BERLIN PHILHARMONIC - Website Nhạc Cổ Điển - Nhaccodien
Có thể bạn quan tâm
“Bạn có thể đọc được rằng Berlin Philharmonic là dàn nhạc vĩ đại nhất thế giới… nhưng chỉ khi nghe họ chơi trực tiếp thì bạn mới có thể thực sự hiểu “vĩ đại nhất” nghĩa là gì.” — Boston Herald
Berlin Philharmonic (hay Berliner Philharmonisches Orchester; tiếng Đức: Berliner Philharmoniker) là một trong những dàn nhạc giao hưởng uy tín và nổi tiếng nhất trên thế giới, là niềm tự hào của thành phố Berlin. Nhắc đến Berlin Philharmonic, người ta nghĩ ngay đến đó là một dàn nhạc có chuyên môn vào hàng bậc nhất, có khả năng biểu cảm âm nhạc một cách tuyệt vời và có được sự nổi tiếng mà bất cứ dàn nhạc nào khác cũng phải khâm phục. Với tuổi đời hơn 120 năm, Berlin Philharmonic xứng đáng là viên ngọc quý của Berlin nói riêng và của thế giới nói chung trong thế giới âm nhạc.
Berlin Philharmonic là dàn nhạc hoạt động một cách dân chủ, tuy được trợ cấp của thành phố Berlin nhưng nó được điều hành độc lập do các nghệ sĩ thành viên, như Furtwängler gọi “dàn nhạc tự do dân chủ” (“free orchestral republic”). Dàn nhạc được Benjamin Bilse thành lập ở Berlin vào năm 1862 với cái tên Bilsesche Kapelle (Dàn nhạc Bilse). Nhưng bởi dàn nhạc do Benjamin Bilse lãnh đạo không mấy thành công, nên đến năm 1882, dàn nhạc được 54 nghệ sĩ thành viên cải tổ lại và Hermann Wolf, người quản lý tài chính của dàn nhạc, chính thức đổi tên thành Berliner Philharmoniker. Nhạc trưởng đầu tiên của dàn nhạc sau khi cải tổ lại là Ludwig von Brenner. Khi mới thành lập, Berlin Philharmonic gặp nhiều khó khăn về tài chính, tưởng chừng như phải tan rã, nhưng số phận của dàn nhạc không kết thúc nhanh như vậy, và người có công đầu trong việc dẫn dắt dàn nhạc là nhạc trưởng tài năng người Đức Hans von Bülow, người tham gia vào Berlin Philharmonic năm 1887. Trong thời gian 5 năm giữ chức vị cao nhất của dàn nhạc, ông đã đưa dàn nhạc lên tầm quốc tế, xây dựng nền móng vững chắc cho nó sau này. Sau khi mãn nhiệm, trong thời gian từ năm 1892 đến 1895, dàn nhạc lần lượt được những nhân vật nổi tiếng trong âm nhạc giữ chức vị nhạc trưởng như Hermann Levi, Hans Richter, Felix Mottl, Felix von Weingartner, Ernst von Schuch, Johannes Brahms, Edvard Grieg, Gustav Mahler, Richard Strauss và Hans Pfitzner.
Năm 1895, dàn nhạc chọn Arthur Nikisch (vốn là một nghệ sĩ violin) vào chức vụ nhạc trưởng chính thức, một thay thế xứng đáng cho Hans von Bülow. Ông là một nhạc trưởng khá trầm lặng, đơn giản. Trong 27 năm cầm đũa chỉ huy, Nikisch tập trung chủ yếu vào Anton Bruckner, cũng như các nhà soạn nhạc khác: Peter Ilyich Tchaikovsky, Hector Berlioz, Franz Liszt, Richard Strauss và Gustav Mahler. Cùng biểu diễn với dàn nhạc vào thời điểm này là các nghệ sĩ độc tấu như Ferruccio Busoni, Wilhelm Backhaus, Alfred Cortot (piano); Jacques Thibaud, Carl Flesch, Bronislav Huberman, Jascha Heifetz và Adolf Busch (violin); Pablo Casals (cello); Maria Ivogün và Heinrich Schlusnus (ca sĩ).
