17/10/2017 thì nguyên đơn đã nộp đơn khởi kiện tại tòa. Kháng cáo của bị đơn là có cơ sở chấp nhận. Đề nghị HĐXX chấp nhận.
Bà X và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn tranh luận: Bà L và ông T đã trả 5,4 tỷ đồng cho bà H g, chỉ còn nợ lại 1,1tỷ đồng. Đề nghị y án sơ thẩm.
- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang phát biểu ý kiến: Về việc tuân thủ pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm: Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Về nội dung: cấp sơ thẩm buộc bị đơn trả 1,1 tỷ là có cơ sở chấp nhận. Đề nghị y án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng: Bà Lê Thị Tuyết H kháng cáo trong hạn luật định và có đóng tạm ứng án phí đầy đủ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét yêu cầu kháng cáo của bà H thấy rằng: Bà H cho rằng ông T , bà L vay của vợ chồng bà nhiều lần tổng cộng là 6.500.000.000đ. Ông T , bà L thừa nhận có vay số tiền như bà H nêu nhưng ông bà đã thanh toán cho bà L được 5.400.000.000đ nên chỉ còn lại số tiền 1.100.000.000đ, các lần trả tiền bà H đều viết biên nhận và ký tên, do bà H không ghi thời gian nên ông bà cũng không nhớ cụ thể thời gian nào.
[3] Thấy rằng, các đương sự đều thống nhất bà L và ông T có vay của bà H 13 lần với số tiền 6,5tỷ đồng, có làm biên nhận hiện bà H đang giữ. Các đương sự không thống nhất việc thanh toán, bà H cho rằng bà L và ông T chưa thanh toán cho bà số nợ này. Bà L , ông T thì cho rằng đã thanh toán 5,4tỷ đồng, chỉ còn nợ lại 1,1 tỷ đồng, việc thanh toán được thể hiện bằng 5 biên nhận do bà H ghi. Bà H thì không thừa nhận 5 biên nhận này là thanh toán cho 13 khoản vay với tổng số tiền 6,5 tỷ đồng nêu trên mà cho rằng là thanh toán cho những khoản nợ khác.
[4] Để xác định nghĩa vụ thanh toán của bà L , ông T trong vụ án này thì cần xem xét 5 biên nhận nhận tiền 5,4 tỷ đồng mà bà H nhận của bà L , ông T (P ) có phải thanh toán cho 13 khoản vay với tổng số tiền 6,5 tỷ đồng hay không. Xét 5 biên nhận này thì thấy 5 biên nhận chỉ là những mẫu giấy được cắt từ những tờ giấy lớn, kích thước vừa với nội dung, nội dung của 5 biên nhận không thể hiện ngày tháng bà Hằ nhận tiền của bà L , ông P và cũng không thể hiện lý do bà H nhận số tiền này.
[5] Thấy rằng, bà L và ông T thừa nhận có vay 13 khoản của bà H với tổng số tiền 6,5 tỷ đồng, có làm biên nhận nợ cho bà H giữ, nên nghĩa vụ chứng minh về việc đã thanh toán cho bà H thuộc về bà L và ông T . Các khoản nợ của bà H đều được thể hiện bằng biên nhận có nội dung và ngày tháng cụ thể, nên khi bà L và ông T thanh toán cho bà H một phần thì cần phải thể hiện rõ là thanh toán phần nghĩa vụ của khoản nợ nào nếu không nhận lại biên nhận nợ hoặc làm lại biên nhận nợ khác với số tiền còn lại. Trong vụ án này, giữa bà L , ông T và bà H đã có quan hệ làm ăn nhiều năm, các biên nhận phía bà L, ông T xuất trình không thể hiện rõ thời gian và nội dung thanh toán cho 13 khoản vay với tổng số tiền 6,5 tỷ đồng của bà H . Mặt khác, sau khi tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án theo yêu cầu khởi kiện của bà H vào ngày 18/10/2017, tại biên bản phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 06/12/2017 và biên bản hòa giải ngày 06/12/2017 thì đại diện hợp pháp của bà L và ông T cho rằng bà L và ông T có làm ăn, mượn tiền qua lại với nhau và bà L, ông T không có vay tiền của bà H mà ngược lại bà H còn vay của bà L , ông T trong năm 2014, 2015 với tổng số tiền 5,4 tỷ đồng thể hiện bằng 5 biên nhận do bà H ghi. Nhưng các biên bản làm việc và lời khai sau đó thì đại diện hợp pháp của bị đơn lại thừa nhận có nợ của bà H 13 khoản là 6,5 tỷ đồng nhưng lại cho rằng đã trả được 5,4 tỷ đồng thể hiện bằng 5 biên nhận. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận thấy lời khai của đại diện phía bị đơn mâu thuẫn trước và sau về lý do bà H nhận số tiền 5,4 tỷ đồng thể hiện bằng 5 biên nhận. Nên về hình thức và nội dung của các biên nhận này không đủ cơ sở để chứng minh là đã trả cho số tiền nợ 6,5 tỷ đồng của bà H .
