Bị Cảm Khi Mang Thai Và Những Hướng Xử Trí Phù Hợp - YouMed

Nội dung bài viết

  • Bị cảm khi mang thai phổ biến như thế nào?
  • Bị cảm khi mang thai có nguy hiểm không?
  • Triệu chứng bị cảm khi mang thai
  • Điều trị bệnh cảm khi mang thai như thế nào?
  • Làm sao để phòng bị cảm khi mang thai

Bị cảm khi mang thai là một trong những vấn đề thường gặp. Trong quá trình mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu có phần bị suy giảm. Chính vì vậy, mẹ bầu rất dễ mắc một số bệnh nhất định. Trong đó, bệnh cảm là một bệnh khá phổ biến không chỉ riêng đối với bà bầu. Vậy hướng xử trí khi mang thai bị bệnh cảm là như thế nào? Hãy cùng Ths. BS Phan Lê Nam tham khảo qua bài viết sau đây để biết được câu trả lời nhé!

Bị cảm khi mang thai phổ biến như thế nào?

Bị cảm khi mang thai là một vấn đề thường gặp. Những nguyên nhân thường gặp có thể là do:

  • Suy giảm sức đề kháng khi có thai nên dễ bị cảm
  • Thời tiết thay đổi, trời trở gió, trở lạnh.
  • Chưa tiêm văc xin phòng bệnh cảm cúm.

Bệnh cảm cúm là bệnh rất phổ biến, khi tiếp xúc với người bị cảm thì thai phụ có nguy cơ nhiễm bệnh

Khi chị em nói rằng mình bị cảm khi mang thai thì nên phân biệt chính xác giữa cảm cúm và cảm lạnh. Cách điều trị và phòng bệnh của 2 bệnh này rất khác nhau. Quan trọng hơn là khi thai phụ bị cảm cúm, virus cúm không những ảnh hưởng đến người mẹ mà còn tác động đến thai nhi.

Cảm lạnh có nguyên nhân là do siêu vi xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp. Có trên 100 loại virus khác nhau gây nên bệnh cảm lạnh. Bệnh cảm lạnh thường gặp vào mùa lạnh, mùa mưa, khi thời tiết thay đổi.

Bệnh cảm lạnh
Bệnh cảm lạnh

Trong khi đó, cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm. Bệnh này do virus cúm Influenza gây nên. Có 3 nhóm virus cúm chính là A, B và C. Nên lưu ý tuỳ theo type cúm có thể tạo thành dịch bệnh hay không.

Bệnh cảm cúm
Bệnh cảm cúm

Bị cảm khi mang thai có nguy hiểm không?

Phụ nữ bị cảm khi mang thai không nên tự ý dùng thuốc. Bởi vì nhiều loại thuốc trị cảm có thể ảnh hưởng ít nhiều đến thai nhi. Chẳng hạn như có thể gây suy thai, dị tật thai, sảy thai, sinh non,…

Mẹ bầu bị cảm ở mức độ nặng có thể dẫn đến tình trạng tử cung co bóp mạnh và sớm. Theo đó, biến chứng sinh non hoặc thậm chí sảy thai có thể xảy ra. Bé sinh non tháng sẽ có sức khỏe yếu và phát triển có phần hạn chế hơn những trẻ sinh đủ tháng.

Bị cảm khi mang thai tồn tại những nguy cơ nhất định
Bị cảm khi mang thai tồn tại những nguy cơ nhất định

Thai phụ bị cảm sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, ăn uống không đầy đủ chất. Điều đó có thể dẫn đến suy nhược cơ thể, thai nhi chậm phát triển. Mặt khác, khi mẹ bầu bị cảm cúm sẽ có nguy cơ:

  • Suy nhược cơ thể.
  • Mắc bệnh gai cột sống.
  • Sứt môi hở hàm ếch.
  • Viêm đại tràng co thắt.
  • Suy thận bẩm sinh.
  • Trẻ sinh ra có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ.
Bị cúm khi mang thai có thể gây dị tật thai nhi
Bị cúm khi mang thai có thể gây dị tật thai nhi

