Tìm Hiểu Các Phương Pháp điều Trị Rung Nhĩ - Hello Bacsi

Rung nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim khá phổ biến. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị rung nhĩ tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh, các triệu chứng gặp phải và nguyên nhân cơ bản gây ra vấn đề nhịp tim. Mục tiêu của điều trị là lấy lại nhịp tim bình thường, kiểm soát nhịp tim và ngăn ngừa hình thành cục máu đông có thể dẫn đến đột quỵ trong tương lai.

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về việc chẩn đoán và điều trị rung nhĩ trong bài viết này nhé!

1. Thuốc điều trị rung nhĩ

Bạn có thể được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị rung nhĩ để kiểm soát nhịp tim đập nhanh và khôi phục lại nhịp tim bình thường. Thuốc cũng được kê đơn để ngăn ngừa hình thành cục máu đông, một biến chứng nguy hiểm của tình trạng rung nhĩ.

Các loại thuốc được sử dụng có thể bao gồm:

các loại thuốc điều trị rung nhĩ

Thuốc chẹn beta 

Thuốc chẹn beta được sử dụng trong điều trị rung nhĩ có tác dụng giúp làm chậm nhịp tim khi nghỉ ngơi và trong khi bạn hoạt động. Thuốc chẹn beta có thể được kê đơn bao gồm bisoprolol, atenolol, metoprolol, carvedilol. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng nếu dùng liều quá cao loại thuốc này có thể khiến cho triệu chứng COPD và rối loạn nhịp tim trở nên nghiêm trọng. Người bị huyết áp thấp không nên dùng thuốc chẹn beta.

Thuốc chẹn kênh canxi

Những loại thuốc này giúp kiểm soát nhịp tim nhưng có thể cần phải tránh sử dụng đối với những người bị suy tim hoặc huyết áp thấp. Thuốc chẹn kênh canxi có thể bao gồm verapamil hoặc diltiazem.

Điều trị rung nhĩ bằng thuốc digoxin 

Digoxin có thể kiểm soát nhịp tim khi nghỉ ngơi, nhưng không tốt trong khi bạn đang hoạt động. Loại thuốc này nên được sử dụng một cách thận trọng, vì nó có thể dẫn đến các rối loạn nhịp tim khác.

Thuốc chống loạn nhịp tim

Thuốc chống loạn nhịp tim được dùng để giúp phục hồi và duy trì nhịp tim bình thường, bao gồm procainamide, disopyramide, flecainide, propafenone, sotalol, dofetilide, amiodarone và dronedarone.

Thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu) 

Để giảm nguy cơ đột quỵ hoặc gây tổn thương các cơ quan khác do cục máu đông, bác sĩ có thể kê đơn thuốc làm loãng máu bao gồm warfarin, apixaban, dabigatran, edoxaban, rivaroxaban,  heparin và clopidogrel. Nếu dùng warfarin, bạn sẽ cần phải xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi tác dụng của thuốc.

Bạn có thể không cần dùng thuốc làm loãng máu nếu không có nguy cơ bị đột quỵ. Thuốc làm loãng máu có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ như chảy máu, khó tiêu và đau tim.

Bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu như bạn xuất hiện các triệu chứng bất thường khi sử dụng thuốc.

2. Điều trị rung nhĩ bằng cách thiết lập lại nhịp tim (chuyển nhịp tim)

Nếu các triệu chứng rung nhĩ gây khó chịu hoặc đây là đợt rung nhĩ xuất hiện lần đầu tiên, bác sĩ có thể cố gắng thiết lập lại nhịp tim bằng cách sử dụng một thủ thuật được gọi là chuyển nhịp tim.

Chuyển nhịp tim có thể được thực hiện theo 2 cách:

điều trị rung nhĩ bằng sốc điện

  • Sốc điện. Phương pháp này được dùng để thiết lập lại nhịp tim được thực hiện bằng cách gửi các cú sốc điện đến tim thông qua các miếng dán điện cực được đặt trên ngực của bệnh nhân.
  • Thuốc trợ tim. Thuốc được tiêm qua đường tĩnh mạch hoặc dùng đường uống để thiết lập lại nhịp tim.

Phương pháp điều trị rung nhĩ này thường được thực hiện trong bệnh viện như một thủ tục cấp cứu đối với những trường hợp cần được cấp cứu khẩn cấp. Ngoài ra, thủ thuật này có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện định kỳ theo lịch nếu các loại thuốc điều trị không có hiệu quả. Nếu thực hiện theo lịch, bác sĩ có thể tiêm warfarin hoặc một loại thuốc làm loãng máu khác trước khi thực hiện vài tuần để giảm nguy cơ đông máu và đột quỵ.

Sau khi sốc điện, thuốc chống loạn nhịp tim có thể được kê đơn vô thời hạn để giúp ngăn ngừa các đợt rung nhĩ trong tương lai. Ngay cả khi dùng thuốc, vẫn có khả năng xuất hiện một đợt rung nhĩ khác.

3. Phẫu thuật điều trị rung nhĩ

Nếu rung nhĩ không thuyên giảm khi dùng thuốc hoặc các liệu pháp khác không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành phẫu thuật. Có nhiều loại phẫu thuật được sử dụng để điều trị rung nhĩ. Bác sĩ sẽ chỉ định bạn nên tiến hành loại phẫu thuật nào tùy thuộc vào các triệu chứng cụ thể, sức khỏe tổng thể và liệu bạn đã, đang hoặc sẽ cần thực hiện một cuộc phẫu thuật tim khác hay không.

