Biện Pháp Nào Có Thể điều Trị đa Xơ Cứng Hiệu Quả?

1. Đa xơ cứng là bệnh gì?

1.1. Đa xơ cứng là gì?

Đa xơ cứng là một loại bệnh tự miễn đặc trưng bởi tình trạng rối loạn của tủy sống và não bộ sinh ra nhiều triệu chứng khác nhau. Trong bệnh lý này viêm hoặc sự hư hại của myelin khiến cho tín hiệu thần kinh bị gián đoạn làm thiệt hại sợi thần kinh cơ. Tùy từng trường hợp cụ thể mà triệu chứng có thể ít, nhẹ hoặc rất nhiều triệu chứng với một loạt khuyết tật nặng.

1.2. Tại sao bị đa xơ cứng?

Đến nay, nguyên nhân gây đa xơ cứng là gì vẫn chưa được tìm ra. Bản thân đa xơ cứng là bệnh tự miễn nên các tế bào của hệ thống miễn dịch thay vì tấn công tác nhân gây bệnh sẽ đi tấn công một phần của cơ thể. Vì thế, ở vào thời kỳ bệnh đang hoạt động, những thành phần của hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các vỏ myelin bao quanh sợi thần kinh ở tủy sống và não gây ra viêm.

Đa xơ cứng khiến người bệnh gặp khó khăn trong vận động

Đa xơ cứng khiến người bệnh gặp khó khăn trong vận động

Có giả thuyết cho rằng một yếu tố nào đó trong môi trường hay một loại virus đã kích hoạt hệ thống miễn dịch của một số người mang kiểu di truyền nhất định. Khi xung quanh vỏ myelin bị viêm làm ảnh hưởng đến các sợi thần kinh và khiến cho chúng không còn hoạt động tốt nữa thì sẽ sinh ra các triệu chứng.

Bao myelin có thể được sửa chữa và lành khi viêm hết, lúc ấy, sợi thần kinh sẽ tái hoạt động. Điều đáng nói là viêm hoặc tái phát các đợt viêm có thể gây ra các vết xơ cứng làm tổn thương vĩnh viễn sợi thần kinh. Vì thế, bệnh nhân bị đa xơ cứng điển hình sẽ có nhiều mảng xơ cứng ở não và tủy sống.

1.3. Triệu chứng của bệnh đa xơ cứng như thế nào?

Tùy thuộc vào lượng tế bào thần kinh bị tổn thương mà triệu chứng đa xơ cứng ở mỗi người sẽ có sự khác nhau, gồm:

- Mất cảm giác.

- Thị giác có vấn đề: bị mờ hoặc nhìn thấy có hai hình ảnh của một vật tách rời nhau. Điều này thường gặp ở một bên mắt và gây đau nếu mắt chuyển động.

- Có vấn đề về vận động: yếu cơ hoặc bị chuột rút ở một cánh chân hoặc cánh tay, co cứng, mất thăng bằng, vụng về.

- Có vấn đề ở hệ thống thần kinh tự trị: chức năng tình dục bị rối loạn, mất khả năng kiểm soát ở ruột và bàng quang,...

- Hay nói lắp.

- Mắc trầm cảm.

2. Làm thế nào để điều trị đa xơ cứng?

2.1. Chẩn đoán bệnh đa xơ cứng

Muốn điều trị đa xơ cứng thì trước tiên người bệnh cần được chẩn đoán chính xác bệnh lý này. Nếu có nghi ngờ về sự hiện diện của bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp MRI tủy sống và não bộ. Nhờ biện pháp này mà bác sĩ quan sát được hình ảnh trong cơ thể để nhận biết bất thường. Mặt khác, MRI còn phát hiện đúng tổn thương thần kinh.

Hình ảnh chụp MRI cung cấp cơ sở để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị đa xơ cứng

Hình ảnh chụp MRI cung cấp cơ sở để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị đa xơ cứng

Một số bệnh nhân bị đa xơ cứng nhưng lại không phát hiện bất thường qua chụp MRI mà cần phải theo dõi diễn tiến và thường xuyên lặp lại các xét nghiệm kiểm tra. Ngoài phương pháp này, nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm khác để cung cấp thông tin chính xác cho việc chẩn đoán như:

- Chọc dò dịch não tủy: mẫu bệnh phẩm là dịch não tủy sẽ được lấy bằng một chiếc kim nhỏ đem chọc vào thắt lưng. Sau đó, mẫu bệnh phẩm được mang đi đến phòng xét nghiệm chuyên biệt để tìm kiếm bất thường.

