Bàn Về Sự Truyền Bá Và ảnh Hưởng Của Chữ Hán ở Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Tác giả: Mã Đạt* | Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành
Trích yếu [của Mã Đạt]: Trước giữa thế kỷ 10, vùng Bắc và Trung bộ Việt Nam hiện nay từng thuộc về Trung Quốc. Năm 968, sau khi xây dựng quốc gia tự chủ, Việt Nam lại giữ mối “quan hệ phiên quốc — chính quốc” lâu dài với Trung Quốc. Chữ Hán là chữ viết thông dụng của vùng này. Năm 1945, chữ Việt Nam Latin hoá trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam. Trong tiến trình lịch sử lâu dài, văn hoá Trung Quốc với vật mang là chữ Hán đã được truyền bá rộng rãi ở Việt Nam và có ảnh hưởng quan trọng tới nước này.
Bốn giai đoạn truyền bá chữ Hán tại Việt Nam
Nhà văn tự học nổi tiếng Châu Hữu Quang từng có lời bàn rất sâu sắc về sự truyền bá và phát triển chữ viết. Ông nói: “Ở phương Tây lưu truyền một quan điểm nói ‘chữ viết đi theo tôn giáo ’, thực tế là ‘chữ viết đi theo văn hoá‘ . Chữ viết nào thay mặt nền văn hoá cao hơn thì mãi mãi truyền bá tới các dân tộc có văn hoá thấp. Nói chung, sự truyền bá và phát triển chữ viết trải qua 4 giai đoạn: giai đoạn học tập, giai đoạn mượn dùng, giai đoạn phỏng tạo và giai đoạn sáng tạo. Tính giai đoạn của sự truyền bá thể hiện rõ nhất trong lịch sử chữ Hán.”[1]
Sự truyền bá chữ Hán tại Việt Nam đại để cũng trải qua 4 giai đoạn đó: Thời kỳ đầu của sự du nhập chữ Hán là “giai đoạn học tập”; tiếp theo là “giai đoạn mượn dùng”; vào khoảng thế kỷ 13 bắt đầu “giai đoạn phỏng tạo” –– xuất hiện chữ Nôm. Cùng với sự xâm nhập của thực dân phương Tây, bắt đầu “giai đoạn sáng tạo” –– Latin hoá.
Bài đang hotĐường sắt xuyên biên giới Trung -Việt sẽ được nâng cấp và kết nối như thế nào?Giai đoạn học tập
Chữ Hán và Hán ngữ du nhập Việt Nam theo sự di chuyển nhân dân Trung Nguyên cổ đại. Dân tộc chủ thể của Việt Nam ngày nay –– Việt tộc (Kinh tộc) từng là một nhánh của Bách Việt cổ đại, tức Lạc Việt [?]. Tương truyền vào thời đại Việt Vương Câu Tiễn, một số người trong bọn họ đã có thể lợi dụng chữ Hán và Hán ngữ làm công cụ giao tiếp, bắt đầu lịch sử Ngô quốc và Sở quốc đi lại với nhau. Năm 333 TCN, sau khi nước Sở diệt nước Việt, trong quá trình người Việt liên tục di cư về phía Nam, người Việt đã mang chữ Hán, Hán ngữ (Mân Việt ngữ) cùng văn hoá và kỹ thuật sản xuất tiên tiến đến lưu vực sông Hồng. Năm 316 TCN, Tần diệt Thục, hơn 30 nghìn người bộ tộc Thục sau đó cũng dần dần di cư về phía Nam. Tại đồng bằng sông Hồng, năm 257 TCN, Hoàng tử Thục [蜀王子泮 Thục Phán?] tự lập mình là An Dương Vương. Người Thục một lần nữa mang chữ Hán đến lưu vực sông Hồng.
