Bảo Vệ Và Sống đúng Phẩm Giá Con Người
Có thể bạn quan tâm
CÔNG NGHỊ TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI NĂM 2022
BẢO VỆ VÀ SỐNG ĐÚNG PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Giuse Nguyễn Văn TrìnhThạc sĩ tâm lýWGPHN (04.6.2022) - Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng và cổ võ sự phát triển con người toàn diện, đó là cùng nhau bảo vệ và sống đúng với phẩm giá con người. Vì thế, trong bài tham luận này, con xin trình bày về phẩm giá con người theo Giáo Huấn của Giáo Hội, và nói lên những thao thức làm sao để người Kitô hữu tại TGP Hà Nội luôn bảo vệ và sống đúng phẩm giá con người, cụ thể là bảo về quyền sống, quyền tự do, và quyền được giáo dục trong xã hội hôm nay.
1. Phẩm giá con người là gì? Người Kitô hữu làm gì để bảo vệ, nâng cao và sống đúng phẩm giá đó?
Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Thiên Chúa đã phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26). Quả thật, “Thiên Chúa Sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (St 1,27)
Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thân xác là đền thờ Chúa Thánh Thần, được mời gọi để sống hiệp thông với Ngài, có khả năng lắng nghe và đáp lại lời Ngài. Đó chính là phẩm giá của con người. Phẩm giá con người trong con mắt Thiên Chúa là nền tảng phẩm giá của họ trong con mắt của loài người, và của chính họ. Đây là nền tảng của sự bình đẳng cơ bản và tình huynh đệ giữa mọi người, bất luận chủng tộc, quốc gia, phái tính, nguồn gốc, văn hóa và giai cấp xã hội. Đây là lý do tại sao không một người nào có thể sử dụng người khác như là những đồ vật. Ngược lại, mọi người phải được tôn trọng và đối xử như một người với đầy đủ phẩm giá, nhân vị và tự do. Đồng thời, mỗi người phải chịu trách nhiệm về chính mình, về những chọn lựa và hành vi của chính mình.
Chính do phẩm giá của con người trước mắt Thiên Chúa mà con người có quyền lợi và nghĩa vụ tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình. Vì vậy, tất cả chúng ta phải coi mình là một giá trị cho chính bản thân mình, và có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe của chính mình. Đồng thời, chính do phẩm giá của mỗi người trước mặt Thiên Chúa mà chúng ta có nghĩa vụ yêu thương đồng loại như chính mình.
Theo từ điển Tiếng Việt: Phẩm giá là giá trị riêng của con người. Phẩm giá con người thể hiện qua thái độ và hành vi ứng xử của cá nhân trong các mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, mang giá trị về mặt văn hoá đạo đức trong lối sống của mỗi người.
Để bảo vệ, nâng cao và sống đúng phẩm giá con người, người Kitô hữu được mời gọi, Trước tiên, luôn ý thức mình, và người khác đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Là người Kitô hữu, luôn ý thức mình là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Như vậy, mỗi người phải luôn rèn luyện, học hỏi, trau rồi kiến thức về phẩm giá, về con người, về ước mơ của Thiên Chúa cho con người, để sống hoàn thiện hơn mỗi ngày, sống đúng với phẩm giá của mình. Đồng thời cũng phải giới thiệu giáo Huấn của Giáo Hội cho thế giới hôm nay, để giúp người khác sống đúng với phẩm giá của mình. Cách cụ thể trong xã hội hôm nay, phải cùng nhau bảo vệ sự sống, bảo vệ quyền do và quyền được giáo dục.
2. Quyền sống – người Kitô hữu bảo vệ sự sống trong xã hội hôm nay
Quyền sống là quyền cơ bản, tự nhiên của con người. “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện.” (Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị ICCPR)
Sự sống của con người là linh thiêng và bất khả xâm phạm, vì trên khuôn mặt của mỗi người đều phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 9,6). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo đã dạy: “Sự sống con người, ngay từ lúc tượng thai, phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, các thụ tạo nhân linh phải được nhìn nhận có các quyền lợi của một nhân vị, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phậm của mọi thụ tạo vô tội.” (số 2270). Thiên Chúa là Chúa của sự sống. Mỗi người đều có quyền sống, và sự sống của họ được tôn trọng và bảo vệ từ lúc thụ thai trong lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt ra khỏi thế gia này.
Một trong những tội ác vi phạm quyền sống của con người là phá thai. Hiện nay, chúng ta thấy rằng, tình trạng phá thai đang diễn ra một cách đáng lo ngại. Theo số liệu thống kê trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.
