Biểu Tượng Hoa Hồng Từ Nữ Cảm Tôn Giáo Của Colleen McCullough

. LÊ SI NA

Hoa hồng là nguồn cảm hứng sáng tạo muôn thuở của nghệ thuật. Không phải chỉ vì đó là niềm tôn thờ của những người Bulgaria hay sự kiêu hãnh trong dáng dấp của một loài hoa nữ hoàng mà không sự cao quý nào chạm đến được, mà còn vì câu chuyện về những bông hoa ấy khiến người ta nhận ra, rằng tất thảy những điều kì diệu và cao đẹp nhất trên cuộc đời này có lẽ đều phải được đánh đổi và trả giá bằng những nỗi buồn lộng lẫy, bằng sự hi sinh, bằng đớn đau hay bằng cả cái chết.

Thần thoại Hi Lạp từng kể, hoa hồng được sinh ra từ chính máu và nước mắt của thần Aphrodite khi nàng chịu gai đâm băng rừng tìm người yêu là Adonis. Huyền thoại đẹp đẽ này khiến người ta nghĩ đến con chim lao mình vào bụi mận gai để được một lần cất tiếng hót trong đời ở The Thorn Birds của nữ văn sĩ người Úc Colleen McCullough. Cuốn tiểu thuyết ngọt ngào và buồn thương này để lại trong lòng người đọc nhiều day dứt, và hoa hồng, màu tro của hoa hồng đã bám riết tâm trí độc giả mãi không thôi. Màu tro của hoa hồng ấy đã có khi nhạt nhòa mong manh, có lúc rơi vào hố thẳm khôn cùng của tuyệt vọng và hủy diệt nhưng vẫn cứ nồng nàn trong trái tim đức cha Ralph de Bricassart, bền bỉ mãnh liệt và đầy thách thức trong cuốn Kinh thánh mà Hồng y giáo chủ vẫn mang bên mình, xuyên suốt từ đầu đến cuối thiên truyện như một biểu tượng đầy dẫn dụ và ám ảnh về tôn giáo, tính nữ và tình yêu.

Phụ nữ là một vấn đề luôn được đặt ra trong các tôn giáo lớn. Nếu cho rằng “lịch sử giới nữ là lịch sử của câm lặng và giông bão” (Trần Huyền Sâm) thì lịch sử của phụ nữ với tôn giáo là lịch sử của khuôn mẫu và định kiến, của cấm kị và hà khắc, của thừa nhận và chống đối. Vậy nên, không phải nhà văn nào cũng đủ dũng cảm đặt cả hai phạm trù này bên cạnh nhau. Nhưng, trước tường thành bí ẩn và thiêng liêng này, McCullough đã vượt qua ấn định giáo lí thông thường để viết nên Tiếng chim hót trong bụi mận gai mà ở đó những nhìn nhận về tôn giáo đã được tượng hình bằng một nguồn cảm hứng lãng mạn nhưng đầy kịch tính, gay gắt mà không kém phần phóng khoáng bay bổng, bằng một nữ cảm tôn giáo mạnh mẽ, quyến rũ và mê đắm lạ thường.

Tiếng chim hót trong bụi mận gai, đồng hành với xứ sở Drogheda diệu kì là câu chuyện về ba thế hệ nhà Cleary trong suốt chiều dài thời gian hơn nửa thế kỉ trên đất Úc châu từ năm 1915 đến năm 1969. Họ đã sống với thiên nhiên, với những bi kịch của kiếp người được vùi chôn giấu kín, những mất mát, hận thù, chia li. Trung tâm của câu chuyện là cuộc gặp gỡ cùng mối tình kì lạ giữa Meghann, tên gọi thân mật là Meggie, và vị cha xứ Ralph de Bricassart. Bằng những gì trong khiết và say đắm nhất, bất chấp tuổi tác, không - thời gian, những cấm kị tôn giáo, họ yêu nhau, vượt lên trên cả tình yêu đối với Chúa…