Năm 221 TCN, Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, sau đó từng “đưa những người thường trốn tránh, người ở rể và người đi buôn” “đến đấy canh giữ”. Thời Triệu Đà, “Đồ dân” [dân di cư] từ Trung Nguyên không ngừng di cư tới sống chung với người Việt Nam. Trong quá trình sinh hoạt lâu dài hôn nhân lẫn nhau và trong quá trình sản xuất, đi lại, họ cũng dần dần trở thành người Việt Nam chính cống. Vì thời đó bộ tộc Việt Nam chưa có chữ viết nên chữ Hán và tiếng Hán bèn mọc rễ, nở hoa, trở nên lưu hành trong Việt tộc.
Đời Hán, các quan lại địa phương vùng Giao Chỉ, Cửu Chân như Nhâm Diên, Tích Quang “mở trường học, dạy lễ nghĩa”, tiến hành truyền bá chữ Hán và tiếng Hán một cách có ý thức, có tổ chức, có kế hoạch. Qua nhiều năm hăng hái chăm lo công việc, dốc sức giáo hoá, chẳng những trừ bỏ được những hủ tục mà còn “Dạy dân dần dần có lễ nghĩa”, làm tăng số người biết chữ Hán và tiếng Hán trong Việt tộc.
Từ các sự thực kể trên ta thấy, trong thời kỳ Tần Hán, chữ Hán và tiếng Hán truyền vào Việt Nam xảy ra kèm theo sự di cư dân chúng gây ra bởi chiến tranh. Từ đời Tần Hán về sau, các đời phong kiến thống trị Trung Quốc xuất phát từ nhu cầu chính trị, kinh tế, đã không ngừng tăng cường truyền bá văn hoá. Điều đó khách quan đã làm cho Việt Nam sớm tiến sang thời kỳ văn minh, rút ngắn thời kỳ mông muội.
Khi chữ Hán bắt đầu du nhập Giao Chỉ, vùng này còn ở trạng thái ngu muội nguyên thuỷ. Chữ Hán và văn hoá Trung Quốc truyền vào đã thúc đẩy Giao Chỉ chuyển sang xã hội văn minh. Thời kỳ này là “giai đoạn học tập” chữ Hán.
Giai đoạn mượn dùng
Trong hơn 1000 năm kể từ khi chữ Hán truyền vào cho tới năm 968 Việt Nam độc lập [tức thời kỳ Bắc thuộc], các quan lại quận huyện vùng Giao Chỉ (Giao Châu, An Nam) đều do các vương triều phong kiến Trung Quốc phái đến. Thái thú Giao Chỉ Tích Quang cuối đời Tây Hán, Thái Thú Cửu Chân Nhâm Diên đầu đời Đông Hán và Thái thú Giao Châu Sĩ Nhiếp thời kỳ Tam Quốc là những nhân vật nổi bật. Họ ra sức đẩy mạnh dạy chữ Hán, mở trường, thực hành giáo dục văn hoá Hán, dạy lễ nghĩa, thực hành chế độ một vợ một chồng, mở rộng áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến và văn hoá vùng Trung Nguyên. Các biện pháp cai trị như vậy đã thúc đẩy vùng Giao Chỉ từ chỗ ngu muội đi lên xã hội phong kiến “Thông thi thư, tập lễ nhạc” [Đọc hiểu Tứ thư ngũ kinh, tuân theo lễ nghi]. Đời Đường lập An Nam Đô hộ phủ. Các quan lại địa phương chú ý ra sức làm văn hoá giáo dục, dùng học thuyết Nho giáo để giáo hoá dân tục của xứ An Nam. Trong các thời kỳ lịch sử, do chiến tranh, loạn lạc mà có nhiều dân cư vùng Trung nguyên đã di chuyển đến Giao Châu. Trong số này có nhiều văn nhân, danh sĩ. Họ viết sách, lập chủ thuyết, truyền thụ các kinh điển Nho học. Những hoạt động học thuật đó đã nâng cao trình độ văn hoá và dân trí trong vùng, có tác dụng quan trọng đối với sự truyền bá văn hoá Hán. Vào đời Đường, tại xứ An Nam đã hình thành trào lưu nghiên cứu, học tập văn hoá Hán. Các nhân sĩ An Nam cũng tham gia khảo thí khoa cử như các nhân sĩ Trung nguyên. Khi ấy âm đọc chữ Hán, việc sử dụng Hán ngữ và dạy Hán ngữ ở An Nam đã hình thành hệ thống hoàn chỉnh, chính quy. Học giả Việt Nam Nguyễn Tài Cẩn cho biết: “Cách đọc Hán Việt (đối với chữ Hán của Việt Nam hiện nay) bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm chữ Hán đời Đường, cụ thể là Đường âm được giảng dạy tại Giao Châu vào thế kỷ 8 – 9”.[2] Năm 968, Việt Nam độc lập. Sau đó các triều đại phong kiến đều chủ động đẩy mạnh phổ cập và sử dụng chữ Hán, học văn hoá Hán tiên tiến để phục vụ sự cai trị của mình. Thời kỳ này là “giai đoạn mượn dùng” chữ Hán của Việt Nam.
