Vận Dụng Lý Thuyết Truyền Thông Và Cơ Chế Hình Thành Dư Luận Xã Hội
Có thể bạn quan tâm
Lãnh đạo, quản lý cần vừa kịp thời cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ để sớm phát hiện vấn đề và thảo luận, đề xuất, lựa chọn và thực hiện những giải pháp tối ưu đối với vấn đề là tâm điểm của dư luận xã hội.
Các lý thuyết truyền thông về dư luận xã hội
Dư luận xã hội không giản đơn là tập hợp các ý kiến của xã hội, của các giai tầng xã hội, các nhóm xã hội. Mà dư luận xã hội là hiện tượng xã hội đặc biệt phản ánh sự hiểu biết, thái độ và xu hướng hành động của những nhóm người nhất định đối với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của họ. Theo định nghĩa này, ngay cả sự im lặng không nói gì hay không bày tỏ ý kiến gì của một nhóm người cũng là một hình thức của dư luận xã hội phản ánh thái độ dè chừng, e ngại hoặc chờ đợi cơ hội thuận lợi hơn để giải quyết vấn đề quan tâm.
Dư luận xã hội là công cụ, phương tiện để nhận biết, lý giải và dự báo về sự vật, hiện tượng trong môi trường sống luôn biến đổi của con người. Đồng thời, dư luận xã hội là đối tượng của lãnh đạo, quản lý được nghiên cứu từ nhiều góc độ khoa học khác nhau để làm rõ từng khía cạnh rất đặc biệt của dư luận xã hội. Từ góc độ chính trị học, dư luận xã hội là đối tượng vận động được nhiều người ủng hộ nhất thông qua ý kiến ủng hộ và phiếu bầu tán thành. Từ góc độ kinh tế học, dư luận xã hội là đối tượng quảng cáo để thu hút nhiều khách hàng tiềm năng quan tâm đến những món hàng hóa nhất định. Từ góc độ tâm lý học, dư luận xã hội là đối tượng giải tỏa tâm trạng bức xúc, căng thẳng hoặc chán chường, stress nhằm tạo ra sự yên tâm, đồng thuận và niềm tin xã hội. Từ góc độ xã hội học, dư luận xã hội là hiện tượng xã hội đặc biệt phản ánh các luồng ý kiến, các tâm trạng và các kiểu hành vi của các nhóm xã hội với những mối quan tâm khác nhau, những lợi ích đan xen và những vấn đề nhất định cần được lãnh đạo, quản lý theo định hướng phát triển bền vững.
Để nắm bắt và định hướng được dư luận xã hội cần nhìn nhận một cách tổng tích hợp các cách tiếp cận lý thuyết khoa học, trong đó nổi bật các lý thuyết truyền thông về dư luận xã hội.
Các nhà nghiên cứu khoa học về truyền thông đại chúng rất quan tâm tìm hiểu dư luận xã hội với tính cách là một hình thức của giao tiếp xã hội (mass /public communication), nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghệ thông tin. Các nghiên cứu khoa học truyền thông đại chúng thường nhấn mạnh vai trò của công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại như: báo chí, phát thanh, truyền hình và truyền thông nối mạng phát triển mạnh vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Từ đó đến nay, trên thế giới, các nghiên cứu về dư luận xã hội luôn gắn liền “như hình với bóng” với các nghiên cứu về truyền thông đại chúng và đã góp phần xây dựng một số lý thuyết truyền thông về dư luận xã hội.
Lý thuyết “viên đạn thần kỳ”
Lý thuyết này còn gọi là lý thuyết “mũi tiêm dưới da” đề phòng chống dịch bệnh lây lan trong xã hội. Một số nhà nghiên cứu như Harold Lasswell đã cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của truyền thông nói chung và các phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh và sau này là truyền hình nói riêng trong quá trình xảy ra các xung đột xã hội trong nước và quốc tế. Từ các nghiên cứu này đã xuất hiện những lý thuyết truyền thông về dư luận xã hội như: Lý thuyết “viên đạn thần kỳ” (magic bullet) hay mô hình “mũi tiêm dưới da” (hypodermic needle). Tên gọi của lý thuyết này cho thấy truyền thông có tác dụng của việc tạo ra hệ miễn dịch đối với những thông tin sai lệch, đồng thời lại như “viên đạn thần kỳ” không gây sát thương mà vẫn làm cho đối thủ phải khuất phục, tâm phục, khẩu phục.