Không phải ngẫu nhiên mà ở cuốn tiểu thuyết có sự đấu tranh dữ dội giữa tình yêu và tôn giáo này, hoa hồng trở thành một hình ảnh xuất hiện đậm nét và trở đi trở lại (17 lần) như thế. Với văn hóa phương Tây, hoa hồng mang vẻ đẹp của người Mẹ thánh thần, biểu thị cho sự hoàn mĩ trọn vẹn. Nó tượng trưng cho phần thưởng của cuộc sống, cho tâm hồn và trái tim. Hoa hồng là hoa của tình yêu thay thế cây sen Ai Cập, cây thủy tiên Hi Lạp. Đó là loài cây kiêu kì, sống bền bỉ, gai góc nhưng rất đỗi dịu dàng như một tình yêu trong trắng và hiến dâng. Trong hệ tranh tượng đạo Kitô, hoa hồng lại được coi như là chén hứng máu Chúa hoặc là sự hóa thân của những giọt máu này, hay là biểu tượng những vết thương của Chúa. Với cái nhìn ấy, hoa hồng còn như là nỗi đau, là sự bí ẩn thiêng liêng gắn liền với linh hồn, đức tin và Chúa trời.

Colleen McCullough đã để cho câu chuyện tình yêu đậm sâu, đầy day dứt khắc khoải, chưa một giây phút nào bị nguôi quên mà mình kể bàng bạc sắc hồng, vương vấn hương thơm như để vừa ngợi ca những gì cao khiết nhất, vừa trải nghiệm trái cấm tội lỗi, vừa dấn thân một cách đớn đau tự nguyện, lại vừa kiêu hãnh tràn đầy thách thức… Có lẽ, điều khiến người ta đau đáu và khắc khoải với Tiếng chim hót trong bụi mận gai không phải chỉ là những vườn hồng rực rỡ tuyệt đẹp ở trang trại Drogheda - lí do níu giữ bước chân linh mục khả kính, nền cảnh cho tình yêu của Ralph de Bricassart với Meggie bé nhỏ - mà còn là màu hoa với những biến thể khác nhau mang nhiều ẩn dụ kín đáo, thâm trầm và sâu sắc.

Màu tro của hoa hồng trước tiên chính là màu của một chiếc váy lộng lẫy, biểu tượng của nữ tính và cũng chính là biểu tượng cho vẻ đẹp của Meggie. Vào sinh nhật lần thứ bảy mươi hai của bà Mary Carson, chủ nhân trang trại Drogheda, một cuộc chiêu đãi lớn được tổ chức và Meggie khi ấy tròn mười bảy tuổi, mặc một chiếc váy dài thêu những bông hoa hồng. “Bộ áo không bóng, màu xám nhạt có ánh hồng dịu dàng - trong những năm ấy được gọi là tro của hoa hồng”. Bộ váy được Meggie yêu quý, mặc lại nhiều lần và màu của chiếc váy cũng như được sinh ra để dành riêng cho nàng. (Đến vài thế kỉ sau, rất nhiều ngành nghệ thuật, công nghiệp thời trang qua những bức tranh hay các bộ sưu tập đều có tham vọng tái hiện, biểu đạt màu sắc ấy. Từ câu chuyện về Meggie, màu tro hoa hồng được xem là màu thời thượng nhất). Đó là màu của những cánh hồng bị đốt, không rực rỡ lấp lánh mà dịu dàng thuần khiết đầy mê đắm và ám ảnh không biết bao nhiêu ánh nhìn, trong đó có cha Bricassart. Khi Meggie bước xuống cầu thang trong bộ váy tro của hoa hồng, cha cũng như mọi chàng trai khác đều bị choáng ngợp. Và ngay trong khoảnh khắc, cha Bricassart không còn là một vị linh mục nữa mà là một người đàn ông lặng lẽ ngắm nhìn vẻ đẹp của cô gái. Đúng vào thời điểm đó, mọi sự kết hợp như vô ý bỗng được sắp xếp đan cài vào nhau, màu sắc của chiếc váy dạ hội, ánh mắt nồng nàn nhung nhớ cùng mái tóc bềnh bồng khiến cho Meggie bé bỏng vụt sáng, trở thành một thiếu nữ quyến rũ đầy nữ tính.

