Bệnh Rung Nhĩ - Dấu Hiệu, Triệu Chứng Và Cách điều Trị - Hello Doctor

Các cơn rung nhĩ có thể đến rồi đi hoặc kéo dài dai dẳng và cần phải được điều trị. Mặc dù rung nhĩ thường không đe dọa tới tính mạng nhưng nó vẫn là một bệnh nghiêm trọng đôi khi cần phải điều trị khẩn cấp.

1. Bệnh rung nhĩ là gì

2. Triệu chứng của bệnh rung nhĩ

  • Khi nào nên đi khám bác sĩ

3. Nguyên nhân gây ra bệnh rung nhĩ

  • Yếu tố nguy cơ gây bệnh rung nhĩ

4. Biến chứng của bệnh rung nhĩ

5. Điều trị bệnh rung nhĩ

  • Chuẩn bị trước khi đi khám
  • Chẩn đoán
  • Điều trị
  • Thay đổi lối sống và biện pháp khắc phục

6. Phòng chống bệnh rung nhĩ

7. Bác sĩ điều trị

8. Chia sẻ của bệnh nhân

1. Bệnh rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ là tình trạng nhịp tim nhanh và không đều, có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và các biến chứng khác có liên quan tới tim.

Trong cơn rung nhĩ, 2 buồng nhĩ ở trên của tim đập loạn nhịp và không đều, không phối hợp được với 2 buồng tâm thất ở dưới. Các triệu chứng của rung nhĩ bao gồm tim đập nhanh, khó thở và yếu mệt. Điều trị rung nhĩ bằng cách dùng thuốc và dùng các kĩ thuật can thiệp vào hoạt động điện của tim.

2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh rung nhĩ

Một số người bị rung nhĩ nhưng không có bất kì triệu chứng nào và không biết mình bị rung nhĩ cho tới khi phát hiện ra trong quá trình khám sức khỏe tổng quát. Những người có các triệu chứng rung nhĩ có thể có các dấu hiệu sau:

  • Tim đập nhanh, khó chịu, cảm giác như đang chạy đua, nhịp tim bất thường
  • Yếu mệt
  • Giảm khả năng hoạt động thể chất
  • Mệt mỏi
  • Lâng lâng hoặc chóng mặt
  • Lú lẫn
  • Khó thở, đau ngực

Các loại rung nhĩ có thể xảy ra:

  • Rung nhĩ thỉnh thoảng xuất hiện: trong trường hợp này gọi là rung nhĩ kịch phát. Các triệu chứng có thể xuất hiện rồi biến mất, kéo dài khoảng vài phút tới vài giờ rồi sau đó tự biến mất.
  • Rung nhĩ dai dẳng: với kiểu rung nhĩ này, nhịp tim của bạn không thể tự trở về bình thường được. Nếu bạn mắc rung nhĩ dai dẳng, bạn sẽ cần điều trị bằng cách sốc điện hoặc dùng thuốc để khôi phục nhịp tim bình thường.
  • Rung nhĩ liên tục kéo dài: kiểu rung nhĩ này liên tục và kéo dài hơn 12 tiếng.
  • Rung nhĩ vĩnh viễn: ở kiểu rung nhĩ này, nhịp tim bất thường không thể khôi phục được. Bạn sẽ bị rung nhĩ suốt đời và phải dùng thuốc để kiểm soát nhịp tim của bạn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kì triệu chứng nào đã kể trên, hãy đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho bạn làm điện tâm đồ để xác định xem các triệu chứng của bạn có liên quan tới rung nhĩ hay liên quan tới một rối loạn nhịp tim khác.Nếu bạn bị đau ngực, hãy tới trung tâm y tế gần nhất ngay lập tức. Đau ngực có thể là dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim.