Giai đoạn phỏng tạo
Khi tìm hiểu lịch sử sử dụng chữ Hán của Việt Nam, không thể bỏ qua lịch sử sử dụng chữ Nôm. Vào giữa thế kỷ 10, Việt Nam thoát khỏi ách cai trị phong kiến của Trung Quốc, xây dựng quốc gia tự chủ. Tuy Việt Nam luôn giữ mối “quan hệ chính quốc –– phiên quốc” với các vương triều Trung Quốc và sử dụng chữ Hán, nhưng cùng với sự không ngừng thức tỉnh và trỗi dậy về ý thức dân tộc và ý thức quốc gia, nước này luôn luôn có ý đồ sáng chế chữ viết của mình. Việc họ làm ra và sử dụng chữ Nôm là một chú giải tốt nhất của tâm trạng đó.
Chữ Nôm là nói “Chữ Việt Nam được làm ra trong những năm mượn dùng chữ Hán, vì để viết tiếng Việt mà mượn dùng chữ Hán và bắt chước hình thức chữ Hán”. Chữ Nôm tức là “chữ viết của nước Nam”. Người sáng tạo chữ Nôm dùng các phương pháp hội ý, giả tá, hình thanh trong “Lục thư” làm phép tạo chữ. Chữ dùng phép giả tá, như chữ 固 (có), mượn âm không mượn ý; chữ dùng phép hội ý, như chữ nghĩa là “ăn”; chữ tự tạo như chữ nghĩa là “buồn”. [trong bài này, những chữ bỏ trống là do trong máy tính của người dịch không có các chữ Nôm này]
Chữ Nôm gồm chữ Hán mượn để viết tiếng Việt và chữ Việt Nam tự sáng tạo. Chữ Hán mượn dùng chỉ mượn âm không mượn nghĩa. Chữ tự tạo thì hoàn toàn mô phỏng kết cấu của chữ Hán, thường ghép hai chữ Hán thành một chữ Nôm, một bên biểu thị ngữ âm, một bên biểu thị ý nghĩa; có thể nói là vật thứ sinh [nguyên văn: diễn sinh] tại Việt Nam của chữ Hán. Hán ngữ đã có cống hiến cực lớn vào việc hình thành và làm giàu ngôn ngữ quốc gia chính thức mà Việt Nam đang sử dụng –– Việt ngữ Latin hoá. Ít nhất có 60% từ vựng tiếng Việt là mượn từ Hán ngữ; sử gia Việt Nam Văn Tân cho rằng tỷ lệ này lên tới 70%.
Ở thời nhà Trần, chữ Nôm từng được lưu hành rộng rãi, có một thời được dùng làm chữ viết chính thức, dùng song song với văn ngôn Hán ngữ. Đời nhà Hồ, Hồ Quý Ly còn dùng chữ Nôm dịch các kinh điển Nho học. Nhưng nhìn tổng thể thì trong quá trình lâu dài hơn 2000 năm Việt Nam sử dụng ngôn ngữ chữ Hán, người Việt Nam từ đế vương cho tới quý tộc, quan lại và văn nhân đều sùng thượng chữ Hán. Họ còn gọi chữ Hán là “Chữ Nho”, “Chữ ta”. Họ thờ phụng các kinh điển văn hoá Hán như thờ thần thánh, xếp các tác phẩm văn học do họ sáng tác bằng Hán ngữ ở địa vị độc tôn, mà xếp các tác phẩm sáng tác bằng chữ Nôm xuống địa vị thứ yếu, thậm chí có khi có thái độ khinh rẻ văn học chữ Nôm.
