Bảo Hành Là Gì? Quy định Về Bảo Hành Khi Mua Bán Hàng Hóa?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Khái niệm bảo hành là gì?
  • 2 2. Quy định về quyền yêu cầu bảo hành và nghĩa vụ bảo hành:
  • 3 3. Quy định về việc sửa chữa trong thời hạn bảo hành:
  • 4 4. Quy định về bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành:
  • 5 5. Quy định về mua bán hàng hóa:

1. Khái niệm bảo hành là gì?

Bảo hành hàng hóa, có thể hiểu một cách khái quát chính là việc bên bán hàng hóa đặt ra cho mình nghĩa vụ sửa chữa hàng hóa đã bán cho bên mua trong một khoảng thời gian nhất định để đảm bảo quyền lợi cho người mua trong trường hợp hàng hóa được bán có khuyết tật hay hư hỏng.

2. Quy định về quyền yêu cầu bảo hành và nghĩa vụ bảo hành:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 447 Bộ luật dân sự năm 2015, trong thời hạn bảo hành, nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.

Thứ hai, bên cạnh đó, Điều 446 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định rõ, bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật.

Cụ thể hóa điều này, nghĩa vụ bảo hành hàng hóa đã được quy định tại Điều 49 Luật thương mại năm 2005 như sau:

– Trường hợp hàng hóa mua bán có bảo hành thì bên bán phải chịu trách nhiệm bảo hành hàng hóa đó theo nội dung và thời hạn đã thỏa thuận.

– Bên bán phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành trong thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép.

-Bên bán phải chịu các chi phí về việc bảo hành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Quy định về việc sửa chữa trong thời hạn bảo hành:

Trong thời hạn bảo hành, nếu phát hiện khuyết tật trong hàng hóa đã được mua bán thì một trong các quyền mà bên mua hàng hóa được thực hiện chính là yêu cầu bên bán sửa chữa đối với vật. Điều này được cụ thể hóa trong quy định tại Điều 448 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

Thứ nhất, bên bán phải sửa chữa vật và bảo đảm vật có đủ các tiêu chuẩn chất lượng hoặc có đủ các đặc tính đã cam kết.

Thứ hai, bên bán chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển vật đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua.

Thứ ba, bên mua có quyền yêu cầu bên bán hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn do các bên thỏa thuận hoặc trong một thời gian hợp lý; nếu bên bán không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn đó thì bên mua có quyền yêu cầu giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.

4. Quy định về bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành:

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 449 Bộ luật dân sự năm 2015, ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành.

Lưu ý: Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.

5. Quy định về mua bán hàng hóa:

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật thương mại 2005, mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.

Quan hệ mua bán hàng hóa có thể được xác lập bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Trong đó các bên thỏa thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ của các bên khi mua bán hàng hóa như:

Thứ nhất, bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng. Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan theo quy định

Thứ hai, thỏa thuận về địa điểm giao hàng, theo đó

– Bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thỏa thuận.

– Trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như sau:

+ Trường hợp hàng hóa là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hóa đó;

+ Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hóa thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên;

+ Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hóa, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hóa thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó;

+ Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán.

Thứ ba, về thời hạn giao hàng

– Bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng.

– Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua.

– Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng.

Lưu ý: 

Trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Thứ tư, trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng bên mua có quyền từ chối nhận hàng

Trong trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hóa được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hóa đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hóa cùng chủng loại;

– Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;

– Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hóa mà bên bán đã giao cho bên mua;

– Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hóa đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hóa trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.

Lưu ý: 

Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được quy định như sau:

– Bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hóa nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;

– Trừ trường hợp quy định nêu trên, trong thời hạn khiếu nại theo quy định, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hóa đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro;

– Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.

Thứ năm, về việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng

– Trường hợp các bên có thỏa thuận để bên mua hoặc đại diện của bên mua tiến hành kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng thì bên bán phải bảo đảm cho bên mua hoặc đại diện của bên mua có điều kiện tiến hành việc kiểm tra.

– Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên mua hoặc đại diện của bên mua trong trường hợp nêu trên phải kiểm tra hàng hóa trong một thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép; trường hợp hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa thì việc kiểm tra hàng hóa có thể được hoãn lại cho tới khi hàng hóa được chuyển tới địa điểm đến.

– Trường hợp bên mua hoặc đại diện của bên mua không thực hiện việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng theo thỏa thuận thì bên bán có quyền giao hàng theo hợp đồng.

– Bên bán không phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hóa mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lý sau khi kiểm tra hàng hóa.

– Bên bán phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hóa mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã kiểm tra nếu các khiếm khuyết của hàng hóa không thể phát hiện được trong quá trình kiểm tra bằng biện pháp thông thường và bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo cho bên mua.

Thứ sáu, nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu và quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa

– Về quyền sở hữu đối với hàng hóa, bên bán phải bảo đảm hàng hóa hợp pháp và không bị tranh chấp bởi bên thứ ba, việc chuyển giao hàng hóa là hợp pháp.

– Về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, bên bán không được bán hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên bán phải chịu trách nhiệm trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa đã bán.

Trường hợp bên mua yêu cầu bên bán phải tuân theo bản vẽ kỹ thuật, thiết kế, công thức hoặc những số liệu chi tiết do bên mua cung cấp thì bên mua phải chịu trách nhiệm về các khiếu nại liên quan đến những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phát sinh từ việc bên bán đã tuân thủ những yêu cầu của bên mua.

Thứ bảy, về nghĩa vụ thanh toán trong mua bán hàng hóa

– Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.

– Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.

– Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hóa mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thời hạn thanh toán được quy định như sau:

– Bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hóa;

– Bên mua không có nghĩa vụ thanh toán cho đến khi có thể kiểm tra xong hàng hóa trong trường hợp có thỏa thuận theo quy định tại Điều 44 của Luật thương mại năm 2005

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

– Luật thương mại năm 2005, sửa đổi năm 2019.

Từ khóa » Trong Bảo Hành Là Gì