Bác sĩ tham vấn thông tin:

✍ Các bác sĩ Tim Mạch Hello Doctor

Gọi Bác sĩ

Chat Bác sĩ trên Facebook

3. Nguyên nhân gây ra bệnh rung nhĩ

Rung nhĩ là tình trạng tim đập nhanh và không theo nhịp, xảy ra do 2 buồng tâm nhĩ bị rối loạn hoạt động điện.

Tim của bạn có bốn buồng tim – 2 buồng nhĩ ở trên và 2 buồng thất ở dưới. Trong buồng nhĩ phải có một nhóm các tế bào gọi là nút xoang. Đây là máy phát nhịp tự nhiên của tim bạn. Nút xoang tạo ra xung động điện để bắt đầu một nhịp đập của tim.

Thông thường, xung động điện đi qua 2 buồng nhĩ trước, sau đó mới truyền xuống đường dẫn nằm giữa 2 buồng thất gọi là nút nhĩ thất. Khi xung động điện truyền từ nút xoang sang nút nhĩ thất thì tâm nhĩ bắt đầu co, đẩy máu từ buồng nhĩ xuống buồng thất ở bên dưới. Khi xung động điện truyền từ nút nhĩ thất xuống buồng thất, nó kích thích buồng thất co, đẩy máu từ tâm thất đi khắp cơ thể.

Khi rung nhĩ, buồng nhĩ phải chịu các xung động điện hỗn loạn, kết quả là tâm nhĩ rung lên. Nút nhĩ thất – chỗ nối giữa tâm nhĩ và tâm thất – bị tấn công bởi các xung động điện đang cố truyền xuống buồng thất.

Buồng thất lúc này cũng đập nhanh hơn nhưng không nhanh bằng buồng nhĩ do các xung động điện không truyền xuống dưới được, kết quả là nhịp tim nhanh và không đều. Nhịp tim trong rung nhĩ dao động từ 100 – 175 lần/phút, ở người bình thường nhịp tim trung bình 60 – 100 lần/phút.

Các nguyên nhân có thể gây rung nhĩ

Các bất thường hoặc tổn thương cấu trúc của tim là các nguyên nhân hay gặp nhất gây ra rung nhĩ, bao gồm:

  • Tăng huyết áp
  • Nhồi máu cơ tim
  • Van tim bất thường
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Mắc bệnh cường giáp hoặc mất cân bằng chuyển hóa trong cơ thể
  • Tiếp xúc với chất kích thích như thuốc, caffeine, thuốc lá hoặc rượu bia
  • Hội chứng nút xoang bệnh – nút tạo nhịp tự nhiên của tim hoạt động yếu kém
  • Bệnh phổi
  • Phẫu thuật tim trước đó
  • Nhiễm trùng
  • Căng thẳng do phẫu thuật hoặc các bệnh lý khác
  • Chứng ngưng thở khi ngủ

Tuy nhiên một vài người bị rung nhĩ không có bất kì tổn thương nào ở tim, gọi là rung nhĩ đơn. Nguyên nhân gây ra kiểu rung nhĩ này hiện vẫn chưa được tìm ra và các biến chứng nguy hiểm thường hiếm gặp.

Cuồng nhĩ

Cuồng nhĩ giống rung nhĩ nhưng nhịp nhĩ có tổ chức và ít loạn hơn rung nhĩ. Đôi khi cuồng nhĩ phát triển từ rung nhĩ và ngược lại.

Yếu tố nguy cơ cũng như triệu chứng và nguyên nhân gây ra cuồng nhĩ cũng giống với rung nhĩ. Ví dụ như các cơn đột quỵ cũng là một mối lo lắng ở người mắc chứng cuồng nhĩ. Cũng như rung nhĩ, cuồng nhĩ không quá đe dọa tính mạng vì nó có thể chữa trị được.