- Điện thế đáp ứng: bác sĩ quan sát tín hiệu điện của tủy sống và não bộ bằng các điện cực nhỏ được gắn ở dưới da rồi đánh giá tín hiệu điện khi bệnh nhân nhìn vào ánh sáng, cảm nhận dòng điện nhẹ hoặc nghe tiếng động.

- Chụp CT quang học mắt: dùng các nguồn sáng đặt biệt để khảo sát bên trong nhãn cầu và tìm các dấu hiệu gợi ý chẩn đoán đa xơ cứng

2.2. Biện pháp và hiệu quả điều trị đa xơ cứng

Biện pháp điều trị đa xơ cứng cho từng bệnh nhân phụ thuộc chủ yếu vào loại bệnh mà họ mắc phải. Các phương pháp thường được áp dụng là:

- Điều trị tấn công

Đây là phương pháp thường dùng cho các đợt bùng phát bệnh, nếu cần thiết bác sĩ cũng sẽ dùng thêm thuốc kháng viêm steroids để giảm phản ứng tự miễn nhờ đó mà rút ngắn thời gian phát bệnh.

- Điều trị phòng ngừa

Có rất nhiều nhóm thuốc được dùng với mục đích ngăn ngừa những các đợt tái phát bệnh chứ không thể đẩy lùi bệnh hoàn toàn, ví dụ như:

+ Thuốc Corticosteroids: methylprednisolon đường tiêm tĩnh mạch hoặc prednisone đường uống dùng để giảm viêm thần kinh. Khi dùng loại thuốc điều trị đa xơ cứng này người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như: tâm trạng thất thường, huyết áp cao, mất ngủ,...

Khám bác sĩ chuyên khoa khi có triệu chứng nghi ngờ sẽ giúp kiểm soát tốt sự tiến triển của bệnh đa xơ cứng

Khám bác sĩ chuyên khoa khi có triệu chứng nghi ngờ sẽ giúp kiểm soát tốt sự tiến triển của bệnh đa xơ cứng

+ Truyền huyết tương thay thế: chủ yếu áp dụng với những trường hợp sớm phát hiện triệu chứng hoặc đã có triệu chứng trầm trọng nhưng lại chưa đáp ứng steroids

Ngoài những phương pháp truyền thống này thì hiện nay, để điều trị đa xơ cứng thể thuyên giảm - tái phát còn có thể ghép tế bào gốc tự thân hệ tạo máu.

Điều trị bệnh đa xơ cứng là khá khó khăn nhưng hãy yên tâm là bệnh lý này rất hiếm gây tử vong. Người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với một số biến chứng nặng như khó nuốt; tình trạng nhiễm trùng hô hấp hoặc bàng quang.

Không phải mọi trường hợp bị đa xơ cứng đều bị liệt nặng, có khoảng 2/3 bệnh nhân có thể đi lại được nhưng cần có công cụ trợ giúp như: xe lăn, gậy, nạng,... So với người bình thường thì tuổi thọ của bệnh nhân đa xơ cứng thường thấp hơn khoảng 5 - 10 năm.

Nhờ sự tiến bộ không ngừng của y học, thời gian gần đây các nhà khoa học đã tìm ra một số loại thuốc mới đem lại hiệu quả điều trị đa xơ cứng cao và an toàn hơn, góp phần mang lại hy vọng làm chậm tiến triển của bệnh. Khi đã áp dụng điều trị, muốn chất lượng cuộc sống đảm bảo tốt như người bình thường, người bệnh nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và thực hiện lối sống lành mạnh.

Những thông tin được chia sẻ trên đây chỉ mang tính tham khảo. Nếu có triệu chứng nghi ngờ, tốt nhất bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và tìm ra phương pháp điều trị đa xơ cứng phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng có thể gọi đến tổng đài của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: 1900 56 56 56, chia sẻ vướng mắc sức khỏe của mình, đội ngũ chuyên gia y tế của bệnh viện sẽ nhanh chóng gửi tới bạn các thông tin phù hợp.

Từ khóa » đa Xơ Cứng Tế Bào Thần Kinh