Biện Pháp Thi Công đường Bê Tông Nhựa Polime

Biện pháp thi công đường bê tông nhựa polime

1. Một số yêu cầu về phối hợp thi công bê tông nhựa polime

- Hoạt động của trạm trộn, xe tải ben vận chuyển bê tông nhựa nóng ra hiện trường, máy rải và các xe lu lèn phải được phối hợp nhịp nhàng.

- Năng suất Trạm trộn bê tông nhựa polime phải đảm bảo phù hợp với năng suất của máy rải. Khi năng suất của trạm trộn asphalt thấp nên đặt hàng thêm ở một số trạm trộn bê tông nhựa lân cận nơi thi công.

- Phải tính toán khoảng cách giữa công trường thi công và các trạm bê tông nhựa sao cho khi bê tông nhựa polyme được vận chuyển đến công trường đảm bảo nhiệt độ theo quy định.

2. Yêu cầu về điều kiện thi công bê tông nhựa polime

- Nhiệt độ không khí lớn hơn 150C mới tiến hành thi công bê tông nhựa polime và không được thi công khi trời mưa hoặc có thể mưa. Khi đang rải bê tông nhựa mà gặp trời mưa thì phải ngừng ngay và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo chất lượng.

- Điều kiện thi công tốt nhất cho công tác rải và lu lèn hoàn thiện bê tông nhựa là được bắt đầu và kết thúc vào ban ngày. Trong trường hợp bắt buộc phải thi công vào ban đêm thì phải bố trí thiết bị chiếu sáng đảm bảo cho quá trình rải thảm có chất lượng, an toàn và được sự đồng ý của tư vấn giám sát.

3. Yêu cầu về đoạn thi công thử bê tông nhựa polime

- Quy trình thi công bê tông asphalt polime phù hợp sẽ được xác định bằng cách thi công rải thử một đoạn để kiểm tra sau đó mới áp dụng đại trà. Chiều rộng của đoạn thi công thử tối thiểu 2 vệt máy rải, chiều dài tối thiểu 100 m.

- Căn cứ vào số liệu thu được sau khi thi công rải thử nhà thầu sẽ hiệu chỉnh và lập phương án thi công phù hợp để áp dụng thi công đại trà.

Các số liệu trong biện pháp thi công được chấp thuận bao gồm:

  • + Công thức chế tạo bê tông nhựa polime;
  • + Phương án thi công thể hiện: Vật liệu tưới dính bám hoặc thấm bám là loại gì, sử dụng với hàm lượng bao nhiêu; Sau khi tưới nhựa dính bám và thấm bám bao lâu thì tiến hành thảm bê tông nhựa polime; Chiều dày chưa lu lèn của bê tông asphalt polime là bao nhiêu; nhiệt độ rải là bao nhiêu; nhiệt độ lu lèn bắt đầu và kết thúc là bao nhiêu; sơ đồ lu lèn của các loại lu như thế nào, số lượt lu ra sao; độ chặt thế nào; độ bằng phẳng ra sao; độ nhám bề mặt đường nhựa thế nào…

- Sau khi thi công thử mà chưa đạt yêu cầu về chất lượng thì phải làm một đoạn thử khác trong đó công thức chế tạo bê tông nhựa polime cũng như công nghệ thi công được điều chỉnh cho đến khi đạt yêu cầu.

4. Chuẩn bị mặt bằng thi công

- Làm sạch mặt bằng trước khi thi công: Sử dụng máy quét, máy thổi, vòi phun nước làm sạch bụi bẩn và đất cát rơi vãi trên bề mặt đường và bắt buộc phải khô ráo trước khi rải. Chuẩn bị bề mặt rộng hơn sang mỗi bên lề đường so với bề rộng sẽ được tưới nhựa thấm bám hoặc dính bám ít nhất là 20cm.