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ

Các yếu tố nhất định có thể gia tăng nguy cơ phát triển rung nhĩ, bao gồm:

  • Tuổi: càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc rung nhĩ càng tăng
  • Bệnh tim: bất kì ai có bệnh tim như bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, suy tim sung huyết, bệnh động mạch vành hay có tiền sử bị nhồi máu cơ tim hay phẫu thuật tim
  • Tăng huyết áp, đặc biệt nếu không được kiểm soát tốt bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc
  • Các bệnh mãn tính khác như bệnh tuyến giáp, chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chuyển hóa, bệnh đái tháo đường, bệnh thận mạn hay bệnh phổi
  • Dùng rượu bia: ở một số người, uống rượu bia có thể kích hoạt cơn rung nhĩ, đặc biệt uống nhiều có thể làm bạn có nguy cơ mắc rung nhĩ cao hơn nữa.
  • Béo phì
  • Tiền sử gia đình

4. Tác hại và biến chứng của bệnh rung nhĩ

Đôi khi rung nhĩ có thể dẫn tới các biến chứng sau:

Đột quỵ: trong cơn rung nhĩ, nhịp tim đập loạn có thể làm cho máu đọng lại trong các buồng nhĩ và tạo thành cục máu đông. Nếu cục máu đông đã được hình thành, nó có thể đi ra khỏi tim và chạy tới não, chặn dòng máu nuôi não gây đột quỵ.

Nguy cơ gặp đột quỵ ở người bị rung nhĩ phụ thuộc vào tuổi, tình trạng cao huyết áp của bệnh nhân, đái tháo đường, tiền sử suy tim hay đã từng gặp đột quỵ và các yếu tố khác. Các loại thuốc nhất định có thể làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ hoặc tổn thương các cơ quan khác do cục máu đông.

Suy tim: rung nhĩ, đặc biệt nếu như không được kiểm soát có thể làm suy yếu tim bạn và dẫn tới suy tim, làm tim bạn không thể bơm đủ máu theo nhu cầu của cơ thể.

5. Các phương pháp điều trị bệnh rung nhĩ

Chuẩn bị trước khi đi khám

Nếu bạn nghĩ bạn có thể bị rung nhĩ, bạn nên đi khám bác sĩ. Nếu rung nhĩ được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ đơn giản và có hiệu quả hơn. Trước khi đi khám, bạn nên chuẩn bị thật kĩ những điều dưới đây:

  • Tìm hiểu về những điều cần tránh trước khi đi khám bệnh: lúc bạn đặt lịch hẹn khám, nên hỏi về việc kiêng cữ của bản thân như giảm số lượng thức ăn ăn vào mỗi ngày. Bạn cần phải làm như vậy nếu bác sĩ yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu.
  • Viết lại các triệu chứng bạn đang có, kể cả những triệu chứng có vẻ không liên quan tới chứng rung nhĩ
  • Viết lại các thông tin chính của bản thân như tiền sử gia đình mắc bệnh tim, đột quỵ, cao huyết áp, đái tháo đường và các căng thẳng cũng như các thay đổi gần đây trong cuộc sống của bạn.
  • Viết lại các thuốc, vitamin và thuốc bổ bạn đang dùng
  • Mang theo người thân hoặc người bạn để họ giúp bạn ghi nhớ những thông tin được cung cấp trong trường hợp bạn quên hoặc bỏ qua.
  • Viết lại các câu hỏi cần hỏi bác sĩ

Chẩn đoán

Để chẩn đoán rung nhĩ, bác sĩ có thể xem xét các triệu chứng, tiền sử bệnh và khám tổng quát và cho bạn làm một số xét nghiệm như:

