Nét đẹp Trong Phong Tục đón Tết Của đồng Bào Sán Dìu ở Tuyên ...

Phụ nữ dân tộc Sán Dìu xã Ninh Lai (Sơn Dương). Ảnh Thủy Châu

Đồng bào sống tập trung ở chân dãy núi Tam Đảo, phần hạ huyện Sơn Dương, cư trú thành các cộng đồng làng bản, dòng họ, ít khi sống biệt lập hay xen kẽ với các dân tộc khác. Dân tộcSán Dìu là một trong những dân tộc thiểu số có văn hóa đậm đà bản sắc, mang giá trị nhân văn cao đẹp, thể hiện trong nhiều lĩnh vực, nhất là qua các phong tục, tập quán, nghi lễ của tộc người, trong đó Lễ tết của đồng bào Sán Dìu là một trong những biểu hiện nét văn hóa đặc trưng.

Vào mùa xuân, khi bắt đầu vụ mùa lúa mới, đồng bào Sán Dìu tổ chức ăn Tết Nguyên đán với rất nhiều những nghi thức. Từ trước tết khoảng một tuần, mọi người đã thấy không khí tết đến gần, các gia đình chuẩn bị lá dong gói bánh chưng, lá chít để gói bánh nẳng, lá chuối để gói bánh dày và mua sắm, sửa xang các vật dụng cần thiết trong gia đình và chuẩn bị đầy đủ về lương thực, thực phẩm cho dịp tết. Từ ngày 28 Tết, các gia đình đã bắt dầu mổ lợn, gói bánh và thực hiện một số nghi thức. Theo quan niệm của đồng bào, dán giấy đỏ để báo hiệu mùa Xuân đã về và đánh dấu những đồ, vật dụng là của gia đình mình. Thường là từ ngày 28 tháng Chạp, các gia đình tổ chức thịt lợn, gói bánh chưng. Chiều 30 Tết làm cơm cúng Tất niên. Trên ban thờ tổ tiên, ngoài bánh chưng, thịt lợn, thịt gà, rượu trắng, bánh kẹo, hoa quả, không thể thiếu bánh chấy hay còn gọi là bánh chay.

Trong phong tục đón Tết của người dân tộc Sán Dìu còn lưu giữ một điều thú vị, đó là tục “giữ lửa, gọi lợn”. Ngay từ chiều 30 Tết, chủ nhà chuẩn bị một cây củi thật to, chắc mang về, vừa đi vừa gọi lợn sau đó mang vào bếp đun. Cây củi này sẽ cháy suốt đêm sang mùng 1 Tết với mong muốn cả năm sẽ may mắn, thuận lợi. Trong đêm Giao thừa, người Sán Dìu còn có tục “gõ toang trâu gọi nghé”. Khi bắt đầu Giao thừa, người Sán Dìu đi ra chuồng trâu, mở toang trâu và gọi 3 tiếng “nghé, nghé, nghé” với mong muốn năm mới đàn trâu sẽ sinh sôi.

Ngày mùng 1 Tết, người Sán Dìu cúng chay hay còn gọi là cúng Phật. Đồ chay bao gồm chè được chuẩn bị trrong đêm Giao thừa. Sáng mùng một Tết, người Sán Dìu không xem tuổi, xem ngày hay lựa chọn những người hợp mệnh để xông nhà mà họ cho rằng việc xông nhà là việc tự nhiên chứ không nhờ cậy, sắp đặt. Ngày mùng 2 mới được coi là Tết chính của người Sán Dìu. Bởi từ ngày mùng 2, các thành viên trong gia đình đều tụ họp đông đủ. Từng gia đình, dòng họ làm cỗ mời anh em, họ hàng, người thân. Đây là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại những công việc trong một năm và cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Một món ăn tinh thần cũng không thể thiếu trong ngày Tết của người Sán Dìu, đó là hát Sọong cô. Trong ngày mùng 1 Tết, tại sân đình, nhà văn hóa, các xóm thường tổ chức hát giao lưu. Làn điệu Sọong cô khi cất lên đều ca ngợi mùa Xuân, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người, họ cầu mong cho một năm mới với nhiều những điều tốt đẹp, con người, vạn vật được tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm, hạnh phúc.

Đặng Thị Quang

Từ khóa » Dân Tộc Sán Chay ở Tuyên Quang