- Xử lý bù vênh: Nếu mặt đường cũ có các vị trí lồi lõm, ổ gà thì trước khi rải bê tông nhựa polime phải tiến hành công tác bù vênh bề mặt, vá ổ gà và sửa chữa lồi lõm. Phải hoàn thành trước ít nhất 1 ngày nếu sửa chữa bằng bê tông nhựa nóng và nếu dùng bê tông nhựa nguội carboncor asphalt thì phải hoàn thành trước ít nhất 15 ngày.

- Chuẩn bị bề mặt: Bề mặt hiện trạng có thể là mặt của lớp móng hay của lớp dưới của mặt đường nhưng trước khi thi công vẫn phải bảo đảm cao độ, độ dốc ngang, độ dốc dọc, độ bằng phẳng với các sai số được quy định trong các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

- Tưới nhựa thấm bám hoặc dính bám: Công tác tưới nhựa thấm bám và dính bám phải được tiến hành trước khi rải bê tông nhựa polime.

  • Tưới nhựa thấm bám:
    • Đối với các lớp móng không dùng nhựa như cấp phối đá dăm, cấp phối đá gia cố xi măng... ta tiến hành tưới nhựa thấm bám với tỷ lệ từ 0,5 lít/m2 đến 1,3 lít/m2 tùy thuộc trạng thái bề mặt kín hay hở.
    • Loại nhựa để tưới thấm bám là nhựa lỏng đông đặc vừa MC30, hoặc MC70 hoặc nhựa lỏng đông đặc nhanh RC70
    • Nhiệt độ tưới nhựa thấm bám: khi tiến hành tưới thấm bám thì nhiệt độ của MC30 hoặc RC70 là 45 ± 100C còn MC70 là 70 ± 100C.
    • Sau khi tưới nhựa thấm bám thì phải đợi ít nhất là 2 ngày mới tiến hành thi công rải bê tông nhựa polime để cho dầu nhẹ đủ thời gian bay hơi hết và để nhựa lỏng kịp thấm sau xuống lớp móng độ 5 – 10 mm.
  • Tưới nhựa dính bám:
    • Đối với mặt đường nhựa cũ, trên các lớp móng có sử dụng nhựa như hỗn hợp đá nhựa, thấm nhập nhựa, láng nhựa … hoặc trên lớp BTNP thứ nhất đã rải thì tưới nhựa dính bám với tỷ lệ từ 0,3 lít/m2 đến 0,5 lít/m2 khi dùng nhựa lỏng đông đặc nhanh RC70 hoặc với tỷ lệ từ 0,3 lít/m2 đến 0,6 lít/m2 khi dùng nhũ tương cationic phân tích chậm CSS1-h.
    • Loại nhựa để tưới dính bám là nhựa lỏng đông đặc nhanh RC70 hoặc nhũ tương cationic phân tích chậm CSS1-h.
    • Khi tưới dính bám bằng nhũ tương, phải pha thêm nước sạch với tỷ lệ 1/2 nước, 1/2 nhũ tương trước khi tưới.
    • Thời gian từ lúc tưới nhựa dính bám đến khi rải lớp bê tông asphalt polime ít nhất là 5 giờ để nhựa lỏng kịp đông đặc hoặc nhũ tương kịp phân tách xong.

- Dụng cụ tưới dính bám và thấm bám: Dùng thiết bị chuyên dụng có khả năng kiểm soát được nhiệt độ và liều lượng của nhựa tưới dính bám hoặc thấm bám, không được dùng dụng cụ thủ công để tưới.

- Thời điểm tưới nhựa: Khi bề mặt đã được chuẩn bị đầy đủ thì mới được tưới nhựa dính bám hoặc thấm bám. Khi có gió to, trời mưa, sắp có cơn mưa, có sương mù thì không được tưới. Bề mặt phải được phủ đều nhựa, chỗ nào thiếu phải tưới bổ sung bằng thiết bị phun cầm tay, chỗ nào thừa phải được gạt bỏ.

- Vị trí và cao độ rải ở hai mép mặt đường phải được định vị theo đúng thiết kế. Sử dụng máy cao đạc như máy thủy bình để kiểm tra cao độ. Tiến hành đánh dấu cao độ rải và quét lớp nhũ tương hoặc nhựa lỏng ở thành đá vỉa khi có đá vỉa ở hai bên.