Nếu như trong Kinh thánh, phụ nữ luôn là một nhân vật bên lề thì ở Tiếng chim hót trong bụi mận gai, từ lúc còn bé con cho đến khi làm một người đàn bà trưởng thành, một người mẹ, Meggie lại chính là trung tâm. Ở Kinh thánh, lời của thánh Timothy từng được chép lại rằng: “Khi nghe lời dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng. Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng, vì Ađam được tạo dựng trước rồi mới đến Eva”. Vậy nhưng Meggie con chiên ngoan đạo của Chúa trời lại mang nỗ lực vượt thoát khỏi bóng tối câm lặng đã đè nén từ hàng ngàn năm, khát khao được cất lên tiếng nói thầm kín đầy kiêu hãnh quyền lực và thực sự thống trị trái tim người phụng sự Chúa, chỉ qua ngôn ngữ của một màu áo. Để rồi với Ralph, cô gái ấy chính là hoa hồng. Từ cách Ralph nhìn Meggie, “quan sát cái miệng hoa hồng hé nở” cho đến suy nghĩ “Meggie là hoa hồng” đều khiến người ta nhận ra, rằng Kinh thánh có thể đồng hành với đức Hồng y giáo chủ nhưng trên hành trình tạo nên sự sống với những nỗi đau và niềm hạnh phúc bản thể không thể cự tuyệt hay khước từ thì vẻ đẹp cùng thiên tính nữ của Meggie mới thật sự là ám ảnh. Như thế, chiếc váy màu hồng và sắc tàn tro trong lần đầu tiên xuất hiện rực rỡ đã như một tiếng nói khẳng định bản ngã, một tiên đoán theo suốt cuộc đời Meggie như một định mệnh thiêng liêng…

Tro của hoa hồng. Thật khó để hình dung một cách cụ thể rõ ràng về sắc màu diệu vợi mà Colleen McCullough nhắc lại nhiều lần trong tiểu thuyết nhưng hẳn nhiên không chỉ là màu của một bộ xiêm áo lộng lẫy, đó còn là thứ màu chất chứa tuyệt vọng, biểu thị cho sự mong manh, xa vời, khó nắm bắt, màu của tận cùng nỗi đau và tình yêu. Qua hơn tám trăm trang sách, cuộc tình buồn thương mà đẹp đẽ đến nao lòng của hai nhân vật chính đã chạm đến trái tim của hàng triệu người đọc. Meggie yêu Ralph bằng tình yêu đầu đời thơ ngây trong sáng của cô bé con, rồi tình yêu ấy trăn trở lớn lên thành khao khát chiếm hữu và day dứt khôn nguôi với yêu và hận của người đàn bà bởi trái tim linh mục Ralph de Bricassart thuộc về nàng nhưng lí trí của ông lại đặt ở Chúa. Meggie dù có dũng cảm can trường, bao nhiêu lần khắc khoải vẫy vùng để đấu tranh thậm chí giành lấy tình yêu thì cũng bấy nhiêu lần đau khổ bất lực. Và mãi mãi với Meggie, đó là tình yêu ngoài tầm với. Tro của hoa hồng chính là màu của khao khát phải kìm nén, của xúc cảm riêng tư giằng co với tham vọng hoài bão, là màu của tình yêu bị hủy diệt. Trong cuốn tiểu thuyết, cha Ralph chọn con đường công danh ở Giáo hội và khoản tiền thừa kế kếch xù chứ không phải là Meggie. Những cánh hồng vì thế mà trở nên bé nhỏ yếu ớt dễ dàng bị giẫm đạp, bị đốt cháy. Đêm ấy trong khu vườn nhà Mary Carson, chính Ralph de Bricassart đã bày tỏ những ý nghĩ trong rời rạc, vỡ vụn, đứt nối và tự thú với lòng mình: “Những hoa hồng. Tro của hoa hồng... Meggie thân yêu của ta, ta đã bỏ rơi em. Nhưng em có hiểu không, em đã trở thành một mối đe dọa? Cho nên, ta đã giẫm nát Meggie dưới đế giày tham vọng; Meggie không còn gì khác hơn là một hoa hồng tan tác trên cỏ”… Với sự lựa chọn quyết liệt, lạnh lùng tỉnh táo của Ralph, tình yêu bắt buộc bị lí tưởng chôn vùi ngay khi vừa chớm nở…

