Đại Giới đàn: Những Vấn đề Cần Quan Tâm, điều Chỉnh

Hòa thượng Thích Minh Thông - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Minh Thông - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Nói về ý nghĩa của Đại giới đàn, Hòa thượng Thích Minh Thông, Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương, vị giáo phẩm am tường Luật tạng hiện nay, được cung thỉnh làm Luật sư của nhiều Đại giới đàn, chia sẻ:

- Đối với người xuất gia, việc thọ giới là một yếu tố quan trọng trong cả quá trình tu tập; việc này ảnh hưởng đến hành sự, tu tập của chính vị Tăng sĩ đó. Bởi vì, có đắc giới thì vị ấy mới có giới thể thanh tịnh, được các vị thần hộ giới bảo vệ; giới đức cũng từ nền tảng đó mà phát sanh trong quá trình tu tập, hành trì giới luật của Phật sau khi thọ giới.

Nói như vậy để thấy việc thọ giới, đắc giới rất quan trọng đối với người xuất gia - bậc được Đức Phật gọi là Chúng trung tôn, thầy của trời và người. Để người cầu giới được đắc giới thể thanh tịnh thì ba yếu tố cốt tủy phải bảo đảm xuyên suốt trong quá trình tổ chức Đại giới đàn: Giới tử phát tâm dõng mãnh, Giới sư thanh tịnh và đàn tràng trang nghiêm. Ba yếu tố này gắn bó mật thiết với nhau. Bên cạnh đó, việc truyền giới phải như pháp, như luật (bạch tứ Yết-ma, bạch nhị Yết-ma phải đúng và đủ).

Trong nhiều năm qua, Hòa thượng là vị giáo phẩm được cung thỉnh tham gia rất nhiều Đại giới đàn tổ chức ở miền Nam cũng như một số tỉnh miền Trung, Hòa thượng nhận xét gì về công tác tổ chức sự kiện đặc thù này trong hoàn cảnh hiện nay?

- Hòa thượng Thích Minh Thông: Mỗi nhiệm kỳ, Giáo hội cấp tỉnh thành đều có kế hoạch tổ chức Đại giới đàn cho các vị tập sự xuất gia tại địa phương mình thọ giới, từng bước dự vào hàng ngũ của Tăng-già. Giới tử xin thọ giới ở các địa phương, như chúng tôi nhận thấy, hiện nay rất nhiều; có những Đại giới đàn, giới tử xuất gia từ 100-200 vị đến 500-600 vị cho các đàn giới. Số lượng tuy đông đảo như vậy, nhưng về chất lượng thì cần phải nhìn nhận thực tế.

Bản thân chúng tôi thường được mời làm các chức sự như Luật sư, thầy Yết-ma, thầy Khai đạo giới tử tại Đại giới đàn ở địa phương, lắm lúc cũng có những điều khó nói, khó quyết định dưới góc độ biết luật, áp dụng luật cho đúng pháp. Trong đó công việc chọn giới sư rất quan trọng, nhiều khi rất khó để làm cho đúng tâm nguyện của mình theo tinh thần Luật Phật chế; thậm chí “lòa lòa” cho qua như lời Hòa thượng Từ Đàm (cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu - PV).

Công tác tổ chức Đại giới đàn, như trên đã nói, có 3 yếu tố gắn bó mật thiết. Đầu tiên giới tử phải dõng mãnh phát tâm cầu thọ giới pháp. Giới tử ngày nay rất nhiều, rất đông so với ngày xưa. Người thọ giới nhiều như vậy nên mừng hay lo? Mừng lại cũng là lo. Mừng vì có nhiều người xuất gia trong thời buổi trọng vật chất; nhưng lo là liệu có bao nhiêu người thực tâm cầu giải thoát, thực tâm cầu giới và giữ giới? Thọ giới để được khoác cái y vàng, để được lợi dưỡng, để mưu tính này nọ… thì thật sự là mối nguy cho Tăng-già, cho đạo pháp.

Chúng tôi vẫn hay nói, có những vị đến giới đàn là để “thọ giấy” hơn là “thọ giới”. Điều này có thể cho là ý kiến chủ quan, nhưng thực tế ngày nay chúng tôi và các vị tôn túc đều cảm thấy như vậy. Nhiều thủ tục mà các Đại giới đàn trước đây đặt nặng thì nay bị bỏ phế hoặc xem nhẹ, làm cho có. Chẳng hạn như giới tử Bắc tông phải thi kiến thức về giới luật trong toàn bộ phần thi khảo hạch viết, vấn đáp; phải tụng 4 bộ luật Trường hàng đối với giới tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni; 2 bộ luật Trường hàng đối với giới tử tập sự Sa-di, Sa-di-ni.