Lý thuyết này nhấn mạnh vai trò quyết định của truyền thông đối với nhận thức, thái độ và hành vi của cá nhân, từ đó cho rằng có thể sử dụng truyền thông để làm cho khán thính giả miễn dịch với các chiến dịch tuyên truyền của đối phương. Theo lý thuyết này, việc cấm đoán những thông tin sai trái là chưa đủ. Lãnh đạo, quản lý cần đảm bảo truyền thông cung cấp được các thông tin chân thực, chính xác, đầy đủ, liên tục, thường xuyên để đảm bảo người dân miễn dịch với những tin đồn và những luồng thông tin sai trái. Một nguyên lý truyền thông để hình thành và định hướng dư luận xã hội ở đây là “thiện thắng ác”, “chính nghĩa thắng phi nghĩa”, cụ thể là cung cấp thông tin tốt, xác thực lấn át thông tin xấu, sai trái. Tuy nhiên, cần hết sức tránh truyền thông kiểu máy móc, một chiều ” dẫn đến sự quá tải, buồn tẻ, nhàm chán, phản tác dụng, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Lý thuyết truyền thông hai bước
Lý thuyết này còn có tên gọi là lý thuyết thủ lĩnh ý kiến và lý thuyết xã hội học về dư luận xã hội. Vào giữa thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu như Paul Lazarsfeld và các đồng sự đã phát hiện thấy truyền thông hầu như không có tác động trực tiếp như lý thuyết “viên đạn” (maggic bullet) hay “mũi tiêm” nói đến, mà chỉ gián tiếp ảnh hưởng đến dư luận xã hội.
Từ các nghiên cứu thực nghiệm về chủ đề này đã hình thành lý thuyết về truyền thông hai bước (two step): bước một là thông điệp được truyền đến thủ lĩnh ý kiến, đó là người thạo tin, có kiến thức chuyên môn và có uy tín, quyển lực ảnh hưởng đến ý kiến của người khác; và, bước hai là thông điệp được truyền từ thủ lĩnh ý kiến đến công chúng gồm những người khác để từ đó hình thành nên dư luận xã hội (Katz, 1957). Lý thuyết truyền thông hai bước còn được gọi là lý thuyết thủ lĩnh ý kiến hay lý thuyết xã hội học về dư luận xã hội bởi vì nó nhấn mạnh vai trò của cấu trúc xã hội đối với ý kiến của các thành viên và dư luận xã hội của cộng đồng xã hội. Các nghiên cứu thực nghiệm theo lý thuyết này cho thấy thủ lĩnh ý kiến là người thạo tin và có vị thế xã hội trong một cộng đồng nhất định mà các thành viên khác thiếu hoặc không có thông tin và phải tìm đến thủ lĩnh ý kiến để biết thông tin.
Lý thuyết này cho biết ý kiến thủ lĩnh có ảnh hưởng mạnh hơn các phương tiện truyền thông bởi vì các ý kiến của thủ lĩnh là ý kiến của người có uy quyền, uy tín và được truyền đi trong quá trình giao tiếp cá nhân mặt đối mặt một cách đáng tin cậy, linh hoạt và có vẻ không vụ lợi. Như vậy, theo lý thuyết truyền thông hai bước, lý thuyết thủ lĩnh ý kiến hay lý thuyết cấu trúc xã hội về dư luận xã hội, để tạo ra và định hướng được dư luận xã hội thì truyền thông chính thức và giao tiếp của thủ lĩnh ý kiến không được cạnh tranh, mâu thuẫn hay đối đầu nhau mà nên tung hứng, bổ sung cho nhau.