Số liệu trên cho thấy việc cướp quyền sống của các thai nhi hiện nay là tội ác đáng báo động. Nhiều trường hợp dù thai đã lơn mà vẫn đi phá bỏ, dẫn đến nguy cơ thập tử nhất sinh đối với người mẹ, có cả trường hợp tử vong… Vậy chúng ta phải làm gì để ngăn chặn tình trạng đáng báo động này?
Trước tiên, mỗi Kitô hữu phải luôn ý thức, đồng thời giáo dục con cái mình ý thức cách rõ ràng: “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý.” (GLHTCG số 2271).
Đồng thời, người Kitô hữu cũng có trách nhiệm nói lên tiếng nói chống lại tình trạng phá thai bằng mọi cách có thể. Hãy chỉ cho xã hội và mọi người biết phá thai là một tội ác giết người, hơn nữa là giết chính con cái của mình. Nên chăng, có những tháng dành riêng để cầu nguyện cho việc bảo vệ sự sống, chấm dứt phá thai, và có những hành động cụ thể để chấm dứt tình trạng này.
Để ngăn ngừa tình trạng phái thai, chúng ta cần góp phần xây dựng một xã hội theo nếp sống luân lý Kitô giáo, xây dựng nền văn hoá của tình yêu và sự sống, để đẩy lùi lối sống vô luân và buông thả theo tính xác thịt.
3. Quyền Tự do – Sống tự do là Con Thiên Chúa và góp phần bảo vệ quyền tự do trong xã hội
Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã khẳng định, “tự do là khả năng, bắt nguồn từ lý trí và ý chí, có thể hành động hay không hành động, có thể làm việc này hoặc việc khác, và như vậy, tự mình làm những hành động có ý thức. Nhờ có ý chí tự do, mỗi người tự quyết định về chính bản thân mình.” (số 1731)
Mỗi người sinh ra, tự bản chất đều có quyền tự do để chọn lựa và hành động theo ý mình. Đồng thời, vì có tự do, con người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Thế nên, nếu con người làm dụng tự do, hoặc dùng tự do để chọn lựa làm những điều sai trái, để chạy theo những thôi thúc bản năng mù quáng, hoặc là để áp lực bên ngoài chi phối, thì chính con người sẽ đánh mất tự do và trở nên nô lệ cho bản năng hoặc cho những thế lực bên ngoài. Sự tự do đích thực chỉ có khi con người hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa. “Con người chắc chắn có tự do bao lâu con người hiểu biết và chấp nhận giới răn của Chúa.” (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 136)
Một trong những quyền tự do bất khả xâm phạm của con người là quyền tự do tôn giáo. Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã khẳng định: “Quyền tự do tôn giáo bắt nguồn trong chính phẩm giá con người, không được bỏ qua và cũng không được bỏ quên bản chất siêu việt của phẩm giá ấy.” (Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới, năm 2011, số 2) Do đó, mọi người Kitô hữu có quyền sống tự do là Con Thiên Chúa, có quyền sống, thực hành, tuyên xưng và loan báo Đức Tin của mình. “Mọi người được tự do tuyên xưng tôn giáo hoặc niềm tin của mình, và sống tình yêu của mình cho Thiên Chúa với tất cả trái tim, tất cả tâm hồn và với tất cả tinh thần (x. Mt 22, 37). (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới, năm 2011, số 1).
Vì thế, không một thể chế chính trị nào, không một chính quyền nào, không một luật pháp dân sự nào được phép xúc phạm đến quyền tự do, nhất là quyền tự do tôn giáo của con người. Hơn nữa, mọi thể chế chính trị, chính quyền và luật pháp dân sự phải có những hành động cụ thể để bảo vệ và giúp người dân sống tự do đúng phẩm giá của mình, nhất là quyền tự do tôn giáo.