Ngày nay chúng tôi thấy đa phần các tỉnh phía Nam đều bỏ phần thi tụng luật này; miền Trung đa số còn giữ được truyền thống đó. Giới tử không thuộc luật thì sao có thể hành trì luật sau khi thọ giới?

Về cách tổ chức giới đàn, nhiều địa phương tổ chức phần khai mạc rất long trọng, quy mô. Phần khai mạc này hầu như có tính cách hành chánh, không phải là một hoạt động thiết yếu và quan trọng của Tăng sự. Cái thiết yếu và quan trọng là dành thời gian cho các hoạt động truyền giới cho giới tử. Những thứ “ngoài lề” chiếm càng nhiều thời gian thì thời gian dành cho việc truyền giới càng bị hạn chế, thu hẹp hoặc làm một cách vội vã, “cho xong việc”.

Số chuyên đề Báo Giác Ngộ về những vấn đề liên quan Đại giới đàn cần có sự điều chỉnh

Số chuyên đề Báo Giác Ngộ về những vấn đề liên quan Đại giới đàn cần có sự điều chỉnh

Những năm gần đây, Đại giới đàn của GHPGVN TP.HCM đã đơn giản hóa lễ khai mạc, chú trọng việc tổ chức truyền giới cho các giới tử tại giới trường. Việc này giúp cho chư tôn đức Ban Tổ chức Đại giới đàn, chư giới sư, giới tử có thời gian, sức khỏe cho Tăng sự quan trọng là truyền giới - thọ giới. Trong phiên họp toàn Ban Trị sự vừa rồi, đã quyết định thống nhất lễ khai mạc Đại giới đàn Huệ Hưng sắp tới tại Việt Nam Quốc Tự càng đơn giản hơn nữa so với Đại giới đàn Trí Tịnh năm 2018. Hạn chế khách mời là chư tôn đức các nơi, ban ngành chánh quyền. Phần cung an chức sự cũng bỏ trong lễ khai mạc; các đàn truyền giới sẽ tự làm việc này theo đúng chức năng. Đây là việc làm thay đổi lớn và có ý nghĩa tích cực. Thiết nghĩ các địa phương nên học theo; đơn giản những thủ tục rườm rà, không cần thiết. Qua đây thể hiện tinh thần “lấy giới tử làm trung tâm” của công tác tổ chức Đại giới đàn mà Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN chủ trương.

Vậy yếu tố còn lại là giới sư thanh tịnh thì sao? Việc chọn giới sư dựa theo những nguyên tắc nào, thưa Hòa thượng?

- Đây là điều quan trọng trong một giới đàn, cũng là điều tế nhị nhất. Theo Luật, Tỳ-kheo đủ 10 hạ thì được làm Hòa thượng truyền giới, đủ 5 hạ thì được làm thầy Tôn chứng. Các Đại giới đàn hiện nay đa số đều tuân theo quy định đó. Nhưng như chúng ta thường thấy, Tam sư (Hòa thượng truyền giới, thầy Yết-ma, thầy Giáo thọ) và bảy vị thầy Tôn chứng đều là các bậc trưởng thượng, thuộc hàng giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa. Các Đại giới đàn đa số đều chọn các vị tôn túc tại các địa phương đó làm Thập sư truyền giới.

Nhiều lúc có vị được chọn trong Thập sư nhưng không đủ tiêu chuẩn “thanh tịnh”, thì dễ dẫn đến sự “nghi” cho giới tử. Việc chọn giới sư theo Luật Phật chế dựa trên nguyên tắc “thấy-nghe-nghi” rằng người ấy có phạm giới trọng, có còn thanh tịnh không. Khi giới tử đối trước chư tôn đức Thập sư mà khởi “nghi” vị thầy nọ, thầy kia không thanh tịnh thì giới tử không bao giờ đắc giới. Việc chọn giới sư tại địa phương nhiều khi là vì nể nang, nên chúng tôi nói tế nhị là vậy. Nhưng nếu không làm theo đúng luật định thì rất đáng thương cho các giới tử cầu giới.