Theo lý thuyết này, lãnh đạo quản lý không giới hạn trong phạm vi hệ thống truyền thông chính thức như đài phát thanh, truyền hình, báo chí, nhà xuất bản. Cần đặc biệt quan tâm tạo dựng và thu hút các thủ lĩnh dư luận xã hội trong các cộng đồng xã hội từ thôn, bản, tổ dân phố đến các thủ lĩnh trong các cơ quan, đơn vị, các thủ lĩnh của các tổ chức chính phủ... Sự xuất hiện và phổ biến của các phương tiện truyền thông hiện đại “trực tuyến, ngay và luôn” cũng không làm giảm bớt tác dụng của truyền thông hai bước mà có thể còn biến truyến thông “hai bước” thành truyền thông nhiều bước, nhiều cấp, “đa cấp” với sự tham gia của các hệ thống mạng lưới truyền thông gồm nhiều trung tâm, nhiều đầu mối thông tin.
Lý thuyết định hình chương trình nghị sự
Theo lý thuyết này, truyền thông đại chúng có thể không trực tiếp tạo ra dư luận xã hội, nhưng lại có khả năng xác định chương trình nghị sự (agenda setting) cho dư luận xã hội. Bernard Cohen (1963) đã phát hiện ra điều này khi ông viết một câu nổi tiếng là: báo chí có thể không phải lúc nào cũng thành công trong việc nói cho mọi người biết phải nghĩ gì, nhưng báo chí lại cực kỳ thành công trong việc nói cho mọi người biết cần phải nghĩ về điều gì.
Trong mấy thập kỷ cuối thế kỷ XX đã có hàng trăm các nghiên cứu về vai trò xác định chương trình nghị sự của truyền thông đối với dư luận xã hội trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; từ truyền thông cứng dưới dạng báo in, tạp chí, sách, đến truyền thông mềm, truyền thông nối mạng Internet. Tuy nhiên, các nghiên cứu này cũng phát hiện thấy vai trò xác định chương trình nghị sự cho dư luận xã hội của các phương tiện truyền thông hiện đại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như nhu cầu, thái độ và kiến thức của công chúng; chất lượng thông tin được truyền thông và lợi ích gắn với các chương trình nghị sự.
Theo lý thuyết này, lãnh đạo và quản lý cần đặc biệt quan tâm tới sự tham gia của các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau bởi chính các chuyên gia này mới có đủ năng lực xác định chương trình nghị sự phù hợp cho việc định hướng và điều chỉnh dư luận xã hội nhằm mục tiêu xác định. Lý thuyết định hình chương trình nghị sự được vận dụng phổ biến và có hiệu quả trong các chiến dịch truyền thông thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi đối với những mục tiêu và đối tượng xác định. Theo lý thuyết này, vấn đề nào được truyền thông định hình, được làm nổi bật thì vấn đề đó được quan tâm, chú ý, bàn luận trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ dư luận xã hội biết, bàn và đề xuất giải pháp như thế nào đối với vấn đề trong chương trình nghị sự.
Lý thuyết làm mẫu dư luận xã hội
Truyền thông có thể nêu ra vấn đề để định hình khuôn khổ, phạm vi vấn đề cho công chúng bàn luận, nhưng lại chưa gợi ý hay định hướng được cách thức bàn luận, cách thức xử lý từng nội dung của chương trình nghị sự. Do vậy, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng truyền thông còn có khả năng “mồi” (priming) dư luận xã hội bằng cách đưa ra những nhận xét, bình luận, đánh giá để dựa vào đó công chúng xem xét và có ý kiến về những vấn đề cụ thể trong chương trình nghị sự. Các nghiên cứu theo lý thuyết mồi dư luận xã hội cho biết việc xác lập chương trình nghị sự luôn kèm theo việc làm mồi, kiểu “làm mẫu” và cách thức hiệu quả nhất là cung cấp những thông điệp được kích hoạt liên tục, thường xuyên và mới lạ.