Năm 1922, Wilhelm Furtwängler, một nhạc trưởng trẻ tuổi người Đức, được chọn làm người thay thế cho Arthur Nikisch. Furtwängler là một nhạc trưởng đầy tài năng với đầy đủ tính chất của một nghệ sĩ thực thụ, giàu cảm xúc, có phong cách biểu diễn độc đáo rất riêng, có thể nói ông như một nhà triết học lỗi lạc. Khác với người tiền nhiệm, Furtwängler chú trọng vào các nhà soạn nhạc thời kỳ cổ điển và lãng mạn. Trong thời gian ông làm việc cho Berlin Philharmonic, đã đưa dàn nhạc đạt đến đỉnh cao của thành công, có thể nói ông là linh hồn của dàn nhạc. Furtwängler đặc biệt quan tâm đến Beethoven và Brahms, bên cạnh đó cũng tìm hiểu về Bruckner và những nhà soạn nhạc đương thời như Hindemith, Prokofiev, Stravinsky và Schöenberg. Năm 1945, vấp phải chiến tranh thế giới, nên Furtwängler buộc phải ngưng công việc chỉ huy lại. Chiến tranh kết thúc, năm 1952, ông lại được về làm việc với dàn nhạc cho đến khi qua đời vào năm 1954.
Hoạt động của Berlin Philharmonic bị đình trệ khi chiến tranh xảy ra, nhưng khi vừa kết thúc, dàn nhạc đã nhanh chóng trở lại hoạt động bằng việc tổ chức lại những buổi hòa nhạc từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1945 dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng lúc đó là Leo Borchard. Sự nghiệp ngắn ngủi của Borchard chấm dứt bất ngờ với cái chết của ông trong năm đó (do bị lạc đạn trong tình hình lính Mỹ đang chiếm đóng thành phố), và người thay thế ông, Sergiu Celibidache, một nhạc trưởng 33 tuổi người Romani lúc đó không mấy danh tiếng. Tuy nhiên, chính sự nhiệt tình của vị nhạc trưởng Celibidache, dàn nhạc dần dần khôi phục lại uy tín sau những năm gián đoạn do chiến tranh. Nhiều buổi hòa nhạc của ông diễn ra tại các nơi khác nhau như ở Zehlendorf, Titania Palace (lâu đài Titania) và Academy of Music (Nhạc viện) đã cho thấy sự khác thường của ông. Qua đó cũng giúp ông nâng cao danh tiếng của mình.
Năm 1946, Furtwängler trở lại bục chỉ huy và chính thức giữ cương vị nhạc trưởng chính của dàn nhạc vào năm 1952. Năm 1954, Herbert von Karajan được chọn làm người thay thế xứng đáng cho Furtwängler. Karajan nhanh chóng trở thành linh hồn của dàn nhạc. Trong hơn 3 thập kỷ làm nhạc trưởng của Berlin Philharmonic, Karajan đã đưa dàn nhạc lên một tầm cao mới với vô số buổi hòa nhạc trong nước lẫn ngoài nước Đức, cũng như tiến hành ghi âm cùng với dàn nhạc. Cái tên dàn nhạc bằng tiếng Đức Berliner Philharmoniker cũng dần dần thay thế cho cái tên tiếng Anh Berlin Philharmonic, một minh chứng cho danh tiếng của dàn nhạc không ngừng vươn cao. Vào thời kỳ này, Berlin Philharmonic có được 1 mái nhà mới là Philharmonic Hall (Phòng Hòa nhạc) ở Kemperplatz, do Hans Scharoun thiết kế, được hoàn tất vào năm 1963, nhằm thay thế cho phòng hòa nhạc đã bị phá hủy trước đó do Thế chiến II (1944). Từ đó, hoạt động của dàn nhạc diễn ra chủ yếu ở đó. Đến năm 1987, một khán phòng mới được xây thêm để phục vụ cho việc biểu diễn.