  • Đo điện tim (đo ECG)
  • Đo điện tim 24h (đo điện tim Holter): thiết bị đo điện tim di động này được gắn vào người bạn và ghi lại hoạt động của tim trong vòng 24 tiếng hoặc dài hơn, cung cấp cái nhìn kéo dài về nhịp tim của bạn cho bác sĩ
  • Máy ghi sự kiện (event recorder): thiết bị đo điện tim di động này được dùng để theo dõi hoạt động của tim trong vòng vài tuần tới vài tháng. Bạn kích hoạt nó khi bạn cảm nhận được các triệu chứng của cơn nhịp nhanh. Khi bạn cảm nhận được các triệu chứng, bạn nhấn nút và một dãy điện tim của vài phút trước và vài phút sau được ghi lại. Thiết bị này cho phép bác sĩ xác định được nhịp tim của bạn tại thời điểm các triệu chứng diễn ra.
  • Siêu âm tim
  • Xét nghiệm máu giúp bác sĩ loại trừ nguyên nhân do tuyến giáp hoặc các chất kích thích có trong máu gây ra rung nhĩ.
  • Test gắng sức là xét nghiệm theo dõi sự hoạt động của tim bạn trong khi bạn đang tập thể dục.
  • Chụp Xquang ngực giúp bác sĩ thấy được tình trạng của tim và phổi. Nó còn được dùng để chẩn đoán các bệnh khác thay vì rung nhĩ để giải thích được các triệu chứng của bạn.

Điều trị

Phương pháp điều trị thích hợp nhất cho bạn sẽ phụ thuộc vào thời gian bạn bị rung nhĩ, các triệu chứng gây phiền toái cho bạn như thế nào và nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chứng rung nhĩ là gì. Thông thường, mục tiêu điều trị rung nhĩ là:

  • Đưa nhịp tim về bình thường hoặc kiểm soát được nhịp tim
  • Chống tạo cục máu đông
  • Giảm nguy cơ đột quỵ

Chiến lược điều trị cho chứng rung nhĩ của bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các bệnh tim khác và khả năng dùng thuốc để kiểm soát nhịp tim của bạn. Trong một vài trường hợp, bạn có thể cần các thủ thuật xâm chiếm hơn như các thủ thuật cần tới ống thông dài hay phẫu thuật.

Ở một vài người, một sự kiện cụ thể hay bệnh lí tiềm ẩn nào đó như bệnh tuyến giáp có thể gây ra rung nhĩ. Điều trị nguyên nhân gây ra rung nhĩ có thể giúp bạn giải quyết được rối loạn nhịp tim. Nếu các triệu chứng của bạn gây cho bạn nhiều phiền toái hay đây là cơn rung nhĩ đầu tiên ở bạn, bác sĩ sẽ cố gắng đưa nhịp tim về bình thường.

Đặt lại nhịp tim

Lý tưởng nhất, để điều trị rung nhĩ, tần số tim đập và nhịp tim nên được đưa về mức bình thường, tức là nhịp xoang bình thường của tim bằng thủ thuật gọi là chuyển nhịp. Thủ thuật này được thực hiện phụ thuộc vào nguyên nhân tiềm ẩn gây rung nhĩ và thời gian bạn bị rung nhĩ.

Chuyển nhịp có thể được làm bằng hai cách:

  • Chuyển nhịp bằng dòng điện: ở cách này, một dòng điện được đưa tới tim thông qua các điện cực dán trên ngực của bạn. Dòng điện làm ngưng các hoạt động điện tim tạm thời. Khi tim bạn bắt đầu đập trở lại, bác sĩ hy vọng nó sẽ quay trở lại nhịp bình thường (tức nhịp xoang). Thủ thuật này được thực hiện sau khi bạn được gây mê, do đó bạn không cảm nhận được dòng điện đó. Bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc để giúp khôi phục nhịp xoang bình thường (thuốc chống loạn nhịp) trước khi làm thủ thuật này.
  • Chuyển nhịp bằng thuốc: kiểu chuyển nhịp này sử dụng thuốc gọi là thuốc chống loạn nhịp để khôi phục nhịp xoang bình thường của tim. Phụ thuộc vào tình trạng của tim, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc đường tĩnh mạch hay đường uống để đưa nhịp tim của bạn về mức bình thường. Việc này thường được thực hiện tại bệnh viện và nhịp tim của bạn được theo dõi liên tục. Nếu nhịp tim đã trở về bình thường, bác sĩ sẽ kê đơn cùng một loại thuốc chống loạn nhịp đã sử dụng ở bệnh viện hoặc một loại khác tương tự để phòng ngừa các cơn rung nhĩ mới trong tương lai.