Đặt máy tạo nhịp tim 

Đây là một thiết bị cấy ghép nhỏ bằng điện kích thích tim để duy trì nhịp tim đều đặn. Máy làm giảm rung tâm nhĩ khi nguyên nhân gây bệnh là do nhịp tim chậm. Thông thường, máy tạo nhịp tim chỉ được sử dụng để điều trị rung nhĩ khi nó được chẩn đoán cùng với một chứng rối loạn nhịp tim khác như nhịp tim chậm. Nếu đã phẫu thuật để đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, bạn sẽ phải dùng thuốc làm loãng máu.

Phẫu thuật cắt bỏ

Loại phẫu thuật này sẽ giúp phá hủy mô tim bị tổn thương đang tạo ra các tín hiệu điện bị lỗi và gây rối loạn nhịp tim. Bác sĩ thường tiến hành phẫu thuật cắt bỏ cùng lúc với phẫu thuật sửa van tim, nhưng trong một số trường hợp, phẫu thuật cắt bỏ có thể được thực hiện riêng biệt.

phẫu thuật điều trị rung nhĩ

Các loại phẫu thuật điều trị rung nhĩ này bao gồm:

  • Cắt bỏ nút nhĩ thất (AV). Bác sĩ sẽ sử dụng nhiệt hoặc áp lạnh cho mô tim tại nút nhĩ thất để phá hủy kết nối tín hiệu điện bị lỗi. Sau khi cắt bỏ nút nhĩ thất, cần đặt máy tạo nhịp tim suốt đời cho bệnh nhân.
  • Tạo mô sẹo bằng nhiệt hoặc áp lạnh. Bác sĩ sử dụng nhiệt hoặc áp lạnh để tạo ra một mô sẹo trong các buồng tim trên (tâm nhĩ). Vì mô sẹo không gửi tín hiệu điện, nên chúng sẽ cản trở tín hiệu điện tim bị lỗi gây ra rung nhĩ.
  • Phẫu thuật tim hở. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng dao mổ để tạo ra mô sẹo trong tâm nhĩ, giúp ngăn cản tín hiệu điện trong tim gây ra rung nhĩ. Đây là phương pháp điều trị rung nhĩ khá phù hợp đối với những người có tiền sử đột quỵ hoặc có cục máu đông, hay đã thực hiện một cuộc phẫu thuật tim khác, chẳng hạn như phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hoặc sửa van tim.

Bệnh nhân sau khi phẫu thuật điều trị rung nhĩ có thể cần dùng thuốc làm loãng máu suốt đời để ngăn ngừa đột quỵ trong tương lai.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, phẫu thuật này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ hoặc rung nhĩ tái phát. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ có thể cần tiến hành phẫu thuật một lần nữa. Trong một số trường hợp, bạn có thể được đặt máy tạo nhịp tim tại thời điểm làm thủ thuật để đảm bảo tim bạn đập chính xác sau khi các mô gây ra vấn đề bị phá hủy.

Đóng phần phụ của tâm nhĩ trái

Nếu một người bị rung nhĩ không thể dùng thuốc làm loãng máu, bác sĩ có thể đề nghị một thủ thuật đặt ống thông để đóng phần phụ trong buồng tim phía trên bên trái (tâm nhĩ trái), nơi hình thành hầu hết các cục máu đông liên quan đến rung nhĩ. Phẫu thuật này là một lựa chọn phù hợp cho một số người đã phẫu thuật tim, giúp giảm nguy cơ đông máu và đột quỵ.

Bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật này cùng lúc với phẫu thuật cắt bỏ. Rủi ro xảy ra ở thủ thuật này là khó đóng phần phụ của tâm nhĩ trái một cách hoàn toàn và bất kỳ sự rò rỉ nào cũng góp phần làm tăng nguy cơ đông máu liên tục.

4. Thay đổi lối sống

Ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định, bệnh nhân cũng nên thay đổi và duy trì một lối sống lành mạnh tốt cho tim mạch. Điều này giúp ngăn ngừa rung nhĩ hoặc điều trị các tình trạng là nguyên nhân gây rung nhĩ như huyết áp cao và bệnh tim.

Thay đổi lối sống thường bao gồm:

  • Ăn thực phẩm tốt cho tim mạch. Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh ít muối và chất béo, ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục hàng ngày và tăng cường hoạt động thể chất.
  • Bỏ hút thuốc. Nếu bạn hút thuốc, hãy từ bỏ thói quen xấu này càng sớm càng tốt.
  • Duy trì cân nặng hợp lý. Thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim. Giảm cân lành mạnh bằng chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của rung nhĩ.
  • Kiểm soát huyết áp và mức cholesterol. Thay đổi lối sống và dùng thuốc theo quy định để điều chỉnh huyết áp cao hoặc cholesterol cao.
  • Hạn chế rượu bia. Lạm dụng rượu bia có thể làm tăng nguy cơ rung nhĩ.
  • Kiểm soát căng thẳng. Căng thẳng và tức giận dữ dội có thể gây ra các vấn đề về nhịp tim, trong đó có rung nhĩ nên hãy luôn biết cách giải tỏa căng thẳng và kiểm soát cảm xúc của bản thân.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ. Uống thuốc theo đúng chỉ định và tái khám định kỳ với bác sĩ. Hãy cho bác sĩ của bạn nếu các triệu chứng của bạn xấu đi.

[embed-health-tool-heart-rate]

Từ khóa » Sốc điện điều Trị Rung Nhĩ