Y Học Thường Thức: Đa Xơ Cứng (ở Người Lớn)

Nội dung bài viết

  • Đa xơ cứng là bệnh gì?
  • Triệu chứng của bệnh đa xơ cứng
  • Phân loại bệnh
  • Chẩn đoán đa xơ cứng
  • Khi nào cần đi khám?
  • Điều trị

Đa xơ cứng là một bệnh lý  suy giảm chức năng thần kinh ở não bộ và tủy sống kết hợp với tình trạng hình thành sẹo trên lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh. Trong nhiều trường hợp bệnh làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh rõ rệt, gây cản trở vận động cũng như tác động trực tiếp vào tâm lý khiến người bệnh chán nản và tăng khả năng dẫn tới trầm cảm. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh lý đặc biệt này ở bài viết dưới đây của Bác sĩ Ngô Minh Quân.

Đa xơ cứng là bệnh gì?

Đa xơ cứng là bệnh lý dẫn đến các vấn đề về thị giác, tê bì, yếu cơ hoặc các triệu chứng thần kinh khác. Bệnh xảy ra là do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào thần kinh cũng như làm tổn thương các liên kết thần kinh ở não bộ hoặc tủy sống.

Tình trạng hệ miễn dịch của chúng ta tự tấn công, làm tổn thương chính những tế bào thần kinh trong cơ thể được gọi là “bệnh lý tự miễn”.

Triệu chứng của bệnh đa xơ cứng

Bệnh lý có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau. Mỗi bệnh nhân có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:

  • Tê bì, ngứa, cảm giác như kim châm chít.
  • Yếu hoặc co giật cơ, có thể làm cho bệnh nhân té ngã.
  • Giảm thị lực, đau mặt hoặc cử động mắt bất thường.
  • Chóng mặt, mất cân bằng, có thể làm cho bệnh nhân té ngã.
  • Khó khăn trong việc đi lại hoặc nói chuyện.
  • Tiêu tiểu mất tự chủ.
  • Giảm khả năng tình dục.
  • Tăng nhạy cảm với nhiệt độ.
  • Nhầm lẫn, giảm tư duy.

Hầu hết các bệnh nhân đa xơ cứng biểu hiện một hoặc một vài triệu chứng trên. Tuy nhiên cũng có những bệnh nhân biểu hiện hầu hết các triệu chứng của bệnh.

đa xơ cứng ở người lớn
Yếu cơ là một triệu chứng của bệnh đa xơ cứng

Phân loại bệnh

Bệnh đa xơ cứng thường được gọi tên dựa vào diễn tiến của bệnh lý, từ đó phân loại thành:

  • Tái phát: Nhóm này triệu chứng liên tục xuất hiện và biến mất. Khi triệu chứng bùng phát, chúng thường kéo dài vài ngày đến hàng tuần trước khi dần trở nên thoái lui. Giữa các đợt bùng phát, bệnh nhân hoàn toàn không xuất hiện triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên cũng có một bài bệnh nhân có triệu chứng dai dẳng sau những đợt bùng phát. Tái phát là phân loại thường gặp nhất của bệnh.
  • Tiến triển thứ phát: Nhóm này triệu chứng bùng phát lần đầu nhưng sau đó diễn tiến nặng nề hơn. Diễn tiến này gặp phải ở nhiều bệnh nhân thuộc nhóm tái phát.
  • Tiến triển nguyên phát: Nhóm này triệu chứng bùng phát và diễn tiến nặng nề ngày từ lúc đầu tiên
  • Tái phát tiến triển: nhóm này triệu chứng bùng phát và diễn tiến nặng nề, nhưng sau đó thoái lui và tái phát lại sau đó.

Xem thêm: Đa xơ cứng ở trẻ em 

Chẩn đoán đa xơ cứng

Nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng, việc chụp cộng hưởng từ – MRI não bộ và tủy sống là cần thiết. MRI cung cấp những hình ảnh bên trong cơ thể giúp quan sát và nhận biết bất thường.