Năm 1967 đánh dấu sự ra đời của một festival lớn mang tên Phục sinh, do Berlin Philharmonic tổ chức ở Salzburg. Festival được tổ chức hàng năm và là một trong những festival âm nhạc nổi tiếng trên thế giới.
Năm 1989, Karajan thôi giữ chức vị nhạc trưởng của Berlin Philharmonic, sau hơn 30 năm gắn bó. Dưới thời của vị nhạc trưởng tài ba, Berlin Philharmonic vươn lên đỉnh cao của âm nhạc thế giới, trở thành một biểu tượng âm nhạc không những của nước Đức mà còn của thế giới. Karajan cũng qua đời trong năm đó (chỉ 1 tháng sau khi từ chức) ở Salzburg, quê hương của ông; người thay thế ông là Claudio Abbado. Abbado là vị nhạc trưởng thứ 15 và là người chỉ đạo nghệ thuật thứ 5 của dàn nhạc. Vào thời của ông, Berlin Philharmonic tiếp cận nhiều hơn đến những tác phẩm đương đại, đồng thời cũng tiếp tục trình diễn những tác phẩm thời kỳ cổ điển và lãng mạn – hai thời kỳ trung tâm của nhạc cổ điển. Abbado với cương vị nhạc trưởng một dàn nhạc danh tiếng, mở màn sự nghiệp của mình bằng cách tiến hành thực hiện nhiều chương trình âm nhạc theo nhiều chủ đề như “Music inspired by the poetry of Hölderlin” (Cảm hứng âm nhạc từ thơ của Hölderlin), “Faust”, “The Greek Tragedy (Oedipus, Elektra, Medea)” (Bi kịch Hy Lạp), “Shakespeare”, “Berg/Büchner” và “The Wanderer” (Người lang thang). Ngoài những chương trình trên, Abbado bắt đầu một loạt những buổi biểu diễn đặt vé trước (ở Kemperplatz) những vở opera như Il Viaggio a Reims (Rossini), Boris Godunov (Mussorgsky), Elektra (Richard Strauss), Otello và Simon Boccanegra (Verdi), Wozzeck (Berg), Fierrabras (Schubert) và Tristan und Isolde (Wagner). Claudio Abbado mãn nhiệm vào năm 2002 và thay thế ông là Sir Simon Rattle, một nhạc trưởng nổi bật người Anh, người Anh đầu tiên đảm nhận vai trò tối quan trọng của dàn nhạc danh tiếng Berlin Philharmonic. Ngày 07/09/2002, Rattle có buổi hòa nhạc đầu tiên với Berlin Philharmonic với tư cách giám đốc âm nhạc, trình diễn tác phẩm “Asyla” của nhà soạn nhạc Anh Thomas Adès và bản Giao hưởng số 5 của Gustav Mahler; trước đó khá lâu (vào ngày 23/06/1999), ông đã được chọn làm nhạc trưởng sẽ thay thế cho Abbado khi được 44 tuổi (vượt qua Daniel Barenboim). Nhiều người tin rằng, ông sẽ cùng với Berlin Philharmonic vươn lên một tầm cao mới trong nghệ thuật vô tận của âm nhạc.
