Bảo Vật Quốc Gia Thời đại Hùng Vương - Báo Cần Thơ Online

Bảo vật Quốc gia là những hiện vật, nhóm hiện vật mang tính độc bản, hình thức độc đáo, có giá trị tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học… Với bề dày truyền thống lịch sử, đất cội nguồn Phú Thọ hiện có 4 Bảo vật Quốc gia thời đại Hùng Vương gồm: Trống đồng Đền Hùng; Bộ khoá đai lưng bằng đồng; Sưu tập Nha Chương và Tượng Mẫu Âu Cơ. Những bảo vật Quốc gia tại Phú Thọ chứa đựng giá trị khoa học quý giá và hơn hết, đó là minh chứng rõ ràng, chân thực về lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Báu vật Quốc gia tượng Mẫu Âu Cơ đang được thờ tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa.

Trống đồng Đền Hùng Trống đồng Đền Hùng được tìm thấy năm 1990 tại đồi Phân Ngùi, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì. Trống có đường kính mặt 93cm, đường kính đáy 94cm, cao 66cm, trọng lượng 90kg được làm bằng chất liệu đồng thau, thuộc loại Hêgơ I, nhóm C; đây là trống Đông Sơn có kích thước lớn nhất trong tổng số trống Đông Sơn đã biết ở Việt Nam và Đông Nam Á. Mặt trống được đúc dày, chính giữa là đĩa mặt trời, viền quanh đĩa mặt trời là 3 đường chỉ nối tạo thành 3 đường tròn đồng tâm, tạo ra 2 ô khoảng không ngăn cách với 9 vòng hoa văn trang trí. Thân trống được chia làm 3 phần, gồm: Tang trống tiếp giáp với mặt trống phình ra có đường kính 1m, cao 18,5cm, được trang trí bằng hình những hoa văn cách điệu nằm trong một vành hoa văn gồm 5 vành nhỏ theo thứ tự từ trên xuống. Lưng trống cao 27cm, đường kính 80cm, có 8 khung hình chữ nhật là những hình hóa trang cách điệu xen kẽ với các vành thẳng đứng. Chân đế phình hơn phần thắt, đường kính 98cm, phần tiếp giáp với phần thắt là 2cm, không có trang trí, rồi đến các vành tròn đồng tâm. Theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12/2013 về việc công nhận Bảo vật Quốc gia, Trống đồng Đền Hùng (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng) đứng thứ nhất trong danh sách 37 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia. Bộ khoá đai lưng bằng đồng

Bảo vật Quốc gia Bộ khoá đai lưng bằng đồng được khai quật tại Di chỉ khảo cổ học Làng Cả, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì năm 1976. Đây là hiện vật độc bản, lần đầu tiên và cũng là duy nhất đến hiện nay được tìm thấy ở Phú Thọ. Bộ khoá đai lưng bằng đồng có chiều dài 21,5cm, rộng 5,5cm, chất liệu đồng thau, màu xanh xám. Bộ khóa đai lưng gồm hai bộ phận, có cấu tạo gần giống nhau về hình dáng, song ở phần đầu của mỗi bộ phận lại khác nhau, một bên có hai vòng tròn kín, còn một bên có móc hở để móc vào vòng tròn kia. Mỗi bộ phận dài 12,5cm, khi hai bộ phận móc vào nhau tạo thành bộ khóa đai lưng đẹp mắt và độc đáo. Ở mặt ngoài của mỗi bộ phận là hình 4 con rùa cách điệu và xen lẫn là hoa văn xoắn ốc hình chữ S; ở bộ phận khóa có hai vòng tròn kín, phần đầu là hình con rùa nằm hai bên, chính giữa hình hai con rùa là hoa văn hình chữ S… Bộ khóa đai lưng là hiện vật tượng trưng cho quyền lực, gắn liền với Thủ lĩnh thời Hùng Vương. Theo Bảo tàng Hùng Vương (Khu DTLS Đền Hùng), Trống đồng Đền Hùng đi cùng với quyền lực, với thủ lĩnh, gắn liền với không gian quần thể di tích Hùng Vương - biểu trưng của dân tộc, Nhà nước đầu tiên của dân tộc. Bộ khóa đai lưng bằng đồng gắn hình rùa cũng là một trong những hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn và cũng được công nhận là một trong 37 Bảo vật Quốc gia đợt 2. Hai Bảo vật Quốc gia trên đều là hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 năm.

