Đặc điểm Virus Gây Bệnh Dại - Bệnh Viện Vinmec - Suckhoe123

2.1 Virus dại sống được trong điều kiện nào?

Virus dại (Rhabdovirus) gây bệnh dại ở động vật và người là loại virus thuộc giống Lyssavirus, họ Rhabdoviridae. Virus dại có hình quả trứng hoặc hình viên đạn (một đầu tròn, một đầu dẹt), chiều dài trung bình 100-300 nm, đường kính 70-80 nm. Bộ gen di truyền của virus dại là ARN.

Virus dại có thành phần gồm: 67% protein, 26% lipid, 3% carbohydrate và 1% ARN. Có 2 chủng virus dại là virus dại đường phố (virus dại tồn tại trên động vật bị bệnh) và virus dại cố định (cố định thời gian ủ bệnh trên thỏ).

Ở nhiệt độ thường, virus dại có thể sống được 1 - 2 tuần. Vì vậy, các đồ dùng có dính nước bọt của động vật bị dại hoặc nước bọt của người mắc bệnh dại rất nguy hiểm. Ở nhiệt độ 4°C, virus dại có thể sống được nhiều tháng. Trong điều kiện đông khô hoặc - 80°C, virus dại có thể tồn tại rất lâu. Ở 60°C, virus dại chết sau 5 phút và ở điều kiện 100°C, virus dại chết sau 1 phút. Virus dại bị bất hoạt nhanh trước các tác nhân như tia cực tím, cồn iod, xà phòng, cloramin 5%, formol 0,05%,...

2.2 Khả năng gây bệnh của virus dại

Đường lây: Virus dại thường đi từ nước bọt của động vật gây bệnh hoặc người bị bệnh vào động vật và người khác qua vết cắn, đôi khi là vết cào xước có dính nước bọt hoặc qua vết liếm của động vật lên vùng da bị trầy xước. Ngoài ra, virus dại có thể lây truyền từ người sang người thông qua việc cấy ghép giác mạc hoặc các nội tạng khác (hiếm gặp)

Đường đi của virus trong cơ thể: Từ vết cắn, virus dại phát triển từ lớp trong cùng cả mô dưới da hoặc từ cơ bắp tiến vào các dây thần kinh ngoại biên. Virus tiếp tục di chuyển dọc theo các dây thần kinh lên não, gây tổn thương cho tế bào thần kinh ở vùng sừng Amon, ở hành tủy. Tốc độ di chuyển của virus ước tính là 12- 24mm/ngày. Từ hệ thần kinh trung ương, virus dại đi theo dây thần kinh tới tuyến nước bọt, gây ô nhiễm tuyến nước bọt, dịch não tủy, giác mạc, các tuyến nhầy ở mũi và da. Người bị nhiễm virus dại có những thay đổi hành vi và biểu hiện lâm sàng khi virus bắt đầu xâm nhập não bộ.

Từ khóa » Vi Khuẩn Gây Bệnh Dại