Lý thuyết này cho thấy vai trò quyết định của lãnh đạo, quản lý trong việc định hướng dư luận xã hội bằng cách khuyến khích cung cấp các thông điệp có tính bình luận, nhận xét sắc sảo, ngắn gọn và tinh tế, hấp dẫn và nhất là nêu ra những hình mẫu để mọi người có thể bắt chước, nói theo, làm theo. Các nhà quảng cáo có lẽ là những nhà thực hành thành công nhất đối với lý thuyết mồi dư luận xã hội khi họ luôn tỏ ra hào phóng trong việc giới thiệu, mời chào các sản phẩm mới cho người tiêu dùng tiềm năng dùng thử miễn phí.
Lý thuyết dựng khung dư luận xã hội
Các nghiên cứu theo hướng xác lập chương trình nghị sự và tạo mồi (Agenda setting và priming) đã phát hiện thấy truyền thông có một loại tác động đặc biệt quan trọng đối với dư luận xã hội. Đó là khả năng dựng khung (framing) để theo đó định hướng và điều chỉnh dư luận xã hội. Dựng khung có nghĩa là tạo dựng các nguyên lý được cộng đồng xã hội chia sẻ, áp dụng để xác định vấn đề, đưa ra định nghĩa, giải thích nguyên nhân, đánh giá kết quả và gợi ý cách giải quyết vấn đề. Việc xây dựng và thống nhất áp dụng các bộ quy tắc ứng xử, các tiêu chuẩn, các quy định trước khi thảo luận ra quyết định về vấn đề nhất định nào đó là biểu hiện rõ ràng của việc áp dụng lý thuyết dựng khung dư luận xã hội trong phạm vi tổ chức và trong cộng đồng từ vi mô đến vĩ mô. Các nhà tổ chức các cuộc thương thuyết, đàm phán, mặc cả là những người rất giỏi trong việc đề ra các quy tắc ứng xử có vẻ công bằng và “cùng có lợi” trước khi thảo luận, quyết định những vấn đề đặt ra.
Dư luận xã hội luôn vừa là sản phẩm xã hội và vừa là quá trình xã hội chịu tác động trực tiếp của truyền thông đại chúng. Đến lượt nó, truyền thông đại chúng cũng trở thành đối tượng xem xét, xoi mói, bình luận, khen chê của dư luận xã hội. Trước kia truyền thông đại chúng được ví như “cỗ máy khổng lồ” sản sinh dư luận xã hội hàng ngày. Ngày nay, không chỉ như vậy, nhờ các thành tựu của khoa học và công nghệ của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, bất kỳ ai có quyền năng tiếp cận phương tiện truyền thông nối mạng đều cũng đều có thể trở thành “nhà truyền thông” của mạng xã hội chính thức hoặc mạng xã hội phi chính thức.
Truyền thông đại chúng đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống thực và cuộc sống ảo của con người. Nhưng chính vì thế mà truyền thông hiện đại càng thể hiện rõ là sản phẩm và quá trình xã hội liên tục được kiến tạo xã hội “ngay và luôn” bởi chính dư luận xã hội mà các lý thuyết truyền thông vừa nêu chưa chú trọng làm rõ. Các lý thuyết như “viên đạn thần kỳ”, “mũi tiêm dưới da”, truyền thông “hai bước”, lý thuyết xác lập chương trình nghị sự, lý thuyết mồi dư luận xã hội, lý thuyết dựng khung dư luận xã hội đều nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của tác động từ các cá nhân và tổ chức chuyên nghiệp truyền thông đại chúng đến dư luận xã hội. Các lý thuyết này chưa chú trọng đến tác động trở lại của dư luận xã hội đến truyền thông đại chúng và nhất là tác động của “đại chúng” các nhà truyền thông nghiệp dư gồm bất kỳ người nào có quyền năng sử dụng mạng truyền thông xã hội. Các lý thuyết này chưa làm rõ được vị trí, vai trò và sự biến đổi của dư luận xã hội như là công cụ, phương tiện đặc biệt hiệu quả để thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của các cộng đồng xã hội nói chung và để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa nói riêng.