Nói chung, bệnh cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường có thể tự khỏi. Tuy nhiên, đối với cơ địa suy giảm sức đề kháng, bị cảm khi mang thai có thể trở nên trầm trọng hơn. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

Triệu chứng bị cảm khi mang thai

Mẹ bầu khi mang thai mắc bệnh cảm có thể xuất hiện những triệu chứng sau đây:

  • Ho khan hoặc ho có đàm.
  • Nhảy mũi, sổ mũi, nghẹt mũi.
  • Sốt nhẹ.
  • Khó thở.
  • Khàn giọng.
  • Có cảm giác ớn lạnh.
  • Đau đầu, đau cơ khớp.
  • Mệt mỏi.
  • Có thể chán ăn, ăn không ngon miệng.

Những triệu chứng của bệnh cảm khi mang thai có thể không giống nhau giữa các bà bầu. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên chủ quan mà nên khám tại bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử trí phù hợp.

Những triệu chứng thường gặp của bệnh cảm
Những triệu chứng thường gặp của bệnh cảm

Điều trị bệnh cảm khi mang thai như thế nào?

Trong những trường hợp bệnh nhẹ, các bác sĩ sẽ khuyến khích mẹ bầu nên:

Nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý

Khi bị nghẹt mũi, sổ mũi, biện pháp an toàn dành cho mẹ bầu là nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%. Dung dịch nhỏ mũi này khá rẻ và bạn có thể mua ở bất kỳ nhà thuốc nào.

Dung dịch nước muối sinh lý nhỏ mũi
Dung dịch nước muối sinh lý nhỏ mũi

Dùng chanh kết hợp với mật ong

Bạn hãy dùng hỗn hợp nước chanh mật ong. Hoặc hòa nước chanh và mật ong với nước ấm. Biện pháp này không chỉ giúp thai phụ giải cảm, trị ho mà còn bổ sung vitamin C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Một số biện pháp không dùng thuốc khác

  • Nghỉ ngơi.
  • Chườm ấm vùng mặt, tắm nước ấm.
  • Súc miệng, khọt miệng bằng nước muối.
  • Ăn nhiều trái cây giàu vitamin C như: cam, bưởi, quýt, đu đủ,…
  • Dùng máy xông hơi mặt, máy phun sương tinh dầu.

Trong những trường hợp bị cảm khi mang thai trở nặng, mẹ bầu nên đến khám tại bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc điều trị cảm an toàn cho bà bầu.

Một số loại thuốc an toàn cho bà bầu dùng để trị bệnh cảm bao gồm

  • Thuốc giảm đau Paracetamol.
  • Nhóm thuốc điều trị virus cúm chẳng hạn như Tamiflu được chứng nhận an toàn cho thai phụ.
  • Thuốc kháng Histamin H1 như: Cetirizin, Loratadin, Fexofenadin,…
  • Thuốc giảm ho Eugica, Dextromethorphan.

Tuy nhiên, mẹ bầu không nên tự ý dùng những loại thuốc trên mà nên uống theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhé!

Làm sao để phòng bị cảm khi mang thai

Những biện pháp phòng bị cảm khi mang thai bao gồm:

  • Tiêm ngừa văc xin phòng bệnh cúm.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
  • Nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tập thể dục nhẹ hàng ngày
  • Hạn chế đến những nơi đông người.
  • Thường xuyên rửa tay.
Văc xin phòng bệnh cúm
Văc xin phòng bệnh cúm

Hy vọng với những thông tin mà bài viết của Ths. BS Phan Lê Nam đã cung cấp, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề bị cảm khi mang thai. Từ đó, chị em đặc biệt là những thai phụ sẽ nhận biết mình có bị cảm hay không. Đồng thời có hướng điều trị cũng như phòng bệnh hiệu quả nhất.

Từ khóa » Hiện Tượng Cảm Lạnh ở Bà Bầu