Trước khi thực hiện chuyển nhịp, bạn có thể được cho sử dụng thuốc chống đông máu trong vài tuần để làm giảm nguy cơ tạo cục máu đông và đột quỵ. Trừ khi cơn rung nhĩ kéo dài dưới 48 tiếng, bạn sẽ phải dùng thuốc chống đông máu ít nhất 4 tuần sau khi chuyển nhịp để ngăn ngừa tạo cục máu đông ngay cả khi nhịp tim của bạn đã trở về mức bình thường.

Duy trì nhịp tim bình thường

Sau khi chuyển nhịp, bác sĩ sẽ cho bạn dùng các thuốc chống loạn nhịp để ngăn ngừa các cơn rung nhĩ trong tương lai. Tuy nhiên các thuốc này lại có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi. Trong trường hợp hiếm, chúng có thể gây rung thất, có thể dẫn tới tử vong.

Các thủ thuật dùng để kiểm soát nhịp tim

Đôi khi dùng thuốc hay chuyển nhịp không điều trị được rung nhĩ, do đó bác sĩ sẽ cho bạn làm các thủ thuật để phá hủy vùng mô tim gây ra các rối loạn xung động điện và khôi phục nhịp tim bình thường. Các thủ thuật đó là:

  • Thủ thuật cắt bỏ mô bệnh bằng ống thông: ở những người bị rung nhĩ có một vùng ở buồng nhĩ gây ra các xung động điện bất thường gọi là “điểm nóng”. Những điểm nóng này hoạt động như nút tạo nhịp bất thường gây ra rung nhĩ. Trong thủ thuật này, bác sĩ đưa một ống thông dài, mỏng vào tĩnh mạch đùi và đưa nó chạy về tim. Các điện cực ở đầu ống thông sử dụng năng lượng sóng vô tuyến, cắt lạnh hoặc cắt nóng để phá hủy các điểm nóng này, tạo mô sẹo làm cho các tín hiệu điện trở về bình thường. Thủ thuật này điều chỉnh lại nhịp tim mà không cần dùng tới thuốc hay các thiết bị cấy ghép.
  • Thủ thuật mê cung phẫu thuật: đây là phẫu thuật mổ tim hở. Sử dụng một dao phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt chính xác vào buồng nhĩ để tạo mô sẹo. Do mô sẹo không dẫn điện được, nó sẽ ảnh hưởng tới các xung động điện gây rung nhĩ. Dao cắt lạnh hoặc dao sóng vô tuyến có thể được sử dụng để tạo ra các vết sẹo này.

Những thủ thuật kể trên có tỉ lệ thành công cao, nhưng rung nhĩ vẫn có khả năng tái phát. Một vài bệnh nhân vẫn phải được thực hiện các thủ thuật trên hay các phương pháp điều trị khác khi rung nhĩ tái phát.

Do thủ thuật mê cung phẫu thuật là một phẫu thuật hở, nó được sử dụng cho các bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc được thực hiện chung với các phẫu thuật tim khác như phẫu thuật bắt cầu động mạch hoặc phẫu thuật chỉnh sửa van tim.

  • Cắt nút nhĩ thất: nếu như thuốc và thủ thuật cắt mô bệnh bằng ống thông không có hiệu quả hay bệnh nhân gặp tác dụng phụ hoặc không phù hợp để thực hiện các thủ thuật khác, thủ thuật cắt nút nhĩ thất có thể được sử dụng để điều trị rung nhĩ. Sau khi thực hiện thủ thuật này, bạn vẫn phải tiếp tục sử dụng thuốc chống đông để giảm nguy cơ đột quỵ do nhịp tim của bạn vẫn còn bị ảnh hưởng do rung nhĩ.