Giới tử Đại giới đàn Trí Tịnh do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức trong buổi khai đạo giới tử

Giới tử Đại giới đàn Trí Tịnh do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức trong buổi khai đạo giới tử

Ở góc độ này, bản thân chúng tôi cũng từng tham gia lựa chọn và thỉnh mời giới sư cùng với Ban Tổ chức các Đại giới đàn nên rất hiểu. Những vấn đề mang tính địa phương, cục bộ ít nhiều ảnh hưởng đến việc chọn Thập sư “đủ tiêu chuẩn”. Có những Hội đồng Thập sư mà nhiều vị không đủ sức khỏe (như tuổi cao, bệnh tật) để ngồi suốt quá trình truyền giới. Hoặc có những vị không rành luật ở mức tối thiểu để có thể yết-ma đúng pháp…

Chẳng hạn như khi “bạch tứ Yết-ma” thì ba vị trong Tam sư không được nói “Thành”, mà chỉ có bảy vị Tôn chứng sư mới được nói “Thành”. Nhưng lắm lúc có những vị Tôn chứng sư lại không nói ra thành lời là “Thành”, như vậy yết-ma (có thể hiểu là biểu quyết - PV) ấy không thành tựu, tất nhiên giới tử sẽ không đắc giới. Chúng tôi nghĩ việc lựa chọn giới sư rất quan trọng. Lựa chọn thế nào để giới tử không khởi “nghi” sự thanh tịnh của giới sư, giới sư phải hiểu biết cơ bản về các pháp yết-ma truyền giới. “Tiếp dẫn hậu lai” một phần phụ thuộc trách nhiệm về ý thức và thương tưởng hàng giới tử về sự đắc giới.

Một số vấn đề liên quan đến đàn giới của Ni cũng cần nên lưu ý. Giới tử chỉ đắc giới Tỳ-kheo-ni khi “bạch tứ Yết-ma” giữa hai bộ Tăng Ni, tức Chánh pháp Yết-ma; và việc thực hiện Chánh pháp Yết-ma này không được để qua đêm sau khi giới tử được truyền bổn pháp của Ni. Nếu để qua đêm, khi mặt trời lên thì phải truyền bổn pháp lại rồi mới đem qua Tăng làm Chánh pháp Yết-ma. Hoặc có những Đại giới đàn Ni lại truyền tập thể, tức là số lượng trên 3 vị giới tử, điều này là phi pháp. Các địa phương cần phải có người rành luật. Thiết nghĩ, chư Ni cũng nên cử những vị tôn đức Ni rành về giới luật để làm giám đàn, phụ tá cho vị Luật sư ở đàn giới của Ni, tránh để xảy ra tình trạng phi pháp về giới luật trong thời gian qua.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói, là các Đại giới đàn nên tổ chức cho các giới tử đã đậu khảo hạch học luật trước hoặc sau khi thọ giới. Điều này giúp giới tử biết ý nghĩa và tầm quan trọng của giới luật; từ đó sanh tâm cung kính, khát ngưỡng việc thọ giới, giữ giới. Đa số các Đại giới đàn chỉ tổ chức cho thọ giới xong rồi các giới tử ra về, giao việc dạy luật cho thầy tổ, trường học. Thời chúng tôi việc thọ giới khó khăn, thọ giới rồi phải học giới luật rất nghiêm khắc. Luật tiểu dạy: “Xuất gia giả, ngũ hạ dĩ tiền, tinh chuyên giới luật; ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền” - người xuất gia năm hạ về trước phải chuyên học và tinh tường về giới luật, năm hạ về sau mới học hỏi giáo lý, tham cứu thiền học.

Một vấn đề hết sức hệ trọng cần phải quan tâm điều chỉnh, đó là việc học giới luật trước hoặc sau khi thọ giới đang bị xem nhẹ hoặc lãng xao; chính do vậy, theo chúng tôi, mới xảy ra tình trạng mất oai nghi, phạm luật, phạm giới của Tăng Ni trẻ ngày càng nhiều, đáng báo động.

Chúng tôi thiết nghĩ, Ban Tổ chức các Đại giới đàn nên sắp xếp thời gian dài cho khóa học này. Việc này rất có lợi cho giới tử. Họ sẽ được cung cấp kiến thức cơ bản về giới luật; đồng thời cũng không có ý nghĩ thọ giới quá dễ dàng, để từ đó dễ buông lung, phạm giới.

Xin cảm ơn Hòa thượng!

Từ khóa » đắc Giới Là Gì