Bên cạnh việc tổ chức vô số những buổi hòa nhạc, Berlin Philharmonic cũng thực hiện một số lượng khổng lồ những ghi âm với nhiều hãng nổi tiếng như Deutsche Grammophon, Sony Classical, Decca… Đồng thời, dàn nhạc cũng giành được nhiều giải thưởng uy tín về âm nhạc trên thế giới như (dưới đây chỉ là một số giải quan trọng):
+ Giải thưởng Classical Brit – “Ensemble/Orchestral Album of the Year” với Sir Simon Rattle cho thu âm “Symphony No.10” của Mahler (2001) và “Symphony No.5” của Mahler (2003) + Giải thưởng Grammy – “Best Opera Recording” với Herbert von Karajan, Helga Dernesch, Thomas Stolze, Jess Thomas cho thu âm vở opera “Siegfried” của Wagner (1970) + Giải thưởng Grammy – “Best Orchestral Performance” với Herbert von Karajan cho loạt buổi trình diễn trọn 9 bản giao hưởng của Beethoven (1979) + Giải thưởng Grammy – “Best Classical Album” và “Best Orchestral Recording” với Leonard Bernstein cho thu âm “Symphony No.9” của Mahler (1993) + Giải thưởng Gramophone – “Orchestral Record of the Year” với Herbert von Karajan cho thu âm “Symphony No.9” của Mahler (1981)
Danh sách các nhạc trưởng chính qua từng thời kỳ
+ Ludwig von Brenner (1882–1887) + Hans von Bülow (1887–1892) + Arthur Nikisch (1895–1922) + Wilhelm Furtwängler (1922–1945; 1952–1954) + Leo Borchard (06–08/ 945) + Sergiu Celibidache (1945–1952) + Herbert von Karajan (1954–1989) + Claudio Abbado (1989–2002) + Sir Simon Rattle (2002–)
Phòng hòa nhạc kỹ thuật số
Mới đàn nhạc Berlin Philharmonic đã công bố lịch các buổi hòa nhạc sẽ được phát trực tiếp trên hệ thống digital concert hall trong mùa diễn 2010-2011. Khán thính giả có thể mua vé xem từng buổi biểu diễn với giá € 9.90 hoặc đăng kí mua trọn gói một năm các buổi diễn của dàn Berlin Philharmonic. Tùy theo tốc độ đường truyền Internet của mình, khán thính giả có thể lựa chọn 3 mức chất lượng khác nhau: 700 kbs, 1.5 Mbs (tương ứng với chất lượng trên DVD) và 2.5 Mbs (tương ứng với chất lượng HDTV). Với các khán thính giả Việt Nam, lựa chọn đầu tiên có lẽ sẽ là hợp lí nhất.
Điểm đáng chú ý đầu tiên chính là buổi hòa nhạc mở màn mùa diễn, và cũng là mở đầu cho dự án biểu diễn tất cả các bản giao hưởng của nhà soạn nhạc Gustav Mahler nhân dịp kỉ niệm 150 năm ngày sinh (7/7/1860) và 100 năm ngày mất (18/5/1911) của ông. Trong buổi hòa nhạc này, nhạc trưởng Simon Rattle sẽ cùng dàn Berlin Philharmonic biểu diễn bản giao hưởng đầu tiên của Mahler, vẫn thường được gọi là bản giao hưởng “Titan”. Buổi hòa nhạc diễn ra vào ngày 27/8/2010.
Các bản giao hưởng của Mahler có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhạc trưởng Simon Rattle và dàn Berlin Philharmonic. Chính Rattle đã có buổi biểu diễn ra mắt công chúng với dàn Berlin Philharmonic bằng bản giao hưởng số 6 của Mahler vào năm 1987. Và ông cũng đã chỉ huy Berlin Philharmonic biểu diễn bản giao hưởng số 5 của Mahler trong buổi biểu diễn nhậm chức chỉ huy chính của dàn Berlin Philharmonic vào tháng 9 năm 2002.
Các tác phẩm của Mahler không được giới âm nhạc thời ông đánh giá cao với lí do tác phẩm của ông sử dụng những chất liệu tầm thường như những bài hát, những điệu nhảy dân gian, những điệu nhạc hành quân … Nhưng sau này, các tác phẩm của ông lại được đánh giá rất cao trên khía cạnh thể hiện nỗi thống khổ và sự ghét bỏ của con người; đồng thời ông cũng được cho là một trong những nhà soạn nhạc tiên phong, có những đột phá quan trọng trong lí luận sáng tác thể loại giao hưởng. Và ông trở thành nhà soạn nhạc có các tác phẩm được biểu diễn và thu âm nhiều nhất cho đến hiện nay. Trong mùa diễn này, người yêu nhạc cổ điển sẽ có cơ hội kiểm nghiệm những đánh giá trên về âm nhạc của Mahler vì các bản giao hưởng của Mahler sẽ được biểu diễn trong thế so sánh đối chiếu với các tác phẩm của các nhà soạn nhạc quan trọng khác, từ Purcell đến Schoenberg. Như trong buổi biểu diễn mở màn này, chúng ta sẽ được nghe giao hưởng số 1 của Mahler với giao hưởng số 4 của Beethoven để tận hưởng cách hai nhà soạn nhạc vĩ đại này đã tận dụng những chất liệu mới mẻ nhất thời các ông để sáng tác ra những bản giao hưởng tuyệt vời.
