Suy Ngẫm Về Biểu Tượng Trống đồng Đông Sơn - Hải Quan Online

suy ngam ve bieu tuong trong dong dong son
Trống đồng Hoàng Hạ có kích thước lớn là một tiêu bản đặc biệt được xếp vào cùng nhóm trống đồng Ngọc Lũ, nhóm trống đặc trưng tiêu biểu nhất. Ảnh: ST

Hình mặt trời đó là biểu tượng cho Nữ thần Mặt trời, vị thần lớn nhất của xã hội mẫu hệ. Xã hội Việt cổ, từ thời Hùng Vương, qua thời An Dương Vương đến tận thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu là xã hội mẫu hệ, trong những hoàn cảnh đặc biệt, trở thành xã hội mẫu quyền.

Trong xã hội ấy, con cái sống theo mẹ, chỉ biết tổ tiên đằng mẹ và thừa kế tài sản của họ hàng bên mẹ. Con trai khi nhỏ ở với mẹ, khi lớn lấy vợ ở nhà vợ (như Trọng Thủy ở nhà Mị Châu). Mặt khác, đàn ông vẫn có thể là chủ của làng, vua của nước như Hùng Vương, An Dương Vương, dù ít nhiều chịu sự chi phối của mẹ hay chị em gái.

Đàn chim bay quanh mặt trời đó là loài cò trắng, đã bao đời luôn gắn bó với ruộng đồng nước Việt, trở thành một biểu tượng cho người mẹ Việt trong ca dao, dân ca. Loài chim ấy được học giả Đào Duy Anh gọi là chim Lạc, vật tổ của người Lạc Việt. Đúng vậy, nhưng nói cho rõ ràng đầy đủ hơn, đó chính là biểu tượng cho Bà Tổ Chim, sau trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng hóa thành Bà Tổ Âu Cơ của người Bách Việt. Rất có thể, các tên gọi Bạch Hạc của vùng đất Tổ, Mê Linh của quê Hai Bà Trưng có liên hệ cội nguồn với Bà Tổ Chim/ Cò Trắng đó.

Gắn với tín ngưỡng thờ Bà Tổ Chim ấy trên mặt các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ chúng ta thấy những người –chim, đội mũ hình đầu chim, cắm lông chim; ngôi nhà hình chim, các con thuyền hình chim, những dải hoa văn chữ S gắn với các đường tròn đồng tâm có chấm thể hiện đầu hay mắt chim, các mô típ chữ S gấp khúc cách điệu hình chim bay...

Trong khi đó, biểu tượng cho Ông Tổ Rồng hay Lạc Long Quân là hình đầu cá sấu (giao long) trên đầu các con thuyền trên trống Ngọc Lũ, hình cá sấu trên trống Phú Xuyên, hình rái cá trên trống Miếu Môn, hình ếch trên trống Hi Cương, hình rùa trên trống Bình Yên… Tất cả đều là các biểu tượng của nước, những hiện thân khác nhau của Thần Nước, sau được gọi chung là Rồng.

Gắn với tín ngưỡng thờ Ông Tổ Rồng ấy là ngôi nhà mái cong lồi hình rùa, ngôi nhà dành riêng cho các chàng trai-đàn ông trong làng, cũng là nhà làng, tạo thế cân bằng với ngôi nhà chim –nhà ở riêng của các gia đình mẫu hệ. Ngôi nhà đó chính là tiền thân của ngôi đình Việt, sau này là sự tổng hòa hai dạng nhà chim-rồng Đông Sơn với các đầu đao cong vút bên ngoài và bộ vì kèo kẻ chuyền cong lồi bên trong.

Gắn với tín ngưỡng Bố Rồng- Mẹ Chim ấy, là con thuyền tổng hòa hình rồng-chim trên các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ. Đó là các con thuyền hồn đưa hồn người chết về vùng đất Tổ; là tiền thân của các con thuyền hồn bằng giấy hay đèn hoa thả trên sông ra biển trong các lễ cầu siêu thoát cho người chết và tốt lành cho người sống ngày nay.

Trong truyền thuyết, Hùng Vương là con cả trong số 100 người con của Lạc Long- Âu Cơ theo mẹ lên núi. Chữ Hùng 雄chỉ vua Hùng có bộ Chuy chỉ chim mẹ. Xét hai chữ Hồng Bàng, chữ Hồng 鴻 chỉ một loài chim nước, tên Việt là giang, tên Hán- Việt là hồng hay hồng hạc; chữ Bàng龐chỉ một loài rồng.

Như vậy, tên gọi Hồng Bàng chỉ những người có dòng dõi Chim- Rồng, phù hợp với tín ngưỡng Bà Tổ Chim Âu Cơ- Ông Tổ Vua Rồng Lạc cũng như với các cách gọi “Con Lạc- cháu Hồng”, “Con Rồng-cháu Tiên” của người Việt bao đời.