Chữ viết là sản phẩm của sự phát triển xã hội đến một giai đoạn nhất định, “Nó tích tụ lắng đọng kết cấu văn hoá tâm lý của một dân tộc, phản ánh quan niệm tư duy của những người làm ra chữ viết, là sự chiếu rọi của lịch sử trên bình diện một thời đại”.[3] Sự xuất hiện chữ Nôm phản ánh tâm trạng của tầng lớp sĩ đại phu phong kiến Việt Nam mong muốn độc lập với Trung Quốc về văn hoá. Thế nhưng qua việc xem xét lịch sử phát triển văn học chữ Nôm, chúng tôi thấy thứ sản phẩm “dùng chữ tạo chữ” này đã thất bại [?].
Văn học chữ Nôm ra đời vào thế kỷ 13, hưng thịnh vào thế kỷ 18, trải qua quá trình phát triển gian nan quanh co hơn 5 thế kỷ. Kể từ ngày xuất hiện, chữ Nôm hầu như chưa nhận được sự thừa nhận và coi trọng của các vương triều Việt Nam. Cho dù triều nhà Hồ (1400 – 1407) và triều Nguyễn Tây Sơn (1771 – 1792) có thừa nhận và coi trọng chữ Nôm, Hồ Quý Ly còn hạ lệnh dịch các thư tịch Hán ngữ thành chữ Nôm, ba anh em họ Nguyễn [Tây Sơn] trong quá trình khởi nghĩa và sau khi lập triều đình đều đã đưa chữ Nôm lên địa vị chữ viết chính thức. Nhưng tiếc rằng triều nhà Hồ và triều Tây Sơn đều là những vương triều đoản mệnh, không kịp và không thể trong thời gian cai trị (7 và 20 năm) có thể phát huy rực rỡ vai trò của chữ Nôm. Hoàng đế Minh Mạng nhà Nguyễn (1820 – 1841) sau khi lên ngôi từng ra chiếu thư cấm dùng chữ Nôm, nhất loạt lấy “Tự điển Khang Hy” làm tiêu chuẩn, sử dụng chữ Hán chính xác để viết lách. Chiếu thư này nhằm chấm dứt tình trạng giới sĩ phu trong xã hội khi viết văn bản thường viết chen chữ Nôm lẫn với chữ Hán.
Các nhà Nho học Việt Nam chính thống đã tẩy chay và miệt thị sử dụng chữ Nôm; trong ý thức tầng sâu của họ chỉ có chữ Hán là chính tông, văn học chữ Nôm luôn bị coi là “văn học thông tục” [nguyên văn: tục văn học] không được liệt vào hàng văn học thanh nhã. Vì thế không ít tác phẩm chữ Nôm của văn nhân Việt Nam sau khi hoàn tất đã không ghi tên tác giả, dẫn tới tình trạng trong lịch sử văn học Việt Nam xuất hiện nhiều tác phẩm chữ Nôm khuyết danh. Tâm trạng dân tộc “Trọng Hán khinh Nôm” này của người Việt Nam chắc chắn là một nhân tố quan trọng làm cho văn học Hán, văn hoá Hán tươi tốt lâu dài, còn ngôn ngữ dân tộc và văn học chữ Nôm không phát triển suôn sẻ.
Do chữ Nôm và chữ Hán “về hình thức có tính đồng chất không chút sơ hở (để bị công kích)”, hơn nữa “hệ thống văn học tục thể Việt Nam còn xa mới có được sức sống của kết cấu từ nghĩa của chữ Hán”,[4] cho nên đến thế kỷ 17 [nguyên văn của tác giả] thì chữ Nôm bị chữ Quốc ngữ Latin hoá thay thế, chữ Nôm trở thành một loại văn tự chết, thế nhưng hiện nay vẫn có thể mượn chữ Hán để giải thích. Chữ Hán trở thành công cụ và cầu nối để phát hiện khai thác kho tàng văn hoá truyền thống Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam lập riêng một “Viện nghiên cứu Hán Nôm” tại “Trung tâm quốc gia khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam” để chỉnh lý các thư tịch chữ Hán và chữ Nôm của Việt Nam.