Mỗi người Kitô hữu càng phải ý thức và sống đúng với tự do theo phẩm giá của mình. Đồng thời giúp anh chị em của mình sống theo tự do đích thực. Đó là sự tự do sống theo lương tâm luân lý và luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã thiết định trong lương tâm con người. “Khi thực hành tự do, con người thực hiện những hành vi tốt về mặt luân lý, có giá trị xây dựng con người và xã hội, nếu con người biết tuân theo sự thật, nghĩa là không tự coi mình là tạo hoá và là chủ nhân tuyệt đối của sự thật hay các chuẩn mực đạo đức. … chúng ta có tự do của con người trong tư cách là thụ tạo; đó là tự do được ban cho như một quà tặng, con người đón nhận tự do như nhận một hạt giống mà mình có bổn phận phải gieo trồng với tinh thần trách nhiệm. Còn nếu ngược lại thì tự do sẽ chết, đồng thời huỷ hoại con người và xã hội.” (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, số 138)
4. Quyền được giáo dục – người Kitô thực thi quyền giáo dục và góp phần thúc đẩy xã hội chăm lo giáo dục cho người dân
“Giáo dục – trong tiếng latinh là educere – nghĩa là dẫn ra khỏi bản thân để đưa vào thực tại, hướng đến sự toàn vẹn làm cho nhân vị được lớn lên. (Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, sứ điệp nhân ngày Hoà bình Thế giới, năm 2022)
Quyền được giáo dục vừa là một yếu tố có tác dụng tăng cường quyền con người cho mọi cá nhân, vừa là điều kiện không thể thiếu để thực hiện các quyền con người khác và đảm bảo phẩm giá con người. Quyền được giáo dục còn là phương tiện quan trọng nhất mà nhờ đó, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội có thể tự mình thoát ra khỏi tình trạng nghèo đói và tham gia đầy đủ vào cộng đồng. Đối với xã hội, quyền được giáo dục là nền tảng cho sự phát triển của kinh tế – xã hội và nhân loại, đồng thời là yếu tố then chốt để đạt được hòa bình lâu dài và phát triển bền vững.
Giáo dục trước tiên từ trong gia đình, nên mọi bậc cha mẹ, nhất là các Kitô hữu phải ý thức và có trách nhiệm lo cho con cái được giáo dục toàn diện với tất cả tình yêu thương. Giáo dục Đức Tin và những nếp sống nhân bản cho con cái vươn tới sự trưởng thành toàn diện.
Giáo Hội, cụ thể là các giáo xứ, cũng cần chú tâm tới hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục Đức Tin và nhân bản cho mọi thành phần trong giáo xứ, đặc biệt là trẻ em và vị thành niêm.
Người Kitô hữu cũng tích cực tham gia vào công tác giáo dục xã hội và góp phần thúc đẩy xã hội có trách nhiệm lo cho mọi người được hưởng nền giáo dục chân chính đích thực, góp phần giúp mỗi người sống trọn vẹn phẩm giá con người của mình.
Các Kitô hữu cũng tích cực học hỏi các kiến thức về xã hội, văn hoá, lịch sử và nhân bản…giúp bản thân phát triển nhân cách một cách toàn diện, luôn sống chứng nhân Tin Mừng giữa lòng thế giới…và luôn quan tâm hướng dẫn con em mình được học hỏi và tham gia vào các việc bác ái xã hội…
Đối với chính quyền dân sự, cần phải ý thức trách nhiệm lo cho mọi người dân được hưởng một nền giáo dục toàn diện, chân thực, thực tiễn, không chỉ chú tâm vào mặt kiến thức, nhưng là thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, trong đó đặc biệt chú tâm tới các giá trị về văn hoá và tôn giáo.
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
Từ khóa » đạo đức Phẩm Giá Là Gì
-
Nhân Phẩm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phẩm Giá Là Gì ? Khái Niệm Phẩm Giá Con Người được Hiểu Như Thế ...
-
Bàn Về "Đạo Đức Phẩm Giá" Và "Đạo Đức Tính Cách" - Sống Giá Trị
-
Phẩm Giá Là Gì? - Ngân Hàng Pháp Luật
-
Đánh Mất Nhân Cách, Phẩm Giá Là đánh Mất Mình
-
Từ điển Tiếng Việt "phẩm Giá" - Là Gì?
-
Phẩm Chất đạo đức Là Gì? Những Phẩm Chất đạo đức Cơ Bản Của ...
-
Tìm Hiểu Nội Dung 4 Phẩm Chất đạo đức “Tự Tin - Tự Trọng - Trung Hậu
-
Phẩm Giá Con Người Trong Truyền Thông đại Chúng
-
Phẩm Giá Con Người Trong Triết Học Kant - SimonHoaDalat
-
Con Người Phẩm Giá Con Người Lương Tri Là Gì
-
Định Nghĩa: Danh Dự Và Phẩm Giá Con Là Gì - ATOMIYME.COM
-
Khái Niệm Phẩm Chất đạo đức - VỤ GIA ĐÌNH
-
Dạy Con Giữ Gìn Phẩm Giá, Giữ Gìn Phẩm Giá Cho Con - Trí Thức VN