Một buổi hòa nhạc khác cũng rất đáng mong đợi là buổi biểu diễn của pianist trẻ đang được chú ý Denis Matsuev cùng nhạc trưởng danh tiếng người Nga Valery Gergiev chơi Rachmaninov piano concerto số 3. Matsuev là người đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikkovsky năm 1998 ở tuổi 23. Matsuev đã có một vài bản thu âm cho hãng đĩa Red Seal RCA và đều được đánh giá khá cao. Gần đây nhất, anh cùng nhạc trưởng Gergiev và dàn nhạc Mariinsky đã phát hành đĩa CD thu âm chính bản piano concerto số 3 của Rachmaninov này. Tuy sự lựa chọn các tác phẩm của Matsuev khá giống Horowitz, nhưng cách chơi của anh lại bộc lộ nhiều sự trái ngược với cách chơi của Horowitz (nghệ sĩ vốn rất nổi tiếng với bản concerto này): sự chừng mực, nhẹ nhàng, trầm tư và lắng đọng. Buổi biểu diễn vào ngày 22/12/2010 này hứa hẹn sẽ có nhiều điều thú vị và mới mẻ cho nhưng người yêu thích bản concerto này của Rachmaninov nói riêng và những người yêu thích các nghệ sĩ, nhà soạn nhạc người Nga nói chung.
Bên cạnh đó, trong mùa diễn này, chúng ta sẽ được gặp gỡ nhiều gương mặt trẻ, triển vọng và có cơ hội đón nhận những tác phẩm lần đầu công diễn. Đó là nhạc trưởng người Na Uy Eivind Gullberg Jensen sẽ cùng với nghệ sĩ violin danh tiếng Vadim Repin trình diễn bản violin concerto của Gubaidulina mang tên Offertorium; là nhạc trưởng người Canada gốc PhápYannick Nézet-Séguin sẽ chỉ huy dàn Berlin Philharmonic chơi bản giao hưởng Ảo tưởng Berlioz và cùng với nghệ sĩ piano Yefim Bronfman biểu diễn bản piano concerto số 2 của Prokofiev. Đặc biệt, nghệ sĩ kèn horn Stefan Dohr sẽ cùng dàn Berlin Philharmonic biểu diễn tác phẩm lần đầu công diễn trên thế giới horn concerto của nhà soạn nhạc người Nhật Bản Toshio Hosokawa.
Van Toàn và Huyền Châu (nhaccodien.info) tổng hợp
Từ khóa » Philharmonic Là Gì
-
Sự Khác Biệt Giữa Giao Hưởng Và Philharmonic - Sawakinome
-
Philharmonic Là Gì, Nghĩa Của Từ Philharmonic | Từ điển Anh
-
Ý Nghĩa Của Philharmonic Trong Tiếng Anh - Cambridge Dictionary
-
Sự Khác Biệt Giữa Symphony Và Philharmonic - Chickgolden
-
Từ điển Anh Việt "philharmonic" - Là Gì?
-
Sự Khác Biệt Giữa Symphony Và Philharmonic - 2022 - Trangwiki
-
Philharmonic
-
Philharmonic Tiếng Anh Là Gì? - Từ điển Anh-Việt
-
Philharmonic - Ebook Y Học - Y Khoa
-
Philharmonic Nghĩa Là Gì?
-
Maius Philharmonic: dàn Nhạc Giao Hưởng Tư Nhân đầu Tiên Của VN
-
New York Philharmonic - Wikimedia Tiếng Việt
-
ROYAL PHILHARMONIC ORCHESTRA Tiếng Việt Là Gì - Tr-ex