Trong tiến trình lịch sử sử dụng chữ Hán, Việt Nam hoặc là “câu nệ vào âm đọc chữ Hán, không phát triển huấn độc [đọc cưỡng chế theo âm khác] chữ Hán, qua đó thực hiện sự chuyển đổi chữ Hán từ biểu đạt Hán ngữ đến biểu đạt Việt ngữ”, hoặc là “câu nệ vào âm đọc chữ Hán, lại câu nệ vào hình thể của chữ Hán, chưa thành công thực hiện sự chuyển đổi từ chữ Hán đến chữ viết dân tộc, như Nhật và Triều Tiên đã làm”.[5] Bởi vậy cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng chữ viết rất nặng nề. Cuối cùng, sự xâm lược của cường quốc phương Tây đã dẫn đến một cuộc cách mạng chữ viết sâu sắc –– Latin hoá chữ viết.
Thời kỳ Việt Nam sử dụng chữ Nôm là “giai đoạn phỏng tạo” chữ Hán.
Giai đoạn sáng tạo
Công cuôc Latin hoá tiếng Việt bắt đầu vào thế kỷ 16 – 17. Thời đó, các nhà truyền giáo châu Âu xuất phát từ nhu cầu truyền bá giáo lý Ki-tô giáo và khai thác thuộc địa, bắt đầu sử dụng chữ cái Latin để ghi chú các phát âm của tiếng Việt. Về sau họ dần dần mở rộng, hoàn thiện, mở màn giai đoạn Latin hoá tiếng Việt. Thập niên 30 thế kỷ 17, giáo sĩ người Pháp Alexander de Rhodes (1593 – 1660) làm ra phương án phiên âm Latin đầu tiên cho tiếng Việt –– chữ Quốc ngữ. Năm 1651, tại Rome, ông xuất bản “Từ điển Việt – Bồ – La”, được coi là sự mở đầu công cuộc phiên âm Latin hoá tiếng Việt. Từ đó chữ viết Latin hoá của Việt Nam trở thành một công cụ nữa để người Việt Nam thu nhận tri thức văn hoá. Nhưng mãi đến năm 1935, Chính phủ Việt Nam [triều đình Huế] dưới quyền cai trị của thực dân Pháp mới chuẩn y cho các nhà trường dùng chữ viết phiên âm để giảng dạy, và năm 1936 ra lệnh chính thức bỏ chữ Hán. Tháng 9/1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu chính thức xác định chữ viết phiên âm là chữ viết chính thức của Nhà nước Việt Nam.
Việc sử dụng phổ biến loại chữ viết mới này, về hình thức dường như đã quét sạch dấu vết của văn hoá Hán, nhưng trên thực tế, ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc đối với Việt Nam vừa sâu sắc vừa lâu dài, một mệnh lệnh ban ra tuyệt đối không thể xoá bỏ được ảnh hưởng đó. Cho tới nay, trong ngôn ngữ của nhân dân Việt Nam vẫn còn có nhiều từ Hán ngữ; trong tập quán sinh hoạt và phong tục xã hội của dân Việt Nam còn giữ lại nhiều truyền thống của dân tộc Hán; trong giới trí thức và nhà cách mạng Việt Nam cận-hiện đại còn có nhiều người tinh thông Hán ngữ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Hoan đều có trình độ Hán văn rất cao.
Ảnh hưởng của chữ Hán tại Việt Nam
Vào giữa thế kỷ 10, Đinh Bộ Lĩnh xây dựng nhà nước tự chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Nhưng trong mười mấy triều đại sau đó, chữ Hán luôn luôn là chữ viết thông dụng của Việt Nam. Trong hơn 400 năm từ đời Lý cho tới đời Trần, các văn nhân Việt Nam đã dùng chữ Hán viết rất nhiều tác phẩm, như “Việt sử cương mục”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “An Nam nhất thống chí”, “Lĩnh Nam trích quái”, “Đại Nam thực lục”, “Khâm định Việt sử cương giám cương mục”, “An Nam chí”.