- Khi dùng máy rải có bộ phận tự động điều chỉnh cao độ lúc rải, sau khi đã cao đạc chính xác dọc theo mép của dải sẽ rải và theo mặt đường cần chuẩn bị cẩn thận các đường chuẩn hoặc đặt thanh dầm làm đường chuẩn, hoặc căng dây chuẩn thật căng, thật thẳng dọc theo mép mặt đường và dải sẽ rải. Sử dụng máy cao đạc như máy thủy bình để kiểm tra cao độ. Khi lắp đặt hệ thống cao độ chuẩn cho máy rải phải đảm bảo sự làm việc ổn định của các cảm biến với hệ thống cao độ chuẩn này và phải tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của nhà sản xuất thiết bị.

5. Vận chuyển bê tông nhựa polime

- Dùng ô tô tự đổ vận chuyển bê tông nhựa asphalt polime. Xe vận chuyển bê tông asphalt polime phải có bạt che phủ. Thùng xe phải sạch, kín, được phun đều một lớp mỏng dung dịch xà phòng (hoặc các loại dầu chóng dính bám) vào thành và đáy thùng. Không được dùng dầu diezen, dầu mazút hay các dung môi hoà tan được nhựa đường để quét lên đáy và thành thùng xe.

- Mỗi chuyến ô tô vận chuyển hỗn hợp bê tông nhựa polime khi rời trạm trộn bê tông nhựa phải có phiếu xuất xưởng ghi rõ nhiệt độ hỗn hợp, chất lượng, khối lượng, thời điểm xe rời trạm trộn, nơi xe sẽ đến, tên người lái xe.

- Trước khi đổ hỗn hợp bê tông nhựa polyme vào phễu máy rải phải kiểm tra nhiệt độ hỗn hợp bằng nhiệt kế, nếu nhiệt độ bê tông nhựa polime dưới nhiệt độ quy định thì phải loại bỏ.

6. Rải bê tông nhựa polime

- Sử dụng máy rải chuyên dùng có hệ thống điều chỉn cao độ tự động để thi công Bê tông nhựa polime. Với những vị trí hẹp cục bộ mà máy rải không rải được thì cho phép rải thủ công .

- Tuỳ theo bề rộng mặt đường mà ta bố trí từ 1 đến 3 máy rải hoạt động đồng thời. Tốt nhất nên dùng hai hoặc ba máy rải hoạt động đồng thời trên 2 hoặc 3 vệt rải. Các máy rải được bố trí sole với khoảng cách từ 10 đến 20 m. Khi dùng một máy rải, trình tự rải phải được tổ chức sao cho khoảng cách giữa các điểm cuối của các vệt rải trong ngày là ngắn nhất.

- Tấm là và guồng xoắn phải được đốt nóng trước khi rải.

- Ô tô chở bê tông nhựa polime đi lùi tới phễu máy rải, bánh xe tiếp xúc đều và nhẹ nhàng với 2 trục lăn của máy rải. Sau đó lái xe điều khiển cho nâng thùng ben và đổ từ từ asphalt polime xuống giữa phễu máy rải. Lái máy rải điều khiển máy rải di chuyển từ từ về phía trước với vận tốc 5 km/h và đẩy ô tô di chuyển cùng ( ô tô để số 0). Máy rải bắt đầu tiến về phía trước khi bê tông nhựa nóng polime đã ngập tới 2/3 chiều cao guồng xoắn và phân đều dọc theo guồng xoắn của máy rải. Bê tông nhựa luôn để ngập thường xuyên 2/3 chiều cao guồng xoắn trong quá trình rải.

- Bộ phận chấn động trên tấm là của máy rải hoặc thanh đầm luôn hoạt động trong suốt thời gian rải bê tông nhựa polime.