[6] Quá trình giải quyết vụ án, bà H có cung cấp cho tòa án cấp sơ thẩm file ghi âm cuộc nói chuyện điện thoại giữa bà H và bà L ngày 15/10/2017. Trong nội dung cuộc nói chuyện các bên có trao đổi với nhau về số nợ từ năm 2014, 2015, còn nợ lại hơn 6,5 tỷ đồng, và các bên có đề cập đến việc dùng tài sản là nhà đất để cấn trừ nợ. Như vậy, theo nội dung của cuộc đối thoại thì đến 15/10/2017 thì phía bà L, ông T vẫn còn nợ khoản tiền hơn 6,5 tỷ vay từ năm 2014, 2015. Phía bị đơn không thừa nhận giọng nói của bà L trong file ghi âm, nhưng không yêu cầu giám định giọng nói. Bà H yêu cầu giám định giọng nói, tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm đã triệu tập bà L, yêu cầu cung cấp giọng nói ghi âm để tiến hành giám định nhưng bà L không cung cấp và cho rằng không có nghĩa vụ phải chứng minh. Căn cứ vào Điều 103 BLTTDS thì nếu bà L cho rằng giọng nói trong file ghi âm của bà H đưa ra không phải là của mình (có nghĩa là cho rằng bà H cung cấp chứng cứ giả) thì phải yêu cầu giám định. Trong trường hợp này bà L không yêu cầu giám định lại không thực hiện nghĩa vụ cung cấp giọng nói theo yêu cầu của Tòa án để giám định theo yêu cầu của bà H , là bà L đã tự từ bỏ việc chứng minh của mình nên phải chịu hậu quả của việc không chứng minh, cụ thể là Tòa án sẽ chấp nhận chứng cứ là file ghi âm do bà H xuất trình và nội dung của file ghi âm đó. Như vậy, theo nội dung file ghi âm thì đến tháng 10/2017 phía bà H vẫn còn nợ 6,5 tỷ đồng. Trong khi đó, theo trình bày của đại diện hợp pháp của phía bị đơn trong biên bản phiên họp tiếp cận và công khai chứng cứ và hòa giải cùng ngày 06/12/2017 thì 5 biên nhận nợ này được làm trong năm 2014, 2015 nên việc bị đơn cho rằng 5 biên nhận này trả nợ cho số nợ 6,5tỷ đồng là không phù hợp.
[7] Từ những cơ sở phân tích trên, việc cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của phía bị đơn và 5 biên nhận nhận tiền của bà H , tổng số 5,4 tỷ đồng, không ghi ngày tháng, không ghi nội dung bà Hằ nhận tiền để cho rằng bà L và ông T đã thanh toán được 5,4 tỷ đồng trong số 6,5 tỷ đồng nợ của bà H là không có cơ sở chấp nhận. Do đó, cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà H , sửa án sơ thẩm buộc bà L và ông T phải thanh toán số nợ gốc là 6,5 tỷ đồng cho vợ chồng bà H là phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015.
