Nghe Kém, Mất Thính Lực Do Bệnh Xốp Xơ Tai - VnExpress Sức Khỏe

Bệnh nhân Ngô Thanh (42 tuổi, ngụ Lâm Đồng) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM với các triệu chứng nghe kém một bên tai, ù tai kèm chóng mặt và mất thăng bằng. Một năm trước đó, do nghĩ triệu chứng nhẹ, thoáng qua rồi tự hết nên bệnh nhân không đi thăm khám.

Sau khi kiểm tra, BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ghi nhận các triệu chứng nghi ngờ của bệnh lý xốp xơ tai. Bệnh nhân được nội soi tai, đo kiểm tra thính lực, phản xạ cơ bàn đạp và chụp CT-scan tai xương thái dương bằng hệ thống chụp CT 768 lát cắt giúp chẩn đoán và phân loại mức độ bệnh.

Với trường hợp bệnh nhân Thanh bị xốp xơ tai mức độ nặng, điều trị bằng thuốc không thể đáp ứng nên bác sĩ Hằng chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ xương bàn đạp và thay thế bằng prosthesis. Xương nhân tạo bằng titan này có chức năng dẫn truyền âm thanh tương tự như xương bàn đạp.

Với phẫu thuật này, đầu tiên, bác sĩ sử dụng kính hiển vi phối hợp với kỹ thuật nội soi cắt toàn bộ xương bàn đạp. Do khớp xương bàn đạp dính với cửa sổ bầu dục nên các bác sĩ phải mở rộng xương thành sau ống tai, quan sát rõ các cấu trúc xương con trong tai giữa để có thể cắt trọn xương bàn đạp mà không gây tổn thương thần kinh.

Sau đó, bác sĩ tiến hành chèn vật liệu nhân tạo prosthesis vào đúng vị trí. Prosthesis dẫn truyền rung động âm thanh đến tai trong giúp phục hồi thính giác. Cuối cùng, bác sĩ lấy màng sụn nắp tai của bệnh nhân để bịt kín vết mổ và di chuyển màng nhĩ trở lại vị trí của nó. Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ, bệnh nhân phục hồi tốt và xuất viện hai ngày sau đó.

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi điều trị bệnh xốp xơ tai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi điều trị bệnh xốp xơ tai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Hằng, phẫu thuật thay thế xương bàn đạp cho hiệu quả điều trị cao đối với bệnh xốp xơ tai. Khi thực hiện, từng thao tác của bác sĩ phải chính xác vì các cấu trúc trong tai siêu nhỏ, chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể gây mất thính giác, suy giảm chức năng tiền đình hoặc một số biến chứng tổn thương thần kinh hiếm gặp hơn. Đến nay, sau 3 tuần phẫu thuật, tình trạng ù tai và khả năng nghe của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt.

Bệnh nhân được hướng dẫn nghỉ ngơi trong tuần đầu tiên, có thể sinh hoạt hằng ngày bình thường nhưng cần tránh vận động mạnh ít nhất 3 tuần. Bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế các thức ăn có thể gây dị ứng; tránh tiếp xúc tiếng ồn, bơi lội, ngoáy tai và đi máy bay cho đến khi vết thương hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân cũng cần quay lại bệnh viện để thăm khám sau mỗi tuần để bác sĩ chăm sóc vết mổ, ít nhất tái khám hai lần sau mổ.

BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng nội soi kiểm tra bệnh lý ở tai cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng nội soi kiểm tra bệnh lý ở tai cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Hằng cho biết, xốp xơ tai là bệnh do rối loạn chuyển hóa xương ở vùng tai, khởi đầu bằng quá trình hủy xương bất thường sau đó hình thành ổ xốp xơ tai. Nguyên nhân gây chứng xốp xơ tai hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên, các yếu tố di truyền, virus, nội tiết tố và các yếu tố khác được cho là yếu tố nguy cơ gây bệnh. Bệnh thường gặp ở nữ giới với tỷ lệ gấp đôi nam giới trưởng thành, tuổi khởi phát từ 15-45 tuổi. Nhiều bệnh nhân bị xốp xơ tai đến thăm khám và điều trị tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM có độ tuổi từ 30-50.

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh xốp xơ tai có thể gây mất thính lực, dần dẫn đến nghe kém vĩnh viễn, điếc một hoặc hai bên tai. Khi có triệu chứng nghe kém, ù tai, chóng mặt không rõ nguyên nhân hoặc phụ nữ trong độ tuổi lao động có biểu hiện nghe kém và gia đình có người mắc bệnh xốp xơ tai thì nên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị đúng cách và kịp thời.

Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Nguyên Phương

Từ khóa » Xơ Xốp Tai