Bảo Tồn Và Phát Triển Văn Hóa Các Dân Tộc Thiểu Số Tỉnh Tuyên Quang

Phụ nữ Dao đỏ thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) gìn giữ nghề thêu trang phục truyền thống. Ảnh Thủy Châu

Hơn 40 lễ hội dân gian, văn hóa, trong đó một số lễ hội được tổ chức vào dịp đầu năm mới như: Lễ hội Lồng Tông, Cầu Mùa, Cầu Mùa (dân tộc Tày), lễ hội Đình (dân tộc Cao Lan); các nghi lễ truyền thống như: Lễ cấp sắc, lễ Tết Nhảy (dân tộc Dao), lễ Cầu Khoăn, Cúng Cốm (dân tộc Tày); lễ Nhảy lửa (dân tộc Pà Thẻn)... Có thể nói di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang hết sức phong phú và đa dạng về cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị văn hóa luôn được bảo lưu trao truyền, bổ sung, sáng tạo qua các thế hệ theo chiều hướng tích cực, hòa chung trong “dòng chảy” của cộng đồng văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Theo tài liệu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của Bảo tàng tỉnh (kết quả kiểm kê 16/26 dân tộc, gồm: Dân tộc Kinh, Tày, Dao, Mông, Sán Chay, Nùng, Sán Dìu, La Chí, Pà Thẻn, Cờ Lao, Ngái, Mường, Giáy, Pu Péo, Hoa, nhóm người Thủy) cho thấy, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung bị mai một hoặc biến đổi nhanh chóng. Cụ thể: Dân tộc Tày thống kê 57 di sản, trong đó 28 di sản đang bị mai một; dân tộc Dao thống kê 133 di sản, trong đó 67 di sản đang bị mai một; dân tộc Cao Lan thống kê 42 di sản, trong đó 18 di sản đang bị mai một; dân tộc Nùng thống kê 47 di sản, trong đó 24 di sản đang bị mai một; dân tộc Mông thống kê 24 di sản, trong đó 12 di sản đang bị mai một; dân tộc Sán Dìu thống kê 10 di sản, trong đó 04 di sản đang bị mai một; dân tộc La Chí thống kê 7 di sản, trong đó 01 di sản đang bị mai một; dân tộc Pà Thẻn thống kê 04 di sản, trong đó 03 di sản đang bị mai một; dân tộc Pu Péo thống kê 13 di sản, trong đó 05 di sản đang bị mai một; dân tộc Cờ Lao thống kê 03 di sản, trong đó 01 di sản đang bị mai một; tộc người Thủy thống kê 24 di sản, trong đó 14 di sản đang bị mai một. Về trang phục, nhà cửa, nghề thủ công truyền thống cũng bị mai một và biến đổi.

Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng, tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và 10 tỉnh hoàn thiện hồ sơ "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam" trình và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ năm 2013 đến nay đã có 10 di sản của tỉnh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Lễ hội Lồng tông, hát Then (dân tộc Tày); hát Páo dung; lễ cấp sắc (dân tộc Dao); Kéo co truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang; hát Soọng Cô (dân tộc Sán Dìu); hát Sình ca (dân tộc Cao Lan); Lễ hội Đình Thọ Vực (xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương); Lễ hội Rước mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La (thành phố Tuyên Quang); Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ (huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình)... Các di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng với nhiều sắc thái đặc sắc, hấp dẫn chính là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, tạo nên những sản phẩm du lịch riêng có, thu hút khách du lịch. Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tích cực khai thác, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và đã hình thành một số điểm thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, trải nghiệm, như: điểm du lịch cộng đồng tại thôn Bản Ba, xã Trung Hà (huyện Chiêm Hóa); thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (huyện Lâm Bình); thôn Nà Khá xã Năng Khả, thôn Khau Tràng xã Hồng Thái (huyện Na Hang)... Thông qua đó, người dân đã nhận thấy lợi ích tích cực của du lịch cộng đồng mang lại và tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm. Bước đầu khai thác có hiệu quả giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Mặt khác tỉnh đã triển khai thực hiện một số đề tài khoa học nghiên cứu bảo tồn văn hóa các dân tộc như: nghiên cứu văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn, Sán Dìu; nghiên cứu bảo tồn phát huy giá trị di sản Then trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Thành lập các câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc như: Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính của dân tộc Tày; Câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao; Câu lạc bộ hát dân ca của dân tộc Mông; Câu lạc bộ hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan; Câu lạc bộ hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; Câu lạc bộ giữ gìn tiếng nói và trang phục dân tộc của dân tộc Nùng,... Tổ chức và tham gia các hội diễn, hội thao dành cho đồng bào các dân tộc như: Liên hoan văn hóa các dân tộc, Giải thể thao dân tộc toàn tỉnh,... Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng cũng đã chú trọng khai thác các làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc thiểu số. Thông qua hoạt động nghệ thuật, nhiều nghệ nhân người dân tộc thiểu số đã tích cực truyền dạy lại cho con cháu các di sản văn hóa của dân tộc mình. Một số nhạc sỹ, biên đạo múa đã dựa trên những chất liệu dân gian sáng tác những bài hát, bản nhạc, tiết mục múa mang đậm đà bản sắc dân tộc, qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá, đồng thời giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Tỉnh cũng đã quan tâm chế độ, chính sách, kịp thời biểu dương, khen thưởng, khuyến khích các hạt nhân văn nghệ có nhiều công lao, đóng góp tích cực trong việc truyền dạy văn hóa dân tộc. Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có 10 nghệ nhân được Nhà nước công nhận, gồm: 8 nghệ nhân Ưu tú và 2 nghệ nhân Nhân dân . Năm 2020 đang đề nghị xét tặng cho 4 nghệ nhân ưu tú.

Nhiều lễ hội được duy trì và tổ chức quy mô như: Lễ hội Lồng Tông, dân tộc Tày của các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa; Lễ hội đình của dân tộc Cao Lan các huyện Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang. Đặc biệt, từ năm 2014, tỉnh duy trì tổ chức Lễ hội Thành Tuyên- lễ hội Trung thu độc đáo và đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang, lễ hội được tổ chức thường niên gắn với các sự kiện văn hóa cấp quốc gia và khu vực, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thời gian qua còn một số hạn chế, như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức rõ vai trò của di sản văn hoá trong phát triển kinh tế - xã hội, chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhận thức của Nhân dân các dân tộc về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc còn nhiều hạn chế, chưa có ý thức trong việc bảo lưu, truyền bá văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ kế tiếp. Việc khai thác tiềm năng, giá trị di sản văn hoá lớn để phát triển du lịch còn hạn chế. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị thất truyền. Công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu di sản văn hóa chưa được thường xuyên. Hạ tầng giao thông và hệ thống các thiết chế, cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá thiếu đồng bộ; nguồn kinh phí nhà nước đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tôn tạo di tích còn hạn chế; công tác xã hội hóa chưa đáp ứng so với yêu cầu…

Nguyên nhân của sự mai một và biến đổi văn hóa truyền thống là do đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền qua nhiều thế hệ bằng truyền khẩu, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, chưa có ý thức bảo lưu, truyền bá văn hóa của dân tộc mình cho lớp kế tiếp, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân tộc. Mặt khác, những người hiểu văn hóa của các dân tộc tuổi ngày càng cao, già yếu, bệnh tật, nhiều người đã qua đời, đây là trở ngại lớn nhất trong việc bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể trong đồng số đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ở một số đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt ở thế hệ trẻ chưa nhận thức sâu sắc trong việc bảo tồn bản sắc đặc trưng của dân tộc mình, không còn thường xuyên sử dụng tiếng nói, các làn điệu dân ca dân vũ; không phát huy được giá trị các nghề thủ công truyền thống, các tri thức dân gian...

