Bệnh Xốp Xơ Tai Có Thể Gây điếc - VnExpress Sức Khỏe

Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Anh (56 tuổi, ngụ Lâm Đồng) đến khám tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, trong tình trạng hai tai nghe kém. Bệnh nhân chia sẻ tình trạng nghe kém đã diễn ra hai năm nay. Lúc đầu xảy ra ở tai phải, sau đó nghe kém cả hai tai và ngày càng nặng dần.

Sau khi thăm khám, BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, kết luận bệnh nhân mắc bệnh xốp xơ tai. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ cao sẽ mất khả năng nghe hoàn toàn.

Sau khi theo dõi diễn biến bệnh, bác sĩ Hằng chỉ định cho chị Ngọc Anh mổ tai nội soi vi phẫu thay thế xương bàn đạp. Đây là phẫu thuật được thực hiện để loại bỏ xương trong cùng của tai giữa (xương bàn đạp) và thay thế nó bằng xương nhân tạo làm từ titan. Phẫu thuật giúp cải thiện sự chuyển động của âm thanh từ tai giữa vào tai trong; thường được thực hiện để điều trị giảm thính lực tiến triển do bệnh xốp xơ tai gây ra.

Ca mổ đã giúp trả lại thính lực cho bệnh nhân. Sau hai tuần, chị Ngọc Anh phục hồi được sức nghe gần như bình thường, có thể quay trở lại sinh hoạt và công việc thường ngày.

Dấu hiệu cảnh báo

Xốp xơ tai là bệnh chuyển hóa xương gây ra cứng khớp ở đế xương bàn đạp - cửa sổ bầu dục trong tai. Bác sĩ Hằng chia sẻ thêm, xốp xơ tai gây mất thính lực do hạn chế chuyển động của chuỗi xương con trong tai, nhất là xương bàn đạp, dẫn đến mất thính lực dẫn truyền. Xương bàn đạp là một trong những xương nhỏ nhất trong cơ thể nên dù chỉ là những thay đổi nhỏ về cấu trúc hoặc vị trí, bộ phận này cũng có thể gây mất thính lực. Phương pháp điều trị bao gồm cả các lựa chọn không phẫu thuật và phẫu thuật.

Bệnh nhân nội soi kiểm tra bệnh lý về tai tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân nội soi kiểm tra bệnh lý về tai tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Hằng dẫn thống kê cho thấy, bệnh xốp xơ tai chiếm 10% ở chủng tộc da trắng, hiếm gặp hơn ở người da vàng. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp hai lần so với nam giới. Do chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh nên gây khó khăn trong giải pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, có khoảng 2/3 bệnh nhân xốp xơ tai có tiền sử gia đình nghe kém. Một vài nguyên nhân khác phải kể đến như nhiễm trùng (do virus sởi), bệnh lý tự miễn, chuyển hóa và rối loạn nội tiết.

Theo bác sĩ Hằng, đa số người bệnh xốp xơ tai đều có những bất thường về thính giác khi 30-40 tuổi. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng cho một hoặc cả hai tai. Triệu chứng cảnh báo bệnh xốp xơ tai như tình trạng nghe kém ngày càng nặng hơn theo thời gian; càng khó nghe hơn khi gặp những âm thấp, sâu, thì thầm hay nói nhỏ; cảm thấy dễ nghe hơn khi có tiếng ồn xung quanh (sự khác biệt so với các loại mất thính giác khác). Bệnh nhân có thể cảm thấy ù tai (nghe âm thanh vo ve, ù ù như phát ra từ bên trong cơ thể); có thể xuất hiện cơn chóng mặt.

BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng đang thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý tai mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng đang thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý tai mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

"Các biểu hiện của bệnh xốp xơ tai có thể khó phân biệt với các nguyên nhân gây mất thính giác khác. Do đó, khi có dấu hiệu nghe kém, bệnh nhân nên đến các bệnh viện có khám chuyên sâu tai mũi họng, có phòng đo chức năng tai và máy chụp CT scan để chẩn đoán chính xác nguyên nhân nghe kém. Từ đó, bác sĩ sẽ can thiệp kịp thời để phục hồi chức năng nghe cho người bệnh", bác sĩ Hằng cho biết.

Để phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật, bác sĩ Hằng khuyên người bệnh nên lưu ý giữ tai và vết mổ khô, sạch; sát trùng vết thương, thay băng tai mỗi ngày. Người bệnh cũng cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; uống thuốc theo toa và tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Tên nhân vật đã được thay đổi.

Trang Hoàng

Để đặt lịch khám với các bác sĩ khoa Tai Mũi họng, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ:

Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hotline: 1800 6858

TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 0287 102 6789

Website: https://tamanhhospital.vn

Fanpage: facebook.com/benhvientamanh

Từ khóa » Xơ Xốp Tai