Điều trị bệnh rung nhĩ

Chuyển nhịp bằng máy

Phòng tránh cục máu đông

Nhiều người bị rung nhĩ hoặc những người đang điều trị rung nhĩ có nguy cơ cao xuất hiện cục máu đông có thể gây ra đột quỵ. Nguy cơ tăng lên nếu người đó có bệnh tim khác xuất hiện chung với rung nhĩ.

Để phòng tránh tạo cục máu đông, bác sĩ có thể cho bạn:

  • Dùng thuốc kháng đông

Nhiều người vẫn bị các cơn rung nhĩ và không hề biết tới nó – do đó bạn có thể phải dùng thuốc kháng đông cả đời ngay cả khi nhịp tim của bạn đã khôi phục về mức bình thường.

  • Thực hiện thủ thuật bít tiểu nhĩ trái: trong thủ thuật này, một ống thông được luồn vào tĩnh mạch ở dưới chân và chạy lên buồng nhĩ phải. Sau đó bác sĩ tạo một lỗ nhỏ ở vách chia đôi 2 buồng nhĩ, đưa ống thông qua buồng nhĩ trái. Thiết bị dùng để bít tiểu nhĩ trái được đưa vào ống thông để bít tiểu nhĩ trái lại. (tiểu nhĩ trái là một phần nhỏ của tâm nhĩ trái, nằm ở phía trên của tâm nhĩ trái)

Thủ thuật này có thể giảm khả năng tạo cục máu đông ở những người bị rung nhĩ do cục máu đông thường xuất hiện ở chỗ này. Những người được thực hiện thủ thuật này bao gồm bệnh nhân không có bệnh van tim, có nguy cơ tạo cục máu đông và chảy máu, người không thể dùng thuốc kháng đông và những người không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Bác sĩ sẽ đánh giá và quyết định xem bạn có đủ điều kiện để thực hiện thủ thuật này không.

Thay đổi lối sống và biện pháp khắc phục

Bạn cần phải thay đổi lối sống để cải thiện sức khỏe của tim bạn, đặc biệt để ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh tăng huyết áp và bệnh tim. Bác sĩ có thể khuyên bạn những cách thay đổi lối sống như:

  • Ăn uống lành mạnh: ăn ít muối và mỡ, tăng cường rau và trái cây, ngũ cốc nguyên cám
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Bỏ hút thuốc
  • Duy trì cân nặng bình thường
  • Kiểm soát huyết áp và mức cholesterol trong máu
  • Uống rượu bia điều độ: ở người lớn khỏe mạnh, nữ ở mọi lứa tuổi và nam trên 65 tuổi, mỗi ngày uống một ly rượu, và 2 ly rượu mỗi ngày cho nam dưới 65 tuổi
  • Duy trì tái khám đúng hẹn

6. Phòng chống bệnh rung nhĩ

Để phòng rung nhĩ, việc quan trọng nhất là sống lành mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Lối sống lành mạnh bao gồm:

  • Ăn uống lành mạnh
  • Tăng cường hoạt động thể chất
  • Tránh hút thuốc
  • Duy trì cân nặng bình thường
  • Hạn chế hoặc tránh sử dụng caffeine và cồn
  • Giảm căng thẳng và giận dữ
  • Sử dụng các thuốc cẩn thận

Khi bạn điều trị bệnh rung nhĩ tại Hello Doctor, bạn sẽ nhận được hỗ trợ từ nhiều bác sĩ từ nhiều chuyên khoa để có thể khám, chữa toàn diện bệnh tật của mình. Liên lạc đặt khám ngay với các bác sĩ của chúng tôi theo số điện thoại: 1900 1246.

Từ khóa » Sốc điện điều Trị Rung Nhĩ