Cơ chế hình hình thành dư luận xã hội
Cơ chế truyền thông trong hình thành dư luận xã hội
Các lý thuyết truyền thông về dư luận xã hội cho thấy cơ chế thông tin, cơ chế truyền thông trong hình thành dư luận xã hội. Theo cơ chế này, dư luận xã hội hình thành trong quá trình truyền tin, thông tin từ người này đến người khác. Cá nhân luôn thiếu thông tin và có nhu cầu tìm kiếm thông tin và trao đổi thông tin. Trong quá trình tìm kiếm thông tin, truyền tin và trao đổi thông tin như vậy dư luận xã hội được hình thành, vận động và biến đổi.
Theo cơ chế truyền tin, dư luận xã hội được hình thành thông qua bốn giai đoạn của quá trình truyền tin. Đó là giai đoạn: phát hiện thông tin, tiếp cận thông tin, truyền đạt thông tin và biến đổi thông tin.
Cơ chế truyền tin cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của các phương tiên truyền thông và thông tin đối với sự hình thành dư luận xã hội. Cơ chế truyền tin nhấn mạnh vị trí, vai trò của thông tin đối với sự hình thành dư luận xã hội. Do vậy, lãnh đạo, quản lý có thể và cần phải sử dụng các phương tiện truyền thông nói chung và thông tin, thông điệp nói riêng để hình thành, định hình, điều chỉnh dư luận xã hội.
Cơ chế giải quyết vấn đề trong hình thành dư luận xã hội
Các lý thuyết truyền thông nhấn mạnh mặt thông tin, mặt giao tiếp của dư luận xã hội để trả lời câu hỏi dư luận xã hội xuất hiện như thế nào mà chưa tập trung làm rõ những câu hỏi khác. Đó là câu hỏi ví dụ: tại sao lại có dư luận xã hội? Con người, xã hội cần dư luận xã hội để làm gì? Dư luận xã hội có vai trò, chức năng, tác dụng gì đối với đời sống của con người, đối với sự phát triển xã hội? Cơ chế truyền thông chưa giúp trả lời được những hỏi vừa nêu, chưa cho biết vị trí, vai trò, chức năng và nhất là “sứ mệnh” của dư luận xã hội.
Để trả lời câu hỏi này cần phải vận dụng cách tiếp cận lý thuyết chức năng. Theo thuyết này, dư luận xã hội có chức năng, “sứ mệnh” góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của con người. Các vấn đề có thể thuộc đủ loại như vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giải trí, thể thao, môi trường và nhiều vấn đề khác. Với cách tiếp cận này, có thể thấy các nhóm xã hội sinh sống trong cùng môi trường, điều kiện truyền thông như nhau nhưng mỗi nhóm xã hội có những vấn đề cấp thiết khác nhau với mối quan tâm khác nhau nên dư luận xã hội của mỗi nhóm khác nhau.
Đối với lãnh đạo, quản lý: Dư luận xã hội là công cụ, phương tiện để giải quyết vấn đề nhất định trong lãnh đạo, quản lý xã hội. Đối với người dân, dư luận xã hội là cách thức để người dân tham gia lãnh đạo, quản lý xã hội và giải quyết vấn đề của họ theo một cách nhất định. Nói ngắn gọn, theo lý thuyết chức năng, dư luận xã hội có chức năng giải quyết vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của nhóm xã hội.
Thuyết chức năng cho thấy dư luận xã hội được hình thành qua các giai đoạn của quá trình giải quyết vấn đề lần lượt như sau. Đó là giai đoạn phát hiện ra vấn đề, gây chú ý đối với vấn đề, thảo luận vấn đề, đề xuất và lựa chọn cách giải quyết vấn đề, thực hiện cách giải quyết vấn đề.