Nửa cuối thế kỷ 19, người phương Tây tiến về phương Đông, đặc biệt thực dân Pháp sau khi xâm nhập Việt Nam, xuất phát từ nhu cầu thực dân, đã cưỡng chế phổ cập tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ, bài xích Hán văn. Thế nhưng, do nguồn gốc lịch sử sâu xa, Hán văn vẫn được nhân dân Việt Nam ưa thích. Cho tới thập niên 1920, Việt Nam vẫn dùng Hán văn xuất bản khá nhiều sách báo như “Trung học Việt sử toát yếu”, “Việt sử kính”, “Nam Phong tạp chí”. Sử gia Văn Tân nói: “Ngôn ngữ văn tự Trung Quốc đã trở thành bộ phận hữu cơ trong ngôn ngữ văn tự Việt Nam. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ văn tự Việt Nam với ngôn ngữ văn tự Trung Quốc khăng khít hơn mối quan hệ giữa chữ Latin với ngôn ngữ Pháp. Vì vậy, nếu muốn thực sự hiểu ngôn ngữ văn tự Việt Nam thì không thể không hiểu ngôn ngữ văn tự Trung Quốc.”[6]
Năm 1917, thực dân Pháp ra lệnh bỏ Hán văn, nhưng lệnh này không có hiệu quả rõ ràng. Năm 1937, Phủ Tổng đốc Việt Nam [?] công bố các số liệu: Trong số các ấn phẩm xuất bản ở Việt Nam, có 6 loại báo Trung văn, 12 tập san Trung văn, trong khi chỉ có 4 loại tạp chí in chung Pháp văn, Việt văn và Hán văn.
Thập niên 1940, dưới sự lãnh đạo của thế hệ nhà cách mạng lão thành Hồ Chí Minh, Bắc bộ Việt Nam được giải phóng. Tuy đã ra sức phổ cập chữ Quốc ngữ, nhưng vẫn còn không ít người thích dùng Hán văn làm thơ phú. Rất nhiều người Việt Nam tinh thông Hán ngữ. Như Hồ Chí Minh trong thời gian 1940 – 1942, khi bị giam trong các nhà tù ở Quảng Tây đã viết hàng trăm bài thơ có trình độ Hán ngữ rất cao, đặt tên là “Nhật ký trong tù”. Ngoài ra, Hoàng Văn Hoan, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng cũng có trình độ Hán ngữ khá cao.
Trong lịch sử hơn 2000 năm sử dụng chữ Hán, chẳng những chữ Hán cùng Việt Nam chuyển tiếp từ xã hội bộ lạc nguyên thuỷ mông muội sang xã hội phong kiến, mà còn cùng Việt Nam đi hết giai đoạn xã hội phong kiến gần 2000 năm. Trong quá trình đó, chữ Hán đã đem nền văn hoá Hán có nguồn gốc xa xưa, sâu rộng không ngừng du nhập Việt Nam. Điều đó một mặt đã có những đóng góp không thể xoá bỏ cho sự tiến bộ của xã hội Việt Nam, cho sự phát triển mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật của Việt Nam; mặt khác, do văn hoá Hán đã thấm sâu vào đời sống văn hoá xã hội của Việt Nam, chữ Hán đã có tác dụng chuyên chở văn hoá Việt Nam. Đúng như học giả Việt Nam Văn Tân từng nói: “Trước năm 1884, người Việt Nam khi viết sách thường dùng chữ Hán để thể hiện tình cảm, tư tưởng của mình. Vì thế trong kho tàng văn hoá Việt Nam có nhiều trước tác viết bằng chữ Trung Quốc.”[7] Qua đó có thể thấy chữ Hán, với tư cách là chữ viết chính thức Việt Nam sử dụng hơn 2000 năm, đã lập công lớn, không thể xoá bỏ.