Sưu tập Nha Chương được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương.

Bộ sưu tập Nha Chương Bộ sưu tập Nha Chương gồm 4 chiếc, là hiện vật quý hiếm, sản phẩm của văn hóa Phùng Nguyên - giai đoạn đầu tiên trong quá trình hình thành và phát triển Nhà nước Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Đến nay, Sưu tập Nha Chương duy nhất chỉ được phát hiện tại vùng đất Phú Thọ - địa bàn quanh khu vực Đền Hùng - Kinh đô đầu tiên của Nhà nước Văn Lang, hiện trong cả nước chưa địa phương nào ở Việt Nam phát hiện hiện vật tương tự. Sự độc đáo của Sưu tập Nha Chương nằm ở chất liệu. Theo các nhà khảo cổ, đây là loại chất liệu đá ngọc (Nepherit), không có ở địa phương Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung. 4 Nha Chương hội tụ đầy đủ kỹ thuật chế tác đá như kỹ thuật ghè, đẽo, mài, cưa, khoan… nhưng được nâng lên ở trình độ tinh xảo, tạo nên một tuyệt phẩm mang tính biểu tượng cao nhất thời bấy giờ. Có thể khẳng định, đây là những vật phẩm bằng đá lớn nhất trong sưu tập đá của văn hóa Phùng Nguyên. Theo các nhà nghiên cứu, Nha chương như một biểu tượng quyền lực của nhà Vua và quyền uy Tù trưởng; chỉ xuất hiện và tồn tại trong văn hóa Phùng Nguyên kéo dài khoảng 500 đến 600 năm, cách ngày nay dưới 3.500 năm; là nguồn tư liệu lịch sử bằng hiện vật vô cùng giá trị, đại diện cho một thời kỳ lịch sử hết sức có ý nghĩa của dân tộc Việt Nam - Thời đại các Vua Hùng dựng nước.

Tượng Mẫu Âu Cơ Bảo vật Quốc gia Tượng Mẫu Âu cơ được tạc trên chất liệu gỗ mít, sơn son thếp vàng, là hiện vật gốc độc bản, hiện thờ tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, đây là một tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc nhất của thời đại dành cho phức hợp đình - đền - miếu ở Hiền Lương. Tượng Mẫu Âu Cơ mang sự khác biệt hoàn toàn về phong cách, bố cục, trang phục, hoa văn trang trí và kỹ thuật… so với những tượng Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ, thể hiện vị thế và tầm vóc của vị Quốc Mẫu, được triều đình nhà Nguyễn quan tâm cho phép tạo dựng, do đó bảo vật này chứa đựng nhiều yếu tố của nghệ thuật cung đình. Qua thần thái, trang phục và tư thế trên ngai vàng, Tượng Mẫu Âu Cơ phảng phất sự thiêng liêng, bí ẩn, tạo sự tôn kính đối với người chiêm bái, tạo khoảng cách vừa đủ để tôn giáo, tín ngưỡng đi vào cộng đồng trong mối giao cảm, hòa đồng. Đây là một đặc điểm khác biệt của tôn giáo, tín ngưỡng Việt mà Bảo vật Quốc gia Tượng Mẫu Âu Cơ có thể được xem là ví dụ điển hình. Các Bảo vật Quốc gia thời đại Hùng Vương tại Phú Thọ là những hiện vật hội tụ tinh hoa văn hóa của từng thời kỳ lịch sử, theo thông tin từ Phòng Quản lý di sản văn hoá (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch), hiện nay các Bảo vật Quốc gia được bảo vệ tại các địa phương, đơn vị khác nhau. Tùy thuộc vào chất liệu, tính chất của Bảo vật để có kế hoạch bảo vệ đặc biệt, một mặt đáp ứng các yêu cầu, điều kiện kỹ thuật bảo quản và trưng bày phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của cộng đồng, mặt khác gắn Bảo vật với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của địa phương, đơn vị để đời đời con cháu luôn nhớ về nguồn cội.

Theo Báo Phú Thọ

Từ khóa » Trống đồng Hy Cương