Xã hội luôn có rất nhiều vấn đề này sỉnh nhưng chỉ có những vấn đề nào được phát hiện và gây được chú ý mới có thể tạo ra được dư luận xã hội về vấn đề đó. Do vậy, trong xã hội luôn có những người thạo tin để phát hiện ra vấn đề và gây chú ý đối với người khác. Đó thường là các phóng viên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình và hiện nay còn có thêm phóng viên nghiệp dư, những “facebooker”, những “onliner” gồm tất cả những ai có thể truy cập mạng Internet và sử dụng các phương tiên truyền thông nối mạng.
Khi vấn đề được phát hiện và gây được chú ý thì những người quan tâm thường bày tỏ ý kiến và thảo luận về vấn đề đó. Việc thảo luận như vậy không đơn giản là “ý vào lời ra” với nhiều ý kiến khác nhau mà đề xuất những cách giải quyết đối với vấn đề được thảo luận. Do vậy, giai đoạn tiếp theo là lựa chọn cách giải quyết vấn đề được cho là tối ưu nhất. Việc lựa chọn cách giải quyết có thể diễn ra một cách tự phát, tự giác dưới hình thức “kết tinh”, lắng đọng hoặc phân hóa thành ít nhất ba luồng dư luận theo ba xu hướng là “ủng hộ”, “phản đối” và “không rõ” hoặc “thích”, “không thích” và “không trả lời”. Dư luận xã hội về vấn đề chỉ kết thúc khi một cách giải quyết được lựa chọn và được thực thi để giải quyết được vấn đề.
Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của việc lắng nghe dư luận xã hội để lựa chọn cách giải quyết tối ưu đối với vấn đề mà dư luận xã hội quân tâm, chú ý, bàn luận. Lưu ý là trong một số trường hợp dư luận xã hội về một vấn đề nào đó phải tạm thời lắng xuống, dịu đi hoặc rơi vào trạng thái của cái gọi là “vòng xoáy im lặng” không phải do vấn đề đã được giải quyết mà vì vấn đề đó quá khó để có thể bộc lộ biện pháp giải quyết ngay. Dư luận xã hội như vậy không tự nhiên biến mất mà tạm thời lắng xuống, im lặng, âm ỉ, ngấm ngầm chờ thời cơ, chờ điều kiện thuận lợi để có thể bùng phát trở lại nhằm giải quyết vấn đề đặt ra.
Lý thuyết vòng xoáy im lặng góp phần giải thích tình huống này ở cả cấp độ cá nhân, nhóm nhỏ và cấp độ nhóm lớn trong các khung không - thời gian khác nhau. Ví dụ, có những vấn đề xuất hiện rồi nhưng không phải tất cả mọi người đều tham gia bày tỏ ý kiến mà luôn có những cá nhân biết lắng nghe, chờ đợi mà không bày tỏ ý kiến gì rõ rệt và chọn cách thức và thời điểm phù hợp hơn để bày tỏ ý kiến một cách sao cho an toàn nhất.
Cơ chế giải quyết vấn đề cho thấy rõ dư luận xã hội vừa có chức năng giải tỏa tâm lý bức xúc do vấn đề gây ra vừa có chức năng định hướng, điều chỉnh và đề xuất và ủng hộ cách giải quyết vấn đề. Cơ chế giải quyết vấn đề cho thấy dư luận xã hội góp phần tạo nên động lực để giải quyết vấn đề mà cán bộ lãnh đạo, quản lý rất cần phải “tai nghe, mắt thấy” để nắm bắt các ý kiến, các luồng dư luận xã hội. Với nghĩa này, lãnh đạo và quản lý xã hội đòi hỏi phải vừa truyền thông và vừa nắm chắc vấn đề và lựa chọn cách giải quyết tối ưu đối với vấn đề dựa vào bằng chứng bao gồm cả dư luận xã hội và các ý kiến đóng góp của người dân mà không được theo đuôi quần chúng.
Việc áp dụng cơ chế giải quyết vấn đề dựa vào dư luận xã hội một cách khôn khéo, thông minh là cách thức phù hợp của lãnh đạo, quản lý. Trong bối cảnh hiện nay, cần kết hợp cả hai cách tiếp cận lý thuyết truyền thông và lý thuyết chức năng để có thể ứng xử với dư luận xã hội vừa với tính cách là đối tượng, vừa là công cụ, phương tiện để giải quyết vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hiện đại.
