Bảo Vệ Nội Dung đặc Biệt Quan Trọng Trong Nền Tảng Tư Tưởng Của ...

Tên tuổi, cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô cùng quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trở thành nội dung đặc biệt quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng.

Người đặt nền móng cho Chủ nghĩa Mác-Lênin bén rễ vào cách mạng Việt Nam

Sống trong cảnh nước mất, nhà tan, lại tận mắt chứng kiến cảnh thất bại của phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tuy rất khâm phục các bậc tiền bối, song anh quyết định ra đi tìm con đường cứu nước mới. Anh đã sang châu Âu, đến các nước Pháp, Anh, nơi chủ nghĩa tư bản tự cho mình là trung tâm kinh tế, văn hóa thế giới, có sứ mệnh “khai hóa cho các nước chậm phát triển", để xem các nước ấy “làm ăn" như thế nào, cái gì ẩn chứa đằng sau khẩu hiệu “Tự do-Bình đẳng-Bác ái" rồi trở về giúp đồng bào ta đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trải qua gần 10 năm bôn ba, nhờ tắm mình trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, tận mắt chứng kiến những biến động xảy ra ở trời Âu và tội ác của giai cấp bóc lột ở nhiều nước trên thế giới; với sự cầu thị, ham học hỏi, vốn sống, kinh nghiệm đã tích lũy và trình độ ngoại ngữ ngày càng thông thạo, Nguyễn Ái Quốc đã có thêm những nhận thức mới.

Nguyễn Ái Quốc đã rút ra những nhận xét, kết luận hữu ích, tìm thấy những tinh hoa tốt đẹp cần tiếp thu và cả những gì là hạn chế, bất cập cần phải khắc phục. Vì thế, tình yêu quê hương, ý thức dân tộc và giai cấp ở Nguyễn Ái Quốc từng bước phát triển; các mối quan hệ được mở rộng; ý thức đoàn kết, hợp tác quốc tế được nâng cao.

Đó là hành trang cần thiết để Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành người cộng sản chân chính. Năm 1920, Người đã đọc được Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đăng trên báo L'Humanité (Nhân đạo).

Bản Luận cương là lời giải đáp đầy đủ, sâu sắc và thuyết phục nhất đối với Người về những câu hỏi mà bấy lâu trăn trở, tìm tòi, khát vọng tìm kiếm. Người viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!"(1).

chunghiamaclenin.jpg

Ảnh minh họa: TTXVN

Tiếp nhận thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp khoa học của bản Luận cương Lê-nin là luồng sinh khí mới, lại tích cực tham gia hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản.

Đó là bước nhảy vọt về chất trong nhận thức của Người, là một sự kiện đặc biệt trọng đại, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, quyết định tầm nhìn, quan điểm, lập trường; sự lựa chọn con đường cứu nước, cứu dân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đây là sự hội tụ, kết tinh ý chí, khát vọng và là tinh thần của cả một dân tộc; phản ánh tâm nguyện của nhiều bậc tiền bối, các sĩ phu yêu nước nhưng chưa có điều kiện thực hiện.

Ngoài việc công khai phát biểu ý kiến khẳng định vai trò tiên phong của lý luận khoa học và sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và quần chúng nhân dân lao động, Nguyễn Ái Quốc còn kêu gọi Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề thuộc địa. Để vạch mặt và tố cáo tội ác của thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa và xuất bản Tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) do Người trực tiếp làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Với sự ra đời của tờ báo ấy, việc truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và các dân tộc thuộc địa ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Từ đây, tư tưởng giải phóng con người, nhất là giải phóng nhân dân các nước thuộc địa ở Hồ Chí Minh đã hình thành rõ nét và không ngừng phát triển; được truyền bá ngày càng sâu rộng vào các nước thuộc địa, được dân chúng đón nhận và đi theo.

Tiếp cận và hiểu đầy đủ, sâu sắc bản chất khoa học, cách mạng Chủ nghĩa Mác-Lênin, giá trị và ý nghĩa Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra trong thời gian Nguyễn Ái Quốc công tác, học tập ở Liên Xô (1923-1924), tham dự Hội nghị Quốc tế Công hội đỏ.

Sau đó, Nguyễn Ái Quốc vào học lớp bồi dưỡng lý luận tại Trường Đại học Phương Đông. Tại quê hương của Lê-nin vĩ đại, Người đã nhiều lần phát biểu ý kiến ca ngợi Lê-nin, ca ngợi thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và kết quả xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.

Người đã nghiên cứu bộ sách "Tư bản" của C.Mác và "Chính sách kinh tế mới" của Lê-nin, cùng với đó, tham khảo những bài học kinh nghiệm về cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước xô viết và viết tác phẩm "Nhật ký chìm tàu" để tuyên truyền giá trị, ý nghĩa của Chủ nghĩa Mác-Lênin, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô. Người đã rút ra kết luận: Việt Nam muốn giành độc lập dân tộc không có con đường nào khác là phải đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, đi theo Lênin.