- Để không xảy ra hiện tượng bề mặt bị nứt nẻ, bị xé rách hoặc không đều đặn thì máy rải sẽ di chuyển với tốc độ thích hợp dựa trên bề dầy của lớp rải và năng suất của máy. Trong suốt quá trình rải thì máy rải phải giữ đúng tốc độ và phải được tư vấn giám sát chấp thuận

- Bề dày rải phải được kiểm tra thường xuyên bằng thuốn sắt đã đánh dấu. Để lớp bê tông nhựa polime khỏi bị khấc thì trong quá trình rải tấm là được vặn tay nâng hạ từ từ trong trường hợp sử dụng máy không có bộ phận tự động điều chỉnh.

- Kết thúc ngày làm việc, lái máy điều khiển máy rải chạy không tải ra quá cuối vệt rải khoảng 5-7 m mới được ngừng hoạt động.

- Mối nối ngang:

  • Sau mỗi ngày làm việc mối nối ngang phải được sửa cho thẳng góc với trục đường. Phải dùng máy cắt bỏ phần đầu mối nối trước khi rải tiếp sau đó quét lên vết cắt bằng nhựa tưới dính bám để đảm bảo vệt rải mới và cũ dính kết tốt.
  • Các mối nối ngang của 2 lớp cách nhau ít nhất là 1m.
  • Các mối nối ngang của các vệt rải ở cùng 1 lớp được bố trí so le tối thiểu 25 cm.

- Mối nối dọc:

  • Mối nối dọc phải được cắt bỏ phần rìa dọc vết rải cũ khi để qua ngày làm việc, dùng nhựa tưới dính bám quét lên vết cắt sau đó mới tiến hành rải.
  • Các mối dọc của lớp trên nhựa polime và lớp dưới bê tông nhựa thường cách nhau ít nhất là 20 cm.
  • Các mối nối dọc của 2 lớp được bố trí sao cho các đường nối dọc của lớp trên cùng của mặt đường bê tông nhựa polime trùng với tim đường hoặc trùng với các đường phân chia các làn giao thông.

-.Trong quá trình máy rải làm việc, bố trí công nhân cầm dụng cụ theo máy để làm các việc sau:

  • Lấy trong phễu máy hỗn hợp hạt nhỏ san đều các chỗ rỗ, lồi lõm của mối nối, té phủ rải thành lớp mỏng dọc theo mối nối trước khi lu lèn;
  • Bù phụ và gọt bỏ những chỗ rỗ mặt, lồi lõm cục bộ trên lớp BTNP mới rải.

- Trường hợp máy rải đang làm việc bị hỏng và phải sửa chữa kéo dài hàng giờ thì phải báo ngay về trạm trộn tạm ngừng cung cấp bê tông nhựa polime và cho phép san nốt lượng hỗn hợp BTNP còn lại bằng máy san tự hành.

- Trường hợp đang thi công thảm bê tông nhựa gặp mưa đột ngột thì:

  • Báo ngay về trạm trộn bê tông nhựa tạm ngưng cung cấp bê tông nhựa polime;
  • Nếu lớp bê tông asphalt polime đã được lu lèn trên 2/3 tổng số lượt lu yêu cầu thì cho phép tiếp tục lu lèn trong mưa cho đến hết số lượt lu yêu cầu. Ngược lại thì phải ngừng lu và san bỏ bê tông nhựa polime ra ngoài phạm vị mặt đường. Đợi đến khi nào mặt đường khô ráo mới được tiếp tục rải.

- Độ dốc dọc của đoạn đường lớn hơn 4% phải tiến hành thi công rải bê tông nhựa polime từ chân dốc đi lên.

- Các quy định khi rải bằng thủ công ở các chỗ hẹp cục bộ :

  • Dùng xẻng xúc bê tông nhựa polime và đổ thấp tay, không được hất từ xa để tránh bê tông nhựa polime bị phân tầng;
  • Dùng cào và bàn trang trải đều bê tông nhựa polime thành một lớp bằng phẳng đạt dốc ngang yêu cầu, có bề dày bằng 1,25 – 1,35 bề dày lớp bê tông nhựa asphalt thiết kế.
  • Tiến hành rải thủ công những chỗ hẹp cục bộ này đồng thời với máy rải thảm bên cạnh để có thể lu lèn chung vệt rải bằng thủ công và vệt rải bằng máy bảo đảm mặt đường không có vết nối.

