Bệnh Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản - Triệu Chứng Và Cách điều Trị

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay viêm thực quản trào ngược là căn bệnh khá phổ biến ở phương Tây, nhưng tại Việt Nam mới được lưu ý từ vài năm trở lại đây.

1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì

2. Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

  • Khi nào nên đi khám bác sĩ

3. Nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản

  • Yếu tố nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản

4. Tác hại của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

5. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

  • Chuẩn bị trước khi đi khám
  • Chẩn đoán
  • Điều trị bệnh

6. Phòng chống bệnh trào ngược dạ dày thực quản

7. Bác sĩ điều trị

8. Chia sẻ của bệnh nhân

Bác sĩ tham vấn thông tin:

✍ Các bác sĩ Tiêu Hoá Hello Doctor

Gọi Bác sĩ - 19001246

1. Bệnh trào ngược thực quản là gì?

Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản còn gọi là viêm thực quản trào ngược là một bệnh mạn tính đường tiêu hóa. Nó là hiện tượng các chất dịch trong dạ dày như HCl, pepsin, dịch mật… trào ngược từng lúc hay thường xuyên lên thực quản. Các chất dịch trong dạ dày như HCl, pepsin, dịch mật kích thích niêm mạc thực quản, gây ra các triệu chứng và biến chứng của bệnh.

Bệnh trào ngược axit dạ dày và ợ nóng là hai bệnh đường tiêu hóa thường gặp. Khi những dấu hiệu và triệu chứng này xảy ra ít nhất 2 lần/tuần hoặc ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày của bạn, hoặc khi bác sĩ thấy được tổn thương ở thực quản, bạn có thể được chẩn đoán bị trào ngược axit dạ dày – thực quản.

Hầu hết mọi người có thể kiểm soát được sự khó chịu mà chứng bệnh này mang lại bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc. Nhưng có một số người mắc bệnh có thể cần dùng thuốc mạnh hơn hoặc thậm chí phải phẫu thuật để làm giảm triệu chứng do nó mang lại.

2. Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Để nhận biết bệnh trào ngược thực quản là tương đối khó, bởi các triệu chứng của bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Tuy nhiên, khi thấy bản thân có nhiều dấu hiệu tương ứng với các triệu chứng dưới đây, bạn nên cảnh giác bởi rất có thể mình đã bị mắc bệnh trào ngược thực quản:

  • Ợ hơi: xảy ra thường xuyên và ngay cả khi đói hoặc không ăn gì.
  • Ợ nóng: nóng rát từ dạ dày hay vùng ngực dưới, lan hướng lên cổ, có khi lan tới cả hạ họng, mang tai. Cùng với đó là vị chua ở trong miệng.
  • Ợ chua: dịch dạ dày bị đẩy lên cuống họng.
  • Nôn và buồn nôn: xuất hiện khi ăn quá no, nằm ngay khi ăn, không kê đầu cao khi ngủ.
  • Đau, tức ngực: cảm giác co thắt ở ngực, đè ép, xuyên qua lưng và cánh tay.
  • Nhiều nước bọt, khó nuốt, cảm giác vướng vùng họng
  • ...

Các triệu chứng của bệnh trào ngược thực quản

Các dấu hiệu nhận biết nhanh bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy tới bệnh viện ngay lập tức nếu bạn cảm thấy đau ngực, đặc biệt nếu bạn có các triệu chứng khác như khó thở hoặc đau tay, đau cằm, vì ngoài bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì đây có thể là triệu chứng của nhồi máu cơ tim.

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn gặp những triệu chứng nặng hoặc thường xuyên của bệnh. Nếu bạn đã dùng thuốc trị ợ nóng không kê đơn hơn 2 lần một tuần, bạn cũng nên đi khám bác sĩ.

3. Nguyên nhân gây ra bệnh trào dạ dày ngược thực quản

Trào ngược axit dạ dày – thực quản gây ra bởi sự trào ngược thường xuyên của axit dạ dày hoặc dịch mật lên thực quản. Khi bạn nuốt, cơ vòng dưới của thực quản (vòng cơ bao quanh phần đáy thực quản) giãn ra để thức ăn và dịch thức ăn đi xuống dạ dày, sau đó nó sẽ đóng lại. Tuy nhiên, nếu cơ này giãn ra bất thường hoặc bị nhão, axit dạ dày có thể trào lên thực quản, làm bạn có cảm giác ợ nóng thường xuyên, làm ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của bạn.

Sự trào ngược axit liên tục có thể làm lớp lót trong thực quản của bạn bị viêm. Qua một thời gian, tình trạng viêm sẽ bào mòn lớp này, gây ra các biến chứng như chảy máu, hẹp thực quản hoặc thực quản Barrett (tổn thương tiền ung thư).

