Ban Tin Ky 1-2009 : Giới Thể Vô Biểu Là Gì ?
Giới thể vô biểu là gì ? |
Hỏi : Nếu Vô Biểu thì làm sao một người phát tâm thọ giới biết được là mình đã đắc giới ? Có thể xảy ra trường hợp 1 giới tử đến giới đàn thọ giới trở về mà không đắc giới không ? Đáp : Theo luật Tứ phần, giới được phân chia theo từng yếu nghĩa riêng biệt gọi là Giới tứ biệt gồm : giới pháp, giới thể, giới hạnh và giới tướng. Giới thể là thể tính của giới, tức công năng ngăn ngừa những điều sai quấy phát sinh từ tâm hành giả sau khi thọ giới đồng thời cũng là ý chí phụng trì và niềm tin nơi giới pháp (Từ điển Phật học Huệ Quang, tập II, tr.1727) Vô biểu là không biểu hiện ra. Theo luận Câu xá : "Vô biểu, tuy tự thể là sắc pháp như hữu biểu nhưng không biểu thị cho người khác biết, nên nói là vô biểu". Ngoài đặc tính vô biểu, giới thể còn có tính chất vô tác (ngài La Thập), không cần tạo tác. Vì giới thể vốn không hiển bày, không cần tạo tác mà phòng hộ thường hằng, liên tục nên được gọi là vô biểu, vô tác. Có ba thuyết khác nhau về giới thể. Trước hết, Hữu bộ cho rằng, giới thể thuộc sắc pháp (vật chất) tức những biểu hiện rõ rệt ở thân, khẩu khi đắc giới. Đó là một loại sắc pháp tế nhị do tứ đại sanh ra có công năng ngăn chặn tà ác nên gọi là vô biểu sắc. Kế đến, Kinh bộ và Duy Thức tông cho rằng giới thể thuộc tâm pháp (tinh thần). Bởi lúc thọ giới có sự dấy đọng của tâm sở Tư, những hạt giống của tâm sở này tương tục phát triển và sinh ra công năng ngăn ngừa điều ác. Giới thể nương vào biểu sắc lúc thọ giới mà thành nên gán cho tên nó là sắc nhưng thật ra nó là tâm pháp. Và luận Thành thật cho rằng giới thể là phi sắc phi tâm pháp (chẳng phải vật chất và tinh thần) vì giới thể không có hình chất nên chẳng phải sắc, không duyên lự nên chẳng phải tâm (Từ điển Phật học Hán Việt, NXB Khoa Học Xã Hội, tr.465). Như vậy, giới thể vô biểu hay vô tác là tên gọi đầy đủ nhằm làm sáng tỏ những tính chất vô biểu, vô tác của giới thể. "Đó là một loại ấn tượng có thể tạo ra năng lực chi phối các hoạt động của thân, khẩu, ý. Năng lực ấy tuy không thấy được bằng mắt nhưng tác dụng rất rõ. Đó là ngăn ngừa được sự bất thiện của thân, khẩu, ý. Đây chính là cốt lõi của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni giới" (Thích Viên Giác - Nền tảng thiết lập giới) Tuy vô biểu nhưng người thọ giới lúc đắc giới vẫn cảm nhận và kinh nghiệm được. Đắc giới tức thành tựu hay đạt được giới thể. Khi giới tử với tâm tha thiết, thành khẩn cầu giới pháp ở trong đàn giới thanh tịnh, hùng tráng và trước hội đồng thập sư uy đức trang nghiêm cùng năng lực hộ niệm của Tam bảo khiến những hạt giống thiện lành trong tâm giới tử bừng bừng phát khởi. Và trong giờ khắc thiêng liêng đó, giới tử tiếp nhận được một luồng năng lượng làm chấn động tâm tư, một cảm giác hân hoan khó tả nhẹ nhàng, lâng lâng tràn ngập thân thể và tâm hồn. Những biểu hiện khác lạ trước đây chưa từng có ấy tràn ngập thân tâm, chứng tỏ giới tử đã tiếp nhận một năng lượng mới, thành tựu giới thể. Cũng có thể có những giới tử không bị những rúng động mạnh mẽ khi tiếp nhận và đạt được giới thể nhưng công năng của giới thể phát sinh trong đời sống hàng ngày sau khi thọ giới giúp họ biết rõ là đã đắc giới. Cụ thể là khi đối diện với những cám dỗ, phiền não, có nguy cơ phạm giới thì giới thể phát huy hiệu lực ngăn cản giúp chúng ta chánh niệm, sực tỉnh để dừng lại và vượt qua./. (Tô Tử) |
Từ khóa » đắc Giới Là Gì
-
Đắc Giới Trang Nghiêm - .vn
-
Ý Nghĩa 'Thọ Giới' Trong Phật Giáo - .vn
-
Giới Là Gì ? Ngũ Giới (Pañca- Sīla) Trong Đạo Phật được Hiểu Như Thế ...
-
Đại Giới đàn: Những Vấn đề Cần Quan Tâm, điều Chỉnh
-
Kiến Tánh - Đắc Giới - Đắc Pháp - Đắc Đạo - Diễn Đàn Phật Pháp
-
Thọ & Đắc Đại Thừa Bồ Tát Giới - Luật - THƯ VIỆN HOA SEN
-
Ý Nghĩa Danh Xưng Phẩm Vị, Chức Sự Trong Đại Giới đàn | Phật Giáo ...
-
A-la-hán – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phật Giáo – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nếu Trúng Số độc đắc Bạn Sẽ Làm Gì
-
Ý Nghĩa Thọ Giới (thuyết Giảng Tại Chùa An Phước) | Thư Viện | Sách
-
Giới Luật Là Nền Tảng Căn Bản Của Phật Pháp
-
Đại Giới đàn Là Gì? Giới đàn đầu Tiên được Kiến Lập ở đâu? - Trầm Tuệ