Trong tục hát Xoan, một di sản vùng đất Tổ, các cô gái đội khăn mỏ quạ, mặc áo dài, đôi tay múa dẻo. Tấm khăn mỏ quạ đó chính là biến thể của chiếc mũ hình đầu chim thời Đông Sơn. Tên gọi “khăn mỏ quạ” bắt nguồn từ màu khăn đen và dáng khăn như mỏ chim. Đôi tay lúc xòe lúc uốn gợi về điệu múa chim xưa. Trong nữ phục quan họ Bắc Ninh, khăn mỏ quạ lại đi cùng với chiếc nón thúng quai thao hình mặt trời và chiếc áo tứ thân tha thướt như cánh chim, tất cả mang thần thái của những người-chim trên trống đồng. Đối ứng với khăn mỏ quạ, rất có thể, dạng khăn xếp đội đầu của nam giới Việt sau này là dấu tích của dạng khăn mô phỏng dáng cuộn mình hay đuôi hình xoáy ốc của Ông Tổ Rồng(cá sấu/rắn).

Đặc biệt, trên trống sớm Ngọc Lũ, Hoàng Hạ có hình những người đang đánh trống đồng theo kiểu giã gạo, tương tự cách đánh trống đồng của người Mường như từng thấy trong lễ hội Đền Hùng. Đó là hai bằng chứng khảo cổ và dân tộc học cho thấy nguyên mẫu chính của trống đồng Đông Sơn là chiếc cối giã gạo lưng eo, một công cụ, một nhạc cụ, cũng là một biểu tượng của người đàn bà, của sức mạnh sinh sôi nảy nở và sự no ấm.

Càng ngắm càng so sánh càng suy ngẫm, chúng ta càng hiểu vì sao, trong lịch sử, trống đồng Đông Sơn (còn gọi là trống Heger I) và hậu duệ của chúng (các dạng trống Heger II, III, IV) từng được coi là “ngôi nhà” của tổ tiên trong hội lễ; tiếng trống đồng là tiếng nói của tổ tiên; hình dáng và hoa văn trống là các biểu tượng của tổ tiên.

Cần nhấn mạnh rằng, đất nước ta, từ Văn Lang xưa đến Việt Nam nay, luôn là một nước của nhiều tộc người cùng khối Bách Việt. Trống đồng, dù có tên gọi thế nào, luôn là một tài sản chung của người Bách Việt thời Đông Sơn và của nhiều tộc người ở các thời sau. Vì thế, nhiều biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn cũng là gốc của nhiều biểu tượng văn hóa các tộc người ở Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á. Ví dụ, chị em của dạng khăn mỏ quạ Việt có thể thấy ở người Tày, Thái Đen; anh em của đình Việt là nhà rông Ba Na, nhà Gươl Katu...

Với tâm thức đó, ngẫm suy về các biểu tượng trên trống đồng, chúng ta thành kính hướng tâm về Lễ Giỗ Tổ Vua Hùng - Quốc Lễ Việt Nam.

Trống đồng Đông Sơn được phát hiện tại Malaysia hơn 2.000 năm tuổi

suy ngam ve bieu tuong trong dong dong son

Các nhà khoa học Malaysia nhận định 8 chiếc trống đồng Đông Sơn, được phát hiện tại một số địa điểm quanh bán đảo Malaysia, đã lưu lại tại nước này trong thời gian giao thương từ năm 500 trước Công nguyên đến năm 500 sau Công nguyên. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Adnan Jusoh, giảng viên Khoa Khoa học-xã hội và nhân văn, lịch sử của Đại học Pendidikan Sultan Idris, cho biết ước tính trên được đưa ra dựa trên nghiên cứu ông bắt đầu thực hiện vào năm 2002 thông qua phân tích các họa tiết trên trống. Theo Tiến sỹ Adnan Jusoh, nhiều họa tiết trang trí khác nhau trên mặt trống và xung quanh chiếc trống được cho là có liên quan đến hệ thống văn hóa-xã hội của cộng đồng thời điểm đó. Chiếc trống đồng Đông Sơn được phát hiện đầu tiên ở Sungai Tembeling, bang Pahang vào năm 1926. 4 chiếc khác được tìm thấy ở bang Selangor, trong khi 3 chiếc còn lại được phát hiện ở bang Terengganu. Trống đồng Đông Sơn, có nguồn gốc từ Việt Nam, là loại trống tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn (năm 700 trước Công nguyên - 100) và nền văn minh sông Hồng của người Việt cổ thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang. Trống đồng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của văn hóa dân tộc Việt Nam. T.Hằng

Từ khóa » Trống đồng Hy Cương