[8] Về quan hệ pháp luật trong vụ án, các đương sự đều xác định đây là các khoản vay, tại phiên tòa các đương sự xác định vay không xác định thời hạn, lãi chưa thanh toán, bà L và ông T vay nhưng không thực hiện nghĩa vụ của người vay, bà H khởi kiện yêu cầu trả nợ vay thì phải xác định tranh chấp là tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là đòi lại tài sản là không chính xác. Tuy nhiên, nghĩa vụ của bà L , ông T trong vụ án này là nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền, tương ứng với nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng vay, các đương sự cũng không tranh chấp phần tiền lãi và lãi suất. Nên nghĩa vụ trả tiền là tương đồng và việc áp dụng các quy định về pháp luật nội dung cũng phù hợp. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm trong việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp.
[9] Do kháng cáo được chấp nhận nên bà H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm, được nhận lại tạm ứng án phí đã nộp. Bà L và ông T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền 6,5 tỷ đồng phải trả cho bà H , cụ thể là 114.500.000đ.
[10] Đối với chi phí giám định 6.000.000đ cấp sơ thẩm buộc bà H phải chịu, bà H không có yêu cầu kháng cáo đối với phần này nên HĐXX Phúc thẩm không xem xét.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 148, Điều 313 và khoản 3 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 466, Điều 357, Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015. Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
- Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Lê Thị Tuyết H . Sửa một phần bản án sơ thẩm số 108/2018/DS-ST ngày 08/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện P , tỉnh An Giang. Cụ thể như sau:
- Buộc ông Võ Văn T (P ) và bà Đỗ Thị Hồng L liên đới trả cho bà Lê Thị Tuyết H và ông Phạm Cao T1 số tiền 6.500.000.000đ (Sáu tỷ năm trăm triệu đồng).
- Về án phí dân sự sơ thẩm: ông Võ Văn T và bà Đỗ Thị Hồng L phải liên đới chịu 114.500.000đ (một trăm mười bốn triệu năm trăm ngàn đồng). Bà Lê Thị Tuyết H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm được nhận lại 57.250.000đ (năm mươi bảy triệu hai trăm năm mươi ngàn đồng) theo biên lai thu số 0016254 ngày 18/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P .
- Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà Lê Thị Tuyết H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, bà H được nhận lại số tiền 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 0016789 ngày 14/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P , tỉnh An Giang.
- Về chi phí tố tụng: Bà Lê Thị Tuyết H phải chịu 6.000.000đ cho việc lấy mẫu giám định và bà H đã nộp đủ.
Kể từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án bên phải thi hành án còn phải chịu lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quuy định của Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7,và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vnTừ khóa » Băng Ghi âm Ghi Hình Có Liên Quan đến Vụ Việc Dân Sự đều được Sử Dụng Làm Chứng Cứ
-
Ghi âm Lời Nói Có được Xem Là Chứng Cứ Trong Vụ án Tranh Chấp Dân ...
-
Điều Kiện để File Ghi âm Trở Thành Chứng Cứ Trước Tòa án Dân Sự
-
Băng Ghi âm Có được Coi Là Chứng Cứ Không?
-
Sử Dụng Chứng Cứ Ghi âm, Ghi Hình Trong Tố Tụng Dân Sự
-
Bản Ghi âm "lén" Có được Coi Là Chứng Cứ Của Vụ án Hình Sự?
-
Giá Trị Pháp Lý Của Chứng Cứ Ghi âm Trong Tố Tụng Dân Sự
-
Chứng Cứ Trong Tố Tụng Dân Sự - Luật Phamlaw
-
Khi Nào Băng Ghi âm Là Chứng Cứ? - PLO
-
VI BẰNG GHI NHẬN CHỨNG CỨ GHI ÂM, GHI HÌNH VÀ DỮ LIỆU ...
-
Chứng Minh, Chứng Cứ Trong Tố Tụng Dân Sự - AZLAW
-
Kinh Nghiệm Số Hóa Hồ Sơ Trong Kiểm Sát Việc Giải Quyết Vụ án Dân Sự
-
Một Số Kinh Nghiệm, Giải Pháp Thực Hiện Việc Ghi âm, Ghi Hình Có âm ...
-
Trong Dự Thảo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (sửa đổi), Việc Bắt Buộc Ghi ...
-
Chứng Cứ Là Gì ? Các đặc điểm Của Chứng Cứ ? Các Thuộc Tính Của ...