Nguyễn Ái Quốc đã tới Quảng Châu (Trung Quốc), ở đó, Người đã sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, ra Báo Thanh niên và mở lớp đào tạo cán bộ, chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), Người khẳng định sự cần thiết phải nghiên cứu, học tập lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Người viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"(2). Đồng thời, chỉ ra nhiệm vụ cấp bách của người cách mạng là đấu tranh giải phóng dân tộc.

Có thể nói rằng, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận Mác-Lênin đã giúp Người phân tích, tổng kết kinh nghiệm cách mạng thế giới, tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Vì vậy, trong các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định những nội dung cốt lõi của Chủ nghĩa Mác-Lênin và nhấn mạnh sự cần thiết phải học tập, nghiên cứu và truyền bá sâu rộng Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và quảng đại quần chúng nhân dân. Các văn kiện đó đã trở thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta.

Tổng kết kinh nghiệm, thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ, thắng lợi của chúng ta, trước hết là nhờ có vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác-Lênin. Người coi Chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là “cái cẩm nang" thần kỳ, là kim chỉ nam cho hành động, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Vì lẽ đó, Người đánh giá rất cao cống hiến vĩ đại của Lê-nin đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa. 

Bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin

Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận trực tiếp quyết định bước phát triển mới về chất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu không có Chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh cũng chỉ là một nhà yêu nước như bao nhà yêu nước khác ở Việt Nam đầu thế kỷ 20: Chung một khát vọng giải phóng dân tộc, mong muốn giành lấy tự do, độc lập nhờ vào sự giúp đỡ của nước ngoài.

Nếu không đọc Luận cương của Lê-nin, chưa đến được với Chủ nghĩa Lê-nin, chưa trở thành người cộng sản chân chính thì quan điểm, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chưa thể tạo ra bước ngoặt cách mạng, không có điều kiện để truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và do đó, Người không thể đặt nền móng cho tư tưởng mác-xít đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa kết trái trên quê hương Tổ quốc Việt Nam.

Chính Chủ nghĩa Mác-Lênin đã trang bị cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng để Người tìm ra con đường cứu nước mới, đưa Người vượt lên phía trước mọi thiên kiến hẹp hòi, khắc phục căn bản sự khủng hoảng về chính trị, sự bế tắc về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, “gieo mầm cộng sản" trên quê hương Việt Nam.

Sự phát triển tư tưởng mác-xít ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là kết quả tất yếu của quá trình xâm nhập, thẩm thấu Chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam, gắn liền với công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; nhờ đó mà tư tưởng yêu nước gắn liền với tư tưởng quốc tế vô sản.

Mục tiêu cứu nước, cứu dân ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 được dẫn dắt bởi một lý luận khoa học, cách mạng soi sáng, dẫn đường. Vì lẽ đó, Chủ nghĩa Mác-Lênin đóng vai trò là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, vũ trang lý luận cho con đường đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, giúp họ thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Rõ ràng, với việc trang bị thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin cho đội ngũ cán bộ cốt cán ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, Hồ Chí Minh đã giúp họ hòa nhập vào cách mạng thế giới, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam-Đảng mácxít-lêninnít kiểu mới, đội tiên phong của giai cấp công nhân, bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.

Từ đây, tinh thần “biện chứng pháp" của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã thể hiện sâu sắc trong các văn kiện, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng. Các văn kiện thành lập Đảng như Chính cương vắn tắt của Đảng, Điều lệ tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh khởi thảo và các nghị quyết của Đảng ta soạn thảo từ năm 1930 đến nay đều thể hiện tinh thần sống động của Chủ nghĩa Mác-Lênin, thấm nhuần sâu sắc giá trị khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Những điều nêu trên đã giải nghĩa sâu sắc lý do vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau như một, nhất quán với lập trường, quan điểm lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động; vì sao chúng ta phải kiên định, trung thành và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin trong bối cảnh mới; không được mắc sai lầm trong nhận thức, vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam sao cho phù hợp.

Đó cũng là điều giải thích rõ ràng vì sao bên cạnh Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nội dung đặc biệt quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Vì sao Bộ Chính trị khóa XII lại ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, với mục tiêu và ý nghĩa là phải bảo vệ bằng được thành trì lý luận chính trị của Đảng, bảo đảm cho kim chỉ nam của Đảng luôn chỉ đúng hướng và ngày càng chi phối, thấm sâu vào tư tưởng của mọi cán bộ, đảng viên và đời sống tinh thần xã hội.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 562.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 289.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG

https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/bao-ve-noi-dung-dac-biet-quan-trong-trong-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-ta-674904

Từ khóa » Thuyết Truyền Bá Luận