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh trào ngược thực quản

Các tình trạng dưới đây có thể làm tăng khả năng mắc chứng trào ngược axit dạ dày:

  • Béo phì
  • Phần trên của dạ dày chạy lên lồng ngực (thoát vị hoành)
  • Mang thai
  • Hút thuốc
  • Khô miệng
  • Hen suyễn
  • Bệnh tiểu đường
  • Thời gian làm trống dạ dày kéo dài
  • Các rối loạn của mô liên kết như bệnh xơ cứng bì

4. Tác hại và biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Do chưa hiểu rõ được mức độ nghiêm trọng của bệnh trào ngược thực quản mà rất nhiều người đã tỏ ra thờ ơ với căn bệnh này. Thực tế, bệnh trào ngược thực quản gây ra rất nhiều những biến chứng nguy hiểm, như hẹp thực quản, loét thực quản và trường hợp xấu nhất là ung thư thực quản. Chính vì vậy mà bạn không nên chủ quan khi thấy mình có các triệu chứng của bệnh trào ngược thực quản.

Sau một thời gian, viêm thực quản mãn tính có thể dẫn tới các biến chứng sau:

  • Hẹp thực quản: tổn thương các tế bào ở cơ vòng dưới của thực quản do tiếp xúc với axit dạ dày lâu ngày tạo nên các mô sẹo. Các mô sẹo này thu hẹp lòng thực quản, làm bạn bị khó nuốt.
  • Loét thực quản: axit dạ dày có thể bào mòn các mô ở thực quản trầm trọng, tạo nên ổ loét. Ổ loét thực quản này có thể chảy máu, làm bạn đau và khó nuốt.
  • Các thay đổi tiền ung thư ở thực quản (thực quản Barrett): ở thực quản Barrett, mô lót phần dưới thực quản bị thay đổi, kèm theo đó là gia tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Mặc dù khả năng tiến triển tới ung thư rất thấp, bác sĩ vẫn sẽ cho làm nội soi thực quản để tìm các dấu hiệu cảnh báo ung thư thực quản sớm.

Biểu hiện của bệnh trào ngược thực quản

5. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Chuẩn bị trước khi gặp bác sĩ

Nếu bạn nghĩ mình bị trào ngược axit dạ dày, bạn nên đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám. Vì các buổi khám bệnh có thể rất ngắn và có nhiều vấn đề cần hỏi nên bạn cần chuẩn bị thật kĩ. Dưới đây là một vài thông tin để giúp bạn sẵn sàng và nên trông đợi điều gì vào bác sĩ.

Điều bạn có thể làm

  • Cần biết những điều nên kiêng cữ trước khi đi khám: bất kì lúc nào bạn đặt lịch hẹn khám, hãy hỏi kĩ rằng có điều gì bạn cần làm thêm hay không, ví dụ như hạn chế ăn uống.
  • Ghi lại bất kì triệu chứng nào bạn đang có, bao gồm bất kì điều gì có vẻ không liên quan tới lí do bạn đặt lịch hẹn khám.
  • Ghi lại những thông tin chính về bản thân, bao gồm những điều làm bạn căng thẳng hoặc những thay đổi gần đây trong cuộc sống.
  • Ghi lại danh sách tất cả các thuốc, vitamin hoặc thuốc bổ bạn đang sử dụng.
  • Cân nhắc nên đi cùng một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình. Đôi khi việc tiếp thu tất cả các thông tin được cung cấp trong buổi khám bệnh có thể gặp khó khăn. Có thêm một người đi kèm sẽ giúp bạn ghi nhớ những việc mà bạn quên hoặc bỏ sót.
  • Viết lại các câu hỏi bạn cần hỏi bác sĩ.

Chẩn đoán

Theo bác sĩ Đỗ Huy Thạch, để chẩn đoán chứng trào ngược axit dạ dày cần dựa vào:

- Triệu chứng của bạn: bác sĩ có thể chẩn đoán bạn bị trào ngược axit dạ dày dựa vào các cơn ợ nóng thường xuyên và các triệu chứng khác.

- Xét nghiệm theo dõi lượng axit trong thực quản: đo pH thực quản bằng đầu dò sử dụng một dụng cụ để đo axit trong 24 tiếng. Thiết bị này xác định được axit dạ dày trào lên thực quản vào lúc nào trong ngày và trong bao lâu. Một kiểu của thiết bị này là một ống mỏng, dễ uốn cong được luồn từ mũi xuống thực quản. Ống này được kết nối với một máy tính nhỏ đeo ngang hông hoặc với một đai đeo ở vai. Một kiểu máy khác là một cái kẹp nhỏ được đặt trong thực quản trong quá trình nội soi thực quản, đầu dò truyền thông tin tới một máy tính nhỏ đeo bên người. Sau khoảng hai ngày, đầu dò rơi ra ngoài qua phân. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng uống thuốc điều trị trào ngược axit để làm xét nghiệm này.