Trong lịch sử văn hoá cổ đại Việt Nam, chữ Hán và chữ Nôm là những vật liệu chịu tải xây đắp nên nền văn hoá của nước này, nhất là chữ Hán đã có ảnh hưởng toàn diện và sâu xa đối với văn hoá cổ Việt Nam. Thế nhưng, sau khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, chữ Hán và chữ Nôm đều dần dần bị chữ viết biểu âm thay thế. Quá trình này chẳng những là một biến đổi lớn về chữ viết của Việt Nam cận đại mà còn có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển văn hoá Việt Nam cận đại. Học giả Pháp 余傅华 [Yu Fuhua, chưa rõ tên tiếng Pháp là gì] bình luận: “Loại chữ viết mới này nếu không nói là đã cắt đứt thân cây đại thụ Việt Nam và Trung Quốc thì ít nhất cũng làm cho Việt Nam tách rời Trung Quốc.”[8] Do nguyên nhân lịch sử, nông dân Bắc bộ Việt Nam “cho tới ngày nay, chẳng những thể hiện tình cảm truyền thống như với người biết chữ trong xã hội cũ, mà còn thể hiện một tình cảm sâu đậm nào đó đối với người nước ngoài đọc hiểu chữ Hán”.[9]
Giới học giả Việt Nam thập niên 1950 có một quan điểm: Mọi tác phẩm viết bằng chữ Hán dù có nội dung yêu nước mạnh mẽ đến đâu, dù viết vào thời kỳ lịch sử nào đều không được coi là văn học dân tộc. Vì thế, tạp chí “Văn Sử Địa” của Việt Nam từng triển khai một đợt thảo luận.[10] Sử gia Việt Nam nổi tiếng Minh Tranh cho rằng trước khi Việt Nam có chữ viết của mình, những tác phẩm mượn chữ Hán để viết, “nội dung và tinh thần có tính chất Việt Nam, phục vụ sự phát triển dân tộc Việt Nam, vì sao lại không thể xếp vào văn học Việt Nam?”[11] Sau cùng Văn Tân thay mặt tạp chí “Văn Sử Địa” đưa ra lời kết về cuộc tranh luận này, ông cho rằng: “Nếu loại trừ các tác phẩm đó ra ngoài lĩnh vực văn học dân tộc thì lịch sử dân tộc ta sẽ thiếu hụt một mảng lớn.”[12] Qua cuộc tranh luận này có thể thấy mức độ quan trọng của chữ Hán đối với văn hoá dân tộc Việt Nam.
Học giả Việt Nam nổi tiếng Phạm Duy Nghĩa (từng kêu gọi Chính phủ Việt Nam phục hồi dạy chữ Hán tại Việt Nam) than rằng: “Từ sau khi chữ viết phiên âm thay cho chữ Hán, dường như người Việt Nam đã tự mình xây một bức tường ngôn ngữ và văn hoá ngăn cách các thế hệ sau với các thế hệ trước. Một số từ ngữ như luật, lệ, khế ước, phán quan v.v… bây giờ chỉ ngẫu nhiên thấy có trên sách vở. Phần đông người Việt Nam hiện đại rất ít cảm nhận được những triết lý văn hoá và giá trị tinh thần ẩn chứa phía sau các từ ngữ đó.”[13] Quan điểm này hiện khá lưu hành trong tầng lớp trí thức cấp cao ở Việt Nam.
Lời kết
Tổng quan những phần trình bày ở trên, tôi cho rằng Hán ngữ cấu tạo bởi chữ Hán, và văn hoá Hán mà nó chuyên chở, là bộ phận cấu thành quan trọng sự phát triển ngôn ngữ, văn học và văn hoá Việt Nam. Nhờ sự truyền bá chữ Hán mà chất đất màu mỡ cùng các dưỡng chất phong phú của văn hoá Trung Quốc đã thai nghén, nuôi dưỡng và tưới tắm nền văn hoá Việt Nam. Sự hưng thịnh của văn hoá Trung Quốc tại Việt Nam cũng kéo theo sự phát triển không ngừng của văn hoá bản địa Việt Nam, thúc đẩy bánh xe lịch sử – văn hoá toàn bộ Việt Nam không ngừng tiến lên phía trước.
