Bệnh Dại Là Gì? - TRẠM Y TẾ PHƯỜNG AN PHÚ

Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là bệnh gây ra bởi virus dại (Rabies virus). Đây là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây truyền bởi chất tiết, thông thường do vết cắn, vết liếm của động vật mắc dại. Nước dãi của động vật bị dại cũng có thể truyền bệnh dại với người nếu tiếp xúc với mắt, miệng hoặc mũi. Chó là động vật bị dại phổ biến nhất. Hơn 99% các trường hợp mắc bệnh dại thường là do chó cắn.

Thời gian từ khi mắc bệnh và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng thường là 10 ngày đến 3 tháng, hy hữu có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào khoảng cách virus từ vết cắn di chuyển dọc theo dây thần kinh ngoại biên để đến hệ thần kinh trung ương.

Bệnh dại: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả

Triệu chứng của bệnh dại

Bệnh dại khi phát sẽ có 2 thể chính bao gồm thể viêm não và thể liệt:

Thể viêm não: Triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và sẽ tử vong nhanh chóng

Thể liệt: Xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.

Trong một số trường hợp, người bị chó cắn vì quá lo sợ nên đã ám ảnh mình bị dại và sinh ra nhiều biểu hiện, hành động và âm thanh khác thường. Đó là những trường hợp được cho là giả dại. Trên thực tế, người bị dại sẽ hoàn toàn tỉnh táo cho đến lúc chết chứ không hề điên dại.

Bệnh dại lây truyền như thế nào?

Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.

Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Mỗi ngày, virus dại di chuyển được “đoạn đường” từ 12-24mm. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.

Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Bệnh dại: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh dại có lây truyền từ người sang người?

Mặc dù hiếm gặp nhưng Y khoa đã ghi nhận trường hợp bệnh dại lây truyền trực tiếp từ người sang người. Các nguy cơ lây nhiễm từ người sang người chủ yếu thông qua vùng da bị tổn thương, qua niêm mạc, do sử dụng chung đồ ăn, vật dụng có nhiễm nước bọt của người mắc dại. Tuy nhiên, việc lây nhiễm dại từ người sang người không phổ biến, chủ yếu trong số đó thông qua các ca ghép tạng.

Chó cắn là mắc dại?

Người bị chó cắn nếu không tiêm phòng sẽ có thể phát bệnh dại. Không phải 100% người bị chó cắn đều bị dại. Nguy cơ nhiễm dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm con vật có bị dại hay không, lượng virus trong nước bọt của con vật nhiều hay ít, vết thương nông hay sâu, có vệ sinh sát khuẩn vị trí tổn thương kịp thời ngay sau khi bị chó cắn hay không… Tiêm phòng dại ngay sau bị chó cắn vẫn là biện pháp phòng tránh và bảo vệ hiệu quả nhất.

Nên làm gì ngay sau bị chó dại cắn?

ThS.BS Bùi Ngọc An Pha nhấn mạnh, khi bị chó cắn dù là chó lành hay chó dại cũng cần xử trí theo các bước sau:

Bước 1: Vệ sinh vết thương:

  • Cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.
  • Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn.

Bước 2: Băng bó vết thương

  • Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.

Bước 3: Tiêm phòng.

  • Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng dại ngay sau bị chó cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp.

Bên cạnh đó, ThS.BS Bùi Ngọc An Pha cũng đặc biệt lưu ý, để đảm bảo xử lý đúng phương pháp khi bị chó cắn, người bệnh không nên làm những điều sau:

  • Không đắp, sát bất cứ loại lá nào lên vết thương.
  • Không chữa dại bằng thuốc Đông, thuốc Nam hoặc thuốc lá.
  • Không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày.

Xem thêm: 5 quan niệm sai lầm về bệnh dại

Nên tiêm vắc xin phòng dại loại nào?

Hiện nay tại Việt Nam đang có 2 loại vắc xin phòng dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Đây đều là những loại vắc xin được sản xuất theo công nghệ mới, cải thiện vượt bậc so với các loại vắc xin phòng dại thế hệ cũ. Vắc xin dại đều đã được kiểm định an toàn, khẳng định khả năng đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều.

Tất cả các loại vắc xin dại hiện tại đều an toàn, cho đến nay, thế giới vẫn chưa ghi nhận những biến cố bất lợi nghiêm trọng nào sau tiêm chủng vắc xin dại.

Bệnh dại: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả

Lịch tiêm vắc xin dại

Phác đồ tiêm phòng dại trước khi phơi nhiễm (chưa bị cắn)

  • Tiêm ngừa cơ bản: Tiêm bắp 3 mũi (0.5ml/liều) vào các ngày 0, 7 và 28.
  • Tiêm nhắc lại: Sau 1 năm, 5 năm tiêm lại một lần.

Tiêm ở bắp, phác đồ tiêm phòng dại khi đã xác định có phơi nhiễm (đã bị cắn)

  • Người chưa tiêm dự phòng: Tiêm 05 mũi (0.5ml/liều) vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28. Trong trường hợp phơi nhiễm độ III, cần phối hợp tiêm Immunoglobulin dại kết hợp.
  • Người đã tiêm dự phòng trong 5 năm gần đây: Tiêm 02 mũi vào ngày 0 và 3.
  • Người đã tiêm dự phòng không đều hay quá 5 năm: Tiêm 05 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28 và có thể tiêm thêm Immunoglobulin.

Tiêm trong da, phác đồ tiêm phòng dại, liều 0.1ml vacxin hoàn nguyên như sau

  • Người chưa tiêm dự phòng: Tiêm 4 mũi: tiêm ở vị trí hai bên chi khác nhau, mỗi bên liều lượng 0.1 ml, vào các ngày 0, 3, 7 và 28.
  • Người đã tiêm dự phòng: Tiêm 0.1ml vào các ngày 0 và 3.
  • Kỹ thuật tiêm trong da phải được thực hiện đúng, tránh tiêm dưới da.
  • Phải dùng bơm kim tiêm riêng để tránh lây nhiễm.
Trạm Y tế Phường An PhúNguồn tin : Nguồn VNVC

Từ khóa » Vi Khuẩn Gây Bệnh Dại