Phương pháp này cũng giúp phát hiện các tổn thương thần kinh nếu có. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân không phát hiện bất thường trên MRI mà phải được chẩn đoán thông qua việc theo dõi diễn tiến và lặp lại các xét nghiệm kiểm tra nhiều lần. Ở một số bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định thêm những xét nghiệm tăng cường việc chẩn đoán bệnh như:

  • Chọc dò thắt lưng (chọc dò dịch não tủy thắt lưng): đây là thủ thuật lấy mẫu dịch não tủy thông qua kim nhỏ chọc vào vùng thắt lưng. Mẫu dịch não tủy này được mang đi thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán các bất thường.
  • Điện thế đáp ứng: đây là quá trình bác sĩ sẽ quan sát các tín hiệu điện ở não bộ và tủy sống. Thông qua việc gắn những điện cực nhỏ ở da, sau đó đánh giá tín hiệu điện khi bệnh nhân nhìn vào ánh sáng, nghe tiếng động hoặc cảm nhận dòng điện nhẹ.
  • Chụp cắt lớp quang học mắt: Thông qua việc sử dụng những nguồn sáng đặt biệt để khảo sát bên trong nhãn cầu và tìm các dấu hiệu gợi ý chẩn đoán đa xơ cứng

Khi nào cần đi khám?

Nếu bạn có bất cứ triệu chứng nào được liệt kê ở trên và chưa tìm được nguyên nhân của chúng thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh lý đa xơ cứng

Điều trị

Việc điều trị phụ thuộc nhiều vào phân loại đa xơ cứng bệnh nhân mắc phải. Có nhiều phương pháp điều trị như:

  • Điều trị tấn công: dành cho những đợt bùng phát đa xơ cứng, bác sĩ có thể cần sử dụng đến kháng viêm steroids. Việc dùng steroids này khác với mục đích của các vận động viên để tăng kích thước cơ bắp, dùng steroid ở bệnh nhân đa xơ cứng với mục đích giảm phản ứng tự miễn qua đó rút ngắn thời gian của đợt bùng phát.
  • Điều trị phòng ngừa: Có nhiều nhóm thuốc khác nhau có tác dụng ngăn ngừa những đợt tái phát của bệnh nhưng không có khả năng chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Hiện nay đã có những loại thuốc thế hệ mới đường uống bệnh nhân có thể dùng tại nhà. Hãy liên hệ bác sĩ điều trị để được tư vấn và chỉ định đúng nhóm thuốc điều trị thích hợp.
  • Corticosteroides: như prednisone đường uống hoặc methylprednisolone tiêm tĩnh mạch, được dự phòng để giảm viêm thần kinh. Tác dụng phụ có thể có là mất ngủ, tăng huyết áp, thay đổi tâm trạng và giữ nước.
  • Truyền thay thế huyết tương: Huyết tương là một thành phần của máu, được lấy từ cơ thể và phân tách. Tế bào máu sau đó được trộn với dung dịch protein (albumin) và truyền lại vào cơ thể bạn. Thay thế huyết tương có thể được sử dụng nếu bạn phát hiện triệu chứng sớm, trầm trọng nhưng chưa có đáp ứng với steroids.

Thêm vào đó, việc điều chỉnh quy trình điều trị, chúng ta có thể sử dụng nhiều thuốc mới nhưng hầu hết chúng đều chưa có ở Việt Nam và có nhiều tác dụng phụ. Hiện tại, ghép tế bào gốc tự thân hệ tạo máu có thể được sử dụng cho người bệnh đa xơ cứng thể tái phát- thuyên giảm.

Truyền tế bào gốc tự thân hệ tạo máu có thể được sử dụng cho người bệnh đa xơ cứng thể tái phát- thuyên giảm.
Truyền tế bào gốc tự thân hệ tạo máu có thể được sử dụng cho người bệnh đa xơ cứng thể tái phát – thuyên giảm.

Bên cạnh đó việc điều trị triệu chứng của đa xơ cứng cũng rất quan trọng. Do đó hãy thông báo cho bác sĩ điều trị biết những triệu chứng bạn gặp phải

Nếu bạn là bệnh nhân đa xơ cứng, hãy giữ thái độ tích cực. Hầu hết bệnh nhân diễn tiến bệnh rất chậm. Trung bình mất đến nhiều năm trước khi đa xơ cứng diễn tiến trầm trọng. Thêm vào đó các thuốc thế hệ mới hiện nay có tác dụng điều trị rất khả quan đối với bệnh lý đa xơ cứng, giảm triệu chứng đợt bùng phát cũng như ngăn ngừa tốt các đợt tái phát.

Trên đây là những thông tin cơ bản bệnh lý đa xơ cứng. Hy vọng cung cấp được những thông tin bước đầu giúp người đọc dễ dàng tiếp tục tìm hiểu thêm về bệnh lý đặc biệt này.

Từ khóa » đa Xơ Cứng Tế Bào Thần Kinh