*Mã Đạt (马达), sinh 1965, người Hà Nam Trung Quốc, nghiên cứu sinh tiến sĩ Học viện Lịch sử tại trường Đại học Trịnh Châu (Hà Nam), Phó Tổng Biên tập Thời báo Văn hoá; chủ yếu nghiên cứu lịch sử văn hoá cổ đại Trung Quốc.
Bài này viết theo quan điểm của giới sử học Trung Quốc. Chúng tôi dịch bài này không có nghĩa là tán thành quan điểm của tác giả.
Nguồn bài gốc tiếng Trung: 论汉字在越南的传播及其影响 2012-08-11
Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau 1.000 năm Bắc thuộc?
——————-
[1] 赵丽明: 汉字传播与中越文化交流 [M]. 北京:国际文化出版社,2004.
[2] Như trên.
[3] 姜跃滨, 章也. 浮出翰海——汉语与汉文化的建构 [M]. 西安: 陕西人民教育出版社, 1989.
[4] 汪德迈. 新汉文化圈 [M]. 南昌:江西人民出版社,1993.
[5] 吴受祥. 越南汉字使用史上的两次失误 [J] 解放军外语学院学报,1992, (5):40—46.
[6] 中国社会科学院历史所. 古代中越关系史资料选编 [M]. 北京: 中国社会科学出版社,1982.
[7] 吴受祥. 越南汉字使用史上的两次失误 [J] 解放军外语学院学报,1992, (5):40—46.
[8] [法] 余敷华. 中国面向世界 [M]. 袁树仁译。北京:三联书店,1987.
[9] Như trên.
[10] 梁志明. 论越南儒教的源流,特征和影响 [J]. 北京大学学报(哲学社会科学版),1995,(1):26—33.
[11] Như trên.
[12] Như trên.
[13] 黄河黄. 越南汉字之殇 [EB/OL]. http://humanities.cn/modules/newbb/viewtopic.php?topic_id=84.
Có thể bạn quan tâm:
- Nội tình cuộc gặp lãnh đạo Trung – Việt tại Thành Đô
- Mao Trạch Đông ‘để mất’ Việt Nam như thế nào?
- Việt Nam mật chiến (Phần 1)
- Việt Nam Mật Chiến (Phần 2)
- Việt Nam Mật Chiến (Phần 3)
- Việt Nam Mật Chiến (Phần 6)
- Việt Nam Mật Chiến (Phần 11)
- Việt Nam Mật Chiến (Phần 13)
Từ khóa » Thuyết Truyền Bá Luận
-
Lý Thuyết "trung Tâm Và Ngoại Vi" Trong Nghiên Cứu Không Gian Văn Hoá
-
Từ điển Tiếng Việt "truyền Bá Luận" - Là Gì?
-
Lý Thuyết "Trung Tâm Và Ngoại Vi" Trong Nghiên Cứu Không Gian Văn ...
-
Tài Liệu Các Trường Phái Và Khuynh Hướng Nghiên Cứu Văn Hóa ...
-
Trường Phái Khảo Cổ Học Âu-Mỹ
-
Lãnh Tụ Nguyễn Ái Quốc Truyền Bá Chủ Nghĩa Mác - Lê Nin Vào Việt ...
-
[PDF] Phụ Lục 1 A Thiên Di - Bản địa - Văn Hóa Nghệ An
-
Vận Dụng Lý Thuyết Truyền Thông Và Cơ Chế Hình Thành Dư Luận Xã Hội
-
Nghiên Cứu Hậu Thực Dân ở Việt Nam
-
Bảo Vệ Nội Dung đặc Biệt Quan Trọng Trong Nền Tảng Tư Tưởng Của ...
-
Các Trường Phái Lý Thuyết Chính Trong Nhân Học - Tác Giả
-
Các Lý Thuyết Truyền Thông Chính Trị Và Vận Dụng ở Việt Nam
-
Tiểu Luận Sự Năng động Của Văn Hóa Tổ Chức