Nếu bạn bị trào ngược axit dạ dày và bạn sắp phẫu thuật, bạn có thể cần làm thêm các xét nghiệm sau:

- Chụp Xquang đường tiêu hóa phần trên: phương pháp này còn được gọi là chụp Xquang có uống bari. Trong xét nghiệm này bạn phải uống một dung dịch có màu trắng để tráng lớp trong của đường tiêu hóa. Sau đó bạn sẽ được chụp Xquang phần trên của đường tiêu hóa. Lớp tráng màu trắng này giúp bác sĩ nhìn được bóng của thực quản, dạ dày và phần trên của ruột non (tá tràng).

- Nội soi thực quản (dùng một ống mềm dễ uốn cong để nhìn vào thực quản): nội soi thực quản là một cách để kiểm tra trực quan bên trong thực quản và dạ dày của bạn. Trong quá trình nội soi, bác sĩ luồn một ống mỏng, mềm, dễ uốn cong có gắn đèn và một camera xuống cổ họng của bạn. Bác sĩ cũng có thể dùng nội soi thực quản để lấy mẫu sinh thiết cho các xét nghiệm chuyên sâu. Nội soi có giá trị trong việc tìm các biến chứng của bệnh như thực quản Barrett.

- Xét nghiệm đo cử động của thực quản (đo áp lực thực quản): xét nghiệm này đo cử động và áp lực trong thực quản. Xét nghiệm này cần đặt một ống thông từ mũi xuống thực quản của bạn.

Điều trị bệnh

Điều trị ợ nóng và các triệu chứng khác của trào ngược axit dạ dày thường bắt đầu bằng các thuốc không cần kê đơn dùng để kiểm soát axit. Nếu bạn không thấy đỡ hơn sau vài tuần dùng thuốc, bác sĩ có thể đổi phương pháp điều trị khác, bao gồm dùng thuốc và phẫu thuật.

Điều trị ban đầu để kiểm soát ợ nóng

Các thuốc không kê đơn dưới đây có thể giúp kiểm soát chứng ợ nóng, bao gồm:

  • Thuốc trung hòa axit: làm giảm triệu chứng nhanh chóng nhưng nó không thể làm lành được phần thực quản bị viêm do axit dạ dày. Dùng quá nhiều thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Các thuốc làm giảm tạo axit: các thuốc này không có tác dụng nhanh như thuốc trung hòa axit nhưng làm giảm triệu chứng đáng kể và có thể giảm sự tạo thành axit lên tới 12 tiếng.
  • Thuốc ngăn chặn tạo axit và làm lành thực quản: thuốc này mạnh hơn nhóm trên và hỗ trợ chỗ thực quản bị tổn thương lành lại.

Liên lạc với bác sĩ nếu bạn cần phải uống những thuốc trên trong thời gian từ 2 tới 3 tuần hoặc các triệu chứng của bạn không giảm bớt.

Các thuốc được kê đơn

Nếu triệu chứng ợ nóng vẫn còn tiếp diễn dù bạn đã dùng thuốc, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc sau:

  • Thuốc chẹn thụ thể H2
  • Thuốc chặn bơm proton

Nhìn chung những thuốc này được hấp thu và có tác dụng tốt, nhưng sử dụng trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ gãy xương và thiếu vitamin B12.

  • Thuốc tăng cường cơ vòng dưới thực quản: thuốc này có thể làm giảm tần suất giãn cơ vòng dưới của thực quản, do đó làm giảm hiện tượng trào ngược axit dạ dày – thực quản. Thuốc này có ít tác dụng hơn thuốc chẹn bơm proton nhưng nó có thể được dùng trong trường hợp bệnh nặng. Thuốc có tác dụng phụ đáng kể, thường gặp nhất là mệt mỏi hoặc lú lẫn.

Các thuốc điều trị trào ngược axit dạ dày – thực quản thỉnh thoảng được kết hợp với nhau để làm tăng hiệu quả điều trị.

Phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác được sử dụng nếu như việc dùng thuốc bị thất bại

Thường chứng trào ngược axit dạ dày – thực quản có thể kiểm soát bằng thuốc. Trong các trường hợp mà thuốc không có tác dụng hoặc bạn muốn tránh việc sử dụng thuốc trong thời gian dài, bác sĩ có thể khuyên bạn chọn các phương pháp điều trị xâm lấn hơn như:

  • Phẫu thuật để gia cố cơ vòng thực quản dưới: phẫu thuật này siết chặt cơ vòng dưới thực quản để ngăn chặn sự trào ngược bằng cách buộc phần đầu dạ dày xung quanh phần cuối thực quản. Phẫu thuật này thường được làm qua ngã nội soi, trong đó bác sĩ sẽ đục 3 hoặc 4 lỗ nhỏ ở bụng và đưa các dụng cụ phẫu thuật vào như ống mềm chứa camera nhỏ xíu qua lỗ mở ở bụng.
  • Phẫu thuận để siết chặt cơ vòng dưới thực quản (Linx):Linx là một vòng có những hạt nam châm titan nhỏ bọc xung quanh chỗ nối giữa thực quản và dạ dày. Lực hút do nam châm tạo ra giữa các hạt này đủ mạnh để giữ thức ăn không trào ngược lên thực quản qua chỗ nối và đủ lỏng để thức ăn có thể đi từ thực quản xuống dạ dày. Vòng Linx này có thể được gắn vào cơ thể bằng các phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Thiết bị này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép và các nghiên cứu ban đầu có vẻ khả quan.

Lưu ý rằng: Hiện nay việc điều trị bệnh trào ngược thực quản không quá khó khăn, chính vì vậy bạn chỉ cần liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa và làm theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.

6. Phòng chống bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Để phòng chống bệnh trào ngược thực quản, chúng ta cần chú ý đến chế độ ăn uống cũng như luôn giữ cho tinh thần sảng khoái. Nên tránh việc thừa cân, béo phì. Thay đổi lối sống có thể giúp làm giảm tần suất ợ nóng.

Hãy cân nhắc thực hiện những việc dưới đây:

  • Giữ cân nặng ở mức bình thường: số cân nặng thừa tạo áp lực lên ổ bụng, đẩy dạ dày lên và làm cho axit dạ dày trào lên thực quản. Nếu cân nặng của bạn ở mức bình thường, hãy tập luyện để giữ nguyên mức cân nặng đó. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, hãy tập luyện để giảm cân từ từ – giảm không quá 0,5 – 1kg/tuần. Hãy tham khảo bác sĩ những lời khuyên để giảm cân thích hợp.
  • Tránh mặc đồ quá chật: quần áo bó quá chặt quanh vùng eo sẽ làm tăng áp lực ổ bụng và tác động lên cơ vòng dưới thực quản.
  • Tránh dùng thức ăn và đồ uống gây ợ nóng: mỗi người có một loại thức ăn và đồ uống kích thích khác nhau. Các loại thức ăn và đồ uống như đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, sốt cà chua, rượu, sô – cô – la, bạc hà, tỏi, hành và cà – phê có thể làm triệu chứng ợ nóng tồi tệ hơn. Tránh dùng các loại thức ăn mà bạn biết nó sẽ làm bạn ợ nóng.
  • Chia nhỏ bữa ăn: tránh ăn quá nhiều trong một bữa bằng cách chia ra nhiều bữa ăn trong ngày.
  • Đừng nằm ngay sau khi ăn: đợi ít nhất 3 tiếng sau ăn rồi mới nằm hoặc đi ngủ.
  • Nâng cao đầu giường nằm: nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng vào ban đêm hoặc khi mới bắt đầu ngủ, hãy để trọng lực giúp bạn. Đặt miếng gỗ hay vài khối xi – măng dưới chân giường sao cho đầu giường nằm cao lên từ 15 – 23 cm. Nếu bạn không thể nâng cao đầu giường, bạn có thể nhét một cái nêm giường giữa tấm nệm và giường để nâng cao nửa trên người bạn từ eo trở lên. Cái nêm giường có thể tìm thấy ở hiệu thuốc và các cửa hàng vật tư y tế. Nâng cao đầu bằng gối chêm thêm không có tác dụng.
  • Không hút thuốc: hút thuốc lá làm giảm khả năng hoạt động bình thường của cơ vòng dưới thực quản.

Tham khảo ngay những thông tin hữu ích:

  • Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng bệnh trào ngược thực quản
  • Nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược thực quản
  • Cách điều trị và chữa bệnh trào ngược thực quản hiện nay
  • Các biện pháp phòng chống bệnh trào ngược thực quản hiệu quả

Dù bệnh trào ngược thực quản khó nhận biết nhưng bạn không nên chủ quan khi thấy mình có các dấu hiệu của bệnh. Tốt nhất là bạn nên đi khám để nhận được sự điều trị thích hợp từ bác sĩ. Liên hệ với Hello Doctor theo số điện thoại 1900 1246 để đặt khám với các bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi.

Từ khóa » đo áp Lực Cơ Vòng Thực Quản