Sự xâm nhập và bùng nổ thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội,... đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa truyền thống của cộng đồng làng thay đổi một cách nhanh chóng. Phương thức sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số trước đây là phương thức sản xuất nương rẫy, cơ cấu xã hội và quan hệ giữa các thành viên trong làng nay đã có nhiều biến đổi lớn, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng truyền thống ngày càng ít hơn. Dưới sự tác động của quá trình đô thị hóa, nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã đến từng thôn, làng của người đồng bào dân tộc thiểu số, tác động trực tiếp đến suy nghĩ, đến lối sống và phương thức sinh hoạt sản xuất của chính bản thân họ theo xu hướng mới. Các lễ hội của đồng bào dân tộc thời gian qua đã được khôi phục, tuy nhiên bên cạnh các nghi thức tín ngưỡng (phần lễ), các sinh hoạt văn hóa, thể thao (phần hội) chưa được chú trọng đến yếu tố truyền thống mà chủ yếu là sinh hoạt văn hóa mang tính hiện đại. Mặt khác, còn một số địa phương ở cơ sở chư­a chú trọng và có biện pháp chỉ đạo tích cực, hữu hiệu cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, đó là việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ch­ưa được tiến hành thường xuyên và sâu rộng đến các thôn, làng và các tầng lớp nhân dân. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được sưu tầm nhưng chưa được tổng hợp, biên tập một cách khoa học và có hệ thống; chưa đưa vào khai thác, sử dụng trong đời sống. Công tác xã hội hoá văn hoá nói chung và trong lĩnh vực bảo tồn nói riêng, nhất là bảo tồn văn hoá phi vật thể còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động văn hóa chưa đồng bộ.

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần tiếp tục triển khai sâu rộng có hiệu quả các đề án, quy hoạch, dự án,…về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các giá trị văn hóa và việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đối với đội ngũ làm công tác bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc từ tỉnh đến cơ sở. Lựa chọn thứ tự ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loại hình di sản văn hoá các dân tộc một cách hợp lý, hiệu quả. Ưu tiên hỗ trợ phát triển các hoạt động văn hóa tại địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Triển khai nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học liên quan đến sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng văn hóa, tài nguyên du lịch lịch sử, sinh thái, nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở; cơ chế khuyến khích các nghệ nhân trao truyền văn hóa dân tộc và có chính sách ưu đãi đối với nghệ nhân dân gian và đội văn hóa bản; khuyến khích lớp trẻ tiếp thu văn hóa dân tộc. Phát huy vai trò của già làng, trưởng dòng họ trong bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc.

Khảo sát, đánh giá nhu cầu và nhận thức của đồng bào các dân tộc về văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình, vì chính họ đã sáng tạo ra các giá trị văn hóa, đồng thời cũng là những người bảo tồn, phát huy các giá trị đó trong đời sống xã hội hiện tại và cả trong tương lai. Bởi các giá trị văn hóa chỉ có thể được bảo tồn, phát huy khi được lưu giữ vững chắc trong ý thức của mỗi người dân và do chính người dân thực hiện. Chỉ khi nào người dân hiểu được vị trí, vai trò của họ trong hoạt động này thì họ mới có ý thức gìn giữ, nâng niu các giá trị văn hóa của dân tộc mình, từ đó mới tích cực tự giác thực hiện có kết quả.

Sưu tầm, tư liệu hóa, lưu giữ toàn bộ các giá trị văn hóa của các dân tộc bằng hình thức tư liệu hóa: ghi chép, ghi hình, ghi âm, chụp ảnh, sưu tầm hiện vật gốc… để bảo quản lâu dài trong Bảo tàng, Thư viện tỉnh. Khuyến khích việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại, lưu truyền, trao đổi, giao lưu văn hóa với các bạn trong khu vực và trong cả nước các di sản văn hóa thuộc các loại hình văn học, nghệ thuật của các dân tộc. Đồng thời phát triển phong trào văn nghệ quần chúng trong cộng đồng các dân tộc, chú trọng khai thác chất liệu dân gian, khôi phục một số lễ hội truyền thống. Sưu tầm, khôi phục các bài dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian, dân tộc; khôi phục các làng nghề truyền thống; Sưu tầm, duy trì và phát huy giá trị các tri thức dân gian. Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có nội dung bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc. Xây dựng các thôn, bản gia đình trở thành môi trường trao truyền, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc một cách hữu hiệu, sống động.

Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần để phát triển kinh tế - xã hội bền vững là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, cần được quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Đây cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm duy trì, phát triển những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Đặng Thị Quang

Từ khóa » Dân Tộc Sán Chay ở Tuyên Quang