7. Lu lèn bê tông nhựa polime

- Thiết bị lu lèn bê tông nhựa polime gồm có ít nhất lu bánh hơi có lốp nhẵn, lu bánh sắt nặng 10-12 tấn và lu bánh sắt nhẹ 6-8 tấn đi theo một máy rải.

Ngoài ra có thể lu lèn bằng cách phối hợp các máy lu sau:

  • Lu bánh hơi và lu bánh cứng phối hợp
  • Lu rung phối hợp với lu bánh cứng.
  • Kết hợp Lu rung và Lu bánh hơi.

- Lu bánh hơi có khả năng hoạt động với áp lực lốp đến 8,25 daN/cm2 và phải có tối thiểu 7 bánh, các lốp nhẵn đồng đều. Bơm mỗi lốp tới áp lực quy định và chênh lệch áp lực giữa hai lốp bất kỳ không được vượt quá 0,03 daN/cm2.

Lu bánh hơi phải có các phương tiện để điều chỉnh tải trọng sao cho tải trọng trên mỗi bánh lốp có thể thay đổi từ 1,25 tấn đến 2,25 tấn.

- Ngay sau khi bê tông nhựa polime được rải và làm phẳng sơ bộ, cần phải tiến hành kiểm tra và sửa những chỗ không đều bằng rải thủ công. Nhiệt độ bê tông asphalt polime sau khi rải và nhiệt độ lúc lu phải nằm trong giới hạn đã quy định và được giám sát chặt chẽ.

- Sơ đồ lu lèn, tốc độ lu lèn, số lần lu lèn qua một điểm của từng loại lu, sự phối hợp các loại lu để đạt được độ chặt yêu cầu, được xác định trên đoạn rải thử.

- Máy lu phải theo sát máy rải bê tông nhựa polime để máy rải đi đến đâu thì máy lu lu lèn ngay đến đó. Trong các lượt lu sơ bộ, tấm là của máy rải sẽ ở gần bánh chủ động nhất. Tiến trình lu lèn của các máy lu phải được tiến hành liên tục trong thời gian bê tông nhựa polime còn giữ được nhiệt độ lu lèn có hiệu quả.

- Khi lu thì vết bánh lu phải chồng lên nhau ít nhất là 20 cm. Đầu tiên tiến hành lu cho mối nối dọc, sau đó tiến hành lu từ mép ngoài dịch dần về phía tim đường. Khi lu trong đường cong có bố trí siêu cao viêc lu sẽ tiến hành từ bên thấp dịch dần về phía bên cao.

Tại các điểm nằm trong phạm vi 1 mét các lượt lu không được dừng tính từ điểm cuối của các lượt trước.

- Trong quá trình lu phải thường xuyên sử dụng nước để làm ẩm bánh sắt đối với lu bánh sắt. Đối với lu bánh hơi, vài lượt đầu dùng dầu chống dính bám bôi mặt lốp, khi nhiệt độ của lốp xấp xỉ với nhiệt độ của bê tông nhựa polime thì sẽ không xảy ra tình trạng dính bám nữa.

Tuyệt đối không được làm ẩm lốp bánh hơi bằng nước. Không được dùng dầu cặn, dầu diezel hay các dung môi có khả năng hoà tan nhựa đường polyme để bôi vào bánh lu.

- Khi khởi động lu và đổi hướng tiến lùi... phải thao tác nhẹ nhàng và không thay đổi đột ngột để bê tông nhựa polime không bị dịch chuyển và xé rách.

- Các thiết bị nặng và máy lu không được đỗ lại trên bề mặt bê tông nhựa polime chưa được lu lèn chặt và chưa nguội hẳn.

- Trong khi lu lèn nếu thấy lớp bê tông nhựa polime bị nứt nẻ phải tìm nguyên nhân để điều chỉnh (nhiệt độ, tốc độ lu, tải trọng lu...).

Từ khóa » Cấp Phối Bê Tông Polyme