Vậy nhưng, màu tro của hoa hồng trong cảm quan của Colleen McCullough, trên tất thảy, cũng chính là màu của tình yêu vĩnh cửu. Tình yêu có thể khó níu giữ, bị đe dọa, cố gắng lấp vùi nhưng vẫn kiên cường bền bỉ vượt qua mọi đổ vỡ va chạm của thời gian và cuộc đời. Angelus Silesius từng coi hoa hồng là hiện thân của linh hồn và cũng là hình ảnh của Chúa Kitô mà hồn ta mang dấu ấn. Hoa hồng bằng vàng xưa kia do Giáo hoàng ban tặng vào ngày chủ nhật thứ tư của Tuần Chay lớn là biểu tượng của sự phục sinh và bất tử. Saadi de Shiraz trong giáo phái thần bí đạo Hồi cũng cho rằng sự tương hợp của hoa hồng với máu chảy thường xuất hiện như một sự hồi sinh thần bí. Trong cái nhìn ấy, tro của hoa hồng trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai là ẩn dụ của tình yêu bất tử và hồi sinh, mãnh liệt đầy thách thức, dám đương đầu với tất thảy, là tình yêu tưởng chừng đớn đau đến tan nát, nghiệt ngã đến xé lòng nhưng chưa một lần tàn phai. Thậm chí, Ralph có nỗ lực hủy diệt bao nhiêu thì tình yêu ấy càng sống dậy bấy nhiêu, Meggie càng cố gắng quên lãng chừng nào thì tình yêu ấy càng lớn lên, hiện hữu. Trong tiểu thuyết có chi tiết một bông hồng màu tro nhạt, bông hồng còn sót lại cuối cùng qua một đám cháy dữ dội ở Drogheda được Meggie tìm thấy và trao tặng cho Ralph, ông đã đặt nó giữa những trang Kinh thánh luôn mang theo bên cạnh suốt cả cuộc đời. Vậy ra, người ta đấu tranh lí trí dữ dội để giữ cho bằng được tham vọng quyền lực và khát vọng tôn giáo nhưng chẳng thể nào dập tắt được tình yêu ngự trị trong trái tim mình. Đóa hồng đó, qua bao tháng năm vẫn khơi gợi những cảm giác nồng nàn, vẫn luôn làm Ralph bối rối và xúc động. Và cũng chỉ có tình yêu như đóa hồng kia mới đủ lớn lao xô đẩy Ralph de Bricasart cởi bỏ tấm áo choàng khả kính của đức Tổng giám mục để tìm đến đảo Matlock với Meggie. Chỉ có tình yêu mới đủ khiến Ralph dám vượt qua ranh giới để sống đúng với bản thể, để biết cảm giác thức dậy vào buổi sáng bên cạnh một người phụ nữ, ấm áp và ngọt ngào, để biết được cuộc đời này trần tục mà thiêng liêng và thần thánh hóa cuộc đời là ảo tưởng. Bởi, dẫu có tôn sùng hay quy phục Chúa, trước tình yêu và hạnh phúc đời thường, người ta không thể phủ định thân phận làm người của chính mình. Và bởi, con người dẫu có vĩ đại đến đâu thì trước tình yêu họ cũng chẳng thể là thánh thần.

Viết về tình yêu trong mối quan hệ với tôn giáo, đặc biệt từ góc nhìn và cảm nhận của nữ giới, nhà văn Colleen McCullough đã bản lĩnh đào sâu vào vùng đất cấm kị, rũ bỏ đi lớp áo thành kiến nặng nề, thực hiện một cuộc đối thoại giữa những chế định thần thiêng gò bó và khát vọng hạnh phúc, tự do trần tục của bản thân sự sống. Tiếng chim hót trong bụi mận gai cùng biểu tượng hoa hồng, tro của hoa hồng đã trở thành một bài ca về thiên tính nữ, cất lên bởi vẻ đẹp và giá trị của người phụ nữ và tình yêu trong cuộc sống đời thường, mang lại cho hàng triệu người đọc niềm thích thú mê say, điều mà không phải tác phẩm văn học nào cũng có được.

L.S.N

VNQD

Từ khóa » Hoa Hồng Trong Bụi Mận Gai