Tóm lại, dư luận xã hội là hiện tượng xã hội đặc biệt phản ánh tri thức, thái độ và tâm thế của nhóm xã hội đối với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của họ. Các lý thuyết truyền thông và cơ chế truyền tin cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của truyền thông, thông tin đối với sự hình thành dư luận xã hội. Cơ chế truyền thông trả lời được câu hỏi dư luận xã hội hình thành như thế nào. Tuy nhiên cơ chế này khó có thể trả lời được câu hỏi tại sao dư luận xã hội xuất hiện và tại sao biến mất.
Thuyết chức năng và cơ chế giải quyết vấn đề đưa ra câu trả lời thỏa đáng rằng dư luận xã hội tất yếu xuất hiện khi nảy sinh những vấn đề cần phải giải quyết và dư luận xã hội về vấn đề đó tất yếu tiêu vong, biến mất khi vấn đề đó được giải quyết. Việc kết hợp cả hai cách tiếp cận lý thuyết và hai cơ chế này gợi ra những phương hướng và giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo, quản lý. Đó là cần phải biết sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để cung cấp thông tin định tính và thông tin định lượng; ví dụ thông tin thống kê một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời để vừa phát hiện vấn đề và vừa thảo luận, đề xuất và lựa chọn thực hiện những giải pháp tối ưu đối với vấn đề đặt ra. Lãnh đạo, quản lý không thụ động ứng phó với dư luận xã hội mà vận dụng cách tiếp cận khoa học để chủ động hình thành, định hướng dư luận xã hội ủng hộ và tham gia giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới, phát triển xã hội bền vững./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO- Patricia Moy và Brandon Bosch (2013). Theories of public opinion. Sociology Department, Faculty Publications. 244. http://digitalcommons.unl.edu/sociologyfacpub/244.- Daniel Yankelovich. “How public opinion really works” Fortune (October 5, 1992):102-108; N. Foote – C.W. Hart. “Public opinion and collective behavior” in M. Sherif and M.O. Wilson (Eds) Group relations at the crossroads. New York: Harper & Bros. 1953. Pp. 308-331.- Lê Ngọc Hùng. “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất và phương pháp tiếp cận dư luận xã hội”. Tạp chí Cộng sản. Số 11(6). 2006. Tr. 27-31
Từ khóa » Thuyết Truyền Bá Luận
-
Lý Thuyết "trung Tâm Và Ngoại Vi" Trong Nghiên Cứu Không Gian Văn Hoá
-
Từ điển Tiếng Việt "truyền Bá Luận" - Là Gì?
-
Lý Thuyết "Trung Tâm Và Ngoại Vi" Trong Nghiên Cứu Không Gian Văn ...
-
Tài Liệu Các Trường Phái Và Khuynh Hướng Nghiên Cứu Văn Hóa ...
-
Trường Phái Khảo Cổ Học Âu-Mỹ
-
Bàn Về Sự Truyền Bá Và ảnh Hưởng Của Chữ Hán ở Việt Nam
-
Lãnh Tụ Nguyễn Ái Quốc Truyền Bá Chủ Nghĩa Mác - Lê Nin Vào Việt ...
-
[PDF] Phụ Lục 1 A Thiên Di - Bản địa - Văn Hóa Nghệ An
-
Nghiên Cứu Hậu Thực Dân ở Việt Nam
-
Bảo Vệ Nội Dung đặc Biệt Quan Trọng Trong Nền Tảng Tư Tưởng Của ...
-
Các Trường Phái Lý Thuyết Chính Trong Nhân Học - Tác Giả
-
Các Lý Thuyết Truyền Thông Chính Trị Và Vận Dụng ở Việt Nam
-
Tiểu Luận Sự Năng động Của Văn Hóa Tổ Chức